Quan niệm về “hồn” và “vía” của người Mông ở Suối Giàng

NGUYỄN MẠNH HÙNG

Nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn 12km về phía Bắc Suối Giàng là nơi quần cư của 352 hộ người Mông được phân ra làm 8 bản chính. Người Mông ở đây thuộc nhóm Mông Si (Mông Đỏ).

Cũng như các dân tộc khác, tôn giáo tín ngưỡng dân gian chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Đồng bào quan niệm có những thế lực siêu nhiên giúp họ vượt qua được những sự cố gay cấn ngoài khả năng của con người, bằng việc thể hiện ở những hình thức sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng như tổ chức các nghi lễ giải hạn (ùa nênh), lễ cúng ma cửa (ùa bùa choeng), hay các nghi thức cúng chung của dòng họ (ùa nhủa choeng), lễ zù xu...

Mỗi dân tộc, mỗi tộc người đều có những quan niệm khác nhau về “hồn”“vía”, về thế giới tâm linh. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên và các tín ngưỡng dân gian cũng được xuất phát từ các quan niệm đó. Hồn theo tiếng Mông là “chua lua” còn vía là “plỳ”. Người Mông nơi đây cho rằng, hồn giống như cái bóng của mỗi con người và khi dọi ánh đèn vào, 7 chiếc bóng sẽ cùng lúc hiện ra. Hồn luôn luôn đi theo con người trong suốt thời gian con người tồn tại.

Đối với người Mông ở đây, họ quan niệm “chua lua” không tồn tại trong thực tế, giống như trong thế giới sau khi chết. “Chua lua” tồn tại ở dạng vô hình và trong ý niệm rằng ngoài con người thật còn có 7 bóng khác giống con người và luôn đi theo con người. Chua lua chỉ tồn tại trong ý niệm khi con người còn sống. Sau khi chết nó tự biến mất, không tồn tại trong ý niệm của đồng bào, và cũng không tồn tại ở thế giới sau khi chết. Điều này được thể hiện khá rõ trong quan niệm của người dân nơi đây. Khi còn sống, người ta luôn cho rằng mình có 7 hồn 3 vía (cẩu chua lua, pê plỳ), nên trong các lễ cúng giải hạn, họ thường xuyên cầu cúng cho các hồn và vía của mình. Tuy nhiên, sau khi chết họ chỉ còn cúng cho 3 vía, 7 hồn không thấy được nhắc đến trong các bài cúng cũng như trong cách thờ cúng của đồng bào Mông nơi đây.

Vía đối với người Mông được đặc biệt coi trọng giống như trong quan niệm hồn của người Kinh và một số dân tộc khác. Mỗi con người bắt đầu có vía từ sau khi sinh. Sinh được 3 ngày, gia đình làm lễ đặt tên và cầu xin vía từ trời nhập vào đứa trẻ sơ sinh, để từ đó con người bắt đầu có vía. Vía của mỗi người có thể do “đầu thai” lại của các vía khác, cũng có thể do từ trời xuống nhập vào trẻ sơ sinh.

Plỳ luôn luôn đi theo con người và bảo vệ con người khi còn sống. Đến khi chết ba vía sẽ đi ba nơi, một vía lên trời (công quản) và ở trên đó; một vía bỏ người đi nơi khác, tìm người “đầu thai” thành người mới. Mà theo quan niệm của đồng bào, vía đó đi tìm “bố mẹ mới”. Còn một vía ở lại cùng với người chết, ngự ở mồ mả nơi mai táng người quá cố. Quá trình hình thành và mất đi của vía gồm nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ từ khi con người sinh ra cho tới lúc mất đi.

Lễ cúng gọi vía- đặt tên cho trẻ sơ sinh có hai nghi thức cúng khác nhau. Lễ cúng Hu plỳ là lễ cúng gọi vía cho trẻ ở trong nhà. Lễ cúng gọi vía “Củng căng dinh” là lễ cúng gọi vía ở ngoài nhà. Lễ vật chính là một con gà trống còn sống cúng ở ngoài nhà, và một đôi gà cúng ở trong nhà cùng với 4 nén hương, 4 tờ giấy bản đốt để đưa vía từ trên trời xuống, nhập vào người. Ở mỗi dòng họ đều có hai kiểu cúng trên. Tùy theo từng dòng họ mà đồng bào có những cách thức cúng riêng cho dòng họ mình.

Trong suốt quá trình từ khi vía nhập vào người cho tới lúc chết và sau khi chết, đồng bào Mông nơi đây phải tổ chức rất nhiều nghi lễ, nghi thức cúng khác nhau cho cả vía của người sống và vía của những người đã qua đời. Đồng bào Mông nơi đây quan niệm khi còn sống, họ thường bị vía của những người đã chết về bắt, gây ra ốm đau bệnh tật. Do vậy, đồng bào thường phải tổ chức nghi thức cúng“ùa nênh” (giải hạn) để cầu xin vía của những người đã qua đời không về quấy nhiễu, không về bắt vía của người sống; đồng thời thả những vía đã bị dụ đi, bắt đi được trở về cùng với người để những người đó được khỏi bệnh.

Sau khi con người đã qua đời, những vía trú ngụ ở mồ mả không đi đầu thai, không lên Công quản (trời), thường hay trở về nhà quấy nhiễu gia đình, quấy nhiễu con cháu. Do đó, đồng bào thường phải tổ chức các lễ cúng như “ùa bùa choeng” (lễ cúng ma cửa), “nhủa choeng” (lễ cúng ma buồng) hay lễ zù xu (lễ cúng chung của dòng họ)... để cầu xin sự bình an cho gia đình, cho dòng họ hay cho cả làng - bản.

Như vậy quan niệm về “hồn” “vía” của đồng bào Mông ở đây mang nhiều yếu tố độc đáo. Họ quan niệm về hồn nhưng hồn lại không tồn tại thực tế, không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày hay trong các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Nhưng vía lại có vai trò quan trọng tác động đến cuộc sống của người dân khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bởi thế, trong đời sống của cũng như trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đồng bào Mông ở Suối Giàng có rất nhiều lễ cúng liên quan tới vía và các tục cúng vía.

                                                                                  N.M.H

 

Các tin khác:

1-5 of 40<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter