Vanvn- Có những lúc nhàn cư không viết, không đọc sách, tự nhiên tôi chợt nghĩ đến lao động sáng tạo của nhà văn. Nhà văn và nhân vật ai kéo ghì ai xuống đất, ai công kênh ai lên cao? Nhà văn và tác phẩm, nhà văn và nhân vật ai sinh ra ai trước?
Hỏi thế này, thế nào cũng có người bảo: “Ông dở hơi à. Nhà văn việc lớn nhất là sáng tác, nhân vật èo uột thì kéo nhà văn ghì xuống đất, nhân vật đầy sức sống thì kiệu nhà văn lên cao; nhà văn đẻ ra tác phẩm, đẻ ra nhân vật, chứ làm sao nhân vật và tác phẩm đẻ được nhà văn?”. Đúng quá! Tác phẩm và nhân vật là đứa con tinh thần của nhà văn, con sao lại sinh trước cha? Nghĩ mãi để cãi mà chả cãi được. Nghĩ mãi để trả lời chính cái câu hỏi mình đặt ra, mà trả lời vẫn không vừa lòng mình, thì nói gì đến thuyết phục người khác.
1. Bỗng dưng đến một ngày đẹp trời tôi chợt nhớ đến câu “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Không biết thành ngữ xuất hiện từ đâu, từ bao giờ trong dân gian bao la rộng lớn? Chỉ thấy câu chuyện “Sinh con rồi mới sinh cha” do cụ Nguyễn Đổng Chi sưu tầm rồi đưa vào “Kho tàng cổ tích Việt Nam” và in đi in lại rất nhiều lần.
Câu chuyện “Sinh con rồi mới sinh cha” tưởng là phi lý, nhưng theo tiếng Việt thì sinh đồng nghĩa với đẻ, sinh còn nghĩa nữa là tạo thành. Trong nhà, chưa có con thì chưa được gọi là bố, chưa có cháu thì chưa được gọi là ông; đẻ ra con, đẻ ra cháu, thì mới lên chức cha, chức ông (tạo ra cha, tạo thành ông). Có ông bố yêu quý con đến mức bảo: “Ta cảm ơn con, con ra đời thì ta mới được làm bố”. Cho nên “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” hiểu theo nghĩa sinh thành như thế, chứ không chỉ hiểu theo “nghĩa đen” sinh học.
Vai diễn Chí Phèo, Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã làm nên tên tuổi hai nghệ sĩ Bùi Cường- Đức Lưu.
Trong nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu và điện ảnh, có những diễn viên sau khi thủ vai một nhân vật giàu sức sống đến mức quá xuất sắc, thường bị… mất tên, chết tên. Người xem dường như quên nghệ danh, mà chỉ nhớ đến tên nhân vật. Xuân Tóc đỏ một kẻ lông bông lang bang mồ côi cả cha lẫn mẹ, rập rạ nơi gầm cầu xó phố, không nhà không cửa, thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, bỉ ổi, láu cá, ranh ma, vô giáo dục… lại nhập vào được thế giới thượng lưu trong xã hội nhố nhăng, và bước dần lên các nấc thang danh vọng. Đỉnh điểm của vinh quang, Xuân Tóc đỏ như một vĩ nhân thời đại, một anh hùng cứu nước có công lớn tránh cho quốc gia khỏi họa chiến tranh. Đứng trên đài vinh quang, y như một lãnh tụ gọi quần chúng là mi, và diễn thuyết những lời vàng ngọc cho đám đông dỏng tai nghe…
Vậy mà, từ văn học đến điện ảnh, diễn viên Trần Quốc Trọng đã thể hiện quá xuất sắc nhân vật Xuân Tóc đỏ đến mức đi đâu, làm gì, ai cũng gọi ông là… Xuân Tóc đỏ. Diễn viên Bùi Cường đóng nhân vật Chí Phèo, Đức Lưu thủ vai Thị Nở, hay Trọng Khôi nhập vai Nghị Hách cũng diễn ra tình trạng tương tự, nhớ nhân vật hơn nhớ tên thật diễn viên. Ở trong các trường hợp này, diễn viên nhập xác, nhập hồn tới không còn phân biệt được đâu là đang diễn, đâu là nhân vật bước ra khỏi màn ảnh.
Vinh quanh của diễn viên do tự thân diễn viên mang lại, nhưng nhân vật cũng làm cho diễn viên tỏa sáng. Có người nói: Nhân vật Xuân Tóc đỏ sinh ra diễn viên Trần Quốc Trọng làm cả nước biết tên cũng không quá? Thử hỏi: Không có nhân vật Thị Nở phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” thì ai biết Đức Lưu là ai, dù trước đó bà đã đóng vai Mận trong phim “Cô gái nông trường”. Không có nhân vật Chí Phèo và phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, thì Bùi Cường vẫn lẫn khuất vào dàn diễn viên đông đảo, dù trước đó ông đã đóng hai phim và sau đấy thủ vai 10 nhân vật nữa.
Nhân vật Xuân Tóc đỏ làm người xem quên sạch các vai diễn của Trần Quốc Trọng trong phim “Hoa ban đỏ”, “Thị xã trong tầm tay”, “Chuyến xe bão táp”, và không có Xuân Tóc đỏ thì sau này người ta chỉ biết Trần Quốc Trọng là đạo diễn của phim “Mùa lá rụng”, “Ngõ lỗ thủng”… Phải nói một điều không mới là: có rất nhiều diễn viên tài năng nhưng số không may mắn, không có “đất” để diễn, không có nhân vật thật hay để thủ vai nên hoài phí cả một đời nghệ thuật. Thế mới biết nhân vật trong nghệ thuật quan trọng đến thế nào.
2. Nhân vật điện ảnh phái sinh từ văn học, mà đã “cõng” diễn viên lên đỉnh vinh quang như thế, thì nhà văn “đẻ” nhân vật, nó còn làm cho người cha tinh thần chói sáng đến mức nào?
Trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” Nhân vật Giang Minh Sài góp phần làm nên tên tuổi nhà văn Lê Lựu.
Thực tế văn chương, hầu hết các nhà văn đang sống thì tác phẩm, và nhân vật đã chết; ai may mắn hơn thì họ chết, tác phẩm và nhân vật cũng chết theo. Số còn lại rất hiếm hoi, nhà văn chết rồi nhưng tác phẩm và nhân vật cứ sống mãi. Văn hào Victor Hugo mất từ năm 1885, nhưng nhân vật người tù khổ sai Jean Valjean, người mẹ trẻ khốn khổ hành nghề mại dâm Fantine bán răng bán tóc nuôi con gái, viên thanh tra Javert mẫn cán trung thành, chủ quán trọ độc ác Thenardier… còn sống đến bây giờ. Nhà văn Nam Cao hy sinh từ năm 1953, nhưng nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, anh giáo Thứ… đến nay vẫn sống đâu đó trong mỗi người, trong dân gian, có khả năng sống mãi…
Nhà văn “đẻ” ra nhân vật, lưu giữ nó vào trong sách, rồi đến lượt nhân vật bước ra khỏi trang sách, “sống” cùng với những vui buồn của người đọc. Chính nhân vật đã làm cho người đọc khâm phục yêu quý và nhớ tác giả “đẻ” ra nó. Cứ thử hỏi nếu không có nhân vật Tào Tháo, Tư Mã Ý, Lưu Bị, Quan Vân Trường, Khổng Minh, Trương Phi, Tôn Quyền, Chu Du… thì ai còn nhớ đến La Quán Trung? Không có những nhân vật Gregori Melekhov, Aksinia, Natalia, Fomin… với “Sông Đông êm đềm”; Andrey Sokolov, Vania với “Số phận con người”… thì mấy ai biết Mikhail Sholokhov? Không có nhân vật hiệp sĩ Don Quijote lãng mạn và hoang tưởng, yêu tự do, và bác nông dân Sancho Pancha chất phác, thực tế… cứ sống ngoay ngoảy trong trang sách, trong màn ảnh và bạn đọc hơn 400 năm nay, thì người đời đã lãng quên Miguel de Cervantes từ lâu rồi. Điều này chẳng có gì mới mẻ, chả thế mà nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã từng viết: “Chí Phèo sống và Nam Cao đã khuất/ nào có dài chi một kiếp người/ Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách/ vẫn ngày ngày lăn lóc chốn trần ai”. Nhân vật vẫn “lăn lóc chốn trần ai” hay nhân vật sống cùng hoa thơm cỏ lạ, yêu kiều trong lầu son gác tía cũng được, nhưng dứt khoát nó phải trở nhân vật giàu sức sống, thành hình tượng nghệ thuật mang tư tưởng của nhà văn. Cái điều này là khát vọng và cũng là thất vọng của không biết bao nhiêu nhà văn khốn khổ, giày vò trên từng trang giấy.
Mấy đứa con tôi đọc “Dế mèn phiêu lưu kí” từ lúc học tiểu học. Trong trí nhớ của chúng thì Dế mèn là một tay kiêu ngạo, hung hăng chỉ giỏi bắt nạt kẻ khác, bướng bỉnh hỗn láo với cả kẻ mạnh, nhưng lại có tính trượng nghĩa “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”, biết nhận lỗi, phục thiện và ân hận, thương kẻ yếu. Chúng yêu thích Dế mèn và yêu thích luôn tác giả sinh ra Dế mèn đến mức gọi Tô Hoài là Cụ Dế mèn một cách trân trọng. Cái đám học sinh phổ thông của mấy con tôi thì không gọi tên ông Kim Lân – người cha tinh thần của truyện ngắn “Vợ nhặt”, mà cứ gọi là “Bố anh Chàng”. Bố anh Chàng viết “Vợ nhặt” chứ còn ai nữa. “Bố anh Chàng” viết truyện ngắn “Làng” đấy…
Lại có chuyện nhân vật “bước” ra khỏi trang sách, “đi” ra khỏi màn ảnh vào đời sống chúng sinh và nó làm cho người đời quên luôn tác giả. Không biết tác giả là ai, thậm chí quên cả câu chuyện xuyên suốt tiểu thuyết, chỉ nhớ chi tiết và nhân vật. Chí Phèo là một ví dụ sinh động. Ở làng tôi, cứ anh nào ngỗ ngược, liều lĩnh, hoặc dùng vũ lực đi đòi nợ thuê là người ta gọi luôn là thằng Chí Phèo. Ở nông thôn, cứ gia đình nào nghèo túng quá là người ta bảo gia đình chị Dậu, còn nhà cửa lụp xụp là ví von… nhà chị Dậu, nhà anh Pha. Ở cơ quan hoặc phố phường, anh nào láu cá, ranh ma, bỉ ổi, cơ hội là bị gán cho là Xuân Tóc đỏ. Những danh từ riêng chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo, Xuân Tóc đỏ lại trở thành tính từ chung để chỉ tính chất của một sự vật, hiện tượng, con người nào đó trong xã hội. Những điều này thì “cha đẻ” của nhân vật không ngờ tới. Nhân vật khi đã rời khỏi nhà văn, là không điều khiển được nó. Nó sống đời sống riêng và bất cần người đời có nhớ hay quên người đã sinh ra nó.
Cũng đôi khi nhân vật lại “ban ơn” cho người sinh ra nó sự kính trọng, trầm trồ thán phục. Một lần, tôi cùng mấy nhà văn quân đội lên một tỉnh Tây Bắc viết bài cho chuyên mục “Đối thoại hàng tháng”. Khi ấy, truyền hình đang phát bộ phim dài tập “Đất và người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Bữa cơm buổi tối rất vui vẻ, chuyện địa phương và có cả chuyện văn học nghệ thuật.
Ông chủ tịch tỉnh say sưa khen bộ phim, khen diễn viên đóng vai ông Hàm, và đóng vai lão Quềnh, khen cả tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” hay, đọc rồi mà chả biết tác giả là ai. Chỉ đến khi tôi gợi ý để ông chủ tịch sục sạo trong đầu thì ông mới nhớ ra là của Nguyễn Khắc Trường. Ông chủ tịch bảo: “Trong tiểu thuyết nhân vật Quềnh xuất hiện thoáng qua thôi, nhưng lên phim thì nó sống dai sống dài thế?”. Lúc ấy, tôi chỉ vào người ngồi cùng mâm đối diện với ông chủ tịch: “Đây, nhà văn Khuất Quang Thụy đây. Ông này là một trong hai tác giả viết kịch bản phim “Đất và người” và không cho Quềnh chết sớm, bắt nó phải sống dai sống dài đây”. Ông chủ tịch sững sờ, đứng phắt dậy: “Ôi trời! Núi Thái Sơn trước mắt mà tôi không biết. Nào xin được cụng li chúc mừng nhà văn”.
Lúc nhà văn Lê Lựu còn làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một lần đi ăn cơm bụi, chuyện cơ quan lan sang chuyện về lao động nhà văn, ông nói với tôi rằng: “Nếu mình còn một chút gì còn lại, là còn cái thằng Giang Minh Sài của “Thời xa vắng” ấy. Bây giờ nó vẫn sống và nó sẽ khiêng mình ra nghĩa địa. Lúc mình chết rồi, nó còn sống lăn lóc ở ngoài đời nữa hay không thì mình cũng chẳng biết”. Tôi vẫn tin là nhân vật Giang Minh Sài còn sống mãi. Nó cũng như các nhân vật khác có sức sống dào dạt, có cá tính sẽ ở lại với người đọc thế hệ này tiếp thế hệ kia và công kênh các nhà văn lên cao.
SƯƠNG NGUYỆT MINH