Di tích lịch sử đình đền chùa văn tiến

Di tích lịch sử đình đền chùa văn tiến

 

THANH TỬU 

Từ trung tâm thành phố Yên Bái, theo đường mang tên Quốc mẫu Âu Cơ chừng 5 km, tới ngã tư đầu cầu Văn Phú rẽ trái 1km là tới Di tích Lịch sử đình, đền, chùa Văn Tiến. Đây là một quần thể di tích hội đủ cả ba thiết chế văn hóa gắn với lịch sử mảnh đất Văn Quỳ- Văn Tiến xưa (nay thuộc xã Văn Phú- thành phố Yên Bái). Đình, đền, chùa Văn Tiến được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2016- niềm tự hào không chỉ của người dân thôn Văn Quỳ mà còn là di tích có giá trị lịch sử, một cảnh quan văn hóa nổi bật của thành phố Yên Bái.

Thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến trước đây (nay thuộc xã Văn Phú- thành phố Yên Bái) là địa danh có lịch sử lâu đời bên tả ngạn sông Hồng. Thời Hùng Vương, xã Văn Tiến thuộc bộ Tân Hưng, nước Văn Lang; thời Lê thuộc huyện Trấn Yên- phủ Quy Hóa. Năm 2008, thành phố Yên Bái mở rộng địa giới, Văn Tiến trở thành 1 trong 17 đơn vị hành chính của thành phố. Nay, sáp nhập với xã liền kề thành xã Văn Phú. Thôn Văn Quỳ là mảnh đất ven sông Hồng, có thổ nhưỡng màu mỡ, ruộng đầm xen lẫn đồi gò, thuận tiện giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt..., là địa bàn sinh sống lý tưởng của cư dân nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm nghề chài lưới và vận tải trên sông. Chính vì vậy, Văn Quỳ từ lâu đã có các chòm xóm dân cư quần tụ, hình thành nên không gian đặc trưng của làng quê Việt với mái đình, bến nước, cây đa cùng những thiết chế văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa, miếu... Đây cũng là không gian văn hóa mang tính truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam với quan niệm: Lập làng ở đâu thì dựng đình, đền, chùa ở đó, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng dân gian và gắn kết tình cảm cộng đồng. Đình, đền, chùa Văn Tiến cũng được dựng lên trong quá trình khai sơn, lập làng của người dân Văn Quỳ từ hàng trăm năm trước. Di tích Lịch sử bao gồm ba thiết chế đình, đền, chùa Văn Tiến tọa lạc ở vị trí đẹp, tựa lưng vào Gò Kíp, phía trước có đầm sen trải rộng, mỗi độ hạ sang lại ngan ngát hương thơm; trong khuôn viên bốn mùa xanh mát bóng cổ thụ với quần thế 3 cây đa đã trên 200 tuổi. Quần thể đa cổ thụ vào hàng bậc nhất ở thành phố Yên Bái này, tạo nên một nét chấm phá sinh động giữa bức tranh làng cổ Văn Quỳ.

Đình, đền, chùa Văn Tiến là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương. Tại sân đình, từng diễn ra các cuộc mít tinh, hội họp, liên lạc giữa nhân dân Văn Tiến với cấp trên và chiến khu Vần thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đình Văn Tiến cũng chính là nơi tập kết thóc, sau khi các phu điền người địa phương cùng với nhân dân vùng dậy phá kho thóc của các đồn điền địa chủ phong kiến trong vùng, lấy lương thực cứu đói cho hơn 500 người dân qua nạn đói kinh hoàng năm 1945. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đình làng Văn Quỳ luôn là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử quê hương và ký ức tự hào của người dân Văn Tiến.

Di tích Lịch sử cấp tỉnh đình, đền, chùa Văn Tiến có diện tích trên 1.370 m2, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cả về kiến trúc cũng như cảnh quan, tạo nên điểm nhấn trong hành trình du lịch tâm linh của thành phố Yên Bái.

Đình làng Văn Quỳ còn có tên gọi là đình Thạch Linh, khi khởi dựng chỉ với kiến trúc đơn sơ, làm nơi thờ Thành hoàng làng. Năm 1941 các thế hệ người Văn Quỳ góp công sức, lấy gỗ dựng đình làng bề thế 3 gian vững chãi, hướng Đông Nam, bên phải có sông Hồng, bên trái là chòm xóm dân cư quần tụ. Đình thờ Thành hoàng làng có hiệu là Trịnh Nguyên (tên húy là cụ Ngô- một tướng quân được cử đi dẹp giặc phương Bắc, đã nuôi quân đánh giặc ở khu vực này và khai phá mở mang vùng đất Văn Quỳ). Đình từng được sắc phong, do chiến tranh, lũ lụt... đã bị thất lạc. Đình làng Văn Quỳ, từng là nơi hoạt động của Ủy ban kháng chiến, lãnh đạo vận chuyển lương thực, thực phẩm qua sông Hồng vào Chiến khu Vần và tổ chức lực lượng phá đường sắt khu vực ga Văn Phú, cắt đường vận chuyển của thực dân Pháp... Năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom đánh phá Miền Bắc, đình làng Văn Quỳ bị sập hỏng hoàn toàn. Sau này, người dân Văn Quỳ khôi phục lại di tích với kiến trúc nhỏ hơn, làm nơi thờ cúng Thành hoàng và tổ chức các hoạt động của làng. Đình làng Văn Quỳ hiện nay có diện tích 60 m2. Trong đình hiện còn giữ được một cỗ ngai thờ Thành hoàng và một số đồ thờ như chân nến, tượng ngựa nhỏ, đao gỗ, vỏ kiếm... gắn với lịch sử đình xưa.  Không gian thờ tự được bài trí theo mô típ truyền thống: Hậu cung thờ Thành hoàng làng; gian tiền tế, bên tả thờ Văn Quan, bên hữu thờ Võ Tướng. Đình là nơi gặp gỡ, bàn bạc việc làng, thắt chặt tình cảm gắn kết cộng đồng, hướng về nguồn cội, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sơn lập làng; phát huy truyền thống quê hương xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cùng với đình, trong khuôn viên Di tích Lịch sử còn có một ngôi đền nhỏ với tên tự là Địa Linh Từ. Khởi dựng, đền cũng ở gần đình Thạch Linh. Đền thờ bà chúa Mai Thị Quế. Do ảnh hưởng chiến tranh, đền và đình bị sập hỏng. Năm 1958, đền được chuyển ra gềnh đá sát bờ sông Hồng, nơi có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng, tạo nên cảnh quan đẹp và linh diệu. Sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, năm 1971 đền được chuyển về vị trí hiện nay, sát bên đình làng Văn Quỳ.

Địa Linh Từ hiện nay, có kiến trúc gồm một gian tiền tế và hậu cung. Hậu cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thủy theo truyền thống thờ mẫu của người Việt). Đỉnh hậu cung treo trang trọng bức đại tự “Địa Linh Từ”, nghĩa là: Ngôi đền ở nơi đất thiêng. Gian tiền tế bài trí các ban thờ Ngũ vị Tôn Quan; ban thờ Tam Hoàng (Đức ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười, Hoàng Bơ); ban thờ Đức Thánh Trần, chúa Sơn Trang và có một ban riêng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đền còn có đôi câu đối chữ Hán, văn phong trau chuốt, ý tứ hàm súc, đề cao ân đức của Thánh Mẫu. “Thánh đức huy hoàng nghĩa nhân thiên cổ thịnh- Mẫu nghi hiển hách công đức vạn niên xương”. Hiện trong đền còn lưu giữ 2 pho tượng cổ Cửu thiên huyền nữ công chúa và một số hiện vật đồ thờ như kiếm gỗ, chuông nhỏ.

Phía trong của khu di tích là một ngôi chùa có diện tích 60 m2, tạo nên một không gian gắn kết 3 thiết chế văn hóa tâm linh đình, đền, chùa. Chùa được xây dựng gồm một gian đại điện và một hậu cung. Cách bài trí thờ tự trong chùa theo mô típ chùa truyền thống. Hậu cung là nơi thờ Phật Tam Thế ở vị trí cao nhất; tiếp đó là thờ Đức Di Đà, Đức Phật Quan Âm và Đức Thế Chí Bồ Tát; vị trí thứ ba thờ Đức Phổ Hiền, Đức Quan Âm Chuẩn Đề và Đức Văn Thù Bồ Tát; vị trí thứ tư thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; dưới cùng là tòa Cửu Long Chân Châu ( 9 rồng nhả ngọc ) gợi hình ảnh lúc Đức Phật được sinh ra, 7 bước đi của Ngài được 7 đài sen nâng bước. Hậu cung được trang hoàng một bức cuốn thư với 3 Hán tự: “Văn Tiến Tự” có nghĩa là chùa Văn Tiến và đôi câu đối “Đức Phật hiển linh ban tài tăng phúc lộc- Nhân tâm công đức lưu truyền hậu đại vinh”. Chính giữa Đại điện là ban thờ 7 Đức Phật Dược Sư; bên phải là nơi thờ Đức Ông- Thập Bát long Thần; bên trái thờ Ngài Khải Giáo- Đức Lan Đà (Đức Thánh Hiền chuyên cứu độ chúng sinh). Trong chùa còn thờ Đức Địa Tạng Bồ Tát.

     Có vị trí đắc địa, không gian lý tưởng, thuận tiện giao thông... nhưng cả cụm cảnh quan di tích này, mới có hơn 1300 m2 nên việc khôi phục đình làng trên nền xưa đất cũ; xây dựng đại điện để không gian thờ tự được rộng rãi hơn đáp ứng nhu cầu tâm linh và tôn tạo cảnh quan di tích xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có có của đình, đền, chùa Văn Tiến, luôn là tâm nguyện của nhân dân, Phật tử cũng như những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tâm linh ở đất này.

Đình, đền, chùa Văn Tiến không chỉ chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất mà đã trở thành hình ảnh thân thương trong tâm khảm của các thế hệ người dân Văn Quỳ- Văn Phú. Những lễ hội hằng năm được tổ chức đồng thời tại đình, đền, chùa được duy trì đến ngày nay như: Lễ khai Xuân (mùng 7 tháng Giêng); lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng); mùng 10 tháng 3 âm lịch (lễ Thánh Mẫu cầu an); mùng 8 tháng 4 âm lịch (lễ Phật Đản); mùng 10 tháng 10 âm lịch (Lễ cầu cơm mới) và 25 tháng Chạp (lễ tất niên, tạ thần) gắn với các hoạt động hội làng, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian... luôn mang giá trị nhân văn, tôn vinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; thắp sáng tình cảm gắn bó cộng đồng cùng những mong ước về cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền; tâm huyết của Tăng ni, Phật tử và tấm lòng “Hằng tâm, hằng sản” của du khách thập phương... đình, đền, chùa Văn Tiến sẽ từng bước được quy hoạch tôn tạo, xứng tầm với giá trị của Di tích lịch sử cấp tỉnh. Và một Đại điện khang trang cũng sẽ được dựng lên trong niềm hoan hỉ của Tăng ni- Phật tử, góp phần tạo điểm nhấn cho không gian di tích vốn đã được thiên nhiên ưu đãi bởi địa thế, cảnh quan với quần thể cổ thụ đa làng có tuổi đời hơn 2 thế kỷ. Để Di tích lịch sử Đình, đền, chùa Văn Tiến (nay thuộc xã Văn Phú) không chỉ mãi là hình ảnh thân thương trong tâm thức người dân thôn Văn Quỳ, mà còn là địa chỉ hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh nơi thành phố Yên Bái bên con sông Hồng miệt mài qua năm tháng, mang trong mình bao ký ức phù sa.

                                                                              T.T

                       

Các tin khác:

6-10 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter