Độc đáo lễ Tẳng Cẩu của người Thái đen ở Mường Lò

              Hoàng Tương Lai

 

             Dân tộc Thái đen ở vùng Tây Bắc nói chung và người Thái đen ở Mường Lò nói riêng đều có chung một nét văn hóa độc đáo đó là lễ “Tẳng cẩu” trước khi về làm dâu nhà chồng. “Tẳng cẩu” hay " Khửn cẩu" tức là búi tóc ngược lên đỉnh đầu. “Tẳng cẩu” là dấu hiệu cho mọi người biết người con gái đã có chồng. Tục lệ: Khi đôi trẻ nam nữ đã đến tuổi trưởng thành, qua tìm hiểu nhau, được sự đồng ý thống nhất tổ chức đám cưới. Nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt thống nhất với nhà gái. Nhà trai cử hai người phụ nữ, là những người có cuộc sống thành đạt, êm ấm, hạnh phúc, khéo giao tiếp, hiểu biết về phong tục tập quán, có giọng hát hay và thuộc nhiều bài hát về cưới xin của dân tộc mình. Là người trực tiếp chải chuốt búi tóc “Tẳng cẩu” cho cô dâu. Nhà trai chuẩn bị hai cặp búi tóc độn, mỗi búi cuộn lại to bằng nắm tay, dài từ 40 đến 60 cm, buộc chắc một đầu. Búi tóc độn đó là những sợi tóc rối của phụ nữ bên nhà trai gom lại từ lâu theo năm tháng. Mái tóc càng dày càng mượt càng dễ búi, dễ quấn. Lễ vật mang theo gồm: một chiếc trâm cài tó, đôi lắc tay, đôi bông tai bằng bạc trắng, cuộn chỉ thổ cẩm màu xanh lá cây, dây lưng, gương lược để trao tặng cho cô dâu. Lễ vật khác mang theo để cúng tổ tiên gồm: Hai con gà luộc, hai gói nếp xôi, hai chai rượu, hai cặp trầu cau, tất cả phải có đôi. Sau khi thắp hương, đặt lễ vật để cúng gia tiên. Ông thầy cúng trình lời cúng: “Không cáo không biết mặt, không nhắc không biết tên. Hai bên gia đình, một bên có con trai, một bên có con gái và hai người đã phải lòng nhau. Hôm nay, chọn được ngày lành tháng tốt, bên nhà trai mang lễ vật đến dâng lên tổ tiên xin được làm lễ “Tẳng cẩu” cho con dâu, cho phép hai con được thành vợ thành chồng. Chúc hai con về chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung đệm, đắp chung chăn. Nguyện chung sống với nhau như đôi đũa, như đôi chim cu gáy quấn quýt bên nhau, yêu thương nhau từ lúc còn son cho đến lúc đầu bạc răng long. Lúc này còn trẻ, mai kia già xấu không được chê già, không được bỏ nhau, ốm đau không được từ, vợ chồng chung thủy cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay...”

            Được sự đồng ý của tổ tiên, hai bà mối mang lễ vật gồm chiếc mâm có các lễ vật như lọn tóc, đôi lắc tay, cuộn chỉ màu, đôi bông tai cùng gương lược mang vào buồng cô dâu. Người nhà giúp thắp hương, đèn dầu hoặc nến lên mâm. Cô dâu lúc này đã thay váy áo mới ngối quay mặt về hướng mặt trời mọc có chiếc mâm để trước mặt. Một bà mối nói lời trước sự chứng kiến của toàn thể hội hôn: “Hôm nay là ngày đẹp tháng tốt, giờ tốt. Bên nhà trai ưng thuận nhận về làm con. Tôi mang theo chiếc lược sừng về chải tóc búi lên thành “Tẳng cẩu”. Từ nay trở đi, tóc được búi lên thành “Tẳng cẩu” thì thuyền theo lái, gái theo chồng, đi rừng thấy cây măng đừng nhổ, ra đường thấy trai tân không liếc mắt bắt chuyện, phải thủy chung son sắt, yêu thương nhau cho đến đầu bạc răng long”.

Bà mối đứng ở phía sau cô dâu nhẹ nhàng chải tóc rồi hai tay bà vuốt ngược tóc từ sau gáy lên, kèm theo hai lọn tóc bện cùng và búi cuốn chặt từ phía trái sang phải. Khi búi tóc đã cuộn tròn lại trên đỉnh đầu, bà mối khẽ đưa chiếc trâm bằng bạc gài xuyên búi tóc để giữ cho cẩu. Điểm sáng nét hoa văn trên chiếc trâm nổi trên nền đen óng mượt của mái tóc cô dâu. Vừa búi tóc, bà mối vừa hát. Bà hát thong thả, rõ ràng, tha thiết như nhắn nhủ, nhắc nhở cái thời khắc hệ trọng của đời người con gái từ nay đã có chồng:

 “Òi ì ời ơi.. mái tóc dài

 Chải cho mượt

 Búi lên thành tẳng cẩu

 Từ nay về sau người đã có chồng

 Vợ chồng con đã thành đôi

 Theo nhau như đôi gà, đôi vịt

 Yêu nhau cho đến trọn đời

 Nước không đổi dòng

 Lòng không đổi hướng

 Đừng bao giờ để tóc buông xuôi...”.

Bà mối hát dài dài, giọng run run, tha thiết. Đôi nến sắp cháy hết, bà vẫn hát, giọng bà rưng rưng như sắp khóc. Cô dâu cứ để hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má ửng hồng, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của người con gái bước chân về nhà chồng. Người chồng đứng cạnh đấy cũng cảm nhận được giây phút linh thiêng của người vợ chuẩn bị bước xuống những bậc cầu thang về nhà mình.

Tẳng cẩu” rồi người phụ nữ không được tự tiện bỏ xuống (buông tóc). Trong cuốc đời chẳng may chồng bị ốm đau bệnh tật hoặc tai nạn mất. Người phụ nữ lúc ấy còn trẻ muốn đi bước nữa, được sự đồng thuận giúp đỡ của nhà chồng. Chọn ngày lành tháng tốt, người nhà bưng chậu nước lá thơm gội đầu ra ngoài sàn, lúc đó có người chị hoặc người anh em thân thích bên nhà chồng dắt người chuẩn bị bỏ cẩu giúp bỏ mái tóc “Tẳng cẩu” xuống. Người phụ nữ đó  chắp tay vái bốn phương trời, khấn rằng “Chồng con chẳng may bị... nay con đành mang tiếng không trọn đời chung thủy với chồng con, vì cuộc sống ngày mai, con xin vái lạy ông trời thương con, cho con bỏ “Tẳng cẩu” xuống để bắt đầu làm lại cuộc đời...”.  Người nhà giúp bỏ mái tóc “Tẳng cẩu” xuống rồi gội đầu, đợi khi hong tóc khô rồi mới bước vào nhà chắp tay vái bố mẹ, cô dì, chú bác, anh chị xin phép được đi bước nữa.

            Hình ảnh cô gái Thái với chiếc áo cỏm có hàng khuy mác pém như những con bướm xinh đậu trước ngực, chiếc váy dài gần chấm mắt cá chân, trên đầu là búi tóc “Tẳng cẩu” càng tôn lên vẻ đẹp vốn có của người con gái Thái Đen vùng Tây Bắc. “Tẳng cẩu” là phong tục riêng có của dân tộc Thái Đen đã có từ xa xưa duy trì cho đến ngày nay. Đó là “Tục lệ” mang đậm chất nhân văn vốn có của người Thái đen vùng Tây Bắc nói chung và của vùng Mường Lò, Yên Bái nói riêng.

 

              H.T.L

 (Sưu tầm và giới thiệu)

 

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter