Đẹp và buồn (Kawabata Yasunari) – Nỗi buồn thấm sâu trong vẻ đẹp con chữ

 

“Không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý”, “một mực đề cao cái đẹp”, văn chương của Kawabata, trước giờ vẫn luôn như vậy. Cái đẹp thấm sâu vào con người, cảnh vật, vào từng con chữ; những vấn đề luân thường đạo lý, theo đó cũng trở lên đượm buồn một vẻ đẹp day dứt và khắc khoải.

Đẹp và buồn

 “Đẹp”

“Truyện của ông viết là mối tình bi kịch của cô gái nhỏ với người đàn ông trẻ đã có vợ con, không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi.” Đây là quan điểm sáng tác của Oki, một nhà văn, cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết Đẹp và buồn khi nói về tác phẩm Cô gái mười sáu ông viết. Và đó cũng như chính là tuyên ngôn văn chương mà Kawabata Yasunari đã gửi gắm để nhân vật này giúp ông nói lên trên trang văn.

Để rồi, ấn tượng của mỗi độc giả khi tiếp xúc với các tác phẩm của Kawabata Yasunari, bước vào thế giới nghệ thuật do ông xây dựng lên, từ Xứ tuyết cho tới Những người đẹp say ngủ, từ Hồ cho đến Ngàn cánh hạc,… hẳn vẫn luôn là ngôn ngữ tác giả quá đỗi đẹp và tinh tế. Một vẻ đẹp, mà dẫu đã qua quá trình chuyển ngữ sang một thứ tiếng khác cũng không thể làm phai mờ. Vẻ đẹp ấy, vừa gợi lên sự tỉ mỉ, sâu sắc, chắt đọng trong từng từ ngữ; vừa gợi về âm hưởng một nước Nhật cổ kính và hiện đại vào những năm 60 của thế kỷ XX. Có thể nói chăng, tiếng Nhật và ngôn ngữ của văn học hiện đại Nhật Bản, đến Kawabata Yasunari đã trở thành một thứ “đạo”, giống như cung đạo, kiếm đạo, trà đạo,… Điều đó, cũng thể hiện thật rõ, trong tiểu thuyết Đẹp và buồn của ông.

Thật vậy, câu văn mà Kawabata viết, không cốt lấy sự trúc trắc trong cách hành văn hay kiếm tìm cách sáng tạo lên những từ ngữ mới; mà ông, dùng sự giản dị đến khôn cùng để tạo nên chất thơ, chất nhạc, chất họa cho trang viết: “Oki đứng trên đỉnh đồi say ngắm ráng chiều tím biếc. […] Sắc tím trên bầu trời phía Tây mỗi lúc một loang dần lên cao. Có lẽ sương đang giăng, nhưng màu tím đậm đến nỗi sương trông như mây mỏng. Hoàng hôn tím là cảnh rất hiếm thấy. Màu nhạt tối dần chuyển sang màu đậm, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt.”

Mà từ những câu văn giàu chất gợi hình, gợi tả ấy, Kawabata Yasunari đã tái hiện lên ở tiểu thuyết Đẹp và buồn, một Nhật Bản đẹp trong từng khoảnh khắc văn hóa, trong từng bóng hình con người. Đúng như tuyên ngôn nghệ thuật ông viết trong chính tác phẩm “không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi.”

Đẹp và buồn là một tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản. Và quả thực, trên nền cốt truyện đơn giản ấy, nếu độc giả chỉ xoáy sâu vào mối quan hệ của những cá nhân xuất hiện trong sách, từ đó soi chiếu lên các mối quan hệ đấy bằng luân thường, đạo lý, hẳn ta sẽ chỉ thấy những sai trái, xấu xa, ích kỷ, hẹp hòi nơi tâm hồn mỗi người. Một ông lão từng ngoại tình với một bé gái 16 tuổi, gần như đã phá hủy tương lai của bé gái ấy, hơn 20 năm sau, lại quay trở lại tìm gặp người tình xưa. Để vượt qua vết thương quá khứ, cô gái vào 20 năm sau, khi này đã thành danh trên lĩnh vực hội họa, đã thu nhận đồng thời nảy sinh mối quan hệ thầm kín với cô bé học trò khi ấy mới tầm 17, 18 tuổi. Người học trò nhỏ, đem lòng yêu mến và cảm thấu những đau thương cô giáo mình đã từng trài qua, chịu đựng, quyết định sẽ lên kế hoạch trả thù cho cô… Tất cả, đều là ích kỷ cá nhân, mà rồi trở thành bi kịch thế hệ kéo dài không dứt.

Tuy nhiên cái đẹp trong cách Kawabata kể, tả những tình tiết “xấu xí” đó, đã như khiến độc giả trong khoảnh khắc, quên đi “đạo lý hay không đạo lý” mà chỉ đắm chìm mãi vào thế giới văn chương, vào thế giới “đề cao cái đẹp” của ông. Ấy là vẻ đẹp cổ kính trong tiếng chuông chùa cuối năm của vùng cố đô Kyoto mà tin chắc rằng, dẫu không tới để gặp người tình xưa, Oki cũng sẽ đến, để lắng nghe tiếng chuông, và để hoài vọng. Ấy là vẻ đẹp trong ngoại hình cùng những cảm xúc tinh tế của người phụ nữ Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ XX, nét đẹp giao thoa giữa truyền thống và hiện đại: “Thật ra màu áo hơi buồn lại làm khuôn mặt đẹp như hoa của cô gái rực rỡ hơn. Có gì rất trẻ trung trong sự hòa hợp các màu, trong hình thể những con chim, và ngay trong những bông tuyết đang nhảy múa.”

Hay rộng hơn, ấy là vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của một nước Nhật vẫn đang gìn giữ, níu lấy những nét đẹp cổ xưa trong từng sắc cảnh tự nhiên hòa hợp với sự nguyên tắc, ý tứ của con người. Vùng núi Arashi vào những ngày mưa bụi mùa xuân, những sóng chè gợi lên cảm hứng cho các bức họa của Otoko và Keiko, các ngôi đền cổ trong quần thể di tích chùa Nisonin ở Saga… Tất cả, tạo nên một diện mạo Đẹp và buồn trong văn có họa, như sự tổng hòa của chính trang văn Oki với tranh vẽ của Otoko cùng Keiko vậy: giữa cái hiện đại có phần man dại là nét truyền thống. Không nhằm phán xát đạo lý mà hướng tới vẻ đẹp trong từng không gian, cảnh sắc; đẹp trong từng hơi thở con người; và đẹp thấm vào từng con chữ của nhà văn.

“Buồn”

Nhưng dù văn chương Kawabata Yasunari có khiến ta như lãng quên đi sự phán xét đạo lý đến đâu; thì tên cuốn tiểu thuyết tới cuối cùng vẫn là Đẹp và buồn; song hành cùng chữ đẹp là chữ buồn, chất buồn mung lung, bảng lảng, khắc khoải, day dứt tâm can nhân vật, cũng là day dứt trái tim độc giả.

Lần nữa, nếu không phán xét vấn đề đạo đức, đạo lý con người ở tiểu thuyết Đẹp và buồn, như đúng những gì Kawabata muốn và nói trên trang văn, thì nhân vật của ông, ai cũng vẫn mang một nỗi buồn khắc cốt tận tâm can. Nỗi buồn ấy, đã trở thành ẩn ức thiêu đốt tâm hồn nhân vật, qua thời gian mà đóng vảy thành những vết sẹo nhức nhối. Bi kịch quá khứ, kéo dài mãi đến hiện tại. Bi kịch tiếp nối bi kịch, mà tạo lên vòng tròn luẩn quẩn như nghiệp vay – trả mà đời người phải gánh trên vai.

Mối quan hệ sai trái giữa Oki – Otoko khiến cho người con gái 16, 17 tuổi mất đi đứa con, mất đi luôn thiên chức trở thành người mẹ. Để rồi hơn hai mươi năm sau, học trò Otoko, đã cướp đi người con của Oki như một cách thức báo thù đầy nghiệt ngã, tàn nhẫn. Yêu, hận, tình thù, cả tác phẩm, ai cũng là người đáng giận, đáng trách, ai cũng là nạn nhân trong chính bi kịch do chính họ gây ra. Và đọng lại, vẫn là nỗi buồn thế hệ vẫn mãi kéo dài. Đau thương mà Otoko từng mang, giờ Keiko gánh chịu; nhưng tận cùng sự trả thù chỉ như đào sâu thêm vết thương quá khứ đã khắc vào tim Otoko. Mà đến cuối cùng, tất cả vẫn mãi dở dang, một cái chết dang dở của Taichiro cùng bức vẽ Em bé về trời của Otoko, vẫn chỉ là phác họa thiếu sót trên trang vẽ.

Nói đến nỗi buồn, văn chương của Kawabata lần nữa lại sử dụng đến những ngôn từ trau chuốt, giàu sức nhưng vẫn hết sức dung dị, dễ hiểu với người đọc. Như những gì Otoko từng nói với Keiko trong lần đầu hai người gặp gỡ: “Chiều xuân ấy đầy sa mù… Và em như trôi bập bềnh trong làn sương mỏng xanh nhạt đang buông xuống khu vườn…” Có lẽ, Otoko đã nhìn thấy ở Keiko, bóng hình bản thân khi trước chăng? Người con gái nhỏ, bướng bỉnh giữ mãi chấp niệm để rồi trở nên cuồng dại trong ẩn ức đau thương của tình cảm: tình yêu, tình mẫu tử cùng mâu thuẫn giằng xé giữa quá khứ lẫn hiện tại. Như chính các bức tranh Otoko với Keiko đã vẽ, trừu tượng, mơ hồ quyện hòa cùng điều gì đó đầy cá nhân, man dại.

Và nỗi buồn trong tiểu thuyết Đẹp và buồn, còn là nỗi buồn xuyên suốt các tác phẩm của Kawabata Yasunari. Nỗi buồn đó xuất phát từ những con người đang dần mất đi căn cước, mất cái tôi, mất đi tiếng nói cá nhân. Như một Otoko, nhân dạng, căn cước chẳng còn vẹn nguyên khi đã được khúc xạ qua ngôn ngữ trên văn chương Oki, trên bức tranh cô vẽ mẹ mà lại đặt cái tôi, lấy nguyên mẫu là chính mình. Hay như một Keiko, sống và đã nhận trao sinh mệnh vào tay Otoko. Chính bởi mất đi căn cước, thiếu đi căn tính, khủng hoảng cái tôi, mà nội tâm nhân vật ở Đẹp và buồn, luôn chứa đựng đầy mâu thuẫn, xung đột gay gắt, khiến con người sẵn sàng trở thành ác quỷ.

Nỗi buồn được tái hiện trong nhiều hình ảnh biểu tượng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường sáng tác của Kawabata. Mà mặt hồ, chính là một hình ảnh biểu tượng như vậy. Hồ, xuất hiện trong tác phẩm cùng tên được Kawabata viết vào thời kỳ sáng tác đầu như một hình ảnh tượng trưng cho kiếp sống tù đọng không thấy ngày mai, và đã trở lại, trong Đẹp và buồn, với một địa danh cụ thể: Hồ Biwa. Mặt hồ dậy sóng, nhấn chìm một sinh mạng, nhấn chìm hận thù, chỉ để lại trên nhân thế, những tâm hồn càng thêm vụn vỡ. Giọt nước mắt Keiko nhìn Otoko, thật khó để cắt nghĩa, gọi tên. Là tiếc thương cho chàng trai xấu số, tiếc thương cho số phận hai cô gái hay là giọt nước mắt vì mãn nguyện khi trả được mối thù? Sóng nước hồ Biwa, cuốn đi giọt nước mắt muộn màng của Keiko, để dìm tất cả, xuống đáy hồ u tối.

Đẹp và buồn cùng những trải nghiệm văn chương Kawabata Yasunari.

Là tác giả đầu tiên của Nhật Bản giành giải Nobel – Giải Nobel văn học năm 1968; có thể nói văn chương của Kawabata Yasunari không hề dễ đọc, dễ cảm mà tiểu thuyết Đẹp và buồn chính là một minh chứng tiêu biểu. Tiếp xúc với tác phẩm, càng về sâu những chương cuối cùng, càng dễ ngợp trước những dòng văn vừa đẹp mà cũng vừa trừu tượng của Kawabata. Để rồi, gấp trang sách lại, độc giả vẫn sẽ còn day trở mãi, về giọt nước mắt của Keiko cùng nỗi đau những ai còn sống.

Và độc giả yêu văn chương, yêu cái đẹp, tiếp nhận tác phẩm của Kawabata nói chung, tiểu thuyết Đẹp và buồn nói riêng, chính như một trải nghiệm đầy màu sắc trong tính thơ, tính họa, tính nhạc của một bậc thầy ngôn ngữ – Kawabata Yasunari.

 

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Các tin khác:

1-5 of 90<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter