Nhiệm vụ của phê bình văn học là thuyết phục trái tim người đọc

Cuộc đối thoại giữa nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh và nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam xung quanh những vấn đề thời sự của đời sống văn học hiện nay. Các tựa đề phụ do Văn nghệ đặt…

Ba nhiệm vụ của phê bình văn học

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Thưa nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, trong cuộc chuyện trò của chúng ta thiếu một nhân vật quan trọng – người sáng tác, mà trong vị Chúa ba ngôi văn học (tác giả-tác phẩm-người đọc) được xếp ngôi đầu. Ở đây tôi, nhà nghiên cứu, không có ngôi vị gì, chỉ đóng vai trò phụ trợ của phê bình văn học, có một số vấn đề cần trao đổi với nhà phê bình với tư cách “siêu độc giả”. Ta sẽ đi thẳng vào vấn đề.

Trong tập sách phê bình có cái tên khá ngạo nghễ “Dưới mắt tôi” xuất bản năm 1939 của Trương Chính, chàng trai 23 tuổi viết một cách tự tin như sau: “Nhiệm vụ của nhà phê bình không những là phải biết lựa lọc để tìm nâng giấc những tài năng mới phát triển và đánh đổ những định kiến thiên lệch, những dư luận sai lầm, những lời bình phẩm nông nổi của một số người đối với những kiệt tác. Nhà phê bình còn phải trừ thải những cây bút không tương lai, sắp đặt lại thứ bậc đích đáng cho các nhà văn”. Hai mươi ba tuổi mà viết được như thế đó. Từ ý kiến của Trương Chính ta thấy phê bình có 3 nhiệm vụ: 1/ phát hiện tài năng; 2/ Bảo vệ những kiệt tác văn chương; 3/ Trừ thải những cây bút yếu kém. Liệu anh, lớp hậu duệ của Trương Chính, có đồng ý với quan niệm này của ông?

Nguyễn Hoài Nam: Trường hợp Trương Chính mà PGS. TS Đào Tuấn Ảnh đưa ra quả đúng là một trường hợp đích đáng đối với hoạt động phê bình văn học (PBVH). Nhưng tôi muốn trả lời rộng hơn một chút so với phạm vi câu hỏi. Tức là, cái tâm thế hành nghề và sự tự ý thức về vị trí, vị thế nghề nghiệp của nhà PBVH – chỉ nói ở Việt Nam thôi – cách nay hơn 80 năm hẳn rất khác so với bây giờ. Các nhà PBVH hồi ấy là những ông Hộ pháp trấn môn của văn hóa, những Ngự sử trên văn đàn, những người cầm cân nảy mực cho dòng chảy của đời sống sáng tác đương đại. Phải nghĩ như thế thì ông Trương Chính mới đưa ra ba nhiệm vụ nói trên.

“Phát hiện tài năng” thì không bàn, vì đó là nhiệm vụ muôn đời của PBVH. Nhưng “bảo vệ những kiệt tác văn chương”? Tôi nghĩ, nếu thực sự là kiệt tác văn chương thì nó chẳng cần ai bảo vệ. Bằng cách nào đấy, dù sớm hay muộn, kiệt tác đích thực sẽ như đồi núi trồi lên, không ai ngăn cản được dù đó là bất cứ ai. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp thì “bảo vệ các kiệt tác văn chương” nằm ngoài tầm với của nhà PBVH. Anh ta quá yếu ớt để có thể làm gì.

Bây giờ đến nhiệm vụ thứ ba: “trừ thải những cây bút yếu kém”. Thì Trương Chính đã làm, như với Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng chẳng hạn, với một bút lực rất dũng mãnh. Điều đó hoàn toàn xuất phát từ cái tâm thế hành nghề PBVH như tôi đã nói ở trên: tâm thế Hộ pháp trấn môn của văn hóa, tâm thế Ngự sử của văn đàn.

Bây giờ thì không như vậy nữa. Tôi không nghĩ là có hiện tượng “khen cho chết” một tác phẩm yếu kém, vì nó đã kém thì chẳng cần động đến nó cũng sẽ chết, chết mà không ai quan tâm. Còn đấu tranh để vạch ra sự yếu kém của nó, đánh đổ sự huyễn tưởng của tác giả cũng như người đọc, nghĩa là để “trừ thải” nó, tôi xin nói thật, với những nhà PBVH biết tiếc quý thời gian và công sức mà tôi biết, thì đó là việc vô nghĩa nhất. Nên tốt nhất là lờ nó đi để còn đọc còn viết những cái khác.

Tất nhiên, phải nói cho sòng phẳng, vẫn có những nhà PBVH luôn sẵn sàng làm những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, luôn đấu tranh để “trừ thải” những tác phẩm văn học nào mà họ cho là yếu kém, độc hại, phản động. Nhưng ở những nhà PBVH như vậy, tôi toàn thấy họ chĩa nòng AK vào những cái ngoài “tính văn học” trong tác phẩm văn học.

“Nói to lên” chưa phải là một đảm bảo để có tác phẩm hay!

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Vâng, nhiệm vụ “trừ thải” kiểu này này cũng khá phổ biến. Ông Khrushchev khi về hưu mới tìm đọc “Đốc tờ Zhivago” của Pasternakh, đọc xong thở dài: chỉ có thế này thôi mà làm tình làm tội người ta đến vậy! Thời của ông ấy người ta không bắn “Đốc tờ Zhivago” bằng AK; người ta nã đại bác! Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói tới khía cạnh khác của vấn đề: “trừ thải” những cuốn sách không mang tính văn học. Hoài Nam bảo, không cần trừ thải thì tự chúng cũng sẽ bị lãng quên, sẽ chết trước người sinh ra chúng. Nhưng chờ cho chúng chết có lẽ bạn đọc đã bị nhiễm bệnh tiếp nhận văn học dễ dãi: thích tìm những cuốn sách “có vấn đề” để đọc mà nhiều trong số chúng rất thô giản về phương diện thẩm mĩ. Văn học Nga hậu Xô viết đã và đang lúng túng với điều này: khi lịch sử đã được “bạch hóa”, những khoảng tối của nó đã lộ sáng, tivi hàng ngày giải mã những điều từng được cho là bí ẩn, thâm cung bí sử, thang giá trị văn chương được sắp xếp lại, thì đối với nhà văn vấn đề sẽ là: viết như thế nào đây; còn đối với độc giả: đọc như thế nào đây... Giờ tìm được một cuốn sách hay theo đúng nghĩa của nó thật khó lắm thay. Bạn có thấy thế?  

Nguyễn Hoài Nam: Sách hay, thật sự hay, thì hiếm, hiếm hơn sách làng nhàng rất nhiều. Luôn luôn là như thế. Nhưng vấn đề đầu tiên: hay với ai? Với độc giả đồng ấu, ta có một kiểu sách hay riêng. Với các chị em tiểu thương, ta lại có một kiểu sách hay riêng khác. Với những người hành nghề chữ nghĩa chuyên nghiệp thì rõ ràng để được xem là “sách hay” lại càng rất khác. Mỗi đối tượng tiếp nhận có một “tầm đón đợi” – một tiêu chuẩn về cái sự hay của tác phẩm văn học - có lẽ vậy, và không phải ai cũng giống ai.

Tuy nhiên căn cứ vào cách dẫn giải trong câu hỏi của PGS. TS Đào Tuấn Ảnh thì tôi nghĩ bà đang hướng đến những cuốn sách “có vấn đề”: loại tác phẩm văn học quay về, lật xới những chủ đề “nhạy cảm”, thậm chí là những chủ đề từng bị coi là cấm kỵ, hoặc những phương diện từng bị coi là cấm kỵ của chủ đề. Kiểu như: cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, cải tạo công thương, hay chiến tranh Việt Nam từ cái nhìn phi ý thức hệ v.v...

Quả đúng là đã qua rồi cái thời mà chỉ cần nhà văn đủ dũng khí “nói to lên” những gì từng thực sự xảy ra trong lịch sử thì tác phẩm đã được coi là có giá trị, là hay. Những cái đó giờ chỉ là “vật liệu”, ai cũng biết cả. Ăn thua đối với người viết phải là “thủ pháp”, là sự cao tay của một giả kim thuật văn chương, biết biến đám vật liệu kia thành một thế giới nghệ thuật đặc biệt, đặc sắc, độc đáo phi thường, nói lên những điều gì đó thật sự có ý nghĩa đối với lịch sử, đối với dân tộc, đối với sự sinh tồn của mọi người và mỗi người.

Về phương diện này, theo tôi nhận thấy, đúng là dường như chúng ta đã có khá nhiều những cuốn sách “nói to lên” nhưng lại có quá ít những cuốn sách “hay”. Mà nếu có những cuốn sách như vậy, có lẽ lại phải cần đến những nhà PBVH quái kiệt như ông Trương Chính thuở nào thì người ta mới biết đó là những cuốn sách hay, những kiệt tác chăng?

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Cám ơn nhà phê bình đã hiểu ý. Chúng ta từng có những nhà phê bình cự phách như vậy, song đại đa số họ thời đó vẫn chỉ dừng lại chủ yếu ở phương pháp của phê bình ấn tượng; một số người sử dụng phê bình tiểu sử, văn hóa - lịch sử. Tới thời kì của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (HTXHCN) thì cả nước có độc mỗi một loại phê bình – phê bình xã hội học mác xít. Sau Đổi Mới, các lí thuyết văn học hiện đại nước ngoài được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Các nhà nghiên cứu ra sức dịch và giới thiệu những lí thuyết tân kì ấy, các nhà phê bình ra sức tìm cách ứng dụng chúng để phân tích các tác giả Việt cùng những tác phẩm của họ. Tuy vậy, những phương pháp phê bình từ xã hội học đổ về trước, vẫn còn chỗ đứng khá vững chắc trong phê bình nói chung, đặc biệt phê bình báo chí, phê bình nhà trường (ý nói bình giảng văn học ở nhà trường), nhưng ở dạng thứ cấp. Bạn nghĩ gì về hiện trạng này? Và theo bạn, việc ứng dụng những lí luận mới trong phê bình hiện nay ra sao?

Nguyễn Hoài Nam: Tôi nghĩ phương pháp phê bình nào thì cũng có sự khả thủ nhất định, bất kể lịch sử tồn tại của nó có xưa hun hút đến đâu. Vấn đề là ở người sử dụng mà thôi, nói như Karl Marx: “Vũ khí đấu tranh không thể thay thế được sự đấu tranh bằng vũ khí”. Đấy là lý do khiến cho các phương pháp phê bình “cũ”, như PGS. TS Đào Tuấn Ảnh vừa nhắc đến: phê bình ấn tượng, phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa – lịch sử... vẫn có chỗ đứng khá vững trong PBVH Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở phê bình trên báo chí phổ thông và bình giảng văn trong nhà trường.

Ở những môi trường này, với những đối tượng tiếp nhận hạn chế, tức là độc giả phổ thông và học sinh phổ thông, các phương pháp phê bình cũ vẫn là tối ưu, vì dẫu sao nhờ nó mà nhà PBVH cũng nói được cái gì đó có ích và hay ho về tác phẩm mà không khiến người đọc phải hoa mắt chóng mặt, rồi chạy tháo thân.

Còn về việc ứng dụng những lý thuyết mới, từ nước ngoài, vào PBVH Việt Nam kể từ Đổi mới đến nay, thì đương nhiên là có kha khá thành tựu. Ta chỉ kể sơ sơ, như “Thi pháp thơ Tố Hữu” của Trần Đình Sử, “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Phan Ngọc, “Đổi mới phê bình văn học” và “Đổi mới đọc và bình văn” của Đỗ Đức Hiểu, “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực”, “Con mắt thơ” và “Bút pháp của ham muốn” của Đỗ Lai Thúy, “Phê bình ký hiệu học, đọc như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” của Lã Nguyên v.v...

Trong số đó gần như đủ mặt: phê bình thi pháp học, phê bình phong cách học, phê bình cấu trúc – ký hiệu học, phê bình phân tâm học... Tuy nhiên tôi cũng phải nói thật/ thẳng: những thành tựu ấy là những ngọn cô sơn trên một bình nguyên vĩ đại của sự làng nhàng, nếu xét ở phương diện ứng dụng lý thuyết nước ngoài vào PBVH Việt Nam hiện nay. Tình trạng phổ biến là ăn sống nuốt tươi lý thuyết, là chặt chân cho vừa giày với lý thuyết, là dùng lý thuyết xủng xoẻng như một cách làm sang dù có khi chẳng hiểu mấy.

Phê bình không phải là “đứng giữa”, mà là “hai trong một”?

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Gọi phê bình là “con vật lưỡng thê”, nhà PB Đỗ Lai Thúy muốn nhấn mạnh vị trí “đứng giữa” sáng tác và nghiên cứu văn học, tức khoa học, của nó. Cái tính “đứng giữa” này xác định bản chất của phê bình như nó vốn vậy.  Xin cho biết rõ hơn về quan hệ giữa phê bình và nghiên cứu văn học, tính độc lập và sự liên đới giữa chúng?

Nguyễn Hoài Nam: Tôi không nghĩ là khi dùng cụm từ “con vật lưỡng thê” để chỉ/ trỏ PBVH, ông Đỗ Lai Thúy muốn nói đến tính chất “đứng giữa” sáng tác và khoa học của nó. Có lẽ đúng hơn là ông Đỗ Lai Thúy muốn nói đến tính chất “2 trong 1” của PBVH: nó là PBVH đấy, nhưng đồng thời nó cũng chính là sáng tác đấy; nó là một nhánh của khoa học văn học – hai nhánh kia là lý luận văn học (LLVH) và lịch sử văn học(LSVH) - nhưng nó cũng đồng thời là nghệ thuật.

PBVH muốn phát triển, luôn phải dựa vào những kết quả nghiên cứu của LLVH và LSVH. Cả PBVH lẫn LLVH và LSVH, trong tư cách là các nhánh cơ bản của khoa học văn học, đều có trách nhiệm tạo ra sức mạnh của niềm tin tưởng đối với người đọc, thuyết phục lý trí của họ. Hơn thế nữa, nó còn phải từ đó mà có thể gợi mở tiếp tục, đặt ra những vấn đề mới cho khoa học văn học.

Nhưng riêng PBVH thì còn có một trách nhiệm khác: thuyết phục trái tim của người đọc, đánh vào cảm xúc về cái đẹp của họ, khiến cho họ có thể được thưởng thức và xúc động khi đọc một tác phẩm PBVH, ít nhất, cũng không kém là bao so với khi họ đọc một tác phẩm ngôn từ nghệ thuật.

Trên thế giới có nhiều người thực hiện được “nhiệm vụ kép” này, tôi nghĩ đến Stefan Zweig và Otavio Paz. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ đến Đỗ Lai Thúy và Chu Văn Sơn. Thêm một ý khác liên quan đến chủ đề này: nói chung, trong quan niệm cũng như trong hành ngôn thông thường, chúng ta vẫn nói về “nghiên cứu văn học” và “phê bình văn học” như là hai hoạt động tuy gần nhau nhưng vẫn cứ là khác nhau, vậy tôi xin hỏi ngược lại PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: thế người thực hành PBVH thì có phải “nghiên cứu” gì không?

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Câu trả lời đã có từ những diễn giải từ phía trên của Hoài Nam. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm: giống sáng tác, con đường của PBVH tới với độc giả là con đường từ trái tim đến trái tim. Nhưng muốn đến được, nó phải cậy nhờ đến nghiên cứu, áp dụng những quy luật mà bộ môn khoa học này phát hiện từ tiến trình văn học (những tri thức lí luận, phương pháp luận) mà thiếu chúng phê bình rất dễ rơi vào cạm bẫy của thiên kiến, sự tùy tiện của sở thích. Dưới ánh sáng của những thành tựu này nhà phê bình phân tích, tìm ra giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm và sự độc sáng của tác giả. Bằng điều này anh ta đóng góp không nhỏ cho nghiên cứu văn học, thậm chí, có những nhà phê bình cũng đã đưa ra được những lí thuyết sáng giá, tỉ như Belinski, khi viết về sáng tác của Pushkin đã đưa ra thuyết Pathos (cảm hứng sáng tạo) cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Như vậy, căn cứ vào vai trò, vị trí của PBVH vừa trong mô hình tổng kết bộ ba (tác giả-tác phẩm-người đọc), vừa trong thực tiễn văn học, liệu ta có thể đi đến kết luận: lịch sử văn học là lịch sử của tác giả, tác phẩm và PBVH (với tư cách siêu độc giả)?

Nguyễn Hoài Nam: Tôi không phải chuyên gia về chuyện này nên không dám kết luận gì cả, nhưng cũng có ý nghĩ gần gần như vậy. Chúng ta vẫn quan niệm và vẫn viết về lịch sử văn học chỉ như lịch sử của sự sáng tạo văn học, mà trong đó nổi lên hai nhân vật chính, là tác giả và tác phẩm. Nhưng bây giờ, với các thành tựu của lý luận văn học hiện đại, có lẽ cần phải thêm vào đó cả lịch sử của sự đọc nữa.

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Viết một bài phê bình theo đúng nghĩa, giống như sáng tác, là một quá trình cực nhọc mà điều kiện tiên quyết là phải sống với tác phẩm, tìm hiểu, đối thoại với tác giả. Điều này thể hiện rất rõ trong cuốn sách vừa ra lò của Nguyễn Hoài Nam “Từ trang sách đến gương mặt văn chương”: những bài viết về tác phẩm của nhà văn nào mà Hoài Nam thân cận, hiểu rất rõ, dạng như tri kỷ (chẳng hạn như Đỗ Phấn, Hồ Anh Thái…) thường là những bài sâu sắc và thú vị, vì qua cảm hứng và sự phân tích tinh tế, sâu sắc người đọc thấy được chân dung sống động chỉ của tác giả ấy, cùng độ sâu và các khía cạnh mới mẻ của tác phẩm chỉ  người ấy mới có được. Lí do dẫn tới sự yếu kém của phê bình hiện này, ngoài những thứ rất quan trọng như kiến thức văn học sử,  phông nền văn hóa, ngoại ngữ,  tri thức lí luận…, còn bởi ngay đến điều kiện tiên quyết nêu trên thường cũng không có đủ. Liệu bạn có đồng ý với ý kiến này?

Nguyễn Hoài Nam: Rất có thể, đây chính là một trong những lý do cần được chúng ta tính đến. Nhất là trong bối cảnh của PBVH Việt Nam hiện nay - như đã cùng trao đổi ở trên – vẫn có sự tồn tại khá vững chắc của những phương pháp phê bình cũ (phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa – lịch sử, phê bình xã hội học...) đặc biệt là trong phê bình báo chí và bình giảng văn ở nhà trường. Lối phê bình này không có lý do gì để có thể lớn tiếng khẳng định như chủ nghĩa cấu trúc ở phương Tây những năm 1960, rằng “Tác giả đã tan rã, và bây giờ là bắt đầu của sự viết”. Nó phải bám lấy tác giả, vào lịch sử đời tư của anh ta, vào cách anh ta xúc động trước cuộc đời, vào những thói quen của anh ta trong nghĩ và viết qua từng tác phẩm.

Trong cuốn tiểu luận mới xuất bản gần đây: “Bắt đầu cất lên tiếng cười”, nhà văn Hồ Anh Thái từng đề cập đến mối quan hệ tri kỷ giữa nhà văn và nhà PBVH, là trên tinh thần ấy. Nhưng nói như vậy là đã thấy ngay rằng không phải nhà PBVH nào khi viết về nhà văn nào cũng có được cái cơ may ấy. Hồi trước, GS Nguyễn Đăng Mạnh có quan hệ rất tốt với những nhà văn mà ông viết, như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải... Một số nhà PBVH khác như Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn cũng vậy. Điều đó, theo quan sát chủ quan của tôi, dường như đang ngày càng nhạt đi thật.

Phê bình văn học chỉ là một kênh tham khảo

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Hiện nay lượng tác phẩm trong và ngoài nước được xuất bản khá phong phú. Đứng trước mâm cỗ ê hề bạn đọc rất lúng túng, không biết lựa món nào ngon và bổ. Thường  họ nhắm mắt mua bừa và đọc phải tác phẩm dở thì rất khó mời họ vào nhà sách lần thứ hai. Giới thiệu, định hướng đọc cho độc giả liệu có phải nhiệm vụ nữa của phê bình?

Nguyễn Hoài Nam: Tôi đã từng viết vài lần và bây giờ xin được nhắc lại thêm lần nữa, rằng sự thẩm định những giá trị văn chương của các nhà PBVH chỉ là một trong các kênh tham khảo đối với nhà văn và độc giả nói chung mà thôi. Bên cạnh đó còn có sự thẩm định của các biên tập viên nhà xuất bản và báo chí, các cơ quan quản lý báo chí xuất bản, và các nhóm độc giả khác nhau trong xã hội.

Như PGS. TS Đào Tuấn Ảnh có thể quan sát thấy: ở Việt Nam bây giờ, các nhà xuất bản, các công ty sách trước và trong khi tung sản phẩm của mình ra thị trường đều có vô vàn cách PR để sao cho sản phẩm bán chạy nhất. Trong đó có việc “đính kèm” những bài review hoặc những bài phê bình về cuốn sách này hay cuốn sách kia.

Nếu tác giả của những bài review, những bài phê bình sách ấy là những tên tuổi PBVH có uy tín, thì rất có thể là cuốn sách sẽ được độc giả tìm mua đông hơn. Cái đó, nhà văn Uông Triều bạn tôi từng gọi là “quyền lực của phê bình”. Cá nhân tôi không thích mấy cái chữ nặng nề này lắm, nhưng quả thực, nếu nhà PBVH làm tốt công việc của mình thì rõ ràng anh ta đã góp phần giới thiệu cho độc giả tìm đến những cuốn sách đáng đọc giữa cả một bao la biển sách. Nếu không, có khi họ sẽ chết ngộp vì cái sự loay hoay tìm chọn.

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh: Từ những vấn đề vừa trao đổi ta có thể đưa ra một vài đề xuất nho nhỏ mang tính thực tiễn nhằm nâng cao vai trò của phê bình văn học, chẳng hạn: Tạp chí “Nghiên cứu văn học” (Viện Văn học- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nên lấy lại tên cũ: “Tạp chí nghiên cứu, phê bình văn học”. Việc đẩy hoàn toàn chức năng phê bình sang Hội Nhà văn xem ra không mấy ổn. Vì cái mà phê bình hiện đang cần, đó là sự kết hợp nhuyễn giữa phê bình hàn lâm có tính lí luận và phương pháp luận với phê bình báo chí luôn áp sát đời sống văn học tươi mới. Phải làm sao đó cho cái “con vật lưỡng thê” có thể hóa rồng để còn thúc cho con ngựa Pegasus sáng tạo lồng lên chứ…

Nguồn Văn nghệ số 47/2021

Đào Tuấn Ảnh (thực hiện)

 

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter