Những cây Xương rồng trên đá

 Ký của Nguyễn Thị Thanh

Các cuộc chiến tranh giữ nước đã lùi xa, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang chung tay xây dựng một đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu. Chúng ta luôn tự hào về những chiến công hiển hách, tự hào bởi những người anh hùng "Lớp cha trước, lớp con sau/ Cùng là đồng chí chung câu quân hành". Và họ đã làm nên đất nước! Song nói đến chiến tranh chúng ta không thể tránh khỏi những ám ảnh về sự mất mát còn hằn in trong mỗi gia đình, mỗi làng quê trên khắp mọi miền đất nước. Để ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc, năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm là "Ngày Thương binh, Liệt sĩ". Người từng nói "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự với quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà một số thành ra thương binh". Từ đó Người luôn căn dặn "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Còn với các gia đình liệt sĩ, Người nói "máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ".

Tháng 7 này, khi những hoạt động tri ân đang dấy lên trên khắp miền Tổ quốc, tôi trở về thị xã Nghĩa Lộ- Một miền quê nhỏ nhắn, một miền đất hiền hòa nhưng đã có bao lớp người xông pha trận mạc và nơi đây đã từng hiến dâng cho Tổ quốc hàng trăm liệt sĩ, hàng trăm thương, bệnh binh và nhận lại những hình hài của nạn nhân nhiễm chất độc da cam, những nỗi đau như vết thương không bao giờ liền sẹo của các gia đình liệt sĩ… Gặp các đồng chí cán bộ Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội tôi được biết năm vừa qua thị xã Nghĩa Lộ đã chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 324 người có công, thân nhân người có công với tổng kinh phí 6.875.261.000 đồng; Trợ cấp mai táng phí cho 77 người trực tiếp hoạt động kháng chiến từ trần với số tiền 1.125.100.000 đồng; chi mua dụng cụ chỉnh hình cho 13 người với 22.430.000 đồng; hỗ trợ ưu đãi giáo dục cho con em đối tượng chính sách 64.726.000 đồng; hỗ trợ điều dưỡng tại gia đình cho 56 người với số tiền 62.160.000 đồng… Bên cạnh đó là công tác chăm sóc những gia đình liệt sĩ khi có người ốm đau, hỗ trợ kinh phí cho thân nhân đi thăm viếng mộ liệt sĩ ở xa và phối hợp tổ chức đón 01 hài cốt liệt sĩ di chuyển từ nghĩa trang phía Nam về xã Phúc Sơn theo nguyện vọng của gia đình. Qua 6 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với số tiền trên 3,5 tỷ đồng, cấp kinh phí điều dưỡng tại gia đình cho 92 người có công với 102.120.000 đồng và hỗ trợ cho 02 thương binh nặng số tiền 4.400.000 đồng. Hàng năm thị xã đã vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được trên 120 triệu đồng và thường xuyên tu bổ chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm hơn 800 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến và mộ liệt sĩ tập thể tại khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ. Ngoài ra mỗi năm đều khảo sát và chi hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho các thương binh và người có công. Rồi bằng kinh phí "xã hội hóa", thị xã đã xây dựng thêm nhà đền trong quần thể chùa Ngọc Bích để nhân dân thắp hương thờ cúng ghi nhớ công ơn các liệt sĩ tại địa phương đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, tu tạo và nâng cấp khu Di tích Lịch sử Văn hóa đền Cầm Hánh thờ một thủ lĩnh dân tộc Thái đã dấy binh chống giặc Cờ vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIX. Đó là những việc làm cụ thể của các cấp lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân góp phần xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh, thể hiện tinh thần "Đền ơn, đáp nghĩa" và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Nhưng điều cảm nhận lớn hơn trong tiềm thức của mỗi chúng ta lại chính từ những người đã từng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những người lính trở về không toàn vẹn ấy luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế". Bởi đã có lần Người nói với thương, bệnh binh "Khi đã hồi phục sức khỏe các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận". Cảm nhận ấy đã thôi thúc tôi tìm gặp những "thương binh kiểu mẫu" trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội tại quê hương Nghĩa Lộ.

Thương binh Đoàn Thế Yêm giới thiệu về giống cam chất lượng cao của gia đình

Dưới chân núi Thẳm Lé thuộc thôn 9 xã Nghĩa Lộ là cơ ngơi của đồng chí Đoàn Thế Yêm, thương binh 2/4. Đã bước sang tuổi 72 nhưng ông đang làm chủ một trang trại hơn 6 ha bạt ngàn của cam xen canh nhãn, đậu đỗ, lạc, rau xanh với hàng trăm con gà thả đồi ríu rít bới sâu, chạy nhảy dưới tán cây. Trên đồi cao là hơn 4 ha rừng trồng quế, mỡ và cây tạp chống sói mòn. Tháng 4 năm 1971 ông nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305 đặc công, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Sau đó được điều động tăng cường sang trợ lý Sư đoàn dù thuộc binh chủng không quân. Đến năm 1979 ông tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, khí tài cho mặt trận Cam Pu Chia và đón thương binh trở về hậu cứ. Trong chiến dịch này ông đã bị thương nặng nhưng vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến tháng 9 năm 1986 ông được nghỉ chế độ mất sức trở về xây dựng nông trường Nghĩa Lộ. Tôi theo ông ra tham quan đồi cam, cây nào cây nấy sai trĩu quả, đây là giống cam mới của Viện khoa học nông nghiệp được ông trồng thử nghiệm cho thấy rất hợp với thổ nhưỡng, những năm gần đây đã được thu hoạch hơn 20 tấn/vụ, chất lượng và giá thành cao hơn nhiều so với các giống cam khác. Năm nào cũng vậy, khi chưa vào vụ đã được các cơ quan, doanh nghiệp đến đặt hàng, gia đình ông chưa phải đem ra chợ bán như những vùng khác. Việc nuôi gà cũng vậy, thường thì các nhà hàng và một số gia đình trên phố đều đặt mua theo lứa. Do nguồn thu nhập từ cây cam rất ổn định nên ông đang thực hiện triết ghép cây giống để tiếp tục mở rộng diện tích. Với quyết tâm vượt khó, với tinh thần lao động cần cù, làm giàu chính đáng từ bàn tay và khối óc của người lính không cam chịu đói nghèo, không trông chờ vào chính sách xã hội, thương binh Đoàn Thế Yêm đã được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền cũng như hội Cựu chiến binh. Nhân kỷ niệm 70 năm "Ngày thương binh, liệt sĩ", năm 2017 ông đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Theo giới thiệu của hội Cựu chiến binh, tôi đến thôn Loọng, xã Phù Nham gặp thương binh Vũ Minh Thuấn, người chiến sĩ sinh năm 1966 này đã từng vào sinh ra tử tại mặt trận Vị Xuyên tỉnh Hà Giang trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Nét mặt trầm buồn nhưng giọng nói chắc khỏe, anh hồi tưởng về chiến dịch mang mật danh "MB- 84" nhằm phản kích lấy lại các điểm cao bị đánh chiếm trên tuyến biên giới. Sư đoàn 356 của Thuấn hiệp đồng tác chiến cùng các đơn vị chủ lực khác mở nhiều mũi tấn công, luồn rừng leo núi giành giật từng tấc đất biên cương. Từ cuối tháng 6 năm 1984 đơn vị từ xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên hành quân lên điểm cao 812, vừa đi vừa bị pháo của địch từ điểm cao 1509 bắn xuống. Sang tháng 7 đã có những cơn mưa lớn, bộ đội dừng chân ở đâu là đào hầm trú ẩn ở đó, có khi vừa đào xong là mưa lại làm sập, cứ ban ngày đào hầm trú ẩn, ban đêm kết hợp cõng hàng vận tải cho mặt trận… Lặng đi một lúc anh rưng rưng nói "Ngày 12 tháng 7 năm 1984 là ngày nổ súng của chiến dịch "MB - 84" cũng là ngày không thể nào quên, mấy ngày liền sau đó cả Vị Xuyên như một chảo lửa, bộ đội ta thương vong nhiều quá! Đã có tới hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh, hàng ngàn người bị thương. Đến giờ còn hơn 2 ngàn liệt sĩ chưa quy tập được hài cốt, các đồng chí ấy mãi nằm lại cùng cỏ cây, vách đá Vị Xuyên. Ngày 12/7 hàng năm được chúng tôi coi là ngày Giỗ trận chung cho những người bạn lính mãi mãi tuổi 20. Năm nào anh em đồng đội cũng trở lại nghĩa trang Vị Xuyên để cùng giỗ trận". Người thương binh Vũ Minh Thuấn trở về đời thường đã phát huy cao độ tinh thần thép đã được tôi luyện trong quân ngũ để không ngừng vượt khó vươn lên trên mặt trận phát triển kinh tế. Gia đình anh có một cửa hàng bách hóa phục vụ bà con, bằng tấm lòng cởi mở và luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nên cửa hàng rất đông khách, hàng hóa luân chuyển góp phần tăng doanh thu. Gia đình anh còn mở một hệ thống sản xuất nước lọc tinh khiết mang thương hiệu "Nước lọc Thanh Mai" có tiếng trong vùng. Đây là nguồn cung cấp nước lọc đóng thùng, đóng chai phục vụ chủ yếu cho địa bàn thị xã Nghĩa Lộ và các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, bình quân tiêu thụ hơn 4.000 bình nước lọc/ngày, chưa kể các thùng hàng đóng chai cung cấp cho các cửa hàng, nhà xe khách. Ngoài ra anh còn có một trang trại nhỏ trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa phục vụ gia đình vừa có nguồn thu từ chăn nuôi. Khi hỏi về mức thu nhập của gia đình, anh gãi đầu chia sẻ tổng doanh thu cũng thường thôi, khoảng từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ/năm. Tôi không phải nhà kinh tế để tính mức lợi nhuận nhưng cứ nghe đến hàng tỷ đồng của một hộ gia đình nơi phố núi nhỏ bé này cũng khiến tôi sửng sốt và khâm phục, nhất là với một thương binh đã mất đi một phần sức khỏe sau chiến tranh.

Xuôi theo bờ suối Thia huyền thoại, tôi tìm đến nhà đồng chí Lường Trung Lập ở bản Sang Đốm xã Nghĩa Lợi vì nghe bà con nơi đây thường ca ngợi "Nhà ông Trung Lập giỏi lắm! Nó biết về Hà Nội học cách trồng cây thanh long tím, biết ngăn nước làm ao nuôi cá, nó cho con cái đi học bây giờ làm cán bộ của dân đấy!". Trước mắt tôi là một lão nông dân tộc Thái tuổi gần 70 mà cơ bắp săn chắc, nước da bánh mật, ánh mắt luôn cười thân thiện. Vị Đại đội phó Đại đội pháo 12 ly 7 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa giờ đã lên ông nội, ông ngoại, các con phương trưởng. Người thì công tác ở xã làm phó Bí thư Đảng ủy, người thì công tác ở huyện mới được luân chuyển làm Chủ tịch xã Suối Giàng, người thì làm cán bộ phòng Văn hóa huyện… Ông nói đời mình vất vả, thiệt thòi nên phải cố gắng cho con cháu học hành đến nơi đến chốn, đứa nào có khả năng thì đi công tác, còn thì ở nhà lao động sản xuất cũng không sợ đói, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó học hỏi là làm giàu cũng được mà. Bàn về câu chuyện làm giàu, ông hồ hởi kể về những ngày đầu chuyển đổi canh tác từ đất ruộng bạc màu sang trồng cây kinh tế. Ông đã lấy đất ruộng cho con trai đem về Hà Nội hỏi viện khoa học xem trồng được cây gì, trong số những giống cây được tư vấn ông đã chọn cây thanh long ruột tím trồng trên diện tích gần 500 mét vuông với gần 700 trụ cây, mỗi năm thu hoạch và bán được hơn 200 triệu đồng. Gia đình ông còn đào 700 mét vuông ao thả cá kết hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn. Từ bàn tay lao động cần cù ông đã và đang xây mới ngôi nhà theo mẫu nhà vườn rộng hơn 200 mét vuông trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Một thời gian ngắn nữa thôi nếu trở lại đây ta sẽ được thưởng ngoạn cuộc sống trong một không gian du lịch sinh thái để lấy lại cân bằng trong cuộc sống mưu sinh giữa thời đại công nghiệp hóa.

Đến phường Trung Tâm nơi có chợ Mường Lò, có các tuyến phố kinh doanh dịch vụ và có các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mộc dân dụng, đan lát… có 25 gia đình thương binh, nhiều bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường cho biết có nhiều điển hình sản xuất và kinh doanh giỏi, nhưng cũng có nhiều điển hình về tích cực tham gia công tác xã hội. Đó là thương binh 3/4 Nguyễn Quang Trung ở tổ dân phố 8, ông nhập ngũ năm 1966 và bị thương ở chiến trường Nam Lào. Năm nay ông 77 tuổi và đã có nhiều năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, ông còn là một giáo dân kính chúa yêu nước thực thụ. Ông đã tự tập hợp anh em thương binh lập thành tổ an ninh trật tự thường xuyên đeo băng đỏ ra phối hợp làm công tác ổn định trật tự khu chợ Mường Lò. Mặc dù tuổi cao nhưng mấy chục năm qua gia đình vẫn duy trì nghề truyền thống sản xuất thịt sấy. Ông cho biết mỗi năm tiêu thụ bình quân khoảng 1 tấn hàng, năm nay do ảnh hưởng dịch COVID- 19 nên bán được vài tạ hàng. Thu nhập cao điểm vào các dịp lễ tết. Ông không những là thương binh làm kinh tế giỏi mà còn là một cán bộ Mặt trận được bà con khu phố kính nể. Cũng như vậy, thương binh Nguyễn Xuân Hinh người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hiện là Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 4. Ở tuổi 71 nhưng ông vẫn đảm nhận Đội trưởng Đội bảo vệ của Bệnh viện chất lượng cao Trường Đức tại thị xã Nghĩa Lộ. Với phong cách nhanh nhẹn, nói đi đôi với làm ông đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động mọi nguồn lực xây dựng tổ dân phố văn hóa, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở. Rồi nhắc đến tổ dân phố 2 phường Trung Tâm ai cũng biết đến bệnh binh Nguyễn Xuân Thêm, người có thâm niên làm Tổ trưởng Tổ dân phố đã hơn 25 năm. Trong đó có nhiều năm kiêm thôn đội trưởng, bảo vệ dân phố, hiện nay đồng chí đang kiêm Phó Bí thư Chi bộ, làm bất cứ nhiệm vụ gì đồng chí cũng luôn năng nổ, nhiệt tình và đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội Cựu chiến binh cũng như các cấp chính quyền. Đến phường Pú Trạng ngoài những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi, mọi người thường nhắc tới thương binh Đỗ Xuân Túc, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố. Ông là một đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một thương binh, cựu chiến binh nêu gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước… Ở phường Pú Trạng tôi còn được biết gia cảnh của bà Phạm Thị Niệt, một gia đình mà chồng là thương binh, vợ là cựu thanh niên xung phong và hai đứa con là nạn nhận chất độc da cam. Cô con gái bị nhiễm chất độc đến tuổi trưởng thành nhưng vô sinh, bệnh tật luôn dày vò thể xác, anh con trai đã ngoài 40 tuổi nhưng ngơ ngác như đứa trẻ lên ba, mất khả năng ngôn ngữ, thiểu năng trí tuệ. Hoàn cảnh ác nghiệt như vậy nhưng bà Niệt vẫn giữ vững bản lĩnh của cô thanh niên xung phong ngày nào, cần mẫn chăm chồng chăm con và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương và hội cựu thanh niên xung phong, hội người cao tuổi.

Còn nhiều lắm những điển hình tiên tiến trong lớp lớp thương binh, bệnh binh nơi thị xã miền Tây và thật là thiếu sót khi chưa nhắc tới những gia đình liệt sĩ tiêu biểu như bà Đào Thị Vọng dân tộc Tày ở phường Tân An. Tôi xin được gọi bà là Hòn vọng phu trên đỉnh Hoàn Liên Sơn suốt một đời ngóng về phương Nam xa xôi, nơi ấy có người chồng, người cha của hai đứa con đã vĩnh viễn nằm lại mà hơn 50 năm rồi vẫn chưa tìm được hài cốt. Chồng bà hy sinh khi hai con nhỏ chưa đủ lớn để định hình gương mặt người cha. Từ đó bà một mình nuôi con và ngóng chồng, bà nguyện hứa sẽ thay chồng nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Con gái lớn của bà trở thành người giáo viên nhân dân, con trai thứ là anh Hà Văn Nam một kỹ sư nông nghiệp luôn có chí tiến thủ và đảm nhận nhiều cương vị công tác như cán bộ khuyến nông, Trưởng Đài Phát thanh và Truyền hình, rồi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã, nay là Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ. Bà Vọng đã có những đứa cháu, chắt nội, ngoại và được an dưỡng tuổi già nhưng nỗi đau mất chồng, nỗi trăn trở đến xé lòng khi chưa tìm được hài cốt của chồng dù chỉ là nắm đất ấm hơi người. Sự hy sinh hiện hữu của những người chồng, người cha, người con và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ, người con… đã tạc vào lịch sử để tạo nên dáng hình đất nước. Một đất nước kiên cường trước bão giông! Đi đến đâu tôi cũng nghe và thấy thật nhiều hình ảnh những thương, bệnh binh kiểu mẫu, những gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong nhịp sống hối hả hôm nay. Họ là những người đã thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là những chiến sĩ luôn khắc sâu lời dạy của Bác tiếp tục phát huy truyền thống và khả năng của mình, ra sức lao động, học tập và cống hiến, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, phấn đấu vươn lên xứng đáng là những công dân gương mẫu trong giai đoạn cách mạng mới. Nghĩ về những người đã từng chịu nhiều mất mát đau thương ấy tôi liên tưởng đến hình ảnh cây xương rồng gai góc luôn tồn tại cả trong môi trường khắc nghiệt nhất. Mặc cho nắng gió, mặc cho đất cằn sỏi đá, xương rồng vẫn nở hoa, những bông hoa dù không rực rỡ nhưng cũng đủ góp cho đời sắc đỏ tình yêu. Sức vươn dậy của những thương, bệnh binh, những gia đình có công với nước tựa như sức sống của những cây xương rồng trên đá!

                                                          

                                                                                       N.T.T

          

Các tin khác:

56-60 of 335<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter