Tranh thờ vị thần hộ mệnh vượt biển của người Dao (Tờ ranh thờ Hoi Fan)

Lý Kim Khoa

Trong nghệ thuật hội họa liên quan đến lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng của người Dao có tranh thờ. Tranh thờ được người Dao đem ra trưng bày nhiều nhất trong các nghi lễ quan trọng như: Lễ cấp sắc, tết nhảy hay đám hiếu. Tranh thờ của người Dao nhìn từ góc độ lịch sử, tôn giáo và văn hóa là một đề tài phong phú và hấp dẫn. Trong mỗi bộ tranh thờ của người Dao đều có tờ tranh gọi là Hải Phan (Hoi Fan). Tờ tranh Hải Phan này rất được người Dao tôn kính. Trong lịch sử, Hải Phan là vị thần đã giúp người Dao vượt sông trường Giang, vượt Đại Hồ, và vượt biển Nam Hải đến định cư ở phương Nam. Hiện nay, Hải Phan được coi như một vị thần hộ mệnh cho những người thụ lễ bước đầu học hỏi, trở thành một thầy cúng có uy tín của dân tộc mình.

Theo cách phát âm chữ Nôm Dao thì Hải Phan được người Dao hiểu theo ba cách: Là tên một dòng sông, hoặc họ Phan; là cánh buồm căng gió, tức là một loại cờ, người Kinh gọi là phướn hoặc là kết hợp với tranh thuyền quan diễn tả ông thủy tổ huyền thoại của người Dao là Bàn Vương cùng con cháu 12 bộ tộc vượt sông nước, biển cả trong cơn giông bão trên thuyền có cánh buồm. Trong đó Bàn vương được tôn kính là thủy tổ của người Dao thì thần Hải Phan được xem như là một vị thần hộ mệnh quan trọng trong quan niệm của tất cả các nhóm người Dao. Hải Phan được coi là thần biển, thần nước. Trong tranh thờ, thần Hải Phan được vẽ hai lần. Lần đầu vẽ trong bộ Tiểu Đường, gọi là Hành từ, tức là Tiểu Hải Phan. Tờ tranh này nếu nằm trong bộ tranh Tiểu Hải Phan thì chỉ được phép dùng cho những người đã thụ lễ cấp sắc ba đèn.

Vẽ tranh thờ của người Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

 

Theo truyền thống và tập tục lễ cấp sắc ba đèn của người Dao, lễ này được tổ chức cho các nam giới thanh thiếu niên tuổi từ 13 đến 18, chưa lập gia đình. Sau lễ cấp sắc 3 đèn, người thụ lễ có thể học hỏi thêm để được làm thầy cúng, và phải có ba bức tranh căn bản. Trong bộ Tiểu đường Hải Phan, Hải Phan không những được tôn kính là thần hộ mệnh giúp cho lớp người trẻ tuổi trong bước học hỏi về nghi lễ cúng và “phù phép”, mà còn được thờ như các vị thần trong bộ tranh Tổng đàn (tức Tổ tông- Hành từ).

Tranh thờ thần Hải Phan, từ xưa tới nay được các nghệ nhân họa hình vị thần này cưỡi lên lưng con rồng xanh, tay trái cầm kiếm báu, tay phải nâng chén nước thánh, loại chén trong hình họa này, nay vẫn thấy các thầy cúng thường dùng để tẩy uế, hoặc làm “phép thiêng” trước khi vào lễ cấp sắc. Theo dã sử (truyền thuyết) khi vượt biển để cứu giúp con cháu người Dao, vị thần này đã làm rơi chiếc giày trên sóng biển (nên một bên nghệ nhân vẽ bàn chân để trần không có giày). Con rồng xanh lượm được rồi dùng đuôi nâng giày lên giúp cho thần Hải Phan (Hoi Fan). Phía dưới chân dung của thần Hải Phan còn có hai vị tướng cưỡi ngựa đi tới, một vị giang tay vung thanh đao là Thái Úy, vị bên trái tay cầm gậy phép giơ lên là Hải Úy của Hải Phan. Hai vị thần linh này được xuất hiện nhiều lần trong bộ tranh thờ Tiểu đường, biểu lộ tài năng biến hóa để giúp cho những người thụ lễ cấp sắc và các thầy cúng trong khi thực hiện các nghi lễ là căn bản.

Tranh thờ của người Dao rất phong phú, đa dạng, phản ánh nền triết học, tôn giáo và vũ trụ quan, phục vụ sinh hoạt tập quán và giáo dục của đồng bào. Nếu như nhìn từ góc độ lịch sử, tôn giáo và văn hóa mà có chọn lọc thì rất có giá trị nhân văn. Bởi ngay khi nhìn vào bộ tranh trưng bày ra đã có thể thức tỉnh tâm hồn con người, vì các vị thần linh luôn nhìn thấy mọi việc và sẵn sàng phạt người nào làm những việc ác, việc sai trái, phù trợ cho người làm việc tốt. Ngoài ra, các tờ tranh còn gửi gắm thông điệp cho biết về cội nguồn, gốc tích của người Dao.

 

L.K.K     

Các tin khác:

6-10 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter