Vanvn- Sinh ngày 26.2.1802, mất ngày 22.5.1885, cuộc đời Hugo đã trải qua những biến động lớn lao của lịch sử nước Pháp: Cách mạng vô sản năm 1848, chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870, Công xã Paris năm 1871…
Như một người chép sử bằng thơ, kịch, phê bình văn học, tiểu thuyết, Victor Hugo đã có công phản ánh trung thực những bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử của đất nước. Cái “bóng” của ông đã “tỏa” rợp khu vườn nghệ thuật toàn thế giới. Trong hơn 60 năm cầm bút sáng tác, ông đã viết nên 45 tác phẩm, trong đó có những cuốn được cả thế giới ngưỡng mộ…
Chân dung Đại văn hào Victor Hugo trên tờ giấy bạc của Pháp
Như nhiều đại văn hào, từ thời trai trẻ Victor Hugo đã thử sức mình ở khắp các “địa hạt” văn chương: Thơ, kịch, phê bình văn học, tiểu thuyết. Hugo phát lộ tài thơ từ khi 15 tuổi, bằng khen của Viện Hàn lâm Pháp và giải nhất kỳ thi thơ toàn quốc. Song, hình như thơ chưa đủ để tên tuổi Hugo tỏa sáng. Vì vậy, ông chuyển sang sáng tác kịch bản với hy vọng những buổi trình diễn qui mô lớn những vở kịch ở thủ đô hoa lệ sẽ làm tên tuổi ông bừng sáng.
Năm 1830, Hugo viết kịch bản lịch sử “Cromwell”, bao gồm các yếu tố bi – hài, tầm thường – cao cả, trong nguyên tắc của thời gian, nơi chốn và hành động. “Cái xấu bên cạnh cái đẹp, cái quái dị đi sát với cái tốt, đẹp và xấu cùng tồn tại, ánh sáng và bóng tối cùng song hành”. Ba năm sau đó, Victor Hugo tiếp tục đưa ra trình diễn vở “Trận chiến Hernani”, như một lời tuyên chiến không khoan nhượng với trường phái cổ điển.
Theo lịch, ngày 25.2.1830, vở “Trận chiến Hernani” sẽ được công diễn tại Nhà hát Kịch Paris. Những người theo trường phái bảo thủ đã tung tiền mua tất cả số vé bán ra hòng làm cho buổi diễn “Trận chiến Hernani” không có khán giả. Ông chủ nhà hát lo lắng, đề nghị Hugo thuê người cổ vũ. Tin vào sức hấp dẫn của vở kịch, Hugo đã từ chối lời đề nghị đó. Nhưng để đối phó lại phái bảo thủ, Hugo đã in ra một loại vé đặc biệt: tấm vé màu đỏ với chữ “Thép” in đậm. Ông tin tưởng những thanh niên cầm tấm vé đặc biệt đó sẽ tạo thành “đội quân thép” bảo vệ cho đêm diễn suôn sẻ. Một số thành viên của “đội quân thép” còn viết cả lời di chúc vào tấm vé, bày tỏ quyết tâm bảo vệ đêm diễn được thành công.
Trước giờ mở màn, “đội quân thép” đã hàng ngũ chỉnh tề trước cửa rạp. Những người thuộc phái bảo thủ cũng chẳng vừa. Họ đã khoét sẵn mấy chiếc lỗ trên trần nhà hát, âm mưu xả một lượng lớn rác thải xuống đầu “đội quân thép”. Trong suốt đêm diễn đầu tiên, lời thoại của diễn viên bị trộn lẫn tiếng la ó, chửi bới, than thở, chê bai, khen ngợi… tạo thành mớ âm thanh hỗn độn. Vượt qua thử thách đêm diễn đầu tiên, “Trận chiến Hernani” được trình diễn 45 đêm liền giữa lòng thủ đô Paris hoa lệ, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa lãng mạn. “Trận chiến Hernani”sau này đã được nhà soạn nhạc danh tiếng người Italia Giuseppe Verdi dựa theo đó sáng tác ra nhạc kịch bất hủ “Hernani”.
Hugo cho biết, ông viết kịch vì hai lý do. Thứ nhất, ông cần một diễn đàn để trình bày các quan điểm chính trị – xã hội; thứ hai, vì người tình tên là Juliette – một diễn viên kịch nói trẻ tuổi và nổi tiếng xinh đẹp. Mong muốn người tình có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu, Hugo đã sáng tác cho cô khá nhiều vở kịch đưa vào dàn dựng. Song Juliette là người có sắc mà không có tài, nên một thời gian sau khi quen Hugo, cô đã từ bỏ sân khấu và trở thành người tình trung thành, một thư ký và một người bạn du lịch cùng với nhà văn. Mối tình của hai người đã trở nên sâu nặng và bền lâu cho tới tận khi Juliette qua đời.
Juliette không phải là người phụ nữ đầu tiên, cũng không phải là người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời của Hugo. Hugo lấy vợ rất sớm, từ khi 20 tuổi. Vợ ông là cô bạn hàng xóm từ thuở thiếu thời: Adele Foucher. Vì Foucher mà Hugo luôn mơ trở thành nhà văn nổi tiếng, có nhiều tác phẩm bán chạy để có tiền cưới cô làm vợ. Adele Foucher là một cô gái hiền thục, văn hay, vẽ giỏi. Khi biết chồng có mối tình ngoài hôn nhân với Juliett và sau đó với một mệnh phụ phu nhân quyền quý tên là Dolusai – người thường chép sạch sẽ các bản thảo cho nhà văn, dẫu trong lòng tột cùng đau khổ, Adele Foucher vẫn âm thầm chịu đựng để gia đình không đổ vỡ, để bốn người con của bà không rơi vào cảnh thiếu cha. Khi Adele Foucher qua đời, Hugo rơi vào tình trạng đau khổ và dằn vặt một thời gian dài…
Nhiều nhà văn thế giới cho rằng, cuốn “Nhà thờ Đức Bà Paris” mang vinh quang tới cho tác giả còn hơn tất cả các tập thơ đã có của ông. Là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà văn Anh Walter Scott, năm 27 tuổi, Hugo nảy sinh ý định viết “Nhà thờ Đức Bà Paris”. “Một tác phẩm văn học phải là một công trình của trí tưởng tượng, của các biến đổi và những điều dị thường” – với quan niệm như vậy, trong khoảng thời gian bốn năm, Hugo đã hoàn thành tác phẩm đồ sộ, gồm 11 quyển, dày hơn 600 trang. Bằng trí tưởng tượng trác việt, bản tính hóm hỉnh và thông minh, Hugo đã dẫn người đọc đi ngược dòng lịch sử, đến với một trong những nơi linh thiêng nhất: Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris hiện nay.
Cùng với ngôi nhà thờ thâm nghiêm, huyền bí, những thói tục kỳ quặc, luật lệ man rợ… là đủ các hạng người của một xã hội phong kiến thu nhỏ: một nhà thơ nhu nhược, thích sống bằng ảo mộng; một thầy tu lạnh lùng, độc ác; một anh gù kéo chuông bị số phận bạc đãi đến mức vừa chột, vừa thọt, vừa điếc. Nhưng bù lại anh Gù có một tấm lòng vàng, biết cách yêu và biết chết vì người yêu; một chàng sĩ quan đẹp trai, nhưng hời hợt, nhẫn tâm đến độ độc ác; một nàng Exmêranđa cực kỳ xinh đẹp, trong trắng, thơ ngây một lòng một dạ với người tình… Nàng đã khêu gợi tình yêu cho nhiều người và tự mình cũng yêu cuồng nhiệt. Giữa họ đã nảy sinh tình yêu tay tư, tạo thành một vòng tròn đuổi bắt, mang tới bất hạnh nhiều hơn vui sướng.
Gã thầy tu bất chấp tất cả mọi điều cấm kị để yêu Exmêranđa, nhưng khi bị nàng từ chối, y thà để nàng chết dưới giá treo cổ, còn hơn để một người đàn ông nào khác có được nàng. Nhà thơ nhu nhược trả ơn cứu mạng của Exmêranđa bằng cách dẫn đường cho gã thầy tu độc ác bắt nàng. Anh chàng sĩ quan – người đàn ông duy nhất được Exmêranđa yêu, nhẫn tâm bỏ rơi nàng, đến với người đàn bà khác. Chỉ riêng anh Gù là dũng cảm “cướp tù”, mang Exmêranđa “tị nạn” trong nhà thờ Đức Bà, dùng đủ mọi cách giành giật nàng khỏi lưỡi hái của tử thần… Kết cục của mối tình tay tư đó thật bi thảm! Nàng Exmêranđa bị treo cổ, gã thầy tu bị anh Gù đẩy từ tháp chuông nhà thờ rơi xuống chết tươi. Hai năm sau đó người ta tìm thấy bộ xương của anh Gù trong căn hầm chứa xác ở Môngphôcông, trong tư thế ôm ghì lấy bộ xương của Exmêranđa…
Được biết, Victor Hugo viết “Nhà thờ Đức Bà Paris” từ nỗi ám ảnh khi một lần ông tận mắt chứng kiến cảnh một cô gái trẻ phạm tội ăn cắp bị treo cổ. Trong lúc cô gái đang giãy giụa trong chiếc thòng lọng mỗi lúc một thêm thít chặt hơn, một gã đàn ông lạnh lùng cầm chiếc dùi sắc nung đỏ gí vào da thịt cô. Tiếng cháy xèo xèo của da thịt cùng tiếng kêu la thảm thiết của cô gái đã thúc ép nhà văn phải viết một cái gì đó để bãi bỏ hình thức giết người dã man bằng giá treo cổ. Trong “Nhà thờ Đức Bà Paris”, Hugo đã dùng cái chết oan nghiệt của Exmêranđa cùng hình ảnh ghê rợn của giảo đài Môngphôcông làm yêu sách đòi bãi bỏ tội tử hình.
Năm 1851 lịch sử nước Pháp lại trải qua cơn biến động. Louis Napoléon hủy bỏ nền Cộng hòa, thành lập nền Đế chế, tự xưng là Vua Napoléon III. Vì gọi Napoléon III là “vị vua bé nhỏ”, Hugo bị nhà vua ra lệnh truy nã, phải sống lưu vong trong ngót hai chục năm trời. Trong những năm tháng đó, Hugo đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết ông dự định viết trước đó mấy năm, cuốn “Những người khốn khổ”, dày mấy ngàn trang. “Những người khốn khổ” lên án các loại “địa ngục trần gian” với một thông điệp cho mọi thời đại: “Sự nghèo khó làm cho đàn ông gục ngã, đói khổ làm đàn bà sa đọa, đen tối làm trẻ em suy nhược. Xã hội của con người còn ngột ngạt khi mà sự ngu dốt và nghèo khó còn tồn tại trên mặt đất!”. Ngay từ đầu, “Những người khốn khổ” được thừa nhận là cuốn tiểu thuyết của thế kỷ và được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
Năm Hugo 80 tuổi, nước Pháp long trọng tổ chức lễ thượng thọ cho ông và đổi tên đại lộ D’Eylau thành đại lộ Victor Hugo. Trước khi lìa xa nhân thế, Hugo di chúc lại: “Tôi cho các kẻ nghèo 50.000 quan. Tôi ước mong được mang tới nghĩa trang trong quan tài của người nghèo khó. Tôi từ chối các lời cầu nguyện của tất cả các nhà thờ. Tôi tin tưởng nơi Thượng đế”… Nhưng trên thực tế, nước Pháp đã tổ chức quốc tang cho ông. Hơn hai triệu người dân Pháp đã đến tỏ lòng thương xót ông. Thi hài ông được đặt tại điện Panthenon – nơi an nghỉ của các vĩ nhân
MAI HIỀN/VNCA
Theo Vanvn.vn