Giá trị của Xòe trong văn hóa tinh thần của người Thái đen Mường Lò

NGUYỄN MẠNH HÙNG

 

 Xé voóng theo tiếng Thái có nghĩa là Xòe vòng (múa vòng), một hình thức múa cộng đồng, những người múa nắm tay nhau cùng múa xung quanh một đống lửa lớn trong những ngày lễ hội, các dịp sinh hoạt văn hóa tập thể mang tính chất cộng đồng cao. Đặc biệt, trong các dịp tết Nguyên đán và tết Síp xí của đồng bào thì Xòe Thái thường được tổ chức ở khắp các làng bản của đồng bào. Xòe Thái là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có vai trò quan trọng trong cộng đồng đã tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây từ hàng trăm năm nay, khi mà tổ tiên người Thái đen đặt bước chân đầu tiên tới cánh đồng Mường Lò rộng lớn, trù phú, mà sau này trở thành cái nôi văn hóa của người Thái đen Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Xòe Thái mang tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trải qua thời gian chống chọi với thiên nhiên, giặc giã thì Xòe ngày càng phát triển và không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái đen Mường Lò. Đây là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này đã khẳng định một lần nữa giá trị vô cùng to lớn và quan trọng của Xòe Thái, không chỉ trong sinh hoạt văn hóa của cộng động người Thái ở Mường Lò và khu vực Tây Bắc, mà nó còn được vinh danh, gìn giữ và phát huy trên toàn thế giới như một giá trị nhân văn đặc săc của nhân loại.

Xòe mang giá trị lịch sử

Xòe phản ánh những giá trị lịch sử trong quá trình di thiên của người Thái tới Mường Lò, quá trình khai phá mở mang đất đai và lãnh địa cư trú, phát triển nông nghiệp lúa nước với những kỹ thuật đạt tới đỉnh cao. Đồng thời Xòe còn thể hiện những ước nguyện của người dân về một cuộc sống ấm no, tốt đẹp. Theo các nghệ nhân dân gian người Thái đen, xuất phát từ điều kiện sống thực tế, con người luôn phải chống chọi lại với thiên tai, bão lũ, chống chọi lại với thú dữ và giặc giã xâm hại bản mường. Để tồn tại và phát triển như ngày nay, đồng bào luôn luôn phải đoàn kết, gắn bó với nhau, cùng nhau chinh phục trước những biến cố, những khó khăn khắc nghiệt của điều kiện sống, cùng nhau đánh đuổi thú dữ, giặc ngoại xâm. Do vậy, sau mỗi trận thắng cả bản, mường lại cùng nhau đốt lửa ăn mừng chiến thắng, họ nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa để thể hiện tinh thần gắn bó và cố kết cộng đồng. Việc đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần và đặc biệt trong các dịp lễ tết truyền thống, cùng nhau nhấp chén rượu thơm nồng được cất từ gạo dẻo thơm của cánh đồng Mường Lò, tay trong tay trong điệu Xé voóng, để nhớ lại những thời khắc lịch sử, nhớ lại những trận thắng của tổ tiên và cha ông, cùng giáo dục thể hệ trẻ phải đoàn kết, những bàn tay không bao giờ được rời nhau để bảo vệ và xây dựng bản mường trường tồn, phát triển. Từ đó, điệu Xòe vòng trở thành điệu múa cộng đồng nổi tiếng, được duy trì và gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái đen ở Mường Lò nói riêng và ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam nói chung.

 Giá trị triết lí nhân sinh trong Xòe

Các điệu Xòe của người Thái đều hàm chứa những giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh sâu sắc. Trong ý thức hệ về vũ trụ, mối quan hệ giữa con người, thần linh và vùng đất cư trú; từ thực tiễn cuộc sống và quá trình di thiên phát triển của dân tộc, các yếu tố triết lý về con người- vũ trụ đã được hình tượng hóa trong nghệ thuật Xòe nên sau này Xòe không chỉ có trong sinh hoạt, mà người Thái còn phát triển Xòe trong các nghi thức thờ cúng mà đặc biệt. Trong đó, lễ hội Xé then (Xòe then) là đỉnh cao của nghệ thuật Xòe tín ngưỡng, đã được hình thành và tồn tài lâu đời trong cộng đồng người Thái vùng Mường Lò.

Xòe Thái không chỉ là những tiết mục văn nghệ dân gian mà đó là sự kết tinh những giá trị sinh hoạt của đời sống xã hội, bao hàm các ý nghĩa về nhân sinh quan, vũ trụ quan, về âm dương và những khát khao về cuộc sống tươi đẹp. Với quan niệm “Không Xòe không tốt lúa/ Không Xòe thóc cạn bồ/ Không Xòe trai gái không thành đôi/ Không Xòe hoa sẽ héo tàn…”, thì Xòe không chỉ là sinh hoạt vui chơi mà được xem như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, cũng như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày.

Giá trị thẩm mỹ

Được thể hiện khá rõ và đậm nét trong Xòe Thái, bên cạnh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ tham gia Xòe và các đạo cụ đặc trưng của dân tộc Thái thì vẻ đẹp của ý nghĩa nhân sinh đưa con người cảm nhận, chiêm nghiệm bằng các giác quan đến sự ngưỡng mộ cảm phục trước cái đẹp của con người và thiên nhiên, lịch sử của dân tộc Thái thông qua nghệ thuật Xòe.

Giá trị nghệ thuật

Trong Xòe thái tổng hòa, tích hợp rất nhiều giá trị nghệ thuật như nghệ thuật múa, nghệ thuật trình diễn dân gian, diễn xướng dân gian, âm nhạc, dân vũ dân gian. Các yếu tố như âm nhạc, đạo cụ không thể thiếu được trong các điệu Xòe cổ, với tính chất phức tạp và cầu kỳ ngày càng cao đã trở thành nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Sự kết hợp hài hòa giữa các điệu dân vũ và âm nhạc dân gian làm nên nét riêng cho Xòe Thái. Các loại nhạc cụ sử dụng trong Xòe cũng khá đa dạng và đặc sắc, tùy thuộc từng kiểu Xòe, và không gian Xòe khác nhau mà các nhạc cụ được sử dụng tương ứng. Nhạc cụ chủ yếu trong Xòe Thái được sử dụng ở hai loại bao gồm bộ hơi (các loại khèn bè, pí pặc, pí ló) và bộ gõ (bao gồm trống, chiêng, tăng bẳng (ống tre, nứa tạo âm thanh khi dậm xuống sàn) và chùm mắc hính (quả nhạc, hay được dùng nhất trong nghi thức xé then (Xòe then).

Giá trị giáo dục truyền thống

Xòe Thái không chỉ thỏa mãn các cảm xúc của con người tham gia mà còn là những tri thức dân gian giúp phát triển nhận thức, sự hiểu biết về cuộc sống, thiên nhiên, qua đó tác động đến cảm xúc của con người trong việc điều chỉnh hành vi, cách sống cho phù hợp với đặc điểm sinh sống của cộng đồng.

Hiện nay tại vùng Mường Lò, Xòe Thái đã được truyền dạy trong các trường học và hình thành nhiều tổ, nhóm múa Xòe trong cộng đồng dân cư. Nghệ thuật Xòe đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây, không chỉ những người già, những người lớn tuổi mới yêu thích Xòe mà lớp trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhận thức được những giá trị văn hóa dân tộc, được trao truyền và tìm hiểu giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, qua đó ngày càng yêu thích những giá trị di sản văn hóa dân tộc của cha ông trong nghệ thuật Xòe Thái.

Yếu tố đại chúng của Xòe và vai trò của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái vô cùng quan trọng. Không chỉ được tổ chức trong các dịp lễ tết truyền thống, trong các dịp sinh hoạt cộng đồng quan trọng của cả bản cả mường mà Xòe Thái còn thường xuyên được tổ chức trong các lễ cưới, lễ hội, trong các dịp vui có sự tham gia của nhiều người với chiêng trống và các nhạc cụ như khèn bè, ống tăng bẳng gõ phụ họa để tăng thêm không khí rộn ràng cho điệu múa.

Xòe vòng không quy định về số lượng người tham gia. Trong một mâm cơm cỗ, sau những chén rượu, những người bạn, người thân trong gia đình thể hiện tinh thần thân ái bằng việc nắm tay nhau trong điệu Xòe vòng quanh mâm cơm hoặc bếp lửa của gia đình. Đây là hình thức Xòe vòng phổ biến vì số lượng người tham gia không đông và họ có thể Xòe bất kỳ lúc nào. Các điệu Xòe cổ, Xòe biểu diễn thì có những quy định cụ thể về động tác, đội hình, tuyến di chuyển và thành phần, số lượng người tham gia Xòe.

Từ những điệu Xòe vòng sơ khai ban đầu (khắm khen- nắm tay nhau Xòe vòng), qua quá trình lịch sử và phát triển thành những điệu Xòe khác đặc sắc, độc đáo và giàu tính nghệ thuật với những động tác phức tạp và kết hợp với đạo cụ như điệu “ỏm lọm tốp mư” (vòng tròn vỗ tay); “khắm khăn mơi lẩu” (nâng khăn mời rượu); điệu “nhuôm khăn” (tung khăn); điệu “đổn hôn” (tiến lùi); điệu “phá xí” (chia bốn)…

Chúng ta có thể thấy tính phổ biến và sự thu hút của một điệu múa cộng đồng với những động tác đơn giản mà ai cũng có thể tham gia được trong mọi điều kiện khác nhau. Có lẽ chính vì dễ học, dễ tham gia, dễ sinh hoạt đã làm điệu múa có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian mà tồn tại như một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Giờ đây, Xòe Thái đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do đó không chỉ dân tộc Thái mà cả nhân loại đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

                                                                                                  N.M.H

 

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter