Thành phố, mùa Xuân đã về

                                                  Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Đã là những ngày cuối năm 2024, Xuân Ất Tỵ- 2025 cũng đã bắt đầu về với thành phố chúng ta. Sắc trời, sắc nước trở lên trong xanh, tinh khôi; cỏ cây, hoa lá nhú mầm, bật lá non tơ và khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của con người cũng hân hoan, rạng rỡ chào đón một mùa Xuân mới để khởi đầu cho một năm mới. Nhìn cảnh vật, con người thành phố hôm nay, không ai nghĩ mới 3 tháng trước đây thôi, thành phố vừa trải qua một biến cố khủng khiếp của thiên nhiên. Đó là hoàn lưu của siêu bão số 3 hoành hành các tỉnh miền núi Tây Bắc trong đó Yên Bái là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhớ lại, những ngày đầu tháng 9, đất trời đang trong tiết thu êm ả, thơ mộng, các xã, phường của thành phố đang bắt đầu chuẩn bị làm mô hình đèn Trung thu để tham gia đêm Hội Trăng rằm của thành phố tổ chức thì siêu bão số 3 ập đến vùng biển Đông Bắc nước ta. Sau khi càn quét Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, hoàn lưu bão tràn lên Tây Bắc, gây mưa lớn chưa từng có. Tại Yên Bái, từ ngày 05/9 đến ngày 11/9 mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 250mm, đặc biệt có nơi trên 400mm. Nước sông Hồng, sông Chảy từ thượng nguồn đổ về cũng rất lớn và nhanh. Trên sông Chảy, ngày 11/9/2024, mực nước Hồ Thác Bà đạt đỉnh 59,84m, vượt mức cảnh báo cấp hai, tại hạ lưu thủy điện mực nước là 29,05m (trên báo động ba 7,05m), đập thủy điện Thác Bà có nguy cơ bị vỡ. 17h00' ngày 10/9/2024 mực nước sông Hồng đoạn qua thành phố Yên Bái là 35,73m, trên báo động ba 3,73m (mức lũ lịch sử năm 1968 cũng chỉ là 34,42m). Cả 15/15 phường, xã của thành phố Yên Bái đều bị ngập, trong đó 8 xã, phường ngập hoàn toàn, có nơi nước ngập sâu tới hơn 6 mét. Nhà cửa, hàng quán, trường học, đường xá, công viên chìm trong biển nước. Mưa lớn còn làm sạt lở một lượng đất rất lớn, gây sập nhà, chết người, hoa màu bị mất trắng. Chưa bao giờ thành phố Yên Bái lại phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề, khủng khiếp đến như thế. Các xã, phường Minh Bảo, Tân Thịnh, Yên Thịnh, Đồng Tâm, Minh Tân, Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Nam Cường đều có điểm sạt lở, nhiều điểm đất đá vùi lấp hoàn toàn nhà cửa, cây cối, vườn tược, đt tràn ra đầy cả lòng đường. Suốt dọc triền sông Hồng, Tuy Lộc, Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú bùn đất, rác rưởi đủ loại chồng lấn lên nhau dầy hàng mét, ngập ngụa như một bãi rác khổng lồ. Ước tổng thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng, một con số khá lớn với thu nhập của thành phố. Song, những tổn thất về tinh thần đối với người dân thành phố cũng không hề nhỏ. Cứ nhìn những căn lều bạt dựng vội làm nơi tổ chức tang lễ cho những người không may bị chết do đất sạt lở vùi lấp. Người còn sống đến thắp nén hương cho người đã khuất, quần áo lấm lem bùn đất, khuôn mặt hốc hác, thất thần, đôi mắt thâm quầng, ngơ ngác không thể tin nổi điều đã xảy ra đủ biết sự bàng hoàng, đau xót đến chừng nào. Nhiều đám cưới, hỏi đã chọn ngày, gửi thiệp mời phải trì hoãn, nhiều chuyến du lịch đã mua vé, đặt chỗ phải hủy bỏ. Đèn Trung thu đủ loại đã chuẩn bị không có cơ hội được thắp trong đêm trăng rằm. Không ai có thể ngờ từ một thành phố xanh, xinh đẹp, tấp nập, đông vui chỉ qua một đêm mưa lớn đã như một bãi chiến trường sau trận đánh. Sức hủy hoại của thiên tai thật khủng khiếp, đúng như lời cổ nhân đã đúc kết từ xưa đến nay:“Nhất thủy, nhì hỏa”. Trước cảnh đổ nát, hoang tàn ấy, trong đầu ai cũng có câu hỏi, chưa tìm ra câu trả lời: Làm thế nào? Đến bao giờ thì những khối đất khổng lồ, những bãi rác ngập ngụa kia được xúc dọn hết? Đến bao giờ thành phố trở lại phong cảnh và nhịp sống như xưa? Vậy mà, chỉ sau gần 3 tháng, từ cảnh vật, nhà cửa, đường sá, phố phường, thôn, xóm đến con người thành phố đã mang một diện mạo mới như có một phép màu kỳ diệu. Đất sạt lở, rác rưởi được xúc dọn sạch sẽ, taluy sau các nhà đã được bạt mái đủ độ an toàn, nhà cửa bị hư hỏng đã được sửa chữa. Từ những trục đường chính của thành phố: Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Nguyễn Thái Học, lên Tuy Lộc, Trấn Yên đến các đường ngang, đường ngõ phố, thôn, xóm đều đã thông thoáng, sạch sẽ, tấp nập người xe. Sông Hồng lại lững lờ trôi yên ả giữa hai bên bờ đã bắt đầu bật lên lá non, chồi biếc của ngô, rau. Những đồng hoa Tuy Lộc, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Phú lại tươi rói màu vàng, hồng, trắng của hoa Cúc, hoa Hồng, hoa Ly, Thược dược. Đào bích, đào phai lại khoe sắc đón xuân trên các vườn Minh Bảo, Nam Cường, Giới Phiên, Yên Thịnh. Quất cảnh lại từ các tỉnh đồng bằng nườm nượp đổ về Yên Bái phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân thành phố. Các chợ Yên Thịnh, Đồng Tâm, Yên Ninh, Giới Phiên, Hồng Hà, Bách Lẫm lại đầy ắp hàng Tết, rộn ràng người bán, kẻ mua, chào mời đon đả. Những phòng cưới lại được trang hoàng lộng lẫy, cô dâu, chú rể, tươi vui, ngập tràn hạnh phúc, mặt mừng, tay bắt, chào mời anh em, bè bạn tới chung vui, chúc phúc. Sự sống của thành phố đã hồi sinh, cuộc sống của người dân đã ổn định, lại nô nức, hân hoan đón mùa Xuân về.

Sự đổi thay nhanh chóng, kì diệu ấy không phải do Thánh thần, Tiên, Phật ban phát như trong thần thoại, cổ tích mà hoàn toàn do con người làm nên. Nghị lực, quyết tâm, ý chí tự lập, tự cường, sự gắn kết sẻ chia, khát vọng vươn lên và đôi bàn tay của con người Yên Bái, từ các cấp lãnh đạo đến người dân bình thường đã làm tất cả những gì có thể làm được để giảm thiểu thiệt hại tới mức tối đa, để khắc phục hậu quả nhanh chóng cũng tới mức tối đa. Ngay trong mưa bão, Trung ương và tỉnh đã dừng nhiều hoạt động để tập trung chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả siêu bão. Các Đoàn công tác của Chính phủ, rồi đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính lên Yên Bái, đến những điểm bị ngập lụt, thiệt hại nặng nề nhất, thị sát tình hình, thăm hỏi nhân dân, kiểm tra, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, định hướng khắc phục hậu quả đã làm ấm lòng người Yên Bái. Các cuộc họp khẩn cấp trực tiếp, trực tuyến của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương bất kể ngày đêm, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị tập trung cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của siêu bão. Cùng với chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện lập nhóm cứu hộ cho những người đang bị cô lập, hoặc mất nhà; lập bếp từ thiện nấu cơm không đồng cho bà con đang bị ngập lụt, sạt lở không bị đứt bữa. Người có gạo góp gạo, người có rau góp rau, người có thịt góp thịt, người có tiền góp tiền, người có công góp công. Cùng với sự ủng hộ bằng tiền mặt qua kênh Mặt trận Tổ quốc, rất nhiều đoàn thiện nguyện khắp Bắc, Trung, Nam, cả kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp đến Yên Bái cứu trợ cho đồng bào đang trong cơn hoạn nạn. Chỉ riêng thành phố Yên Bái đã có hơn 600 đoàn thiện nguyện, tặng 300 tấn lương thực, thực phẩm, dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ sửa chữa nhà cửa, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt. Nhiều đoàn thợ còn sửa chữa xe máy miễn phí cho người dân. Đồng bào dân tộc các xã vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, đa phần là nghèo, cận nghèo, đời sống còn khó khăn, thiếu thốn vẫn nhường cơm sẻ áo, góp từng đồng bạc lẻ, từng cân gạo, mớ rau, quả bí ủng hộ đồng bào thành phố. Sự sẻ chia của cộng đồng đã làm ấm lòng người Yên Bái. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, Sư đoàn 316, Lữ đoàn 297, Quân khu 2 cùng các chiến sĩ công an Trung đoàn Cảnh sát cơ động nhiều ngày đằm mình trong bùn đất, dọn dẹp vệ sinh đường sá, trường học, nhà dân, không chỉ làm cho môi trường sạch, đẹp mà còn làm ấm lòng người dân Yên Bái. Siêu bão vừa tan, tỉnh và thành phố đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. HĐND tỉnh họp khẩn, ban hành 2 nghị quyết quan trọng, cấp thiết: Nghị quyết quy định các mức hỗ trợ cụ thể cho nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, tổng kinh phí dự kiến lên tới 87 tỷ đồng; Nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2024- 2025. UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở. UBND thành phố ban hành Hướng dẫn thực hiện khắc phục hậu quả sạt lở đất, bạt mái taluy. Chỉ đạo không thu phí bảo vệ môi trường đối với các trường hợp đánh đất, hót dọn đất đá do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chuẩn bị các bãi đổ thải cho dân. Giao UBND các xã, phường, thôn, tổ dân phố vận động nhân dân chủ động san gạt, bạt mái ta luy để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, nhanh chóng ổn định đời sống. Tuyên truyền, vận động các chủ đất tương trợ, chia sẻ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình bị sạt lở được đánh đất. Trường hợp khó khăn, vướng mắc do không thống nhất được giữa các hộ gia đình có nhu cầu đánh đất và chủ đất, UBND xã, phường, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện hòa giải, thỏa thuận trên quan điểm hỗ trợ nhau khắc phục. Trường hợp chủ đất có điều kiện mà không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015. Nếu các bên không tự thỏa thuận được, UBND thành phố thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Sự tuyên truyền, vận động thấu lý, đạt tình đã tạo nên sự đồng thuận, sự sẻ chia giữa chủ đất và các hộ đánh đất. Có được cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh và thành phố, các gia đình bị sạt mái taluy, không phó mặc hay ỷ lại, chờ đợi sự khắc phục của chính quyền, nhanh chóng lập lên các nhóm tự nguyện, cùng nhau đóng góp kinh phí thuê máy xúc dọn bùn đất, bạt mái ta luy. Với các điểm không có đường vận chuyển đất ra, nhóm bàn bạc thỏa thuận đền bù để phá bỏ một ngôi nhà để lấy đường vận chuyển đất, sau đó sẽ cùng nhau xây lại. Với những gia đình quá khó khăn, các hộ trong nhóm thống nhất giảm tiền đóng góp hoặc cho vay không tính lãi để kịp thời cùng nhau khắc phục hậu quả. Các doanh nghiệp, cá nhân làm nghề san gạt đất cũng tính toán mức giá vừa phải chia sẻ khó khăn người bị sạt lở đất. Chưa bao giờ sự gắn kết giữa con người với con người, sự chủ động khắc phục hậu quả do thiên nhiên gây ra của người dân thành phố lại nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy. Anh Nghĩa, nhà trên đường Điện Biên cho biết: "Sập đất đã làm hư hỏng nhiều tài sản của gia đình tôi, trị giá hơn 300 triệu đồng. Song vợ chồng tôi ngoài tiền đóng góp chung còn tự nguyện ủng hộ bà con trong nhóm 30 triệu đồng để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Bà Xuân ở phường Yên Ninh phấn khởi chia sẻ: "Lượng đất đá sạt xuống rất nhiều, trên đồi vẫn có những vết nứt rất lớn, nếu không khắc phục nhanh chúng tôi sẽ mất nhà. Được thành phố và phường tạo điều kiện, mấy chục hộ chúng tôi góp tiền thuê xe, thuê máy về dọn bùn đất, sửa mái ta luy nay đã hoàn thành. Yên tâm, phấn khởi lắm”. đường Trần Phú, phường Đồng Tâm và phường Yên Thịnh, 20 gia đình bị sạt lở taluy, khối lượng đất sạt tới vài chục nghìn khối, các công trình phụ đều bị sập. Các hộ cũng đã nhanh chóng lập nhóm chung tay khắc phục. Ông Sơn một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Nhờ chính sách của tỉnh và thành phố và sự nỗ lực của các gia đình, nhóm chúng tôi đã đánh đất bạt mái taluy đủ độ an toàn xong. Chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh và thành phố đã ban hành kịp thời các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khắc phục hậu quả”.

Không chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho nhân dân san gạt, bạt mái taluy, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường sá, sửa chữa nhà cửa, thành phố còn triển khai một loạt chính sách, phương án hỗ trợ người dân các xã ven đô nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng ngô, rau vụ đông; hướng dẫn trồng xen canh, tăng vụ; nhanh chóng tái đàn gia súc, gia cầm bù đắp sản lượng bị thiệt hại, bảo đảm an sinh và kịp thời cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố đón Tết. Với sự quyết tâm và nỗ lực, toàn bộ việc bạt mái taluy, san gạt đất đá đã được hoàn thiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2024, kịp thời cho việc chỉnh trang đường phố “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Người dân thành phố lại hồ hởi hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia chỉnh trang đường phố, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ- 2025” với chủ đề “Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ- 2025”, do Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phát động. Ai cũng muốn làm cho đường phố mình sạch đẹp hơn, khang trang hơn, lộng lẫy hơn ngày thường để chào đón mùa Xuân. Một mùa Xuân đặc biệt, mùa Xuân sau những thiệt hại nặng nề do thiên tai tàn phá đã lại tràn ngập sắc Xuân.  

Hôm nay đi trên con đường của thành phố, từ những tuyến đường chính như Nguyễn Tất Thành, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Nguyễn Thái Học, đến các tuyến đường xương cá, đường ngõ đâu đâu cũng có những dây cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dây đèn Led trang trí, đèn lồng, chậu hoa, cây cảnh; không chỉ làm cho thành phố tràn đầy nét Xuân mà còn trở lên tinh khôi, lung linh kỳ ảo, lộng lẫy sắc màu như chốn thần tiên. Sự trang trí kỳ công, bắt mắt làm cho thành phố có rất nhiều View đẹp, cho các bạn trẻ nam nữ, các gia đình du xuân chụp ảnh Check in đánh dấu Xuân Ất Tỵ- 2025 trên thành phố thân yêu của mình để làm kỷ niệm, để khoe với bạn bè. Nhớ lại trước đây, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng B52 của Mỹ, thị xã Yên Bái chúng ta không ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, đâu đâu cũng chi chít hố bom, những đổ nát, tan hoang. Vậy mà bằng khát vọng sống mãnh liệt, bằng ý chí tự lập, tự cường, bằng sự chung tay đồng lòng, người dân thị xã đã gây dựng lại thị xã của mình “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như lời Bác Hồ đã nói để có thành phố Yên Bái đô thị loại II, được coi là thành phố xanh, có rừng trong phố, có phố trong rừng, bản sắc riêng mà nhiều thành phố khác phải mơ ước. Vậy nên hoàn lưu siêu bão số 3 có tàn phá thế nào đi chăng nữa thì người Yên Bái nói chung, người dân thành phố Yên Bái nói riêng cũng sẽ làm tất cả để lấy lại những gì bão tố, ngập lụt đã phá hủy để tỉnh Yên Bái, để thành phố Yên Bái thân yêu sẽ lại “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Qua đợt thử thách lần này của thiên tai khốc liệt, trong cơn hoạn nạn ta càng hiểu rõ lòng nhau, càng nhận thấy những phẩm chất tinh thần, ý chí, nghị lực, đạo lý truyền thống đã trở thành sức mạnh nội tại của con người Việt Nam, con người Yên Bái; sức mạnh ấy chiến thắng mọi phong ba, bão táp, mọi kẻ thù xâm lược. Sức mạnh ấy có từ trong lịch sử xa xưa, như một dòng chảy bất tận đến hôm nay và đến muôn sau. Người Yên Bái chúng ta luôn ghi nhớ và làm theo những điều ông cha đã dạy. Đó là,“Sông sâu sóng cả, chớ ngã tay chèo”, dù khó khăn thế, thử thách đến thế nào vẫn kiên trì nhẫn nại, không bỏ cuộc, không gục ngã, luôn nỗ lực để vượt qua, để chiến thắng. Đó là,Ai ơi đã quyết thì hành/ Đã đan thì lận tròn vành mới thôi”, Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sự năng động, sáng tạo, tự lập, tự cường, không ỷ lại, không dựa dẫm, không chờ đợi, dù khó khăn đến đâu cũng tìm ra hướng giải quyết, cách khắc phục. Đó là, “Nhường cơm sẻ áo”, “Chị ngã em nâng”, “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Thương nhau nước đựng sàng không lọt”, truyền thống yêu thương sẻ chia, đùm bọc của con người Việt Nam, càng khó khăn, hoạn nạn, càng đùm bọc nhau, không để một ai bị bỏ lại phía sau. Đó là “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Một chân đứng không vững, một tay vỗ không kêu”, “Thuận chồng, thuận vợ, tát cạn biển Đông”, muốn làm được việc lớn thì phải gắn bó, kết đoàn, đồng thuận, chung sức, chung lòng, chung ý chí. Đúng như lời Bác dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Chính bằng những phẩm chất truyền thống ấy, thành phố của chúng ta đã vượt qua những ngày cam go do siêu bão tàn phá để có hôm nay, mọi thứ lại trở nên khang trang, sạch đẹp, lòng người lại vui tươi, phấn khởi chào đón Xuân về.

Bước sang năm mới Ất Tỵ- 2025, cũng là năm đất nước ta, tỉnh ta, thành phố ta có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Trước hết, phải kể đến Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV. Đại hội sẽ đưa ra các quyết sách đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. Chúng ta sẽ làm tất cả với tinh thần quyết liệt đổi mới, tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh- gọn- mạnh- hiệu năng- hiệu lực- hiệu quả” để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân. Đó không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu mà còn là chìa khóa mở ra con đường phát triển mới cho đất nước.

Người Yên Bái chúng ta không chỉ biết phát huy truyền thống, mà còn luôn mở lòng đón nhận những đổi mới, hướng tới xây dựng hệ giá trị con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; cùng nhau vượt qua mọi thách thức hướng tới tương lai với một niềm tin vững chắc. Chúng ta sẽ làm tất cả để đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Yên Bái đứng trong tốp 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030 và là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước vào năm 2050. Thành phố Yên Bái đạt tiêu chí đô thị loại II, có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại; đô thị văn hóa, sinh thái mang đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Sẽ là thành phố thơ mộng, soi bóng xuống gương nước sông Hồng, xứng đáng với vị thế trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh; trung tâm giao lưu, kết nối giữa vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ; đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng gắn với hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Dù biết đạt được những điều đó không dễ dàng, song chúng ta có quyền mơ ước, có quyền tin tưởng bởi bên cạnh sức mạnh nội tại của con người Yên Bái, chúng ta có sự lãnh đạo, có đường lối đổi mới của Đảng, sự hòa hợp giữa ý Đảng- lòng Dân. Chúng ta còn có sự liên kết, ủng hộ của anh em, bè bạn trong nước và quốc tế. Một tương lai đẹp, sán lạn của tỉnh, của thành phố không có gì là không thể. Còn hôm nay, mùa Xuân đã gõ cửa rồi. Nào, chúng ta hãy nắm tay nhau thật chặt; hãy hít căng lồng ngực không khí của mùa Xuân tinh khôi, tươi mát; hãy yêu mùa Xuân bằng tất cả tình yêu và khát vọng sống mãnh liệt trong mỗi con người chúng ta để chào đón năm mới Ất Tỵ- 2025.

 

                                                                     

                                                                                N.H.L

Các tin khác:

61-65 of 348<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter