Văn học giả tưởng luôn quyến rũ nhiều thế hệ

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam cùng Hội Nhà văn Việt Nam ấp ủ tổ chức một hội thảo về văn học giả tưởng vào dịp đầu năm mới 2022, đúng vào sinh nhật nhà văn Pháp Jules Verne - tác giả của Hai vạn dặm dưới biển. Cái đích hướng đến là mở ra một chương mới cho khoa học giả tưởng tại Việt Nam. Tại sao lại chọn khoa học giả tưởng mà không phải một dòng văn học khác? Văn nghệ xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện giữa Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - với Tuổi Trẻ.

Bên cạnh một cánh đồng sẽ có nhiều cánh đồng

* Xưa nay nhà văn thường được khích lệ xâm nhập vào đời sống hiện thực để có những tác phẩm mang sức nóng thời cuộc. Nhưng các ông lại muốn khích lệ sáng tác thể loại khoa học giả tưởng.

- Đó là thể loại luôn đầy sự quyến rũ với cả trẻ con và người lớn. Những tác phẩm ở thể loại này nuôi dưỡng trí tưởng tượng bay bổng nhưng luôn hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống thật.

Một vấn đề được hình dung sẽ xảy ra trong tương lai, hay việc ngược thời gian về quá khứ để thay đổi, sửa chữa điều gì đó đều mang một thông điệp cho những người sống đương thời sự suy ngẫm. Nó có tính gợi mở, cảnh báo cho tương lai về những thứ có thể mất đi, những giá trị cần gìn giữ, những cái mới mà loài người có thể vươn đến.

Trong các trang viết kể cả hiện thực cũng đựng yếu tố giả tưởng, khát vọng về tương lai. Nhưng khoa học giả tưởng cho phép trí tưởng tượng không có giới hạn.

Người sáng tác không bị khống chế bởi tính thực tế của một vấn đề nào đó mà có thể tưởng tượng những điều mà con người hiện thời không nghĩ là làm được. Và vì thế, thông điệp được gửi gắm tác động mạnh hơn vào cảm xúc, suy nghĩ của người đọc.

 

Tôi từng viết một truyện ngắn liên quan tới vấn đề nhân bản vô tính đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Tôi dựng lên 3 nhà khoa học. Người thứ nhất mất mẹ và đã cố tạo ra một người giống hệt mẹ mình.

Nhưng cá thể được tạo ra đó không có tình cảm, không có ký ức của người mẹ. Người thứ hai mất người yêu đã tạo ra một cô gái giống người yêu của mình từ màu môi đến cái móng tay, nhưng cô gái đó lại không yêu anh.

Người thứ ba muốn tạo ra người sếp cũ để trả thù người này từng gây đau khổ cho anh ta nhưng bản thể giống hệt sếp lại là người cực kỳ tốt, khiến anh ta không có lý do để trả thù.

Thông điệp của câu chuyện cho thấy khoa học có thể nhân bản được thể xác nhưng không nhân bản được ký ức, tình cảm, tâm hồn. Khi còn sự yêu thương, còn nguồn cội thì mới còn sự linh thiêng của đời sống này.

* Ông nói nhiều đến tính nhân văn, về tính cảnh báo mà tác phẩm khoa học giả tưởng chạm đến, nhưng lâu nay nhiều người lại quan niệm tác phẩm khoa học giả tưởng chỉ là viết về các dự báo phát triển khoa học công nghệ.

- Các tác phẩm khoa học giả tưởng thường phản ánh ước mơ của con người chinh phục những đỉnh cao mới về khoa học công nghệ, có thể câu chuyện phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ đang được quan tâm khám phá. Trong đó có những điều phi thực tế, thậm chí người đọc đương đại không ai nghĩ sẽ thành sự thật.

Trước đây có những tác phẩm nói về con tàu đi xuyên dưới lòng đại dương, những chuyến bay đi qua các vùng trời.

Hay con người cách nhau nửa vòng Trái đất có thể nói chuyện, có thể nhìn thấy nhau qua kết nối trực tuyến hay những nghiên cứu y học có thể chữa trị các bệnh hiểm nghèo cho con người. Người đọc thích thú với những tưởng tượng phi thực tế đó nhưng không biết vài chục năm sau nó đã được trí tuệ của con người làm ra.

Cứ hình dung những gì ta có, ta đang thấy hôm nay là một cánh đồng tri thức thì bên cạnh đó sẽ có một cánh đồng khác, nhiều cánh đồng khác mà ta còn mơ hồ. Khoa học giả tưởng là một giấc mơ hướng đến những điều tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Và trong các phát minh đó đã chứa đựng tính nhân văn của nó.

Ở Việt Nam thì sao?

* Theo ông, tại sao văn học giả tưởng chưa phát triển ở Việt Nam?

- Ở các thế hệ trước đây có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư duy tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật; viết những gì đang diễn ra, tác động ngay vào cuộc sống đương đại. Nhìn vào tiến trình văn học sử Việt Nam, ta cũng không có dòng khoa học giả tưởng. Điều này hạn chế sự phát hiện, nuôi dưỡng những cây bút về thể loại này.

Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, người đọc ở các thế hệ trẻ hơn bắt đầu quan tâm hơn đến khoa học giả tưởng và đã xuất hiện nhiều người viết trẻ, trong đó có cả tác giả nhí. Tôi cho rằng sẽ có một sự thay đổi rõ rệt ở sáng tác trong nước về dòng khoa học giả tưởng vào thời gian tới.

* Và ta cần một môi trường để khích lệ sáng tác?

- Để có tác phẩm tốt, trước hết phải là sự thôi thúc của các tác giả. Nhưng chúng tôi cũng muốn tạo một "sân chơi" cho những ai quan tâm. Khởi đầu là một sự kiện và có thể sẽ có các hội thảo, tọa đàm mà chúng tôi mời đến các nhà nghiên cứu trong ngoài nước, các nhà văn, nhà khoa học để trao đổi, bàn luận.

Ở đây những người quan tâm nói chung có thể tìm hiểu thông tin về thành tựu khoa học công nghệ mà thế giới đã chạm đến, đang là xu thế được quan tâm. Từ thành tựu đó, hình dung sự phát triển tiếp theo thế nào. Những vấn đề nào nên cảnh báo cho con người, những giá trị nào nên cần được giữ gìn trong thời đại mới...

Từ sân chơi này, có thể chúng tôi sẽ phát động cuộc thi sáng tác. Những sáng tác được trao giải có thể sẽ được Hội Nhà văn xuất bản.

* Có "vùng cấm" nào mà người viết khoa học giả tưởng không được phạm vào khi vẽ ra những điều không tưởng?

- Đừng phủ nhận văn hóa truyền thống, tuyên truyền nội dung trái quy định pháp luật, còn lại sẽ không có giới hạn cho người viết tưởng tượng, nhất là thông điệp dẫn dắt họ là mong muốn điều tốt đẹp cho con người.

---------------------------------------------

Muốn mở ra một trang mới

"Hội thảo nhân ngày sinh của Jules Verne chỉ là sự khởi đầu để chúng tôi triển khai một chuỗi những dự định nhằm khơi nên sự quan tâm, hiểu biết về khoa học giả tưởng. Tôi mong muốn không chỉ có các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu mà có cả các nhà xây dựng chiến lược tham dự và ủng hộ.

Trên thực tế, khoa học giả tưởng được quan tâm hơn ở những quốc gia có nền khoa học công nghệ tiến bộ nhanh. Nên muốn khoa học giả tưởng ở Việt Nam được quan tâm hơn thì cần môi trường để khích lệ nó".

Ông Nguyễn Đức Hoàng - phó tổng thư ký Trung ương Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam.-

-----------------------------------------------------

Có ít nhất 3 - 4 thế hệ người Việt Nam đã đọc cuốn sách

Cuốn Hai vạn dặm dưới biển xuất bản bằng tiếng Pháp, từng theo chân người Pháp sang các thuộc địa.

Tôi may mắn được đọc từ nhỏ. Sự hấp dẫn của truyện ban đầu là việc khơi dậy sự tò mò khám phá khoa học, khao khát mơ hồ về một sự tiến triển của khoa học công nghệ trong tương lai.

Nhưng điều khiến cho tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách này lại ở tính nhân văn.

Từ khi sách do tôi dịch in năm 1964 tới nay, có nhiều nhà xuất bản đã tái bản, ước tính khoảng trên 100 lần. Đó là chưa kể sách in lậu. Có ít nhất 3 - 4 thế hệ người Việt Nam đã đọc cuốn sách.

Đó là tác phẩm có đời sống rất lâu. Nhiều người nghiên cứu dòng văn học này cho rằng sau nhiều thập niên, hiện mới chỉ có nhà văn viết bộ Hary Potter (Anh) là người thứ hai được đánh giá ngang bằng với Jules Verne.

Chính từ Hai vạn dặm dưới biển, sau này tôi dịch Người cá của Liên Xô (cũ) và một vài tác phẩm khoa học giả tưởng khác. Dòng văn học này không chỉ cho ta khát vọng mà còn cho chúng ta thứ tình cảm nhân hậu.

 

Dịch giả Đỗ Ca Sơn

Theo nguồn: baovannghe.com.vn

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter