Hiện trạng về Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ cấp sắc dân tộc Dao tỉnh Yên Bái

Phạm Thị Thanh Lan

Yên Bái là một tỉnh miền núi với 30 dân tộc anh em cùng quần cư sinh sống. Mỗi dân tộc mang những sắc thái văn hóa độc đáo, đa dạng cùng sinh tụ bên nhau. Trong đó, người Dao là dân tộc có dân số khá đông, hiện nay có khoảng 83.888 người, chiếm 11,32% dân số toàn tỉnh (theo số liệu thống kê 01/4/2009). Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa (nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao). Người Dao sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên; có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển).

Trong sinh hoạt xã hội và gia đình của người Dao ở Yên Bái, lễ cấp sắc là một tục lệ phổ biến và bắt buộc tất cả đàn ông Dao đều phải trải qua. Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của tộc người mang nhiều màu sắc văn hóa. Trải qua bao nhiêu thế kỷ và những thăng trầm của lịch sử, lễ cấp sắc vẫn tồn tại trong cộng đồng Dao như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh phò trợ và có thể làm nghề cúng bái. Ngoài ra người tổ chức được lễ này sau khi chết, hồn có thể về đoàn tụ với tổ tiên ở Dương Châu mà không phải qua kiếp đọa đầy ở cõi âm. Cấp sắc để có thể thống lĩnh âm binh, giữ yên gia thất, để được công nhận là người lớn, để được quyền thờ cúng tổ tiên, để làm ăn may mắn, sinh hoạt thuận tiện và dòng họ phát triển. Lễ cấp sắc ngoài việc thể hiện nét văn hóa riêng của người Dao, còn thể hiện đạo lý làm người, hướng con người tới cái thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên. Mỗi người đàn ông Dao đều mong muốn được cấp sắc và cấp sắc bậc cao. Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã.

Xét về tổng thể, có thể thấy lễ cấp sắc của cộng đồng người Dao là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Do vậy nó chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Hiện nay, cộng đồng người Dao ở Yên Bái tổ chức thường xuyên lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn. Việc tổ chức tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần, tùy theo yêu cầu của từng gia đình. Lễ cấp sắc 12 đèn chỉ dành cho những người có nhu cầu trở thành thầy Tạo. Nghi lễ cấp sắc là một nghi lễ trưởng thành được cộng đồng Dao duy trì từ xưa đến nay rất tốt. Những người đứng ra tổ chức thực hiện, duy trì, bảo tồn và phát huy chính là cộng đồng. Bởi vậy, chủ thể văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này. Tuy đây là một nghi lễ có nhiều giá trị đối với cộng đồng nhưng lễ cấp sắc ở Yên Bái đang đứng trước nhiều thách thức: Các nghệ nhân và những người am hiểu về phong tục tập quán đã cao tuổi, việc truyền dạy có phần hạn chế. Bên cạnh đó, do mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đang có chiều hướng tác động mạnh mẽ, làm cho không gian văn hóa truyền thống có phần biến đổi, bản sắc văn hóa có chiều hướng mai một. Sự mai một và mất dần bản sắc thể hiện rõ nét là trang phục truyền thống, tình trạng phổ biến là thanh, thiếu niên khi tham gia lễ hội không sử dụng trang phục truyền thống, ít sử dụng tiếng nói, không biết các điệu nhảy múa... Việc đầu tư bảo tồn vẫn chủ yếu là do cộng đồng nên việc bảo tồn chưa có tính chiến lược, phù hợp với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và lễ cấp sắc đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia năm 2012. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn tiến hành tuyên truyền, phổ biến và quảng bá ý nghĩa cũng như giá trị văn hóa lễ cấp sắc của người Dao qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát huy hơn nữa giá trị của di sản này. Để bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở Yên Bái cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là phát huy được vai trò của chính người dân có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

 P.T.T.L

Các tin khác:

16-20 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter