Bứt phá ở Trấn Yên

Ký của Hoàng Kim Yến 

Tháng tám, nắng thu trong như mật, phố phường rợp cờ hoa. Không khí của những ngày cách mạng tháng tám như đang sôi sục trên mảnh đất này. Thật là trùng hợp khi cũng những ngày này, mọi miền quê của Yên Bái vẫn đong đầy niềm vui từ thắng lợi của Đại hội đảng cấp cơ sở và trên cơ sở. Tôi mang niềm vui ấy lên Trấn Yên- mảnh đất được mệnh danh là quê hương cách mạng, là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ của Yên Bái mà còn của các tỉnh nằm trong khu vực Tây Bắc.

Đón tôi là anh Nguyễn Quốc Toản- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện. Anh kể tôi nghe những điều ấn tượng để lại sau một nhiệm kỳ thắng lợi. 26 đầu mối cơ quan, đơn vị; 01 xã, 43 thôn, bản, tổ dân phố được cắt giảm; 13,4% biên chế được giảm so với năm 2015. Ấy là một con số đáng nể. Nhưng đáng nể hơn là sau khi giảm, các cơ quan, đơn vị vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả, chất lượng đội ngũ, công chức, viên chức được nâng lên từ việc phải năng động hơn để bắt kịp với những yêu cầu nhiệm vụ mới. Nói thì thế nhưng làm được điều đó không phải dễ dàng bởi việc cắt giảm đi từng đó đầu mối, đương nhiên sẽ có những lãnh đạo phải nhường quyền cho người khác, sẽ có những công chức phải dời bỏ những công việc vốn xưa nay đã rất quen thuộc với mình để bắt vào một công việc mới lạ lẫm, khó khăn và kéo theo đó là quyền lợi- thứ mà con người ta rất khó có thể chấp nhận được hai từ “thiệt thòi”. Vậy mà vẫn trong ấm ngoài êm, vậy mà từng đó công việc vẫn được vận hành trơn tru và hiệu quả. Đó là cái tài của công tác dân vận, cái tài của người “điều quân”. Đặt cán bộ có khả năng tương xứng với vị trí việc làm của họ là chìa khóa vạn năng mở được cánh cửa đồng lòng từ trên xuống dưới. Vì chỉ có năng lực, chỉ có hiệu quả công việc đạt được của cán bộ mới thuyết phục được những người nhường vị trí của mình cho họ. Cũng vẫn cách làm công tâm ấy, cộng với việc chủ động phát hiện đưa vào quy hoạch cán bộ có trình độ, có năng lực ngay từ đầu nhiệm kỳ; tạo môi trường để họ có cơ hội rèn luyện bản thân. Khó khăn, thử thách sẽ là lửa để luyện nên chất thép. Vì thế trong 20 xã, 1 thị trấn của huyện có 12 cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. 12 cán bộ đó có thể là những người đang làm việc ở huyện, cũng có thể là những cán bộ chủ chốt ở xã này luân chuyển sang xã khác. Dù ở trong trường hợp nào thì họ vẫn là cán bộ lạ lẫm với dân. Chính vì lạ lẫm nên họ phải là những người có năng lực thật sự, có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc, gần dân và hiểu dân thì mới có thể biến lạ thành quen, biến quen thành thân thuộc và tin cậy. Chỉ có thế họ mới thay thế được hoàn toàn những cán bộ trước đây vốn là con của làng, của bản. Có những khi để thuyết phục người dân tin tưởng ở cán bộ, gửi trọn niềm tin qua lá phiếu bầu tại Đại hội Đảng cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương đưa cán bộ về đảm trách nhiệm vụ trước đại hội một thời gian đủ để cán bộ thuyết phục dân bằng chính năng lực và tấm lòng của mình. Tất cả là cách gieo mầm để gặt về những trái ngọt. 100% cán bộ chủ chốt theo dự kiến của Huyện ủy đều đạt tỉ lệ phiếu bầu rất cao.

Tôi may mắn được đến Hồng Ca đúng vào ngày bộ đội, dân quân đang căng mình cùng dân bản chỉnh trang nhà ở và khu xóm. Những khuôn mặt đẫm mồ hôi đỏ bừng bởi sức nóng, những lưng áo sũng nước, lấm lem bùn đất, những nụ cười lấp lánh nắng như khỏa lấp đi mọi nhọc nhằn vừa trải. Trên mỗi sườn đồi, trong mỗi sân vườn của người Mông là dày đặc bởi màu xanh của quân phục bộ đội, dân quân, sặc sỡ sắc màu thổ cẩm của người Mông xóm núi. Họ đang cần mẫn be lại cái sân, đổ lại nền nhà cho dân, chát cái vách cho thêm phần chắc chắn. Thấp thoáng những cán bộ xã đầu trần, chân đất, quần xắn gối, tất tả trên chiếc xe máy đèo xi măng cho dân. Đâu cần phải quần trùng áo trắng, đâu cần phải tay bắt mặt mừng, công trình đang cần xi măng, thì họ đem xi măng đến. Đơn giản chỉ thế thôi, họ đang hòa với dân bản để làm nên những kỳ tích của Hồng Ca- một trong những xã đặc biệt khó khăn, ở đó có 4 thôn đặc biệt khó khăn với 100% đồng bào Mông sinh sống. Sau này tôi mới được biết, đó là hoạt động của Huyện ủy để giúp đỡ những thôn đặc biệt khó khăn sớm cán đích nông thôn mới. Có thể gọi đây là một ngày hội có sự tham gia tổng lực của tất cả các đảng bộ lớn của huyện, nào là Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn 174 huy động 71 cán bộ chiến sĩ với 852 công lao động; Sư đoàn 316, Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đảng ủy Công an huyện, Đảng ủy cơ quan Đảng- đoàn thể huyện, Đảng bộ khối cơ quan sự nghiệp, Trung tâm Y tế huyện… huy động được 650 công lao động để rồi cho một kết quả đáng bất ngờ: 77 hộ được đổ nền nhà, 88 nhà vệ sinh được xây đúng nơi quy định, 20 sân nhà được đổ bê tông, 6 hộ được làm cứng vách và 01 hộ được xóa nhà dột nát… Ấy là chưa kể đến biết bao công sức tuyên truyền, vận động để thay đổi ý thức người dân về vệ sinh nhà ở, ngõ xóm, về tảo hôn, về hôn nhân cận huyết thống… Tất cả như một luồng gió mới thổi về Hồng Ca, để rồi có một cuộc cách mạng tư tưởng ở nơi này. Không ai có thể tưởng tượng nổi những phụ nữ Mông vốn hạn chế về hiểu biết xã hội, quen sống lặng lẽ bên chồng bên con, được chứng kiến những chung tay của mọi người dân thuộc các tầng lớp xã hội cho gia đình, cho thôn bản mình để rồi cho họ một nhận thức hoàn toàn mới. Cả những gia đình người Mông vốn xưa nay quen với nếp sống lạc hậu giờ bắt đầu chủ động thay đổi thói quen của chính mình. Nếu ai đã từng đến Hồng Ca, đã từng chứng kiến cuộc sống xưa kia của họ thì mới thực sự hiểu cho hết “cuộc cách mạng tư tưởng ấy” ý nghĩa nhường nào. 100% người Mông xây dựng các công trình vệ sinh tự hoại, các công trình nhà tắm, nước sạch đầy đủ, chuồng trại chăn nuôi được di chuyển ra đằng sau… Tôi không thể quên những người phụ nữ Mông chân không, đầu trần cần mẫn gùi gạch lên lưng chừng núi để xây nhà văn hóa, mặc cho cái nắng chói chang; tôi không thể quên một Chi hội trưởng Chi hội nông dân người Mông lặng lẽ gùi từng gùi măng lên núi trồng cho dân, những mong măng Bát Độ sẽ dần phủ xanh trên những ngọn đồi Khuôn Bổ; không thể quên những thanh niên người Mông đã thức thời bắt kịp với xu thế của xã hội để xây dựng những mô hình kinh tế làm giầu cho gia đình; không thể quên không khí rộn ràng của những ngày người người, nhà nhà bám đường đổ bê tông; đặc biệt không thể quên nét mặt đầy lo lắng đến bần thần của Bí thư xã Hồng Ca khi mọi công trình đang ngổn ngang trước mắt mà thời gian phải về đích thì không bao giờ chờ đợi. Biết bao đêm mấy ngủ, biết bao giọt nước mắt lo lắng lặng thầm rơi bên gối. Tất cả như những giọt nước, nhỏ thôi nhưng đủ sức để làm nên biển cả. Đó quả thật là một kỳ tích như đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Quốc Toản nói với tôi bên bàn nước. Vậy là nút thắt cuối cùng nhưng khó khăn và gian khổ nhất đã được cởi, dù nó đã lấy đi nhiều trí tuệ, sức lực của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở. Để rồi nhìn lại ta mới giật mình. Nhiệm kỳ qua, huyện Trấn Yên đã đưa 17 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 5 xã diện đặc biệt khó khăn. 5 năm đã huy động được 5.466 tỷ, nguồn lực từ nhân dân là 522 tỷ, hiến trên 50 ha đất làm đường giao thông và các công trình công cộng, 611 công trình hạ tầng ở khu vực nông thôn được đưa vào sử dụng; nâng cấp, cải tạo 43,1 km đường quốc lộ, đường tỉnh, 62 km đường do huyện quản lý, 7,8 km đường đô thị, kiên cố hóa 252 km đường giao thông nông thôn, mở mới 13,2 km đảm bảo 100% các tuyến đường đến trung tâm các thôn, bản được kiên cố hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,8 triệu, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 23,37%, đến năm 2020 còn 2,11%, thấp hơn bình quân cả nước. Hỏi về những nỗ lực của huyện để giúp nhân dân thoát nghèo bền vững, tôi được cán bộ văn phòng đưa đến tham quan Hợp tác xã Quế- Hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh- một trong những mô hình kinh tế trọng điểm của huyện. Trong nắng thu trong vắt, hợp tác xã nằm trong một lòng chảo nhỏ, bốn bề là quế. Quế của người dân Đào Thịnh đang vươn lên xanh thẫm trong nắng thu càng làm cho cảnh vật thêm lung linh hơn. Quế đang là giống cây trồng làm giàu cho người dân Trấn Yên, vì thế nhiệm kỳ qua, huyện đã trồng thêm 5.600 ha, đưa tổng diện tích quế của huyện lên 16.000 ha. Không dừng lại ở đó huyện đang nỗ lực bắt kịp xu thế của thời đại, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của quế trong nhân dân. Hợp tác xã Quế- Hồi Việt Nam được thành lập vì lẽ đó. “Khai sinh” năm 2017, tiêu thụ 2000 tấn một năm, với doanh thu vài chục tỉ, hiện tại Hợp tác xã đang liên kết với 500 người dân trồng quế, tổng cộng là 500 ha quế hữu cơ- Một loại quế đạt tiêu chuẩn quốc tế, và trong tương lai đây sẽ là xu thế tất yếu của phát triển. Dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ mở rộng thêm 1280 ha nữa. Làm quế hữu cơ, sản phẩm sẽ có cơ hội đến được với nhiều thị trường, nông dân không lo bị ế, giá cả ổn định. Đấy là chưa kể công nghệ này mang lại sức khỏe cho chính người lao động vì không phải tiếp xúc với hóa chất, cao hơn nữa là không làm ô nhiễm môi trường- một trong những chỉ tiêu được nhấn mạnh trong chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sắp diễn ra; với quy trình chăm sóc khoa học, quế sẽ cho năng suất cao hơn, giá cả cũng sẽ cao hơn từ 5 đến 10%, đặc biệt đây mới là phương thức phát triển bền vững của vùng quế trong tương lai. Và cũng trong tương lai, Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích quế hữu cơ sang các xã Việt Thành, Hòa Cuông, Tân Đồng. Thấy những ấm no của từng người dân trồng quế, ta mới hiểu sự đúng đắn của hướng đi này. Tôi chợt nhớ đến những con đường bê tông, nhỏ chừng 2 gang tay mềm mại vượt dốc dựng, trườn lên những ngọn đồi trồng măng Bát Độ ở Hồng Ca, Kiên Thành, Hưng Khánh và rất nhiều vùng trồng măng khác trên địa bàn huyện. Những con đường được huyện hỗ trợ 70 triệu/1km cùng với sức dân đã giải phóng cho biết bao đôi vai gày gùi từng 50 kg măng từ rừng xuống đường cái to để bán. Có đường, những chiếc xe máy lại bon bon lên đến tận vùng nguyên liệu chở hàng tạ măng xuống nơi thu mua, vừa nhanh vừa hiệu quả. Chả hiểu người dân có hiểu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới đời sống của họ hay không nhưng với tôi thì thấm. Măng Bát Độ có cơ hội chen chân trên những quả đồi quê mình một phần lớn là công sức thuyết phục tuyên truyền, cầm tay chỉ việc của lãnh đạo các cấp. Có được những ngôi nhà vững trãi, những tiện nghi dần hiện đại, đời sống vì thế dần tăng lên một phần là do 3000 ha Bát Độ đang chen vai lặng thầm dâng hiến. Cũng là một trong những cây trồng chủ lực, từng mang lại thương hiệu cho Trấn Yên đó là tằm dâu. Cho đến giờ, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nhưng tằm dâu vẫn khẳng định giá trị của mình với người dân. 670 ha được mở rộng, sản lượng kén tằm tăng hơn 700 tấn trong nhiệm kỳ là những con số tiếp tục khẳng định chủ trương mở rộng diện tích trồng dâu là đúng đắn.

Tôi may mắn được đến thăm Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ- Mô hình Chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị gắn sản phẩm với tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn nhất huyện- 40.000 con/ lứa. Theo con đường bê tông rộng chừng 3,5 mét len lỏi quanh chân các quả đồi, tôi thấy xa xa, trong màu xanh bạt ngàn của keo, bồ đề, thấp thoáng những dãy nhà mái tôn rộng, dài, nằm khiêm nhường trong tán lá. Những ngôi nhà như thế rải rác trên 2 quả đồi rộng 3 ha đang hiền lành nằm tựa lưng vào nhau, nâng bước cho những chú gà thương phẩm mải mê bên cây cỏ. Tôi xuống xe, leo bộ trên con đường bê tông vắt vẻo đến tận đỉnh đồi. Trong cái nắng trưa bắt đầu oi bức, trong tiếng rì rầm của gió bên tán cây xanh mát rượi, rộ lên những tiếng gà gáy trưa râm ran cả một vùng quê yên tĩnh. Len trong những bụi cỏ dưới tán keo tán quế là gà. Những con gà lông đỏ, mào cờ, chân vàng ươm, ngực nở đang thong dong tìm kiếm những ngọn cỏ non. Nhìn sắc đỏ đang lấn dần sắc xanh của cây cỏ trên các quả đồi mới thật ngỡ ngàng bởi số lượng gà đang được chăm nuôi tại đây. Theo như tôi được biết gà thương phẩm đang là sản phẩm giúp xóa đói giảm nghèo ở Trấn Yên. Cách thành lập nhóm liên kết chăn nuôi tạo thành hợp tác xã là một hướng đi đúng đắn để hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, giúp họ có điều kiện tiếp cận và lựa chọn các loại giống vật nuôi chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Với 28 hộ thành viên, ngoài trang trại nuôi tập trung quy mô 40.000 con/lứa này, gà thương phẩm của Hợp tác xã còn đang nằm rải rác trên địa bàn huyện để làm nên con số hơn 100.000 con và doanh thu hằng năm đạt hơn 30 tỷ, tạo công ăn việc làm cho 44 lao động. Năm 2019, sản phầm gà của Hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm VietGAHP. Và điều này nữa, khiến cho tôi có một hi vọng lớn, trong tương lai Hợp tác xã MQ còn hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu “Gà Yên Bái”. Đó là những điểm sáng trong rất nhiều điểm sáng để Trấn Yên vinh dự được đón quyết định công nhận Chuẩn Nông thôn mới cấp Quốc gia năm 2020 từ chính tay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong không khí xuân rộn rã dịp đầu năm.

Dời những quả đồi xanh mướt mát mà tiếng gà trưa vẫn như dùng dằng những bước chân khách lạ. Tôi cũng muốn đi nhiều nơi để cảm nhận những mới mẻ của một huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Bắc nhưng thời gian không cho phép. Tạm biệt Trấn Yên, tôi cứ nghĩ mãi về những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện Trấn Yên trong thời gian vừa qua để thấy tin hơn ở thắng lợi của những nhiệm kỳ sắp tới.

 

H.K.Y

Các tin khác:

56-60 of 335<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter