Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch

 

Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch

 

THS. HOÀNG THỊ VÂN MAI

Huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 180 km về phía Tây, với diện tích tự nhiên là 1.199 km2, dân số khoảng 61.500 người. Là địa bàn sinh sống tập trung của người Mông (chiếm trên 91%), Mù Cang Chải cũng là nơi được biết đến với những sắc thái văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông, trong đó phải kể đến Ruộng bậc thang- nét đặc trưng về phương thức canh tác của đồng bào Mông nơi đây.

Ruộng bậc thang là các thửa ruộng trên đồi núi dưới dạng phân cấp các bậc thang. Chính việc đưa cây lúa nước lên đồi đã thể hiện sự thích ứng và sáng tạo trong quá trình canh tác nông nghiệp, khi đồng bào Mông nơi đây tìm thấy sự hội tụ các điều kiện thuận lợi về đất, nước cho sự tồn tại và phát triển của cây lúa nước. Về thời gian xuất hiện ruộng bậc thang từ bao giờ thì chưa thể rõ nhưng chắc hẳn ruộng được hình thành từ khi cộng đồng đến và khai phá vùng đất này (khoảng thế kỷ XVIII)[1]

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có khoảng hơn 7.000 ha ruộng bậc thang, trừ bờ chỉ còn 4.397,6 ha, trong đó 852,9 ha trên địa bàn 6 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Lao Chải và Mồ Dề đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt[2]. Ruộng bậc thang đã trở thành loại hình tư liệu sản xuất ổn định, mang những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa- xã hội, khoa học... đối với dân tộc Mông nói riêng và quốc gia dân tộc nói chung.

Về giá trị lịch sử, ruộng bậc thang phản ánh lịch sử di cư, xã hội thậm chí cả nguồn gốc, cả những biến động trong xã hội tộc người tương đối rõ nét. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa- xã hội được biểu hiện rõ nét qua phương thức canh tác này. Từ cách sử dụng những nông cụ thô sơ như cuốc bướm, cuốc chim, xà beng, dao, cày, bừa, nhưng từng thế hệ nối tiếp nhau đã biết cách tạo ra nguồn nước từ khe suối, tích nước từ những cơn mưa rồi dẫn theo mương máng quanh co chảy về, biến những sườn núi dốc cheo leo thành những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ. Dấu ấn văn hóa tộc người còn lưu giữ trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội gắn với hoạt động nông nghiệp như lễ mừng cơm mới, lễ cầu mưa... và nhiều câu chuyện văn hóa lúa nước mang sắc thái rất riêng của các tộc người vùng cao như cách đặt tên ruộng, tên mương, tên suối mang dấu ấn văn hóa của người Mông[3]. Về mặt xã hội, với những ưu điểm của loại hình ruộng nước, ruộng bậc thang góp phần tạo nên cuộc sống định cư lâu dài cho đồng bào Mông. Các triền ruộng bậc thang không những làm hạn chế đến xoá bỏ tập quán du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy của đồng bào mà còn góp phần đáng kể vào sự bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ở huyện vùng cao này.

 Quy trình thực hành di sản của cộng đồng là nguồn tư liệu khoa học quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian của tộc người. Đó là những giá trị khoa học quan trọng mà ruộng bậc thang mang lại, phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học nhân học cũng như văn hóa học. Một giá trị không thể không nhắc đến là giá trị kinh tế mà ruộng bậc thang đem lại. Đây là tư liệu sản xuất đặc biệt với đồng bào Mông, là yếu tố quan trọng để họ dựa vào đó để sinh tồn và phát triển và cũng là một thứ tài sản cố định được truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện vị thế và vai trò của các dòng họ và gia đình.

Có thể khẳng định rằng nhờ có ruộng bậc thang mà Mù Cang Chải trong những năm gần đây được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp nhất thế giới. Cùng với hệ thống thác nước, hang động, sinh vật cảnh phong phú, vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, khí hậu trong lành, các giá trị văn hóa lâu đời, đặc sắc về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, văn hóa ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật truyền thống, văn hóa trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Mông và hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đang ngày càng hoàn thiện, Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến trong hành trình du lịch vùng Tây Bắc của du khách. Số lượng du khách đến với Mù Cang Chải tăng theo từng năm. Đến hết tháng 12 năm 2020, ước tính huyện Mù Cang Chải đón được 253 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế 37.000 lượt, doanh thu đạt trên 93 tỷ đồng. Nhiều thửa ruộng bậc thang đã trở thành hình ảnh biểu tượng như đồi mâm xôi ở xã La Pán Tẩn, hay được tạo hình đẹp mắt, độc đáo hình trái tim, ngôi sao..; những con đường đến với những nơi có ruộng bậc thang đẹp đã  được đầu tư xây dựng tạo nên hành trình tham quan, trải nghiệm phong phú cho du khách. Đồng bào Mông giờ đây không chỉ là người nông dân quanh năm vất vả với ruộng đất của mình mà đã trở thành những chủ nhà hiếu khách, những hướng dẫn viên địa phương, “đại sứ du lịch” trong việc giới thiệu, gìn giữ những nét văn hóa gắn với ruộng bậc thang nói riêng và đời sống văn hóa dân tộc mình nói chung. Những lễ hội mới như Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ/ Bay trên mùa vàng”, Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành điểm nhấn các sự kiện của huyện trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, để người Mông phát huy hơn nữa những giá trị của ruộng bậc thang trong phát triển du lịch ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, rất cần sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị cũng như sự thay đổi nhận thức của từng người dân. Trước hết, cấp ủy, chính quyền cần xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trong tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp quản lý, định hướng, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền xác định rõ trách nhiệm của từng người dân vì chính những người dân là chủ thể trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị Danh thắng Ruộng bậc thang.

Bên cạnh đó, xác định sản phẩm du lịch khai thác thế mạnh ruộng bậc thang là loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng nên chính quyền địa phương các cấp cần tập trung chỉ đạo quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có thế mạnh của huyện góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch. Ngoài ra, cần bảo tồn các thửa ruộng bậc thang trong khu vực danh thắng. Bảo vệ gìn giữ mọi hoạt động xâm lấn làm hư hỏng diện tích ruộng bậc thang. Tôn trọng và giữ gìn bằng mọi biện pháp các thành tố nguyên gốc của danh thắng, hạn chế tối đa mọi sự thay thế các chất liệu và các vật liệu mới. Đối với các khu vực ruộng bậc thang đẹp mắt nhưng hiện nay đã bị sạt lở, xuống cấp, do những ảnh hưởng điều kiện tự nhiên, khí hậu và làm bằng kỹ thuật thủ công sử dụng trong thời gian dài, cần tôn tạo, sửa chữa, tu bổ một số thửa ruộng có hình thù đẹp mắt. Tiếp tục phát huy được cảnh quan của ruộng bậc thang, các giá trị văn hóa của địa phương, trồng xen vụ một số cây trồng trên ruộng bậc thang; tạo hình hấp dẫn đặc trưng của huyện Mù Cang Chải trên các thửa ruộng bậc thang như hình lù cở, cối giã gạo trên các thửa ruộng bậc thang. Xây dựng không gian chụp ảnh, dịch vụ cho thuê trang phục trong các khu vực ruộng bậc thang; Xây dựng các làng nghề nằm trong khu vực có diện tích ruộng bậc thang (mô hình Chợ phiên, tổ chức vào chủ nhật hàng tuần với các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thổ cẩm, trang sức truyền thống, hàng lưu niệm, gia súc gia cầm của nhà làm được và các sản vật từ rừng cùng với các gian hàng ẩm thực dân tộc Thái, Mông); Vào các tối thứ bảy hàng tuần các nghệ nhân đem đến cho du khách những màn biểu diễn nghệ thuật khèn môi, kèn lá, sáo, nhị, khèn, hát giao duyên, cùng giao lưu với du khách qua các lời ca, điệu múa, trò chơi dân gian. Tiếp tục đa dạng sản phẩm du lịch giúp du khách trải nghiệm được văn hóa địa phương, đặc biệt là du lịch cộng đồng tại địa phương; Đầu tư hạ tầng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển du lịch gắn với danh thắng ruộng bậc thang.

Về công tác tuyên truyền quảng bá về ruộng bậc thang với các giá trị văn hóa, cảnh quan. Trước hết cần nâng cao nhận thức về du lịch và sự cần thiết của việc bảo tồn, tôn tạo danh thắng ruộng bậc thang, cho đối tượng là các cán bộ làm công tác quản lý về du lịch, những người hoạch định chính sách liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch, những người cung ứng dịch vụ du lịch, nhân dân địa phương và khách du lịch.

Tuyên truyền cho người dân đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, người dân có nhu cầu làm kinh tế, làm kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, gắn tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển du lịch với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền bảo tồn, giữ gìn Ruộng bậc thang sử sụng hết diện tích ruộng bậc thang có thể trồng lúa 02 vụ đảm bảo lương thực, ngoài ra còn tận dụng trồng hoa và các loại rau, mầu vụ khác.

 Đối với dân cư tại khu vực danh thắng quốc gia, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy danh thắng ruộng bậc thang. Khuyến khích nhân dân xây dựng công trình, nhà ở gia đình kết hợp với nhà nghỉ hoặc có phòng nghỉ, không gian phục vụ cho khách du lịch khu trung tâm.

Ruộng bậc thang là di sản văn hóa lâu đời của người Mông ở Mù Cang Chải. Nhờ mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa và đã được bảo tồn, vinh danh trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Phát huy giá trị của danh thắng quốc gia gắn với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn đã được các cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong những năm gần đây. Để hoạt động này tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần thêm sự chung tay góp sức của các bên liên quan, trong đó đặc biệt quan trọng là người dân- chủ thể của ruộng bậc thang- du khách và nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng như rất cần cơ chế cụ thể trong khai thác sản phẩm du lịch đặc thù ở huyện vùng cao này.

 

                                                                                          H.T.V.M

 

 

 

 

 

 

 



[1] Lý lịch danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển du lịch, 2019.

[2] Quyết định 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

[3] Cách gọi tên ruộng gắn với tên chủ hộ người Mông: Ruộng nhà ông Ly, ruộng nhà ông Sồng, ruộng nhà ông Chông. 

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter