Nhà văn Yveline Feray: Người nghiện Việt Nam

 Nhà văn Yveline Feray: Người nghiện Việt Nam

Vanvn- Trên thế giới, có nhiều người phải lòng một miền đất, một đất nước và dành phần thời gian quan trọng nhất của đời mình cho nơi ấy. Có thể kể tên nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes (Dambo) đã sống ở Tây Nguyên suốt ba mươi năm. Hoặc nhà văn Bungari Blaga Dimitrova đã nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi Việt Nam trong những năm chống Mỹ.

Đất nước và con người Việt Nam đã cuốn hút những con người kỳ lạ đó. Họ đã trở thành những công dân danh dự của Việt Nam. Đối với thế giới, họ là những sứ giả của đất nước chúng ta. Tiếp nối danh sách này, nhà văn Pháp Yveline Feray đã mắc một căn bệnh đáng yêu – bệnh nghiện Việt Nam.

Nhà văn Yveline Feray cùng hai em thiếu nhi Pháp.

Trong suốt mười tám năm, bà Yveline Feray đã viết được hai cuốn tiểu thuyết rất quan trọng về lịch sử và con người Việt Nam. Cuốn thứ nhất là tiểu thuyết “Vạn Xuân”, viết về Nguyễn Trãi. Bà đã tập trung viết trong bảy năm (1982-1988). Cuốn thứ hai là “Lãn Ông”, viết về danh y Lê Hữu Trác. Bà viết trong mười năm (1990-2000). Có nhà tâm lý học của ta nhận xét: thời gian ở nước ta thường bị xé nhỏ. Có lẽ vì thế nên người Việt thường ít tập trung làm những công việc đòi hỏi phải có nhiều thời gian?

Bà Yveline Feray là ai?

Bà sinh năm 1939 ở Brittany. Tuổi thơ của bà gắn với trường tiểu học và trung học ở Nice. Vào đại học, cô say mê những bài giảng của nhà sử học Georges Duby (1919-1996), một chuyên gia về lịch sử và kinh tế thời trung cổ. Tình yêu đến. Cô kết hôn với Piere-Richard Feray, một người Pháp gốc Ấn Độ có mẹ là người Việt. Cô theo chồng sang Campuchia, nơi anh làm công tác giảng dạy.

Với cá tính ham hiểu biết, cô tìm hiểu đời sống và truyền thống văn hóa của đất nước này. Năm 1966, cô xuất bản cuốn sách đầu tiên, nhan đề “La Fete des eaux” (Lễ hội té nước). Năm 1976, cô hoàn thành tiểu thuyết “Le Promenneurs de nuit” (Những người đi bộ trong đêm). Nhân vật chính là một người bước vào một nền văn hóa không phải của mình. Đối với anh, điều quan trọng nhất là quan hệ giữa con người với nhau, không hề có sự khinh miệt – một cách chống lại cách nhìn của chủ nghĩa thực dân. Từ đó, cô tiếp tục kể những câu chuyện về những con người ở Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản… Cô cũng kể những câu chuyện về những người bà Việt Nam, về cổ tích Việt Nam. Song nguyên cớ nào khiến cô dồn hết sức lực để viết “Dix Mille Printemps” (Mười ngàn mùa xuân – Vạn Xuân)?

Trước hết, đó là tình yêu Việt Nam và lòng khâm phục nhân vật Nguyễn Trãi. Trong tiểu thuyết, Yveline Feray dành những trang thật đẹp miêu tả cuộc hôn nhân đầy sóng gió của người cha Nguyễn Phi Khanh với cô Trần Thị Thái, con gái của danh thần Trần Nguyên Đán; sự ra đời của vĩ nhân Nguyễn Trãi. Bà còn tìm hiểu tên “Trãi” có ý nghĩa là gì. Bà viết: “Như thế cha mẹ đứa nhỏ muốn đặt đứa nhỏ dưới sự bảo trợ của con kỳ lân, một linh thú đem lại điềm lành nhất, biểu tượng cho những đức hạnh vương giả và đồng thời là con vật chúa tể thủy giới, mà đứa bé lúc thụ thai lại do mạng thổ chủ trì”. Chỉ đọc qua mấy dòng, chúng ta đã có thể khâm phục kiến văn to lớn của bà về phong tục, truyền thống, văn hóa và tình cảm gia đình của người Việt. Đặc biệt, bà còn truyền cho độc giả niềm “say sưa kinh ngạc trước tài năng đa dạng của kẻ sĩ Việt Nam này vì ông ta vừa là một thi hào, một nhà văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt viễn thấu, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái và là một nhà sư phạm tuyệt vời. Lúc ấy độc giả sẽ hiểu được rằng tấm thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấm thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ”.

Trong thư gửi nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà văn Yveline Feray bộc lộ: “… Làm thế nào mà một phụ nữ không biết nói và đọc tiếng Việt, không biết chữ Nôm, chữ Hán lại dám lao vào một công việc liều lĩnh này: dám viết “một trước tác cổ điển về thế kỷ 15” (Việt Nam), một thứ “Thủy hử” của sông Hồng, một pho tiểu thuyết rộng lớn cố thuyết phục độc giả Pháp mà nhất là được độc giả Việt Nam công nhận?… Giờ đây chỉ xin nói là trong cuộc phiêu lưu này, trong cuốn tiểu thuyết về các thử thách, đã có một sợi dây oan nghiệt, một món nợ tiền kiếp phải trả, một cuộc gặp gỡ tiền định.

Nước Việt Nam ư? Nghĩ lại từ xa xưa, hình như tôi đã biết đất nước này từ thuở nào ấy. Nhưng để chính xác hơn, tôi xin nói: từ ngày tôi gặp gỡ anh Pierre Richard Féray ở trường đại học… Sau khi đi Hà Nội tham gia cuộc hội thảo quốc tế về Nguyễn Trãi, chính anh đã kể cho tôi về câu chuyện đẹp mà bi thảm, anh khuyến khích tôi viết. Nhưng tôi cần phải 2 năm trời suy nghĩ. Tôi nhìn Nguyễn Trãi mặc áo đại triều, đội mũ cánh chuồn, ở trong áp phích của ban tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm với sự khâm phục và sự sợ hãi thiêng liêng đối với những vĩ nhân”.

Và trong quá trình tìm kiếm tư liệu ấy, trong tâm trí bà lại sáng lên những bài giảng của người thầy Georges Duby: “Chất liệu phong phú đầy tính tiểu thuyết, lại mở ra cho nhà viết truyện những vùng rộng lớn bao la cho trí tưởng tượng”.

Tầm vóc lớn lao của nhân vật luôn được bà đặt trong bối cảnh vừa lớn lao song cũng đầy phức tạp. Bà xác định quan điểm: “Định mệnh của một cá nhân và định mệnh của một tập thể nương tựa, nuôi dưỡng lẫn nhau, cho nên viết về Nguyễn Trãi tức là viết về Đại Việt. Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói của Bernard Guenee: “Định mệnh của một con người có thể giúp ta hiểu lịch sử một thời đại, nhưng ngược lại, chỉ lịch sử thời đại người ấy mới giúp ta hiểu được định mệnh con người ấy”. Vì thế, cuốn sách này không nhằm trình bày một cuộc đời được tiểu thuyết hóa hay một tiểu sử được thêm màu mè, văn vẻ”.

Để viết được cuốn sách, bà đã đọc hàng ngàn trang tư liệu, gặp hàng chục chuyên gia văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đến đâu bà cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình. Bà viết: “Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên về sự hào hiệp và kiên nhẫn của các nhà sử học, địa lý học, ngôn ngữ học, nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam đã mở tung cửa dĩ vãng của họ cho một phụ nữ Pháp đang vấp phải từng từ tiếng Việt… Tôi muốn học, tìm hiểu, thấy tất cả..”.

Trong tiểu thuyết Vạn Xuân, hình ảnh những nhân vật cuối thời Trần đang độ suy tàn; hình ảnh tướng quân Lê Quý Ly dự định xây triều mới; những cuộc xâm lăng của nước Chămpa; những cuộc bình định phương Nam; những cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp của Nguyễn Trãi – Lê Lợi; những cuộc trỗi dậy và chiến thắng của quân dân Đại Việt trước quân Minh; những ngày hoảng loạn của Vương Thông cùng bè lũ xâm lược; rồi những xung đột trong triều đình nhà Lê sau chiến thắng; tâm trạng mệt mỏi của Nguyễn Trãi; tấn bi kịch vườn Lệ Chi… được nhà văn Yveline Feray viết với bút pháp trân trọng, kỹ lưỡng từng câu, từng chi tiết, từng đối thoại, từng hành động.

Bà luôn để nhân vật tự kể câu chuyện của mình. Hàng trăm nhân vật, nhưng mỗi người đều có màu sắc riêng. Cuốn tiểu thuyết của bà có thể như một mô hình về cấu trúc cũng như những cách xây dựng cao trào cho những ai muốn viết tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, bà còn thể hiện sâu sắc hai thế giới (Trung Quốc – Việt Nam) có sự liên kết hết sức chặt chẽ với nhau nhưng vẫn tồn tại những khác biệt và có khi cả những đối kháng. Từ đó chúng ta mới khám phá được cái khả năng phi thường của người Việt Nam trong việc “đồng hóa” mọi nguồn vốn liếng ngoại nhập bằng cách “bản quốc hóa” chúng.

  Khi tiểu thuyết ”Vạn Xuân” hoàn thành, bà tâm sự với ông Hữu Ngọc: “Khi tôi hoàn thành “Vạn Xuân”, tôi khóc vì vui, vì kiệt sức, vì cô đơn. Các bạn nói là ở Việt Nam người ta sinh ra ở đời ai cũng có món nợ phải trả. Thế là tôi đã trả xong món nợ đời tôi và tôi bỗng cảm thấy lòng rỗng không. Từ ngày đó, 2 năm đã qua. Tôi đã không cụ thể hóa được bất cứ dự án sáng tác nào khác ở trong đầu. Lý do kể cũng đơn giản: chắc chắn là tôi chưa rút ra khỏi Nguyễn Trãi và đất Đại Việt thế kỷ 15 được. Người ta không chia tay một mối tình lớn một cách nhanh chóng như vậy”. Nhưng chính những năm tháng sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã giúp bà trở lại với cội nguồn văn hóa Xente gốc rễ của bà. Và hai năm trôi qua, bà không thể viết thêm một dòng nào nữa. Bà thú nhận chân thành: “Chứng tỏ tôi còn chưa hết duyên nợ với châu Á”, cụ thể là Việt Nam.

Để nối tiếp chữ “duyên”, bà tìm hiểu danh y Lê Hữu Trác (1724-1791), một thầy thuốc lừng danh Việt Nam ở thế kỷ 18, một con người không màng vinh hoa phú quý, chỉ cốt sống thong dong, biệt hiệu “Ông Lười”. Lần này, bà tìm hiểu một nhân vật khác, một nhân vật sống lặng lẽ. Bà tìm đọc “Thượng kinh ký sự” của ông qua bản dịch và chú thích tiếng Pháp do trường Viễn Đông Bác cổ ấn hành tại Paris năm 1972 và nhiều công trình của các thầy thuốc Pháp ca ngợi ông. Bà nhận xét về nhân vật: “Khác với Nguyễn Trãi, tôi mô tả một mẫu người “phi anh hùng” hoặc một anh hùng thầm lặng. Lê Hữu Trác theo triết lý vô vi của Lão giáo, đi sâu nghiên cứu y học và hết lòng với người bệnh, đào tạo học trò và mơ ước “mọi người đều có sức khỏe tốt để mình được hoàn toàn thảnh thơi ngâm thơ và uống rượu nơi chốn ẩn cư thân yêu ở vùng Hương Sơn, Nghệ An”.

Bà đã tìm đọc “Hoàng Lê nhất thống chí” – cuốn tiểu thuyết của Ngô Gia văn phái miêu tả những rối ren của lịch sử Việt Nam từ 1768 đến 1802, nghiên cứu những chi tiết mang tính tiểu thuyết để công trình thêm phần xác thực. Bà nhấn mạnh đến tư tưởng của tác phẩm: “Đây là cuốn tiểu thuyết xoay quanh chủ đề trung tâm “quyền lực và y học” qua hình tượng một vị danh y  bị một trong hai phe nhóm đối địch có quyền lực là bà Chánh cung và thế tử kế nghiệp muốn giữ ông làm con tin, buộc phải đem mạng sống của chính mình và cả gia đình ra bảo đảm cho thành công của công việc chữa bệnh”.

Bà đã làm theo công thức nổi tiếng của Alexandre Dumas là “sáng tạo ra một đứa trẻ” cho Lê Hữu Trác.  Bà say mê với sáng tạo nghệ thuật mà mình tạo ra: “Sự liên hệ tưởng tượng giữa Lãn Ông tôn kính với ấu chúa Trịnh Cán mà trên thực tế, họ chỉ gặp nhau có hai lần, đã được nảy sinh từ lòng ngưỡng mộ đầy cảm kích của tôi, từ lòng mong ước không sao cưỡng được muốn tạo ra một cuộc “phiêu lưu” trong cuộc sống của ông, sau khi được cân nhắc kỹ đã làm đảo ngược vai trò của các nhân vật, đến mức mà “sự ngây thơ trong trắng” của trẻ thơ đã có thể điều khiển được “khối óc khôn ngoan” của người già”.

Và suốt mười năm lao động miệt mài, đến năm 2000, cuốn tiểu thuyết “Monsieur Le Paresseux” (Lãn Ông) do NXB Robert Laffont, Paris ấn hành, đã ra mắt. Năm 2022, đã được dịch giả Lê Trọng Sâm chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Trong một thế giới ngày càng có xu hướng toàn cầu hóa, việc khám phá bản sắc của mỗi nền văn hóa ngày càng cần thiết. Trong khi những nền văn hóa bản địa chưa đủ sức mạnh và phương tiện để vượt qua biên giới để được quốc tế đồng thuận, thì việc các chuyên gia văn học khai phá con đường, mở ra hướng tiếp cận văn hóa bản địa, như nhà văn Yveline đã và đang làm, là những thành tựu rất đáng biểu dương.

Từ tình yêu nước Pháp đến tình yêu Việt Nam, và ngược lại. Bà đã phải lòng đất nước này và khát khao truyền cảm hứng cho người Pháp và bạn đọc thế giới: “Tôi muốn cho đồng bào của mình thấy rằng Việt Nam đã là một vùng đất của đức hạnh và văn hóa đẹp từ rất lâu trước khi chúng tôi đặt chân đến đó”. Hiện nay, bà cùng chồng nghỉ hưu ở Dinan, một thị trấn thần tiên ẩn khuất của vùng Bretagne xinh đẹp.

ĐOÀN TUẤN

CÔNG AN NHÂN DÂN NĂM 2022

 

Các tin khác:

46-50 of 104<  ...  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter