Văn học viết về chiến tranh và người lính: Hướng đi nào cho thực tiễn sáng tạo?

Ngọc Khuê

Xuất phát từ thực tiễn giai đoạn vừa qua, đời sống văn học nước nhà dần vắng bóng những sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra lúc này là cần đổi mới tư duy nghệ thuật như thế nào nhằm phục hưng mảng văn học quan trọng và có ý nghĩa nói trên. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, tôi chỉ xin trình bày một số quan điểm mang tính chủ quan như một sự trao đổi, chia sẻ, còn thực tiễn sẽ dẫn đường cho nhà văn sáng tạo. Tôi tin, trước một hiện thực lớn lao, phức tạp, nhiều biến động, thách thức có tính chất quốc gia và quốc tế ngày nay, không sớm thì muộn, không ở người này thì người khác, văn học viết về chiến tranh và người lính sẽ sớm được nhuận sắc với những thành tựu mới mang hơi thở đương đại.

Tác phẩm văn học viết về những đề tài có tính chất cổ điển không có gì là lỗi thời, nhưng cần có sự đổi mới về những thủ pháp nghệ thuật, về cảm quan thế giới. Tôi cho rằng, không cứ phải viết về đề tài đồng tính, tha hóa, tính dục, hình sự, mạng máy tính… mới thể hiện tính hiện đại, hậu hiện đại trong văn học. Chẳng phải hàng ngàn năm qua, những đề tài như tình yêu, mặc cảm Oedipe, bán linh hồn cho quỷ… vẫn xuyên suốt mọi thời đại, mọi trào lưu văn học mà vẫn không lỗi thời, nhàm chán. Bởi vì, qua mỗi thời đại, giai đoạn lịch sử, trào lưu nghệ thuật và mỗi tác giả cụ thể, những đề tài truyền thống ấy lại mang những cách tân nghệ thuật mới, những cảm quan thời đại đặc thù và hơi thở đương thời của riêng mình. Do đó, mặc cảm Oedipe trong thần thoại Hi Lạp khác mặc cảm Oedipe trong Kafka bên bờ biển của H.Murakami. Tình yêu trong Romeo và Juliet (Shakespeare) khác tình yêu trong Đỏ và đen (Stendhal). Chiến tranh và người lính là đề tài lớn, xuất hiện xuyên suốt mọi tiến trình lịch sử văn minh và văn học của các dân tộc. Tuy nhiên, viết về đề tài cũ nhưng bắt buộc cảm thức lịch sử phải mới, và nhà văn không được phép đi sau trình độ phát triển chung của những kĩ thuật viết, những gout thẩm mĩ đương đại.

Người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán, mất thời gian hoặc khó đồng cảm nếu tiếp nhận một tác phẩm đương đại vẫn tuân theo lối kể tuyến tính, nhân vật chỉ là sự phát ngôn cho tư tưởng của tác giả, lối tự sự tác giả toàn tri, bao quát mọi vấn đề, quan niệm nghệ thuật về con người một chiều, mọi cuộc chiến đơn thuần cuối cùng ta thắng, địch thua, địch bị tiêu diệt toàn phần, ta không tổn thất hoặc tổn thất không đáng kể… Viết theo lối cũ chưa hẳn đã hoàn toàn mất giá trị, tuy nhiên, việc cập nhật và đi sát với kĩ thuật tự sự hiện đại, quan niệm nghệ thuật đương đại về con người, cũng như vận dụng những quan điểm thẩm mĩ mới trong văn học (đa trị, mảnh vỡ, huyền ảo…) sẽ giúp tác phẩm dễ dàng tiếp cận tâm thức, tình cảm và tầm đón nhận của người đọc đương đại. Mọi sự cách tân văn học bao giờ cũng bắt đầu từ hình thức, do đó, việc áp dụng những kĩ thuật tự sự mới mẻ, những phương thức cấu trúc văn bản hiện đại là điều hết sức quan trọng. Nhà văn cần có năng lực xử lí và áp dụng những “vũ khí nghệ thuật” mới này trong quá trình sáng tạo. Với thơ, có thể áp dụng và mạnh dạn lựa chọn, thể nghiệm những hình thức thơ hiện đại, hậu hiện đại như thơ văn xuôi, thơ trình diễn, thơ tân hình thức... Với kịch, đó có thể là sự lai ghép giữa chính kịch với vũ kịch (ballet), kịch câm, kịch phi lí, hài kịch… Với văn xuôi, đó có thể là lối kể kết hợp nhiều điểm nhìn, nhiều ngôi kể trong quá trình tự sự, thực hiện sự lai ghép thể loại, đảo dòng, xen cắt nhiều chiều thời gian nghệ thuật, kĩ thuật dòng ý thức, đưa yếu tố huyền ảo vào trong cốt truyện hiện thực… Đó có thể là những gợi ý mà tác phẩm thành công nhất cho đến nay viết về đề tài chiến tranh và người lính sau Đổi mới là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) đã thực hiện một cách xuất sắc, tạo ra sự cách tân thi pháp và bước ngoặt lớn trong dòng văn học viết về đề tài truyền thống này. Tiếc thay, do chưa đánh giá đúng mức sự cách tân về hình thức, nên Nỗi buồn chiến tranh vẫn là một đỉnh cao không có sự kế thừa, hoặc một bước ngoặt chưa trở thành đại lộ trên tiến trình sáng tạo.

Viết về đề tài chiến tranh và người lính (trong chiến tranh) tất yếu phải mang cái nhìn về quá khứ, một điểm nhìn từ chỗ đứng đương đại hướng về lịch sử. Nhưng lịch sử là cái đã trôi qua, đã vĩnh viễn không thể lặp lại, nhà văn (mà đặc biệt là nhà văn trẻ) buộc phải xây dựng diễn ngôn của mình từ những tư liệu và chứng nhân còn lại, hoặc phải khuấy động, khai quật kí ức (đối với những người từng trải qua chiến tranh). Yêu cầu đầu tiên đó là tính minh xác và phong phú của tư liệu. Những nhà văn trẻ không nên quá lo lắng, tự ti khi nghĩ mình là những “chứng nhân thứ cấp”. Không sao cả. Tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển nhất viết về chiến tranh là Chiến tranh và hòa bình của con sư tử văn học Nga Lev Tolstoy cũng đã phải vượt qua miệng hố thử thách thời gian 53 năm, nếu ta tạm lấy mốc thời gian tác phẩm xuất bản (1865) với mốc thời gian trận đánh lịch sử Borodino diễn ra (1812) và Lev cũng không phải là người tham gia trận Borodino lịch sử (dù nhà văn từng là một cựu chiến binh). Quá trình thu thập, cấu trúc, sắp xếp tư liệu dĩ nhiên mất thời gian và công sức, nhưng vẫn là giai đoạn thứ yếu. Bởi suy cho cùng, người đọc đến với tác phẩm văn học không phải với tư cách tiếp nhận một diễn ngôn biên niên lịch sử. Nhà văn có quyền hư cấu sáng tạo, lịch sử chỉ là cái đinh cho nhà văn treo “những bức họa” như lối nói của A.Dumas, miễn là sự hư cấu đó logic, hợp lí. Mọi giai đoạn lịch sử đều chỉ có thể được diễn giải từ điểm nhìn hiện tại của người viết, chính vì vậy, điều quan trọng đặt ra đối với tác phẩm văn chương là liệu anh có đưa được một thông điệp nghệ thuật, một giá trị thẩm mĩ nào mới mẻ cho những điều đã xảy ra hay không. Nói cụ thể hơn, liệu chiến tranh và người lính trong chiến tranh (cái quá khứ) có mang lại giá trị nghệ thuật, những ý nghĩa nhân văn mới mẻ cho đời sống hòa bình của toàn thể dân tộc (cái đương đại) hay không?

Đặc trưng cảm quan lịch sử trong phối cảnh hậu hiện đại dĩ nhiên ảnh hưởng lên cách trình bày diễn ngôn về quá khứ. Do đó, quá khứ có thể được kể theo nhiều cách khác nhau, từ nhiều điểm nhìn khác nhau của các nhân vật (cả địch và ta, cả kẻ thất bại và người chiến thắng), thậm chí, nhiều “con người” trong một con người, một nhân vật. Tác giả không nên là người toàn tri, bao quát toàn bộ lịch sử (cuộc chiến tranh), cách nhìn nhận chiến thắng hay thất bại nên đa trị, nhiều chiều. Chúng ta tự hào về chiến thắng, về những sự hi sinh vẻ vang, nhưng cũng cần nhìn thấy trong đó sự mất mát to lớn, quá trình dằn vặt tâm lí, những bi kịch của gia đình, cá nhân và cả bi kịch dòng tộc, bi kịch thế hệ, bi kịch dân tộc trước sự mất mát to lớn không thể nào bù đắp được trong bom đạn và cái chết. Trong chiến tranh, người lính trước tiên cần được soi chiếu từ góc độ một con người, một cá nhân nằm trong dòng chảy của lịch sử. Tức là, họ cũng có một tâm hồn cá nhân, thân phận cá nhân, tình yêu (và có thể cả dục vọng) cá nhân, sai lầm cá nhân, những nỗi đau và điểm yếu cá nhân. Lịch sử (cuộc chiến) là một dòng chảy lớn lao, bao quát, nhưng từng cá nhân trong dòng chảy đó có một quỹ đạo riêng, không hòa tan, không đồng dạng. Sau cùng, cách nhìn nhận về những người thất bại, kẻ thù trong những cuộc chiến cần có tính nhân đạo, kêu gọi sự đoàn kết dân tộc, sám hối và phục thiện, với niềm tin những vết thương sẽ được dần chữa lành. Nhà văn cũng cần quan tâm đến đối tượng là những người mẹ, người vợ, người con của người lính sau chiến tranh đã trở nên neo đơn, tàn tật hoặc mang vết thương tinh thần to lớn, những người thương binh (cả tâm hồn lẫn thể xác) bị xã hội lãng quên hoặc không thể nào hòa nhập với xã hội. Hướng sáng tạo tác phẩm có sự bao quát từ chiến tranh kéo dài sang hậu chiến, bi kịch thời chiến trong tương quan với bi kịch thời bình chính là trường nghệ thuật mà những tác phẩm như Ăn mày dĩ vãng, Thời xa vắng, Đội gạo lên chùa, Người sót lại của rừng cười… đã từng triển khai rất thành công. Phương thức ấy giúp nhà văn cắt nghĩa những nỗi đau của chiến tranh trong chính thời bình, những dư chấn tinh thần, ám ảnh quá khứ, và trên hết, là sự đổi thay quá nhanh của thời cuộc đã lãng quên, đảo lộn, xóa nhòa, phủ định nhiều giá trị nhân văn mà con người trong chiến tranh, đặc biệt là người lính trong khói lửa và trước cái chết thường trực đã từng tạo dựng. Tóm lại, câu chuyện quá khứ nhưng điểm nhìn và thông điệp đương đại chính là yêu cầu tất yếu mà nhà văn khi viết về chiến tranh và người lính ngày nay cần lưu tâm.

Như đã nói, quan sát bức tranh văn học đương đại, mảng viết về chiến tranh và người lính vẫn khiến chúng ta băn khoăn vì ứng xử của nhà văn khi nhìn về quá khứ. Ứng xử này, nếu không tính đến sự thờ ơ, đâu chỉ giản đơn là viết lại, viết giống với những gì đã trở thành kinh điển trong văn học cách mạng thời chiến tranh. Mà, với sáng tạo nghệ thuật, những góc nhìn mới, những tìm tòi, thể nghiệm mới, khác sẽ làm nên bước tiến của các hệ giá trị. Người lính và chiến tranh cách mạng đối với các tác giả trẻ không chỉ là đề tài văn học, đó còn là câu chuyện của giá trị lịch sử, văn hóa, con người, bài học giáo dục truyền thống, đạo đức cho hiện tại và tương lai. Chiến tranh và người lính, trong cách nhìn, cách cảm nhận và thể hiện của các nhà văn trẻ, hẳn nhiên sẽ khác với các thế hệ nhà văn đi trước, nhưng cũng vì thế, chúng ta có thêm cơ hội để chứng kiến những chuyển động của đời sống tinh thần, của tư duy nghệ thuật, mà hơn hết là cảm quan về giá trị được hình thành trong thế hệ trẻ. Sự thực thì, trong một số sáng tác gần đây của các tác giả trẻ như Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Võ Thu Hương, Minh Moon, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng…, chúng ta cũng đã cảm nhận được những dịch chuyển khá mới mẻ trong cái nhìn về chiến tranh và người lính. Ở các tiểu thuyết hay truyện ngắn của họ, chiến tranh đã được diễn giải với những điểm nhìn khá khác biệt (chiến tranh nhìn từ phía bên kia, nhìn từ những người trẻ tuổi trong cuộc chiến, những hi sinh mất mát, những dư âm còn lại khi cuộc chiến đi qua, khía cạnh tâm linh, chiến tranh biên giới, người lính thời bình…). Dĩ nhiên chưa thể nhận định thành tựu của các nhà văn trẻ ngang bằng với di sản đồ sộ của cha anh đi trước. Nhưng, không thể viết tiếp như những gì đã có. Con đường của sáng tạo và lược đồ của giá trị buộc các nhà văn trẻ phải viết khác. Đó là đòi hỏi nghệ thuật, nhưng cũng là bản sắc thế hệ mà nhà văn trẻ cần làm như là sứ mệnh tồn tại của mình.

N.K

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter