Tùng Phương
Lâu nay Nguyễn Quang Thiều vẫn được biết đến là một nhà thơ đa tài, trong đó hội hoạ là một dấu ấn để công chúng nhắc đến ông. Nhưng có lẽ phải đến triển lãm Người thổi sáo thì những câu chuyện phía sau những bức tranh, phía sau đam mê cầm cọ của Nguyễn Quang Thiều mới được hé lộ.
Người thổi sáo là triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khai mạc vào sáng 7/1/2021 tại Trung tâm Art Space, trường đại học Mỹ Thuật, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhóm Nhân sỹ Hà Đông tại buổi khai mạc triển lãm
Người đi ngang cánh đồng hội hoạ
Triển lãm Người thổi sáo gồm 54 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây, còn lại là những bức được mượn lại của những người đã sở hữu chúng. Đứng trước những bức tranh, công chúng có cơ hội cảm nhận toàn diện hơn sắc màu, cá tính hội hoạ của Nguyễn Quang Thiều.
Hoạ sĩ Đào Hải Phong chia sẻ: Nguyễn Quang Thiều mang lửa đến cho mọi người, thông qua những bức tranh. Ông có cảm nhận và thẩm mĩ rất tốt về hội hoạ. Nguyễn Quang Thiều dùng màu rất nhuần nhị và tương quan. Ông vẽ để giải thoát chính mình chính vì vậy nên ông tìm những hình khối, motif quen thuộc nhất với mình, để đi đến cái đích mình định nói. Thống nhất về một phong cách là điều quan trọng nhất mà Nguyễn Quang Thiều làm được.
Trên cánh đồng của kí ức và những giấc mơ, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng và thu hái về cho mình những vẻ đẹp bất tận của khởi thuỷ, của cần lao, của sáng tạo… đó chính là những bức tranh với màu sắc, hình khối, bố cục chạm vào cảm xúc mỗi chúng ta, nhưng trước hết, đó chính là cảm xúc chân thật nhất và thăng hoa nhất của ông.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, cái khó nhất là tìm ra cái giọng của mình và Nguyễn Quang Thiều đã tìm ra được giọng ấy trong hội hoạ, ông mộng du qua cánh đồng hội hoạ để bật ra vẻ đẹp vô lí của có lí. Nó không quá quan trọng về màu sắc gì, hình gì, bút pháp gì, bố cục gì… bởi nó đơn giản là vẻ đẹp của Nguyễn Quang Thiều.
Những bình những lọ như là khởi nguyên của sáng tạo, của văn minh, hay đơn giản chỉ là hiện thân của sự bình dị như đất đai, như sự biến hoá qua bàn tay con người để một cũ xưa im lìm bỗng trở nên sinh động; những chú chim đang đắm mình vào không gian riêng khác của chúng hay đang cô độc, hay đang lắng nghe âm thanh của cuộc sống này; những khuôn mặt chìm vào xa vắng hay đang suy tư, đang cuốn vào bộn bề; những sắc vàng hừng lên như vạt cải chiều đông bên dòng sông Đáy mang nỗi niềm quê các; những ấp iu nồng đượm, những đốm lửa vời xa trong muôn hình dung, cảm nhận… tất cả như đang trỗi dậy, như đang thao thức nhưng cũng như chìm lắng lặng yên để mỗi người xem gọi ra một cảm xúc cho riêng mình. Dù cảm nhận của mỗi người như thế nào thì đó cũng là một gợi dẫn mà người hoạ sĩ đã nhen lên, đưa lại.
Với Nguyễn Quang Thiều thì ông làm mọi thứ để được sống nhiều nhất trên thế gian này mà thôi. Ông tự nhận mình chỉ là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ và bị hình, màu thôi miên, bị màu sắc thống trị.
Là một nhà thơ đương đại tiêu biểu, nhưng với hội hoạ, Nguyễn Quang Thiều cũng đã định vị mình bằng một phong cách riêng. Không thể tách rời thơ ca và hội hoạ Nguyễn Quang Thiều, bởi hai con người ấy đều là ông. Nhà thơ chia sẻ, có những bức tranh ông vẽ trên cảm hứng của một bài thơ, ngược lại, có những bài thơ được ông viết sau khi hoàn thành một bức tranh, và do bức tranh tạo nguồn cảm hứng. Trường hợp đặc biệt là, có những bức tranh sau khi vẽ, ông sẽ đề thơ lên đó. Thơ và hoạ đều thoát ra từ tâm hồn đầy duy mĩ của nhà thơ.
Những câu chuyện phía sau những bức tranh
Nguyễn Quang Thiều bắt đầu bước chân vào hội hoạ một cách ngẫu nhiên nhưng cũng như tiền định. Nhà thơ cho biết, năm 2005, họa sĩ Phạm Long Quận là bạn thân của ông từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa ông lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ vẽ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị những lời ấy về hội họa cùng với cái màu vàng đầu tiên vẽ lên toan cuốn ông đi không thể nào cưỡng nổi.
Đã từng có một khoảng thời gian nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nghĩ rằng mình sẽ không gắn bó với hội hoạ. Nhưng vào năm 2012, khi đến nhà ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông, Nguyễn Quang Thiều sững người lại khi thấy những bức tranh mình vẽ từ lâu và đã bỏ đi đang hiện diện ở đó một cách trang trọng. Đó là những bức tranh ông vẽ bằng phấn sáp và mực màu. Ông không biết vì sao ông Trịnh Văn Sỹ lại có những bức tranh đó. Và câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều xúc động khôn nguôi.
Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương kiều Minh gọi ông Sỹ đến đưa cho ông Sỹ những bức tranh giấy và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.
Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau vào những ngày nghỉ. Những lúc ấy Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt những bức vẽ mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi và mang về giữ cẩn thận.
Tên triển lãm Người thổi sáo cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông và thay đổi ông. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa. Có lẽ mỗi người trong đời chỉ được một lần nghe thấy giai điệu ấy.
Những câu chuyện trên đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết ông không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Ông vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy.
Hoạ sĩ Trần Thắng nói về bức tranh mang tên Người thổi sáo 3: Tiếng sáo mang dáng hình tu sĩ thoát ra từ những cành cây như âm thanh của thiên nhiên nhuốm sắc thái siêu thực. Tiếng sáo ám ảnh, u uẩn, dị biệt như màu vàng của Van Gogh, và thơ ngây như Henri Rousseau. Lá cây xanh lam như mây hội tụ về chuyển động theo giai điệu sáo. Bức tranh như đang bay lên trôi theo ánh sáng, nhưng riêng tôi vẫn có cảm giác nỗi đau từ những cành cây bị phạt đứt.
Người thổi sáo có một ý nghĩa đặc biệt trong hội hoạ Nguyễn Quang Thiều. Và những bức tranh mang tên Người thổi sáo được khơi gợi từ câu chuyện trên đã trở thành những bức tranh xuất sắc và đầy ấn tượng.
Triển lãm Người thổi sáo do nhóm Nhân sỹ Hà Đông tổ chức, sẽ kéo dài đến ngày 15/1/2021.
Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội