Xu hướng văn học tự truyện những năm gần đây

Những năm gần đây, trên thị trường sách xuất hiện nhiều cuốn tự truyện. Hầu hết do tác giả tự viết chuyện người thật, việc thật mà bản thân đã trải qua, một số ít do người khác chấp bút.

Về thể loại, cơ bản là phi hư cấu dưới hình thức tiểu thuyết, truyện ký hoặc nhật ký. Ðề tài khá đa dạng: chiến tranh có Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi (Nguyễn Văn Thạc), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 (Trần Mai Hạnh), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Mùa chinh chiến ấy (Ðoàn Tuấn), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ)…; ký ức tuổi học trò, thời niên thiếu có Quân khu Nam Ðồng (Bình Ca), Chúng tôi - một thời mũ rơm cối (Huỳnh Dũng Nhân)…; chuyện giới nghệ sĩ, người của công chúng có: Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh chấp bút), Ðể gió cuốn đi (Ái Vân), Hồi ký Thương Tín một đời giông bão (Ðinh Thu Hiền chấp bút), Phút 89 (Lê Công Vinh)… Ðáng chú ý, trong thể loại này xuất hiện nhiều "hồi ức tập thể" như: Nhật ký chuyên văn, Phan nhân 1972, Học trò trường huyện, Tuổi thanh xuân còn mãi… Tác giả hầu hết là những người viết không chuyên, thậm chí lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn.

Thật ra, thể loại tự truyện hoặc mang tính tự truyện dưới dạng tiểu thuyết hoặc hồi ức văn học không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã được sáng tác bởi các nhà văn chuyên nghiệp thành danh: Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Vượt Côn Ðảo (Phùng Quán), Cát bụi chân ai (Tô Hoài)… Nhưng sự nở rộ của thể loại này những năm gần đây trở thành hiện tượng và có nguyên nhân của nó. Trước hết do sự cởi mở của ngành xuất bản khiến việc in sách khá dễ dàng, miễn là sách không quá dở, không vi phạm luật xuất bản. Thứ hai là sự lan tỏa mạng xã hội trên nền tảng in-tơ-nét, giúp người viết dễ dàng chia sẻ, kết nối, khuyến khích cổ vũ nhau. Có khá nhiều cuốn sách ra đời từ việc đăng tải bài viết, câu chuyện trên facebook. Thứ ba, điều này tôi cho là quan trọng hơn cả, là nhu cầu chia sẻ, lắng nghe, "phản tỉnh" và chiêm nghiệm những bài học trong quá khứ của cả người viết lẫn bạn đọc. Ðó là những câu chuyện thật, bài học thật dù không phải lúc nào cũng thuyết phục nhưng khiến người đọc tin ở sự thành thực, chứ không phải đã bị khúc xạ qua lăng kính hư cấu. Và một nguyên nhân nữa được nhiều người trong giới đề cập tới, đó là sự chững lại của dòng văn chương hư cấu, để lộ ra khoảng trống mênh mông cho các thể loại văn học khác, bởi khá lâu rồi, khó gọi ra tên những cuốn sách hư cấu thật sự xuất sắc.

Nhiều người nhận định, tự truyện đã tạo lập cho mình một vị thế riêng trong văn học những năm gần đây. Dòng văn học này thổi luồng gió mới vào đời sống xuất bản, thu hút lượng lớn độc giả ở những thời điểm nhất định, góp phần làm sống dậy văn hóa đọc. Một số tác phẩm được đánh giá cao về chuyên môn, giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 (2014), hay Trụ lại, ký sự Hồ Duy Lệ (2019); Hồi ức lính được trao Giải thưởng Tác phẩm đầu tay của Hội Nhà văn Hà Nội (2017)... Lại có những cuốn sách tuy không được giải thưởng văn học, nhưng tái bản hàng chục lần, được bạn đọc ráo riết săn lùng như Quân khu Nam Ðồng. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng, sự thành công của dòng văn học này là vì đã viết ra quá chân thực về đời sống, qua đó một thời đại hiện lên cùng rất nhiều ký ức, thân phận hấp dẫn, điều mà những tác phẩm hư cấu tầm tầm không làm được. Nhà văn Thái Bá Lợi có lần chia sẻ với tôi: Ðọc của họ xong rồi, thấy văn chương của bọn mình nhạt lắm…

Tuy nhiên, dòng văn học tự truyện cũng có nhược điểm, đó là chất lượng không đều, cuốn đầu tiên rất hay, nhưng đến cuốn tiếp theo lại thua xa cuốn đầu về nhiều mặt. Tại buổi tọa đàm trực tuyến trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam năm nay, nhà thơ Trần Ðăng Khoa lý giải: Một cuốn sách hấp dẫn trước hết phải có đề tài hấp dẫn, chạm đến vấn đề độc giả đang quan tâm. Với những người viết không chuyên, cuốn đầu tiên mang những ký ức sâu đậm nhất, nên tạo ngay được ấn tượng mạnh; nhưng đến cuốn thứ hai, khi điều này không còn nữa, tác giả phải hư cấu, thêm mắm thêm muối vào, làm tính chân thực mất đi, sẽ không còn hấp dẫn người đọc nữa. Nhà văn Thái Bá Lợi cũng cho rằng, điều những người viết không chuyên phải nỗ lực để có thể "đi đường dài" được chính là "lao động nhà văn", một công việc nhọc nhằn không thể tùy hứng và ăn may được.

Ðấy là với những người viết nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng có không ít người viết vốn sống và kiến thức chưa nhiều nhưng lại mượn "tự truyện" để PR công việc, đánh bóng bản thân mình. Sách của họ tuy có số lượng phát hành lớn, nhưng chỉ gây tò mò và để lại không ít sự phản cảm.

Nhà phê bình Văn Giá nhận định: Viết tự truyện là bộc lộ con người cá nhân, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ thất bại bởi một tác phẩm nếu không mang dấu ấn của thời đại thì sẽ không có được sự cộng hưởng của cộng đồng. Ðành rằng những người của công chúng có quyền tự quảng bá cho bản thân, nhưng phải có liều lượng và đúng lúc, đúng chỗ; cái này gọi là "đạo đức thể loại". Kể câu chuyện cá nhân, nhưng phải làm sao khiến người khác soi mình vào, sống tốt hơn, nhân ái hơn thì mới cơ may thành công.

Hãn hữu có trường hợp, thông qua "hồi ký", "tự truyện" số ít người viết tranh thủ đưa ra những nhận xét võ đoán, đánh giá cảm tính, thiếu khách quan, thiếu sự công bằng cần thiết về quá khứ đã qua, thậm chí thể hiện sự hằn học rất không nên có. Tôi chợt nhớ đến lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một lần trò chuyện, anh bảo, không đồng ý với cách dùng văn chương để thanh toán với cuộc đời, ngay cả khi lên án cái ác, cái xấu thì chức năng cơ bản của văn học vẫn là để ngợi ca cuộc sống.

Tự truyện là một không gian đặc thù, là món quà của ký ức, nhưng để kết nối với không gian chung, thế giới của hàng ngàn độc giả, thì đây không phải là điều dễ làm. Ðộc giả cần những trang viết rộng lớn hơn chuyện của từng cá nhân, để đọc sách là có cơ hội nhìn vào giọt nước thấy cả đại dương, nhìn vào cái cây con, thấy cả đại ngàn phía trước…

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Các tin khác:

1-5 of 95<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter