Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại”

Ngày 11-12-2020, tại trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (VHNT) đã tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại”. PGTS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT TW và PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, chủ trì Hội thảo.

 

Đến dự hội thảo có ông Võ Văn Phuông, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TW; PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Dũng, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Về phía địa phương có ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của Bắc Ninh; ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh… cùng gần 120 các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh vai trò nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia nói chung, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tương lai đất nước. Như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của VHNT Việt Nam hiện nay có ý nghĩa không chỉ với đời sống VHNT mà còn trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt như trên, trong các kỳ Đại hội Đảng gần đây và trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, VHNT, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cần tập trung xây dựng cho được hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hàng đầu để xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Thực tiễn cho thấy, đời sống VHNT Việt Nam đã và đang có những bước vận động nhanh chóng, phong phú, đa dạng và có phần bề bộn với nhiều vấn đề mới. Sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan niệm giá trị ở hầu hết các khâu đã và đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo, khả năng và chiều hướng vận động của đời sống văn nghệ dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, từ đó chủ động định hướng cho sự phát triển.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: VOV.vn)

Gần 90 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ tham gia hội thảo đã tập trung vào các vấn đề về lý luận, làm rõ khái niệm, nội hàm của hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại. Các tham luận được trình bày và phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội thảo có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn các lĩnh vực khác nhau nhưng đều tập trung xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị VHNT và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại; nhận diện, đánh giá giá trị của VHNT Việt Nam trên các phương diện cơ bản; đề xuất phương hướng, mục tiêu và các kiến nghị giải pháp. Theo đó, cần phải đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo văn nghệ trong tình hình và điều kiện mới của thời đại mới; tiếp tục đổi mới chính đầu tư cho VHNT phù hợp với cơ chế mới và môi trường sáng tạo VHNT hiện nay; trong đó cần đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu lý luận văn nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa-VHNT theo nghị quyết của Đảng; Đặc biệt cần đổi mới nhận thức vè hệ giá trị VHNT trong môi trường toàn cầu hóa và bối cảnh đời sống văn hóa-chính trị trong nước và quốc tế.

 

Tuyên Hóa

Theo nguồn: Vanvn.net

 

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter