Nhà văn Nguyễn Minh Châu với các truyện vừa

Trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Minh Châu là một tên tuổi lớn. Đặc biệt, nếu xét từ giai đoạn chiến tranh kết thúc, 1975 đến nay, và xét riêng ở thể loại truyện ngắn, thậm chí có thể nói rằng tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã tạo thành một kiểu đỉnh cao rất khó vượt qua.

Với truyện ngắn, rõ ràng là Nguyễn Minh Châu đã đầu tư không ít tài năng và công sức – dù thật ra ông viết không nhiều nếu so với nhiều nhà văn khác – và đầu tư với tính tự ý thức rất cao của một người cầm bút chuyên nghiệp. Điều đó phản ánh ở những tiểu luận và những đoạn ghi chép rời rạc về thể loại truyện ngắn trong sổ tay của ông, mà hiện nay, ta có thể đọc được từ cuốn Trang giấy trước đèn do nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu (Nxb Khoa học xã hội, 2002). Tuy nhiên, trong khối tác phẩm lâu nay vẫn được gọi là “truyện ngắn Nguyễn Minh Châu” ấy, lại có một vài “cái” khá đặc biệt, ít nhất là ở mặt hình thức, khiến cho người cẩn trọng không khỏi cảm thấy ngập ngừng trước ý muốn xếp chúng vào khung khổ của truyện ngắn. Tôi muốn nói tới tập Cỏ lau – gồm ba truyện: Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát – và truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành trong tập truyện cùng tên.

Nguyễn Minh Châu từng quan niệm trong bài viết Nghĩ về truyện ngắn: “Chỉ trong khoảng mười trang giấy, người viết truyện ngắn phải truyền đến cho người đọc cái điều mà anh vừa mới khám phá thấy trong đời sống thường nhật của những người chung quanh anh, và mười trang giấy ít ỏi kia sẽ sống mãi với người đời nếu cái điều anh đề cập là mới mẻ, độc đáo và thực là thân thiết với đông đảo mọi người” (Trang giấy trước đèn, tr.332). Trước hết, hãy chú ý tới con số mà nhà văn đưa ra: mười trang. Về lý thuyết, không ai và cũng không có cách nào để xác quyết rằng một tác phẩm văn xuôi hư cấu cần phải dài đến bao nhiêu trang để được gọi là một truyện ngắn? Song, căn cứ trên độ dài thường thấy của các tác phẩm xưa nay vẫn được dán nhãn truyện ngắn - một cách hoàn toàn cảm tính – con số “mười trang” có vẻ như là con số… chấp nhận được. Đa phần truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu cũng dài mười trang, hoặc nằm trong khoảng trên dưới mười trang. Nhưng, chỉ cần làm thao tác “đếm” từ cuốn Nguyễn Minh Châu, tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh của Nxb Văn học, in năm 2007, ta sẽ thấy những con số đột biến: Cỏ lau dài 64 trang, Mùa trái cóc ở miền Nam dài 54 trang, Phiên chợ Giát dài 49 trang, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành dài 74 trang. Có lẽ, chính vì sự cắc cớ này mà trong lần xuất bản đầu tiên – hẳn phải có sự đồng ý của tác giả - người ta đã không gọi hai cuốn sách của Nguyễn Minh Châu là “truyện ngắn”, mà chúng đều được dán cái nhãn “tập truyện”. (Một liên hệ nhỏ: nhà văn Pháp Gustave Flaubert, khi gom ba tác phẩm Một tấm lòng chất phác, Truyền thuyết về thánh Julien hiếu khách và Herodias vào một cuốn sách, đã đặt tên cho cuốn sách ấy là Ba truyện kể – Trois contes. Ở bản tiếng Việt - Lê Hồng Sâm và Phùng Ngọc Kiên dịch, Nxb Thế giới & Nhã Nam, 2015 - ba truyện này đều có độ dài trong khoảng từ 40 đến 50 trang). “Truyện”, hay “truyện kể” vốn là một khái niệm có ngoại diên rất rộng, nó có thể ôm trùm cả tiểu thuyết, truyện ngắn và còn hơn thế nữa. Những câu chuyện dân gian, sự tích các thánh trong văn học Cơ đốc giáo, những tác phẩm sử thi/ trường ca thời cổ đại và trung đại, những truyện thơ Nôm hoặc truyện thơ bằng quốc ngữ trong văn học Việt Nam, truyện ký về những tấm gương “người tốt việc tốt”… đều có thể được gọi là “truyện” hay “truyện kể”. Vì chúng đáp ứng tiêu chí căn bản nhất: có “chuyện”, nghĩa là có một hoặc một vài câu chuyện được kể lại. Tuy nhiên, trong trường hợp mà ta đang bàn, tức bốn tác phẩm nói trên của Nguyễn Minh Châu, thì khái niệm “truyện” thực ra là cách nói khác đi của “truyện vừa”, từ để chỉ một kiểu loại tác phẩm văn xuôi hư cấu khá phổ biến trong văn học Việt Nam khoảng từ 1950 đến 1980, nhưng từ đó đến nay thì ngày càng ít thấy xuất hiện.

Truyện vừa là gì? Cho đến nay, ít nhất, chưa hề có mục từ này trong những cuốn từ điển văn học được biên soạn ở Việt Nam. Trong thực tế, người ta sử dụng khái niệm truyện vừa cũng hoàn toàn theo kiểu áng chừng cơ học: đã truyện vừa, ắt là phải ngắn hơn tiểu thuyết và dài hơn truyện ngắn. Một tác phẩm văn xuôi hư cấu có độ dài trong khoảng từ 30, 40 trang đến 70, 80 trang, thế là đủ để gọi là một truyện vừa. Gom ba bốn truyện như vậy đem in thành sách, sẽ có một “tập truyện” hoặc một “tập truyện vừa”; nếu thêm vài ba truyện ngắn khác nữa, sẽ có một “tập truyện” hoặc một “tập truyện ngắn và vừa”. Nhưng nếu vậy, truyện vừa phải chăng chỉ là truyện ngắn kéo dài? Và phải chăng, một nhà văn đầy tài năng như Nguyễn Minh Châu – và nhiều người khác nữa - lại có lúc đi làm cái việc thừa thãi, là kéo dài câu chữ, tãi ra, trong khi ông hoàn toàn có thể viết ngắn mà vẫn hay?

Để giải quyết vấn đề này, ta hãy trở về với quan niệm truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu: “Truyện ngắn là cái riêng tư nhất, một công trình toàn vẹn và xong xuôi nhất… Truyện ngắn là thể văn của một tâm trạng, tâm sự… Nó như một câu hát được thốt lên… Truyện ngắn có thể được ví như là một cành cây. Còn truyện dài là cả một thân cây rườm rà” (Tản mạn về văn học, Sđd, tr.175,176). Và: “Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc… Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc” (Nghĩ về truyện ngắn, Sđd, tr.332,333). Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, như Mảnh trăng cuối rừng, Chiếc thuyền ngoài xa, Sắm vai, Bức tranh… - những truyện ngắn đích thực và xuất sắc - là sự thể hiện sáng rõ nhất cho quan niệm về truyện ngắn của chính ông. Đặt trong tương quan với quan niệm ấy và những truyện ngắn ấy, bốn truyện Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát và Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành trở nên là những hiện diện vượt ngoài khung khổ. Chúng có dung lượng câu chữ, số trang lớn hơn gấp nhiều lần, điều đó dễ thấy. Nhưng quan trọng, chúng không phải “một câu hát được thốt lên”, chúng không chỉ là “một tâm trạng, tâm sự”, vẫn đảm bảo tính hàm súc song chúng không còn đơn giản là “một cành cây” nữa. Ở cả bốn truyện, có thể nhận ra những kết cấu tầng tuyến phức tạp hơn nhiều so với kết cấu của những truyện ngắn thông thường. Với Cỏ lau, ta có thể đọc ra vài câu chuyện: 1/ câu chuyện đầy éo le của vợ chồng Lực – Thai, kéo dài từ lúc Lực từ giã vợ ra Bắc tập kết, qua thời kỳ Lực quay lại Quảng Trị hoạt động trong bối cảnh ta/ địch cài răng lược giằng co, Thai lập gia đình với người khác sau bao đau đớn vì tưởng Lực đã hy sinh, cho đến lúc Lực trở về trong tư cách người chiến thắng thì mọi sự đã rồi. 2/ câu chuyện xảy ra trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị, khi người cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn (Lực) chỉ vì chút tự ái cá nhân mà đã đẩy chiến sỹ của mình (Phi) vào chỗ chết bằng một mệnh lệnh không cần thiết. 3/ câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đầy vất vả của Lực trên chiến trường xưa, nơi bao đồng đội đã hy sinh nay cỏ lau mọc lên tươi tốt bạt ngàn, nhanh như một sự lãng quên quá khứ. Với Mùa trái cóc ở miền Nam cũng vậy: 1/ câu chuyện xảy ra trong một căn cứ quân sự của ta tại Sài Gòn ngay sau chiến thắng 1975, ở đó, khói súng chưa tan mà thói hãnh tiến lộng quyền đã nảy mầm, người ta nhân danh kỷ luật quân sự và đủ thứ tốt đẹp khác để ép những chiến sỹ dũng mãnh trong trận mạc thành những người máy, những thằng hề; thậm chí, trao họ vào tay thần chết một cách đầy tức tưởi. 2/ câu chuyện đau lòng về một bà mẹ và người con trai trong chiến tranh; bà mất con, không phải vì bom rơi đạn nổ, không phải vì núi cách sông ngăn, mà chính vì sự thù ghét, sự thiếu cảm thông, sự vắng tình người đã trở thành nọc độc ngấm sâu vào trái tim con trai bà, khiến nó sẵn lòng nước lã hóa ngay cả mối quan hệ mẫu tử thiêng liêng… Ngay như ở Phiên chợ Giát, dù thời gian của truyện chỉ là vài tiếng đồng hồ, không gian của truyện chỉ là quãng đường từ nhà lão Khúng đến cái chợ mua bán trâu bò, nhưng với lối viết (tạm gọi là) dòng ý thức mà Nguyễn Minh Châu đã thực hiện rất cao tay, truyện trôi đi cùng những cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê của lão Khúng, bung tỏa thành nhiều câu chuyện khác nhau: chuyện lão Khúng lên voi xuống chó với công cuộc làm ăn hộ cá thể, chuyện con trai lão Khúng hy sinh khiến cả nhà đau buồn, chuyện lão Khúng chăm sóc và làm ăn cùng con bò khoang từ lúc nó còn tơ đến lúc nó già, khiến lão Khúng phải mang bán nó, rồi đến nơi lại quyết định thả nó. Có thể nói, với những kết cấu đa tầng tuyến như vậy thì những yếu tố vốn là hồn cốt của truyện ngắn thông thường, như: tình thế xảy ra truyện, thắt nút kịch tính, mở nút cao trào, kết thúc bất ngờ… đều bị giảm tầm quan trọng xuống mức tối thiểu, thậm chí bị triệt tiêu. Đọc Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành chẳng hạn, có thể thấy điều mà nhà văn tìm kiếm không phải là một “khoảnh khắc truyện ngắn”, mà là hiện thực – hiện thực bên ngoài và hiện thực bên trong tâm hồn con người – như một quá trình nối tiếp, chuyển biến liên tục và đầy phức tạp. Nhân vật chị Quỳ trong truyện không bộc lộ cái tôi đa diện của mình bằng chỉ một tình huống, với chỉ một “người khác” nào đó. Phải trải qua nhiều tình huống khác nhau trong chiến tranh và sau chiến tranh, phải cọ xát với nhiều “người khác” khác nhau rất xa về phẩm chất tính cách và vị thế xã hội, người đàn bà đa đoan ấy – trong câu chuyện kể lại với nhân vật người kể chuyện – mới hiện diện một cách trọn vẹn nhất, bằng tất cả những mâu thuẫn trong cách chị nhìn về và cảm nhận trước thế giới, trước con người.

Từ những phân tích sơ lược về bốn truyện vừa của Nguyễn Minh Châu như trên, có thể rút ra vài hệ luận. Thứ nhất, một truyện vừa không phải là một truyện ngắn kéo dài (Tất nhiên, tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu ai đó cứ muốn là như thế và nhất định phải làm như thế). Trong khung khổ của truyện vừa, nhà văn sẽ triển khai được những dự đồ nghệ thuật mà anh ta sẽ rất khó, thậm chí không thể triển khai trong khung khổ của truyện ngắn (Trong một số ngôn ngữ Châu Âu, truyện vừa – novella – được định nghĩa là một kiểu tiểu thuyết ngắn. Chữ novella có gốc từ tiếng Italia, nghĩa là “một cái mới”, hàm ý nó phải đem lại một điều mới lạ). Thứ hai, như đã nói, truyện vừa khá phổ biến trong văn học Việt Nam trước kia, nhưng giờ thì ngày càng ít thấy xuất hiện. Đây là vấn đề của xã hội học văn học: thường thì “trú sở” ban đầu của các truyện ngắn, truyện vừa là mặt báo và tạp chí. Một truyện ngắn có thể đăng được trọn vẹn trong một số báo, nhưng truyện vừa thì cần tới nhiều số báo, điều này vừa khiến cho độc giả gặp khó khăn khi theo dõi một mạch, vừa gây lúng túng cho báo chí trong việc ấn hành. Ở thời hoàng kim thì không sao, nhưng trong giai đoạn báo chí đang liên tục bị giảm ti-ra và văn hóa đọc văn học – như người ta vẫn nói – đang đi xuống như hiện nay, việc sáng tác truyện vừa lại càng phải chịu thêm những tác động nghịch chiều. Bởi thế, dù có những đặc sắc rất riêng về thể loại, dù có thể tìm được chỗ trú trong một vài tạp chí là nơi phù hợp với dung lượng của nó, song tương lai của truyện vừa, theo tôi, sẽ là một tồn tại rất ít chắc chắc. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy…     

 

Nguồn Văn nghệ số 45/2019

Các tin khác:

31-35 of 83<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter