Yên Bình- Mảnh đất đậm đặc nền văn hóa dân tộc vùng sông Chảy

                                                HOÀNG TƯƠNG LAI

 

Yên Bình tức Thu Vật gồm bảy tổng ba mươi tám xã, phường. Đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan cùng các dân tộc khác sống dọc theo hai bờ sông Chảy từ Vũ Linh, Bình Hanh, Ngọc Chấn, Cảm Nhân. Theo Lê Quý Đôn”… Phố Đại Đồng người đông hàng nhiều, buôn bán tấp nập, gạo trắng nước trong cũng là nơi tụ hôi…”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Phố Cát Đại Đồng nằm giữa Ngòi Ho và ngòi Loàn đổ ra sông Chảy vốn là phủ lỵ của Yên Bình được coi là khu vực phồn thực nhất ở địa phương. Nhờ có kinh dinh khôn khéo của anh em họ Vũ, sứ Đại Đồng trở thành trù mật. Nhân dân các sứ trốn loạn đến đó làm ăn rất đông. Đồng thời nhiều thương nhân đến đây buôn bán lâm sản”…

Nguyễn Hãng được Vũ Công Mật cho mời trong bài phú phong cảnh có đoạn: “Non xuân cao thấp chiều tây, sông trôi thuỷ (sông Chảy) quanh co nhiễu tả (…) thêm có: lâu đài kề nước, hoa cỏ hướng dương, thược dược khéo mười phân tươi tốt, mẫu đơn khoe hết tấc giàu sang. Hây hây ngõ mận tường đào, thay thảy đường hoè dặm liễu. Má hồng điểm thức yên chi, đầy vườn hạnh xem bằng quốc sắc, quần lục đượm mùi long não, đầy thềm lan nức những thiên hương. Lại có nơi: Tiện nẻo vãng lai là nơi thành thị, tán đầu khăn hợp khách bốn phương, xe dù ngựa song đường thiên lý. Đủng đỉnh túi thơ bầu rượu, nặng cổ thằng hề, dập dìu quần trả áo nghê, rầu lòng con tý… đất ba phần có thừa hai, chốn chốn đều về thanh giáo, nhà bốn biển vây làm một, đàn ca xướng thái bình” (Kiến văn tiểu lục trang 355- 356).

Thế đó! Yên Bình xưa là nơi danh kiệt mà sử sách đã ghi. Ngày 1 tháng 7 năm 1956 Yên Bình chính thức cắt chuyển từ Tuyên Quang về Yên Bái. Trong chống Pháp tháng 2 năm 1945 có hai đơn vị giải phóng quân do Hoàng Văn Xuân (Đội Xuân), Trần Thế Môn (Đội Môn) chỉ huy sang Yên Bình tuyên truyền vũ trang lựa chọn thanh niên hăng hái bổ sung cho quân giải phóng. Lập nhiều đoàn thể cứu quốc ở nhiều xã thuộc Tổng Cảm Nhân. Ngày 27 tháng 6 năm 1945 Đội Xuân cùng du kích Yên Phú, Mỹ Gia từ Yên Phú ra chợ Ngọc bắt tên Bang Tá Nguyễn Văn Khang về trừng trị. Đầu tháng 7 năm 1945 hầu hết các xã trong huyện đã có chính quyền cách mạng.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Yên Bình đã cung cấp cho mặt trận 1840 tấn gạo, 372 con trâu, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh ( theo lịch sử Yên Bái). Hơn hai mươi năm của cuộc kháng chiến, Yên Bình đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường, động viên trên 2.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Ở hậu phương lực lượng vũ trang đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi tại chỗ 17 máy bay Mỹ các loại. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, Yên Bình có 590 người con đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, hơn 400 thương binh và 14 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà, trong những năm 1960- 1970, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc đại chuyển dân trên quy mô lớn. Hơn hai vạn dân của 37/39 xã của Huyện đã tình nguyện di chuyển khỏi quê hương đi xây dựng quê hương mới để lại hơn 3.500 ha ruộng nước màu mỡ cùng hàng vạn héc- ta cây màu, cây ăn quả và nhiều công trình kiến trúc có giá trị nhường cho nước ngập làm nên hồ thuỷ điện Thác Bà.

Trải qua các thời kỳ, nhân dân các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan cùng nhiều dân tộc khác đã cùng nhau sinh sống, lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Dân tộc Tày đông hơn, sinh sống lâu đời ở vùng đất này và có nền văn hóa đa dạng phong phú. Trong tình yêu dẫn tới hôn nhân bền chặt có hát Khắp, hát Cọi đối đáp giao duyên, trong đám cưới có hát Quan làng, hát Phong sjư, hát Then đàn tính, hát nghi lễ có hát Pựt, trong hát Pựt có trường ca Khảm hải. Trong tín ngưỡng có thầy Tào, tùm Kèn đưa vong linh người quá cố về với tiên tổ. Khi trẻ nằm trên nôi có hát Ứ noọng nòn ( Ru em ngủ), trẻ đầy tháng có lễ ra tháng, con gái đủ mười lăm tuổi có lễ trả ơn bà mụ. Đầu xuân có lễ hội Lồng Tôồng (Xuống đồng). Phần lễ có mâm cúng thành hoàng bản thổ về chứng kiến, phù hộ cho dân bản mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khỏe yên vui. Phần hội có tung còn, đánh yến cùng nhiều trò chơi khác, giao lưu hát Then, hát Khắp, Cọi. Sau cùng là xuống đồng cày cấy bắt đầu cho một năm mới tốt lành. Mùa thu có lễ mừng cơm mới, hát mời nàng trăng xuống cùng mừng cốm mới.

Các chàng trai, cô gái hát đối đáp với nhau từ khi gặp gỡ cho đến lúc vào bản. Cứ thế, họ hát kéo dài tới hai ba đêm để ước nguyện nay mai trở thành vợ chồng. Cũng có người đã có vợ có chồng rồi mà còn đi hát bâng quơ bị nguời bạn hát lời dặn lại (nhắc nhở).

Dân tộc Dao quần trắng có nhiều nét văn hóa độc đáo và còn lưu giữ cho đến ngày nay như ở nhà sàn, lợp lá cọ. Tiếng nói và trang phục truyền thống vẫn duy trì từ trẻ nhỏ cho đến người cao tuổi. Trang phục của phụ nữ, yếm thêu hoa trám sặc sỡ, đầu đội chiếc mũ như những nàng tiên xuống núi. Tại các đám cưới, các chàng trai cô gái hát đối với nhau ngay từ chân cầu thang cho tới hết các nghi thức của đám cưới. Cứ thế, họ hát thâu đêm. Chỉ biết là sau mỗi cuộc hát đó trai gái yêu nhau và nên vợ nên chồng. Những đôi trai gái nên vợ chồng qua các cuộc hát đối đáp ít có trường hợp ly hôn. Họ sống hoà thuận, nền nếp, gia giáo. Hát “Ái dủng” giao duyên của người Dao quần trắng cùng với nhiều loại hình dân gian khác như múa “Mười hai con giáp” được tham gia hội diễn nhiều lần tại tỉnh và khu vực giành nhiều giải cao. Dân tộc Dao trong vùng còn có lễ Cấp sắc”. Nam thanh niên đến tuổi mười lăm, mười sáu phải nhờ thầy đến làm lễ thì người con trai đó mới thực sự là người trưởng thành. Người Dao có tục lệ mừng cơm mới rất độc đáo.

      Dân tộc Cao Lan có hát Sịnh Ca. Riêng hát Sịnh Ca của dân tộc Cao Lan dùng chữ Nôm để biểu tả lời hát, nên chỉ có các nghệ nhân mới hát và hiểu được. Dân tộc Cao Lan từ xưa đã có sử thi bà chúa thơ: “Có Lau Sjam”. Tác phẩm đã được cố nhà thơ Lâm Quý biên soạn, dịch toàn bộ thiên tình sử đó ra tiếng phổ thông. Trong hát đối đáp giao duyên, mặc dù cùng bản, cùng mường, dù họ đã quen nhau, khi hát người con trai vẫn cất lời ướm hỏi. Khi nhận được lời đáp lại của cô gái, đôi bên sẽ cùng nhau hát đối đáp, từ ngày sang đêm, đến khi chào từ biệt mới thôi. Ngoài hát Sịnh Ca, người Cao Lan còn có các điệu múa dân gian nổi tiếng như múa: Chim gâu, múa xúc tép.

     Các dân tộc Tày, Cao Lan, Dao cùng ở nhà sàn, mái lợp lá cọ. Ngày nay do thiếu gỗ làm nhà, họ đúc cột xi măng làm nên những căn nhà sàn bề thế vững chãi quay ra hồ Thác Bà lộng gió. Từ già chí trẻ, họ vẫn mặc trang phục của dân tộc mình, nói tiếng nói của dân tộc mình. Duy chăng là có lớp trẻ ngày nay chưa nói được nhiều. Vốn dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, dân gian của các dân tộc trong vùng còn rất dồi dào, ngày nay đang được những người tâm huyết bảo tồn, nhằm phát huy những bản sắc riêng có của dân tộc Tày, Dao và Cao Lan trong vùng. Từ cái nôi văn hóa truyền thống đó đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như nhà văn Hoàng Hạc (1933- 1999); tác giả văn thơ dân tộc Nùng Địch Ngọc Lân. Ngày nay có nhà văn Nông Quang Khiêm, nghệ nhân ưu tú dân tộc Tày Hoàng Tương Lai, nghệ nhân ưu tú dân tộc Cao Lan Lạc Tiên Sinh. Các cây bút mới nổi lên và có nhiều triển vọng như Phan Long Định dân tộc Cao Lan; Đặng Ngọc Thông, Hoàng Thị Điền dân tộc Tày. Đặc biệt có tác giả nữ Dương Thu Phương hiện công tác tại Huyện ủy Yên Bình đã có nhiều tác phẩm viết về Yên Bình và vừa có tập truyện ngắn đoạt giải cao của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2021.

Khách xa gần đến Yên Bái, đến với vùng non xanh nước biếc hồ Thác Bà  không phải chỉ để thưởng thức những ẩm thực mà được thưởng thức những giai điệu mượt mà, những Đặc sản” về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Du khách sẽ đến với động Thủy Tiên, động Cẩu Cuôi, ngắm núi Chàng Rể, thăm những làng cá, đảo Ngọc, đảo Xanh... và được nghe những câu chuyện về sự tích Thác Ông Thác Bà, sự tích núi Chàng Rể, nghe câu hát dân ca mời gọi: “… Con đường ba mươi ngả/ Bản người chín mươi lối/ Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Lối nào lối Thác Bà/ Ngả nào ngả thuỷ điện/ Mời anh về thăm hồ ngắm cảnh anh ơi…”.

                                                                                                          H.T.L

                

                

                

                 

Các tin khác:

16-20 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter