Một khía cạnh trong vẻ đẹp của trí tuệ dân gian

Các nhà khoa học tốn phí không biết bao nhiêu giấy mực để nói về thời nguyên thủy của loài người. Dân gian Việt Nam định nghĩa thật ngắn gọn: đó là thời ăn lông, ở lỗ. Ăn sống (thậm chí ăn cả lông), ở trong hang động (ở lỗ) đích thị là thời nguyên thủy rồi.

Con người đầu tiên định cư ở rừng núi thuận tiện cho việc săn bắt và hái lượm, sau này phát triển trồng trọt mới dần dần xuống đồng bằng và đến một trình độ nào đó (hiểu biết tự nhiên, có phương tiện…) mới chiếm lĩnh được biển khơi. Ngôn ngữ dân gian Việt Nam thể hiện rõ điều này. Người ta lấy tên con vật to nhất của rừng núi đặt tên cho con cá to nhất của biển: cá voi. Rồi con hải cẩu, cá ngựa, cá heo v.v… ở biển đều được đặt tên theo hình dáng hoặc đặc tính vốn có của các con vật tương ứng trên đất liền. Người ta thường nói “dân dĩ thực vi tiên” (dân lấy ăn làm đầu), có người lại nói mạnh mẽ hơn “dân dĩ thực vi thiên” (dân coi ăn là trời). Điều này hoàn toàn đúng, duy vật và hợp quy luật. Ngôn ngữ dân gian đã chứng minh rất rõ điều này. Người ta bao giờ cũng nói: ăn học, ăn nói, ăn chơi, bởi ăn mới có sức để học, nói, chơi. Thậm chí ăn mày, ăn cắp, ăn cướp, và ngủ với nhau cũng phải ăn trước mới có sức… ăn nằm! Nhưng cũng rất biện chứng khi dân gian nói “làm ăn”, (mà không ai nói ăn làm!) bởi có làm mới có cái để ăn, và ăn để có sức mà làm. Đây không chỉ là chuyện chữ nghĩa, mà là một quan niệm, một tư tưởng đúng đắn của cha ông ta.

Và ngay từ xa xưa ông cha ta đã quan niệm: quyền lực phải được kiểm soát (kể cả quyền lực tối cao), qua câu ngạn ngữ “Mối đục chân vua, vua ăn thịt gà, gà lại mổ mối”. Thời phong kiến vua là quyền lực tối cao, vua là trên hết, ấy thế mà lại bị mối đục chân. Mối đục được chân vua, nhưng lại bị gà chén. Gà mổ được mối nhưng lại bị vua ăn thịt, tức là ngày từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm quyền lực cần và phải được kiểm soát. Bây giờ chúng ta nói phải “nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế” là sáng tạo từ nền tảng tư tưởng của ông cha chúng ta.

***

Trí tuệ của ông cha ta trong lời ăn tiếng nói, trong ca dao ngạn ngữ là vô bờ, “nói đây mà chết cây Hà Nội”! Đó là trường hợp câu ca dao: “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn/ Béo chê béo trục, béo tròn/ Gầy chê xương sống, xương sườn trơ ra”.

Tất cả chỉ có chê và chê, nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy qua lời chê kia thể hiện quan niệm của cha ông về cái đẹp (hình thể): cân đối, hài hòa, mực thước.

Đó là cái đẹp hình thể, còn cái đẹp nội dung, cái đẹp bản chất, ông cha ta cũng có cách tổng kết ngắn gọn mà chắc nịch “cái nết đánh chết cái đẹp”. Và: “Nói chín thì làm nên mười/ Nói mười làm chín kẻ cười người chê”.

Bây giờ mỗi người chúng ta nhất là các lãnh đạo thực hiện được phương châm này thì “thiên hạ thái bình” từ lâu rồi.

Nói về đạo đức: sự lựa chọn giữa cái chết và cái sống là lớn nhất, đau đớn nhất và khó khăn nhất đối với mỗi người. Ông cha ta nói “chết trong hơn sống đục” và điều này rất thống nhất. Trong câu ca dao mà bất cứ người Việt Nam nào từng nghe, từng biết, từng ngâm ngợi cũng nói lên quan điểm này: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”.

Con cò trong câu ca dao này xin với người bắt được nó: tôi có khuyết điểm nào (tôi có lòng nào) thì ông hãy giết thịt tôi. Và nếu có xáo măng thì nhớ xáo nước trong đừng xáo nước đục mà tôi đau lòng. Chữ cò con ở đây có hai cách hiểu. Một là nói khiêm tốn (tôi chỉ là một con cò con), hai là có người lại hiểu là con cò là con của tôi! Nhưng tất cả đều toát lên một khẩu khí là cho tôi được chết trong nếu buộc phải chết! Khẩu khí và cao đẹp biết bao nhiêu.

Để kết thúc bài viết vui vui này xin dẫn câu “Một người hay lo bằng một kho người hay làm”. Hãy chọn người quản lý, người đứng đầu có tâm, có tầm thì mọi chuyện đều vượt qua được từ rất lâu rồi, cha ông ta đã tổng kết thế!

TRẦN BẢO HƯNG

Theo Văn Nghệ

Các tin khác:

31-35 of 94<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter