Chạm vào cái thực

Nguyễn Đình Minh Khuê

 

Chuyện của lụt của Nguyễn Ngọc Tư mở ra một tình huống kì lạ và éo le: cái thằng bé khù khờ nhà quê tên Lụt, sau suốt những tháng ngày lặn lội lùng sục ông già Sơn Đông mãi võ chỉ để mua cho bằng được… chai thuốc xức ghẻ, chợt hoảng hồn khi biết mình đã đi đến tận đẩu đâu, mà đường về nhà thì mù mịt. Sự lưu lạc đến một cách đau đớn nhưng cũng hết sức buồn cười, như đùa. Có ai mà nghĩ được, rằng chỉ vì một chai thuốc xức ghẻ mà người ta có thể bỗng chốc trở thành kẻ suốt nửa đời không biết quê hương? Nên cũng dễ hiểu vì sao khi đọc truyện ngắn này, nhiều người có thể chưng hửng ngạc nhiên, rồi bật cười ngay trước cái vô tư khù khờ của Lụt.

Nhưng những sự buồn cười và dị thường thì không lạ lẫm với văn chương. Đọc qua Chuyện của lụt như một cách gợi hứng để nhìn lại một lượt lịch sử văn học, tôi nghĩ ta không khó nhận ra điều ấy. Thậm chí, sẽ không là quá lời khi cho rằng, lối viết này đã không ít lần đưa đến cho văn học thế giới những đỉnh cao.

Người ta đã cười suốt nhiều thế kỉ trước cái ngây ngô tưng tửng làm nên huyền thoại chàng hiệp sĩ xứ Mancha của Cervantes. Rồi người ta cũng đã luôn hồi hộp theo chân Kafka bước vào thăm thú những thế giới đầy rẫy nghịch dị trong văn chương ông. Ở đó có một Gregor Samsa trong Hóa thân, vào một buổi sáng đẹp trời, chợt thấy mình biến thành loài bọ; một anh thợ đạc điền trong Lâu đài, mãi tìm kiếm trong tuyệt vọng cái tòa “lâu đài” huyễn ảo mà ai ai cũng khẳng quyết về sự tồn tại hiển nhiên của nó; hay như trong Vụ án, tội trạng và tình thế bị kết án trùm lấy số phận Josef K., như giỡn chơi, nhưng đầy nghịch lí và không khoan nhượng.

Danh sách trên sẽ còn dài, bởi ta chưa kể đến một Y. Kawabata mê đắm gian mật thất mơ huyền, nơi một ông lão bất lực thức suốt đêm chiêm ngắm người thiếu nữ ngủ say trong trần trụi; một Garcia Marquez với ngôi làng Macondo của những người đuôi lợn, của loạn luân và những huyền thuật rừng già; một Albert Camus thản nhiên đi vào những trạng huống, những tình cảnh trái khoáy và khủng khiếp đến không tưởng; một Diêm Liên Khoa khiến ta cười trong nước mắt trước những oái oăm mà con người rất có thể phải chịu đựng khi sống cùng một nền chính trị thương tật; hay một Phạm Thị Hoài dựng nên những mê lộ đa phức và ám ảnh trong quyển tiểu thuyết về cô bé thiên sứ khước từ sự trưởng thành.

Nhiều người đã ca ngợi hết lời những tác phẩm tôi vừa nhắc đến trên đây ở tư duy cách tân, ở vẻ đẹp kì lạ của sự dị hóa, của bút pháp giễu nhại và kĩ thuật huyền thoại hóa mà chúng mang đến cho lịch sử tiểu thuyết nói riêng và lịch sử văn học nói chung. Nhưng với tôi, chúng lớn còn là bởi một nguyên nhân khác.

Kafka cho các nhân vật của ông lang thang trong những cõi giới tưởng chừng chỉ có trong mường tượng hay giấc mơ, nhưng độc giả suốt nhiều thập kỉ qua ít khi đọc Kafka để phán xét rằng liệu những con người, những sự kiện, những thế giới mà ông tạo dựng là có lí hay không có lí. Ngược lại, chấp nhận sự vô lí ấy như một cái lí khác, một logic khác, người ta đọc Kafka là để biết, để nhìn thấy, để hiểu thấu nhiều chân lí cay đắng về con người và thảm trạng của sự làm người: cái tình thế quẩn quanh tù đọng; cái thân phận vô nghĩa và phi lí muôn thuở; việc người ta phải chịu sự đè ép dữ dội bởi hệ thống quan liêu và một nền công vụ hành chính cồng kềnh. Nhất là, đọc Kafka, người ta nhận ra, rằng tự do thì vô vọng, hiểu theo nghĩa con người chưa bao giờ thoát được khỏi vòng ràng buộc của những công thức nhân tạo, những cấu trúc và khuôn định trơ khấc, cứng nhắc: hai chàng K. phải liên tục đối đầu với hàng loạt khổ nạn phát xuất từ những thiết chế kì quặc, thậm chí bệnh hoạn; còn Gregor Samsa thì dù hóa bọ, những lo toan trăn trở từ thuở là người vẫn dai dẳng đuổi theo.

Song dù được hiểu theo cách nào thì có lẽ ai cũng nhận ra, rằng Kafka thực sự đã chạm rất sâu vào cõi giới của cái thực, những sự thực khổng lồ, ám ảnh và bi thiết đã phần nào làm nên mẫu số chung của thân phận nhân loại. Tôi cho rằng điều này, chính nó mới là thứ làm nên cái kì vĩ của Kafka, và cả những cái tên lừng lẫy khác mà tôi nhắc đến trong những đoạn viết trước. Họ có thể vươn đến những tột đỉnh của cái lạ lùng, phi thực, phi lí, phi logic, nhưng văn chương của họ có lẽ sẽ khó trở nên vĩ đại như ta biết hôm nay, nếu chúng đứng khựng lại ở đỉnh cao ấy mà không dấn bước vào những hành trình ngược về. Ngược về để khai phá những thành trì của cái thực và đi sâu vào lãnh địa của cái thực. Ngược về để lần tìm và trình hiện trước mắt người ta những trắc diện ẩn của cuộc đời, những tầng vỉa thế giới đang chìm sâu trong vô tri và quên lãng.

Chưa kể, cũng có đôi khi chúng kiên gan lột trần những sự thực rúng động và dữ dội, những sự thực phát xuất từ một vùng thăm thẳm bị phong kín của bản chất người, những sự thực không ai không biết, không ai không có, nhưng hoặc là người ta sợ không dám nói, không thích nói, hoặc là muốn xí xóa. Bi kịch khủng khiếp của người đời, nhiều khi, chính là nằm ở cái giả dối bản nguyên ấy. Và văn chương lớn, theo tôi, làm một công việc đáng ghét: nó kích nhạy, khiêu khích cái giả dối thương tâm kia, nó xốc người ta dậy, quăng người ta về phía cái thực, không thương tiếc, rồi bằng nhiều cách làm cho người ta phải tự thừa nhận, dù là trong vật vã, đau đớn và phẫn uất.

 

Những người đọc Chuyện của lụt của Nguyễn Ngọc Tư có thể ngạc nhiên cười vui một lúc, nhưng rồi hẳn là người ta phải ngừng lại, đột ngột, lóng ngóng với một câu hỏi phi lí đến đau xót, rằng có ai trong chúng ta mà không phải là cái thằng Lụt khờ khạo ngù ngờ kia. Ta đeo đuổi những niềm ao ước lớn lao, ngày này qua ngày khác, ta mang vác nó đi, quần quật mệt mỏi từ sáng sớm đến tối muộn, từ khi tóc xanh đến lúc bạc đầu, để rồi có lúc nhận ra, những khát khao mong mỏi ấy nhiều khi nhẹ hẫng, vô lí đến buồn cười như cái chai thuốc xức ghẻ trời đánh mà thằng Lụt mất hơn nửa đời tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Milan Kundera, trong một tập tiểu luận, từng nói rất say sưa về chương sách đầu tiên của Don quixote, rằng việc chàng hiệp sĩ xứ Mancha gọi cái này thành cái kia, đặt tên này vào người nọ là một sự nhại khủng khiếp vấn đề bản thể luận và cái xu hướng “đánh tráo” kì quặc nhưng phổ quát của tư duy con người. Cứ thế, dù tưng tửng giỡn chơi, nhưng Don quixote ngay từ những trang đầu đã nhanh chóng có ý thức chạm sâu vào cái thực. Mà những sự thực thăm thẳm và có khả năng khiến người đọc, dù là ở đâu, vào thế kỉ nào, cũng phải giật mình, run rẩy và kinh sợ như thế thì không hiếm gặp trong quyển tiểu thuyết khổng lồ kia. Chúng đầy ắp và luôn khao khát được cất tiếng. Don quixote của Cervantes vì thế chưa bao giờ có thể ngủ yên. Chàng phải tiếp tục ngồi trên lưng con ngựa gầy tội nghiệp, đầu đội cái mũ sắt hiệp sĩ giả hiệu, và rồi chàng sẽ còn phải đánh nhau tưng bừng với cối xay gió, với những kẻ nuôi cừu chăn dê, phải còn vất vưởng trên hành trình thực thi và cứu chuộc những công lí mà chàng tôn thờ, để muôn đời những người đọc chàng biết cười. Sự cười ấy cực kì quan trọng. Bởi từ sự cười ấy, tôi tin có nhiều người sẽ biết giật mình, xót xa trước căn bệnh trầm kha của nhân loại, cái căn bệnh một phần được tạo nên từ những lí tưởng kiệt quệ và lầm lạc, từ sự lên ngôi của những đại tự sự, những giá trị gần như trở thành huyền thoại, ám ảnh và đầy uy quyền.

Câu chuyện về những tác phẩm kì lạ của lịch sử văn chương hẳn sẽ còn dài. Nhắc đến chúng ở đây là để thấy rằng, ngay trong những trang viết tưởng chừng viễn mơ, huyền hoặc, buồn cười và phi lí nhất, cái thực vẫn đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo cho tác phẩm một tầm vóc, một sức ám ảnh dằng dai. Nhưng cũng chính vì vậy mà để đạt đến tầm mức của cái thực thì không dễ.

Tôi rất thắc mắc vì sao một số người làm văn chương hôm nay, đôi khi vì say mê quá, ấn tượng quá trước những bút pháp huyền ảo, những cấu trúc mê lộ, những trò chơi, sự giễu nhại, tinh thần hậu hiện đại và rất nhiều mới mẻ cách tân khác nữa, mà khước từ những gì liên quan đến thực. Theo họ, cái thực thì tầm thường quá, đơn giản quá, xưa cũ quá, và viết về cái thực thì không thiếu, thậm chí là quá nhiều, dư thừa đến ngán ngẩm chán chê.

Tôi cứ nghĩ, khi đọc những cảnh ngoại tình trong tiểu thuyết của Tolstoy, Flaubert hay khi xem qua cách Dostoievsky viết về một vụ sát nhân, hẳn một vài người sẽ cho rằng, những hiện thực ấy ở đâu mà không gặp, thậm chí còn éo le gập ghềnh hơn. Và rất có thể họ sẽ đặt câu hỏi, rằng vậy thì những quyển tiểu thuyết ấy lớn ở đâu, trong khi ai cũng có thể đã thấy qua, nghe qua và kể lại, thậm chí rất “thật”, câu chuyện về một kẻ giết người hay bi kịch của một gia đình tan nát. Họ, tất nhiên, có quyền tra vấn. Nhưng thực ra là họ đâu biết, rằng Tội ác và hình phạt được vinh danh không phải vì Dostoievsky đã kể cái cảnh Raskolnikov bổ vào đầu người phụ nữ cầm đồ một cách rùng rợn và kĩ lưỡng đến từng giọt máu, mà là vì ông tái hiện được những ngóc ngách sâu tối nhất, những xúc cảm vừa câm lặng vừa bùng nổ, mong manh nhất mà cũng khủng khiếp nhất nơi nội tâm của một kẻ tội đồ: vừa ghê tởm mình, vừa muốn sám hối, muốn trung thành với vị thế của một con chiên ngoan đạo, lại vừa tôn thờ cái lí tưởng siêu nhân với khao khát vượt lên, khu biệt mình khỏi đám đông. Và họ cũng đâu biết, rằng người ta tôn vinh Tolstoy không phải vì cái câu chuyện Anna ngoại tình mà ông kể đầy biến cố phức tạp và hồi hộp, mà một phần là vì ông khám phá được, ông nhìn thấy được trong cảnh Anna lao vào đoàn tàu cái tư lự dềnh dàng rất thật trước khi chết của một con người, ông chạm sâu vào cái giây phút ranh giới sinh tử của cô, và mô tả nó một cách chân thực đến rợn ngợp bằng việc cho tất cả những suy tư, trăn trở, những hồi ức, ấn tượng, những mộng mị vô thức trong Anna đồng hiện vào đúng một khoảnh khắc vi tế. Mà những cái thực sâu thẳm và phức tạp ấy, hẳn là không phải ai cũng có khả năng nhìn ra, chứ chưa nói đến việc viết lại, kể lại và biến chúng trở thành những cuốn tiểu thuyết lừng lẫy suốt nhiều thế kỉ.

Cho nên, câu hỏi cần thiết phải đặt ra: Cuối cùng thì cái thực là gì? Có phải cái thực thì quen thuộc và tầm thường? Có phải cái thực đơn giản chỉ là những điều mắt thấy tai nghe, những điều mà tri giác thường nghiệm của bất kì một cá nhân nào cũng có thể nhìn thấy và thấu cảm? Theo tôi thì không. Đời người thực ra phải đối diện với quá nhiều những giả dối và ngụy tạo. Ta ngồi trong một quán cà phê, nhâm nhi tận hưởng trời xanh, cỏ cây hay một cuốn sách mình yêu, và cứ nghĩ như thế là đã đạt đến khoái lạc của tự tại. Nhưng sự thực thì ta không dám nói lớn tiếng vì sợ làm phiền người khác, ta cố trưng ra một bìa sách thượng hạng để tự làm sang mình. Quanh ta trùng trùng những quy cách, thiên kiến, còn trong đầu ta thì rộn ràng những trăn trở mưu tính về tiền bạc, thời cuộc, tiếng tăm. Trong Ngộ nhận - một trong những vở kịch nổi tiếng làm nên tên tuổi Camus, vì muốn kiếm đủ tiền để lên thành phố tìm lại người anh cả Jan xa nhà gần hai mươi năm, hai mẹ con Martha lập một quán trọ nhỏ, rồi tìm cơ hội đầu độc những lữ khách ghé qua để cướp tiền vàng, nhưng nào ngờ một hôm đã giết đúng người anh, người con trai của mình khi Jan thay hình đổi dạng trở về, mong tạo sự bất ngờ cho em và mẹ. Tình thế thực sự của đời sống là như thế: ta tưởng mình biết, và ta vui thú trong sự biết của chính mình, nhưng thực ra là ta đang ngộ nhận, ta chưa hiểu đúng, ta vô tri.

Nhiều người sáng tác tưởng rằng mình đã viết được những câu chuyện rất “thực”, đã nhìn ra những chân diện của đời sống, nhưng có biết đâu đấy chỉ là những cái bề ngoài. Nhìn sai là một bi kịch muôn đời của sự viết. Mà phần đông lại rất dễ nhìn sai, bởi cái thực ở rất gần ta mà cũng rất xa ta. Bao quanh nó là những lớp sương dày, mù mịt: trông thế này nhưng lại là thế khác, và khi ta tưởng phải là cái này mới đúng, thì sự thực lại nằm ở nơi kia. Một nhà văn lớn vì thế, theo tôi, phải là người biết tìm nhiều con đường khác nhau để tiến vào, chạm vào, khai mở màn sương ấy, một cách cẩn trọng, bình tâm và đầy trí tuệ, để từ đó dẫn dụ những sự thực bên trong bước ra và hiện diện trước mắt người đời (dù chúng tất nhiên chỉ là những mảnh vụn nhỏ nhoi bên trong thứ chân lí tối hậu vốn bất định mông lung, khó mà chạm tới). Đó vừa là một trong những điều kiện quan yếu giúp nối dài số phận lịch sử của một tác phẩm, vừa là bản mệnh, là phận vị thiêng liêng cần có của một người biết sống thành thật và tử tế với văn chương. Tôi tin là như vậy

 

N.Đ.M.K

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Các tin khác:

46-50 of 83<  ...  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter