Văn học nghệ thuật Việt Nam 45 năm thống nhất đất nước

Hữu Thỉnh

Ngày 22/6 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước”. Hội thảo do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức. Tại cuộc hộ thảo này, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã chỉ rõ những thành tựu nổi bật của Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 45 năm qua.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch hội thảo, đã có bài phát biểu đề dẫn quan trọng, khẳng định trong 45 năm qua, những người làm công tác Văn học nghệ thuật Việt Nam đã hết sức nỗ lực để tạo được một nền Văn học nghệ thuật thống nhất, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Văn nghệ xin được giới thiệu toàn văn bài phát biểu nói trên.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một đỉnh cao chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó cũng là bước ngoặt vĩ đại từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ chiến đấu giành độc lập, tự do thống nhất đất nước chuyển sang tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thống nhất đất nước, ước vọng nghìn đời của nhân dân ta trải qua với biết bao hy sinh xương máu đã trở thành hiện thực. Một hào khí mới dâng lên trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, tạo nên niềm cảm hứng lớn lao trong giới văn học nghệ thuật.

Đồng hành cùng dân tộc, 45 năm qua, văn học nghệ thuật đã có bước phát triển chưa từng có, vươn lên một tầm cao mới trên cả bốn nhiệm vụ: đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, xây dựng đội ngũ và hội nhập quốc tế.

1. Về đẩy mạnh sáng tác

Thành tựu lớn nhất là sáng tác về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh. Viết về lịch sử, trong điều kiện hòa bình và thống nhất đất nước, chúng ta có thuận lợi mới là, với độ lùi của thời gian, các tác giả có đủ độ chín để nâng tầm khái quát của tác phẩm, hơn nữa lại được thừa hưởng một nguồn sử liệu phong phú cho phép các tác giả phục dựng lại cuộc sống của đất nước với một quy mô rộng lớn qua bao thăng trầm và xung đột dữ dội. Ngoài tiểu thuyết, trường ca sử thi cần phải kể đến sự xuất hiện của hàng loạt hồi ký mà người viết vừa là chứng nhân vừa là tác nhân của lịch sử. Với thành tựu to lớn của mảng đề tài này, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc đã được bồi đắp thêm trong niềm tự hào to lớn về đất nước và con người Việt Nam.

Mặt khác, với tính năng động vốn có, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có rất nhiều cố gắng bám sát hiện thực mới, phản ánh chân thực và sinh động công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và hai cuộc chiến tranh biên giới. Thật khó tưởng tượng được, trong một thời gian không dài, một dân tộc vừa phải vắt kiệt mình qua hai cuộc chiến tranh chống lại hai đế quốc sừng sỏ, chưa kịp hưởng trọn một ngày hòa bình thì lại phải căng sức ra cả hai đầu đất nước để vừa tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ,  vừa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia vừa chi viện cho nước bạn tiêu diệt thảm họa diệt chủng Pol Pốt. Giờ đây suy nghĩ lại, chúng ta mới thấy thách thức của lịch sử to lớn, căng thẳng, gay gắt biết chừng nào. Cả một dân tộc bị đặt vào trung tâm của cơn bão, hay có thể gọi là siêu bão, tới mức ngay cả người trong cuộc cũng khó hình dung sự dữ dằn của nó. Văn học nghệ thuật trong những tháng năm hiểm nghèo này, đã bám sát đến từng gốc cây ngọn cỏ của Tổ quốc, kịp thời truyền tiếp năng lượng tinh thần cho quân và dân ta, xứng đáng là một mặt trận bên cạnh một mặt trận, một cuộc chiến bên cạnh một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Chúng ta còn nhớ những năm đất nước bước vào đổi mới, mở cửa. Với độ nén qua những năm bao cấp kéo dài, văn học nghệ thuật bật dậy, tạo nên bước phát triển đột phá cả về nội dung, tư tưởng, cả về đề tài, chủ đề, thể loại. Công chúng náo nức chờ đợi văn nghệ như cánh buồm ra khơi chờ đón những luồng gió mới. Cùng với việc xóa bỏ các vùng cấm, văn học nghệ thuật đã làm trọn chức năng của nó trên cả hai phương diện, tôn vinh cuộc sống và phản biện xã hội.

Với kinh nghiệm đó, văn học nghệ thuật vững vàng bước vào thị trường, và nó nhận ra khá sớm mảnh đất mà nó có thể và cần phải phát huy lợi thế, đó là vấn đề đạo đức xã hội. Chúng ta không chạy theo thị trường, chúng ta cảnh báo rất sớm những mặt trái của nó. Tính tích cực xã hội của văn học nghệ thuật được thể hiện một cách sắc sảo và nhạy bén là nhờ ở khả năng dự báo khá sớm trên nhiều vấn đề. Văn học nghệ thuật khác nào con tàu đã đi đúng luồng lạch của nó với mục tiêu xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Đạo đức xã hội sẽ là vấn đề lâu dài, sống còn mà chúng ta cần phải đầu tư nhiều tài năng và tâm huyết.

Ngoài những cái mới vừa có tính chất truyền thống vừa có tính chất phi truyền thống như đã nói ở trên, văn học nghệ thuật 45 năm qua đã vào cuộc khá ngoạn mục với hai đề tài lớn và mới là viết về biển đảo của Tổ quốc và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cả hai đề tài có thể xem là chưa từng có trong quá khứ. Đây cũng sẽ là hai mảng đề tài lớn của văn học nghệ thuật theo cùng chặng đường dài của đất nước. Thông qua hai đề tài đó, văn học nghệ thuật mở rộng chiều kích con người Việt Nam trong một đất nước đang phát triển và hội nhập tích cực.

Cùng với việc mở rộng dung lượng phản ánh hiện thực, văn học nghệ thuật 45 năm qua, trên tất cả các loại hình, đều có sự cách tân mạnh mẽ về mặt hình thức. Tính chất tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa đã được vận dụng khá nhuần nhị trong việc tìm kiếm các phương thức biểu hiện mới. Trong lĩnh vực này, thái độ của chúng ta là, luôn khuyến khích và trân trọng mọi tìm tòi, mọi thể nghiệm cái mới, tiếp thu mọi tinh hoa của nhân loại, miễn là nó không chịu chui vào tháp ngà hình thức chủ nghĩa. Bên cạnh sáng tác, đội ngũ lý luận phê bình của chúng ta có rất nhiều cố gắng đổi mới tư duy lý luận, bám sát việc hình thành các giá trị mới, bảo vệ sự đúng đắn, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, phê phán trực diện những khuynh hướng lý luận sai lầm, phủ nhận quá khứ, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận các chức năng cơ bản của văn nghệ, tuyệt đối hóa hình thức.

Với những cố gắng bền bỉ và liên tục của nhiều thế hệ, văn học nghệ thuật nước nhà đã có nhiều mùa bội thu mới với nhiều tác phẩm xuất sắc, phản ánh chân thực và sống động cuộc sống, con người Việt Nam sau chiến tranh góp phần xứng đáng vào việc xây dựng con người, xây dựng văn hóa Việt Nam, xứng đáng là động lực cho sự phát triển đất nước.

2. Về quảng bá tác phẩm

Đối với văn học nghệ thuật, chúng ta xem Đổi mới là vấn đề của tư tưởng, của nội dung và thị trường là một cơ hội rất tốt để quảng bá tác phẩm. Quả thực, chưa bao giờ cuộc sống lại cung cấp cho chúng ta nhiều phương tiện và cơ hội quảng bá tác phẩm như những năm tháng vừa qua. Nhiều cơ quan báo chí, xuất bản, hãng phim, nhà hát, rạp chiếu phim, galery được thành lập. Riêng ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã hình thành hai phố sách, đó là những thiết chế rất mới, tạo không gian rất rộng để quảng bá tác phẩm. Việc hình thành các hãng phim tư nhân tạo ra sự đa dạng hóa chủ thể, huy động thêm rất nhiều nguồn lực theo hướng xã hội hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển của vô tuyến truyền hình, của thông tin mạng đã nối dài khả năng đưa tác phẩm đến công chúng. Dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa giới kiến trúc chưa bao giờ có nhiều cơ hội thi thố tài năng như hiện nay. Chúng ta cám ơn các kiến trúc sư đã góp phần làm thay đổi quang cảnh của đất nước theo đúng hướng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo Di chúc của Bác.

Giới mỹ thuật gia nhập thị trường, và một thành tựu rất đáng trân trọng là chúng ta đã hình thành được một làng tranh Việt Nam trên thị trường thế giới. Đất nước với hàng nghìn lễ hội và các sự kiện trọng đại, đó là cơ hội để âm nhạc và múa thể hiện ưu thế nghệ thuật của mình.

3. Về xây dựng đội ngũ

45 năm qua, từ lúc chỉ có một số Hội chuyên ngành và một số Hội văn nghệ ở một số địa phương, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam không ngừng phát triển, đến nay có 74 tổ chức thành viên với trên 4 vạn văn nghệ sĩ. Trong đó có 1858 Nghệ sĩ Ưu tú, 452 Nghệ sĩ Nhân dân, 203 văn nghệ sĩ được Giải thưởng Nhà nước. 111 văn nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh.  Đó là một đội ngũ đông đảo giầu tài năng bao gồm nhiều thế hệ, một tài sản văn hóa quý báu của đất nước. Với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, trong nhiều năm qua Liên hiệp và các tổ chức thành viên có nhiều sáng kiến tổ chức cho hội viên học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, tạo được sự đồng thuận rộng lớn trong giới. Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã triển khai có hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước để tổ chức các sinh hoạt nghiệp vụ như đi thực tế, hội thảo tổ chức các trại sáng tác và hỗ trợ trực tiếp cho hội viên. Việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ được các cấp hội đặc biệt chú ý thông qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tác, biểu diễn và trao giải thưởng hàng năm hoặc 5 năm. Trên thực tế, từ khi đất nước bước vào Đổi mới đến nay, đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, lực lượng kế cận nhiều tiềm năng.

 

4. Vấn đề hội nhập

Quan điểm nhất quán của chúng ta là, lấy truyền thống dân tộc là gốc, tranh thủ mọi điều kiện mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới để làm giàu cho văn hóa bản địa. 45 năm qua, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã có nhiều sáng kiến mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân với các đối tác truyền thống và phi truyền thống. Chúng ta đã chủ động tham gia và tranh thủ mọi cơ hội để giới thiệu văn học nghệ thuật ra nước ngoài thông qua các cuộc trao đổi đoàn, Hội thảo, hội chợ sách, Liên hoan nghệ thuật. Mặt khác, chúng ta có nhiều sáng kiến tổ chức xuất khẩu tại chỗ thông qua Hội nghị quảng bá văn học và Liên hoan thơ quốc tế của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hoan sân khấu quốc tế của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hoan ảnh quốc tế của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động kết nghĩa với Hội Nhà văn Hàn Quốc nhằm trao đổi Đoàn và quảng bá tác phẩm. Hội Nhà văn Việt Nam chủ động khởi xướng thành lập Giải thưởng văn học Sông Mê Kông, qua 20 năm, từ 3 nước ban đầu, đến nay đã có 6 quốc gia tham gia. Sân khấu, múa rối cử nhiều Đoàn đi biểu diễn nước ngoài. Tuy vậy, Việt Nam cho đến nay vẫn là quốc gia nhập siêu văn hóa. Thấy rõ nhất là mảng sách dịch, phim nước ngoài và băng hình nhập lậu. Đó là một thực trạng khiến chúng ta cần suy nghĩ.

Bên cạnh những thành tựu rất to lớn và rất căn bản như đã khái quát ở trên, quá trình phát triển văn học nghệ thuật 45 năm qua cũng bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Điều lo lắng lớn nhất là quá trình kết tinh còn chậm. Về tác phẩm chưa có nhiều tác phẩm đủ sức gây thành một hiện tượng nghệ thuật rộng lớn. Về tác giả, chúng ta vừa qua mất quá nhiều ngôi sao trên các lĩnh vực nghệ thuật, nhưng việc xuất hiện, bổ sung những ngôi sao mới chưa nhiều. Ở một số lĩnh vực, yếu tố nghiệp dư chưa được khắc phục triệt để, tính chuyên nghiệp chưa cao. Tình trạng tiếp nhận vồ vập, thiếu chọn lọc một số quan điểm và trào lưu nghệ thuật nước ngoài tuy đã được chấn chỉnh nhưng chưa dứt điểm còn nhiều lây lan. Một số quan điểm sai trái vẫn tìm cách len lỏi truyền bá trong đời sống văn học nghệ thuật, hoặc có những biến tướng tinh vi. Truyện ngôn tình, âm nhạc thương mại phát triển mạnh trong giới trẻ. Những yếu kém, bất cập đó đã hạn chế đến thành tựu chung của chúng ta và ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của giới trẻ. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách khắc phục.

Trước mắt, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta rất nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến đời sống văn học nghệ thuật. Tư tưởng chỉ đạo chung của chúng ta là thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 9 của Trung ương khóa XII về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để làm tròn trách nhiệm nặng nề đó, văn nghệ sĩ chúng ta cần nâng cao về tư tưởng, tài năng và trách nhiệm. Cần bám sát đời sống thực tiễn hơn nữa, dấn thân nhập cuộc hết mình hơn nữa, và chỉ có trên cơ sở tích lũy vốn sống một cách bền bỉ để hiểu đời, hiểu người một cách sâu sắc chúng ta mới có thể hy vọng tạo nên những tác phẩm có sức rung động lòng người. Đẩy mạnh công tác lý luận phê bình, đặc biệt tỉnh táo với mọi biểu hiện sai trái len lỏi trong tất cả các hoạt động của chúng ta. Liên hiệp và các tổ chức thành viên cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, lấy chất lượng hiệu quả làm thước đo, lấy kết tinh tác phẩm lớn là mục tiêu phấn đấu. Chúng ta không hy sinh tính chuyên nghiệp để đổi lấy phong trào, ngược lại chúng ta làm tất cả để từ phong trào kết tinh thành những tác phẩm có sức khái quát cao, những tác giả tiêu biểu cho từng ngành nghệ thuật. Chúng ta cùng nhau phấn đấu đẩy tới một cao trào mới trong mọi hoạt động của tổ chức hội, làm cho văn học nghệ thuật đóng góp nhiều nhất và tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người.

Xin trân trọng cám ơn.

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter