Tiểu luận . RICARDO PIGLIA
Ricardo Piglia sinh năm 1941 ở Adrogué và lớn lên ở Áchentina, là tiểu thuyết gia và nhà nghiên cứu. Hiện ông giảng dạy ở đại học Princeton, Mĩ và là tác giả của nhiều kịch bản phim. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá về văn chương như giải Casa de las Americas (1967), giải Planeta (1997) và giải Ibéro - Américan des Lettres (2005)…
1.
Trong một cuốn sổ tay, Tchekhov đã ghi lại giai thoại sau: "Ở Monte-Carlo, có một người tới casino, thắng bạc một triệu franc. Trở về nhà. Tự tử". Phác thảo cho một truyện ngắn kinh điển, cốt lõi của nó được cô đặc trong mấy dòng ngắn ngủi trên. Từ sự giao thoa của những sự kiện mang tính dự báo và quy ước như trên (chơi bạc - thua/được - tự tử), câu chuyện hiện ra như là một nghịch lí. Giai thoại này hướng tới việc chia tách câu chuyện đánh bạc và câu chuyện tự sát. Cách chia tách này hé lộ cho chúng ta thấy cái thuộc tính "hai mặt" của một truyện ngắn: Kết luận thứ nhất: một truyện ngắn luôn kể đồng thời hai câu chuyện.
2.
Truyện ngắn dạng cổ điển (Poe, Quiroga) sẽ đặt câu chuyện 1 (chuyện đánh bạc) lên tuyến đầu và bí mật xây dựng câu chuyện thứ 2 (chuyện tự tử). Tài năng của người kể chuyện thể hiện ở nghệ thuật biết cách mã hóa và cách giấu đi/làm chìm đi câu chuyện 2 trong những khe hở hẹp, những góc khuất của câu chuyện 1. Những tình tiết phơi bày trên bề mặt nhằm che giấu một câu chuyện bí mật, được kể lại bằng một phong cách ẩn dụ và tinh tế. Hiệu quả cuối cùng: sự ngạc nhiên ngỡ ngàng sẽ nảy sinh ở cuối truyện ngắn, khi câu chuyện 2 trồi lên trên và hiện diện trọn vẹn trên bề mặt.
3.
Mỗi một câu chuyện sẽ được kể theo một cách khác nhau. Tạo dựng hai câu chuyện là việc thao tác với hai hệ thống quan hệ nhân quả khác nhau. Mỗi một sự kiện, một chi tiết sẽ gắn với hai logic, hai phương thức trần thuật trái ngược nhau. Mỗi chi tiết chính của truyện ngắn vì thế sẽ gánh vác hai chức năng khác nhau và được sử dụng theo những cách khác nhau trong mỗi một câu chuyện. Những điểm giao thoa của chúng chính là nền tảng cấu thành của truyện ngắn.
Anton Pavlovich Chekhov (tiếng Nga: Антон Павлович Чехов; 1860 - 1904) là nhà viết kịch, nhà văn người Nga chuyên thể loại truyện ngắn.
Ông được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
4.
Trong phần mở đầu cuốn Thần chết và chiếc La bàn ( "La Mort et la Boussole") của Borges, một chủ quán muốn xuất bản một cuốn sách. Sự xuất hiện của cuốn sách, bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên tùy hứng, thực chất lại là cái bệ đỡ quan trọng của câu chuyện bí mật. Làm thế nào để một găngxtơ như Red Scharlach hiểu được những phong tục, những truyền thống Do Thái đầy phức tạp và có khả năng giúp Lönnot tránh xa được một cái cạm bẫy đầy thần bí và tinh vi đến thế. Tác giả Borges đã cấp cho anh ta cuốn sách đó để có cơ hội trau dồi hiểu biết về lĩnh vực đó. Nhưng ông đã khéo léo dùng câu chuyện 1 để giấu đi cái chức năng đó của cuốn sách. Trong câu chuyện 1, cuốn sách được nhắc đến như là một chi tiết liên quan tới vụ ám sát Yarmolinsky và nằm trong một chuỗi tình tiết phát triển theo một thứ quan hệ nhân quả kì quặc. Những gì có vẻ dư thừa trong câu chuyện này thực ra lại là yếu tố hay tình tiết căn bản của câu chuyện kia. Chi tiết về cuốn sách của ông chủ quán trong truyện ngắn này, cũng giống như mấy tập sách Một nghìn lẻ một đêm trong truyện ngắn Phương Nam ("Le Sud") hay vết sẹo trong Hình dạng của kiếm ("La Forme de l'épée") là những ví dụ của thủ pháp lập lờ nước đôi để vận hành và điều khiển những mạch ngầm li ti trong các dòng trần thuật đi xuyên qua truyện ngắn.
5.
Truyện ngắn là một câu chuyện hiển lộ trên bề mặt để che giấu một câu chuyện khác. Câu chuyện sẽ được “giấu đi” không phải theo cái nghĩa đen của từ này, nó vẫn có mặt, len lỏi trong từng dòng chữ nhưng đã được ngụy trang , được mã hóa hay được kể lại theo một cách thức bí ẩn. Toàn bộ chiến lược để dựng nên kết cấu truyện ngắn là nhằm phục vụ cho dòng trần thuật được mã hóa kiểu này. Làm thế nào để kể một câu chuyện ở bên cạnh một câu chuyện khác? Làm thế nào để kể ra một câu chuyện khi đang kể về một câu chuyện khác ? Câu hỏi này đã bao trùm toàn bộ những vấn đề kĩ thuật của sáng tác truyện ngắn. Kết luận: Câu chuyện bí mật là chìa khóa để để nắm bắt được cái cốt lõi của một truyện ngắn.
6.
Những dạng kết cấu mới của truyện ngắn đã xuất hiện trong các tác phẩm của Tchekhov,của Sherwood và của Joye (như ở trong tập Người Dublin - "Gens de Dublin"), các tác giả đã từ bỏ những cái kết tạo ngạc nhiên hay gây ấn tượng mạnh. Mỗi truyện ngắn không còn là những cấu trúc khép kín, thay vào đó những kết cấu mở. Truyện ngắn được triển khai trong một tình trạng bị kéo căng ra giữa hai câu chuyện, bị đẩy vào mối xung đột dai dẳng giữa hai câu chuyện mà không bao giờ giải quyết được, chấm dứt được. “Câu chuyện bí mật” sẽ được kể lại theo những cách ngày càng "bóng gió hơn". Nếu như những truyện ngắn cổ điển của Poe trong khi đang kể một câu chuyện đồng thời thông báo một câu chuyện khác thì những truyện ngắn hiện đại giờ đây sẽ kể về hai câu chuyện với một giọng điệu nhưng như là chỉ có một câu chuyện. Những truyện ngắn của Hemingway là những minh chứng đầu tiên cho quá trình chuyển đổi này. Cái quan trọng nhất sẽ không bao giờ được kể ra. “Câu chuỵện bí mật” sẽ được xây dựng trên những thứ không -nói -ra, những thứ được ngầm - hiểu và trên những dấu hiệu ám chỉ.
Franz Kafka (1883 –1924) là một tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Bohemia nói tiếng Đức.
Ông được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất Thế kỉ 20.
7.
Trong Nhánh sông dài mang trái tim kép ("La Grande Rivièrè au coeur double") truyện ngắn nổi tiếng của Hemingway, câu chuyện 2 (những di chứng chiến tranh với Nick Adams) đã được mã hóa đến mức ở vẻ ngoài toàn bộ câu chuyện giống như những trang mô tả tầm thường một chuyến đi câu. Hemingway đã dùng tất cả tài năng, sự thuần thục của mình để kể lại một cách tường giải, bạch hóa “câu chuyện bí mật” và tạo ra cảm giác thấy hụt hẫng/thiếu vắng một câu chuyện khác nơi người đọc. Hemingway sẽ làm gì với giai thoại của Tchekhov đã được nhắc đến ở trên. Mô tả lại từng chi tiết của sòng bài, cái không khí căng thẳng của những ván bài và những lần thách đấu, toan tính của người chơi trong mỗi lần cá cược, những loại rượu anh ta đã uống. Dẫu không nói lời nào về vụ tự tử sắp tới, Hemingway sẽ viết truyện ngắn này với thái độ như là độc giả hiển nhiên đã biết rõ về chuyện đó.
8.
Kafka thường kể lại một rõ ràng và rất rành mạch “câu chuyện bí ẩn” ( câu chuyện 2) và đồng thời ông sẽ triển khai dẫn dắt câu chuyện 1, từ một câu chuyện bình thường, sáng sủa càng ngày càng trở nên tăm tối u ẩn ngột ngạt không lý giải nổi. Nghệ thuật đảo ngược vai trò giữa hai câu chuyện như thế ở Kafka thật đặc biệt, một phong cách độc đáo chỉ của riêng ông. Với Kafka, câu chuyện về vụ tự tử trong giai thoại của Tchekhov sẽ được đặt ở vị trí trung tân của truyện ngắn theo một cách thức tự nhiên nhất có thể. Cảm giác kinh hoàng sẽ ngự trị trong cuộc đánh bạc, những tình tiết được cố gắng kể lại bằng một giọng điệu bình thản nhưng vẫn trĩu nặng cảm giác lo lắng, bị đe dọa.
Jorge Francisco Isidoro Luis Borges (1899 - 1986) là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng người Argentina.
9.
Với Borges, câu chuyện 1 và câu chuyện 2 luôn cùng thể loại, để làm dịu bớt hay che giấu đi sự đơn điệu của “câu chuyện bí ẩn” ông thường sử dụng các biến tấu trần thuật khác nhau cho câu chuyện 2, còn ở câu chuyện 1, ông không ngần ngại sử dụng các bản sao chép hay mô phỏng một tác phẩm kinh điển, những lối viết quy ước của những thể loại truyền thống. Thủ pháp cơ bản mà Borges thường sử dụng là việc xây dựng cái chủ đề của truyện ngắn từ cấu trúc đã được mã hóa của câu chuyện 2. Borges sẽ kể về những thủ đoạn của một nhân vật với những phương pháp tàn bạo bí mật dệt nên một âm mưu, âm mưu ấy được lắp ghép từ những khối chất liệu bề ngoài tưởng chừng như vô hại có mặt trong câu chuyện 1. Borges (cũng như Poe, như Kafka) là bậc thầy trong việc chuyển những vấn đề được đặt ra thành những giai thoại thông qua việc kể chuyện.
10.
Truyện ngắn được viết ra để hé lộ một điều gì đó bị che giấu. Chúng tái tạo lại những cuộc tìm kiếm luôn được thúc đẩy bởi những trải nghiệm duy nhất, những trải nghiệm cho phép chúng ta nhìn xuyên thấu qua cái bề mặt mờ đục của cuộc sống thường ngày để nhận ra những sự thật bí ẩn. Hơn một thế kỉ trước Rimbaud đã nói về những ánh chớp, những khoảng khắc lóe sáng đã giúp chúng ta phát hiện ra và giải mã được những sự bí ẩn bấy lâu nay vẫn tồn tại cận kề bên chúng ta, ở ngay trong chúng ta. Sự mặc khải “thế tục” đó luôn là mục đích, là tham vọng và là niềm khao khát của những cây bút viết truyện ngắn.
Dương Thắng
(Trích dịch từ Nouvelle của RicardoPiglia, in trong tạp chí Europe, số thứ 1000, Tháng 9, 2012)
Theo nguồn: vannghequandoi.com.vn