Ngày mới trên đất quế Văn Yên

Ký của Nguyễn Thị Tâm

Đã lâu tôi chưa về thăm Văn Yên- miền đất mà chỉ mới nghĩ đến thôi đã cảm nhận được như thoảng đâu đó có hương thơm cay nồng của quế; đã nghe vi vu tiếng như gió reo của rừng đại ngàn Nà Hẩu; cảm nhận được sự linh thiêng, trầm mặc của đền Đông Cuông- nơi khởi nguồn, phát tích tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và đã thấy những rộn ràng, náo nhiệt, rực rỡ sắc màu của lễ cấp sắc 12 đèn, lễ hội cầu mùa cùng điệu Páo dung ngọt ngào, da diết của người Dao đỏ, tiếng sáo mũi Cúc kẹ dập dìu, tha thiết của người Xa Phó… Lần này trở lại, với tâm thế của một người bạn cũ về thăm, và chúc mừngbởi gần đây tôi được biết, Văn Yên là một trong số những đơn vị điển hình được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc vì sự nghiệp đoàn kết và phát triển các dân tộc thiểu số giai đoạn 2014- 2019.

Cứ nghĩ như ngày trước, hình dung quãng đường gần 40 cây số lên huyện không đủ tự tin bước lên xe nên tôi đãchuẩn bị cho mình một liều thuốc chống say. Ai dè, viên thuốc bé tí xíu chưa kịp phát huy hết tác dụng thì thị trấn Mậu A đã hiện ra trước mắt. Ngắm nhìn phố núi bé nhỏ mà sầm uất, nhộn nhịp chẳng kém gì phố thị, rồi vào trụ sở ủy ban, nghe đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền thông tin về tình hình phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội và đời sống của nhân dân trong huyện mà tôithực sự bất ngờ trước những kết quả mà Văn Yên đã và đang làm được. Là huyện miền núi nằm phía Bắc của tỉnh, Văn Yên có 24 xã, thị trấn, 172 thôn, tổ dân phố; dân số có hơn 130 nghìn người, trong đó 50,01% là dân tộc kinh, 49,99% là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Mông, Phù Lá…); tổng diệntích tự nhiên gần 140.000ha thì đất nông, lâm nghiệp là 130.543ha. Mặc dù gần nửa số xã của huyện (10/24) là xã đặc biệt khó khăn và 49 thôn đặc biệt khó khăn; địa hình đồi núi chia cắt; hạ tầng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều; thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khách quan…, khó khăn thách thức không hề nhỏ, song với ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã phát huy mạnh mẽ được tiềm năng, lợi thế, vươn lên giành thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển toàn diện, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,5 triệu đồng/người, thu ngân sách bình quân hơn 170 tỷ đồng/năm, điện lưới quốc gia phủ đến 25/25 xã, thị trấn. Văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; y tế, giáo dục luôn được chú trọng chăm lo; 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế; bình quân mỗi năm giảm 6,02% hộ nghèo, dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ chỉ còn 4,83%; 25/25 xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động và có đến hơn 99% hộ dân nghe đài, xem truyền hình…

Nghe những con số cụ thể, rõ ràng từ đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, tôi thấy thật mừng cho Văn Yên lắm. Nhưng chỉ nghe thôi thì chưa đủ, không chỉ tôi mà tất cả thành viên trong đoàn công tác của Trại sáng tác Văn học trẻ do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức đều muốn được thăm quan thực tế, để được tận mắt thấy, để cảm nhận được những kết quả ấy bằng những hình ảnh thực tế sống động. Vậy là ngay trong buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến thăm xã Đại Sơn- một trong số những xã đang nỗ lực bứt phá vươn lên thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn của huyện. Lên Đại Sơn, điều khiến chúng tôi háo hức đầu tiên là được đi thăm những đồi quế, những cây quế nhiều năm tuổi. Đã từ lâu, Văn Yên không chỉ được mệnh danh là “Cao sơn ngọc quế”, nơi được biết đến là thủ phủ của cây quế với tiềm năng dồi dào, diện tích trồng và sản lượng lớn nhất cả nước.Với địa hình đồi núi cao lại nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế nên vùng quế Văn Yên được hình thành từ rất lâu và gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay.Bởi những ưu thế vượt trội về lợi ích, giá trị kinh tế nên từ nhiều nhiệm kỳ nay, Đảng bộ huyện Văn Yên đã xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, huyệnđã chỉ đạo và vận động nhân dân trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác từ 1.800 đến 2.000ha quế mới. Nhờ đó mà đến nay, Văn Yên đã hình thành vùng quế nguyên liệu rộng 50.000ha, phủ khắp 25/25 xã, thị trấn. Giá trị cây quế mang lại cho Văn Yên trung bình mỗi năm đạt trên 700 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt trên 1.030 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 3500 lao động tại địa phương, nhờ có cây quế mà hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định, nhiều hộ gia đình người Dao thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ khai thác nguyên liệu quế, hiện nay trên địa bàn huyện còn có 11 nhà máy chưng cất tinh dầu quế, 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh vỏ quế và trên 200 cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh giống quế đang hoạt động hiệu quả. Trong 5 năm qua, Văn Yên có 2 sản phẩm làm từ quế là tinh dầu quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được UBND tỉnh chứng nhận đạt hạng 3 sao. Tháng 1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, đến tháng 10/2019, huyện Văn Yên lại được cấp Giấy chứng nhận xác nhận quyền chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm Quế vỏ tại Thái Lan. Sản phẩm tinh dầu quế, quế vỏ của Văn Yên ngày càng khẳng định được giá trị vượt trội của mình và đã có mặtở thị trường 13 nước trên thế giới.

Nơi đầu tiên chúng tôi được lãnh đạo xã đưa đến thăm là đồi quế của gia đình ông Đặng Kim Thanh. Vì là những cây quế lâu năm được xã chủ trương giữ lại để bảo tồn giống gen nên đồi quế được ông Thanh rào dậu rất kỹ. Những cây quế cao lớn xếp ngay ngắn hàng nối hàng giữa xung quanh bạt ngàn màu xanh của quế. Tán quế vốn không rộng, nhưng bởi là tán của những cây quế đã có tới 25 năm tuổi nên đan khít vào nhau tạo thành chiếc ô lớn rợp bóng cả một khoảnh đồi. Gió vi vu từ trên vòm lá cao vút, đưa hương thơm cay nồng sực vào trong huyết quản, ấm nồng, khoan khoái khiến chúng tôi cứ lưu luyến mãi trên đồi quế chẳng muốn rời chân. Ra khỏi đồi quế, chúng tôi ghé thăm một hộ gia đình chuyên kinh doanh, sơ chế vỏ quế. Các bạn trẻ cầm trên tay những thanh quế khô cuộn tròn như cây đũa hít hà, rồi lại sà xuống bên những nhân công đang bào vỏ quế xin bào thử. Biết đoàn khách chẳng phải người mua hàng, chỉ hỏi chơi cho biết nhưng chị chủ nhà trẻ vẫn niềm nở, nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi. Vỏ quế có nhiều loại, mỗi loại lại có một giá bán khác nhau. Quế tươi đã bào vỏ cao nhất bán được 50 nghìn đồng một cân, quế đã bào sạch, phơi khô có giá từ 90 đến 95 nghìn đồng một cân. Cái giá ấy nghe thì có vẻ không đắt, nhưng ở vùng quế này, nhà ít cũng vài ha, nhà nhiều có khi đến cả trăm ha. Tuy quế trồng ít nhất 5 năm mới được thu tỉa, 10 năm thu hoạch mới có giá trị cao, nhưng khi thu hoạch nhà ít mỗi vụ cũng dăm bảy tạ, nhà nhiều có đến vài tấn nên tính ra, thu nhập của người dân không hề nhỏ. Không chỉ bán vỏ quế, thân quế lấy gỗ mà những nhà có quế lâu năm còn bán hạt quế giống. Như nhà ông Bàn Phúc An ở cách đó vài trăm mét mà lúc trước chúng tôi có ghé qua. Gia đình ông chỉ còn lại 2 cây quế giống hơn 20 năm tuổi trước cửa nhà nhưng bình quân mỗi năm ông thu hàng chục triệu đồng từ tiền hạt giống. Ông An kể, năm 2019 vợ chồng ông bán được hơn một tạ hạt giống, trị giá 26 triệu đồng. Nhà có 5ha quế đã cho thu hoạch nhưng chỉ khi nào cần dùng đến tiền ông mới bán. Ông An chỉ cho chúng tôi căn nhà 2 tầng to đẹp như một căn biệt thự mới xây ngay bên cạnh ngôi nhà gốc của gia đình ông rồi bảo: “Ngôi nhà này được xây từ tiền bán quế và hạt quế đấy”.

Miên man trong vùng quế của người Dao đỏ Đại Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình thầy vẽ tranh thờ Đặng Hữu Thanh. May mắn gặp đúng dịp ông Thanh vừa hoàn thành xong bộ tranh thờ, chỉ đợi ngày làm lễ khai quang nên chúng tôi được xem và được nghe ông giới thiệu tỉ mỷ về ý nghĩa, tên gọi của tùng bức tranh cũng như những quy tắc mang tính tập tục trong việc sử dụng tranh thờ của đồng bào Dao đỏ nơi đây. Để trở thành thầy vẽ tranh, ông Thanh đã phải tìm đến pháp sư học vẽ và trải qua lễ cấp sắc 12 đèn- một cấp độ mà hiện ở trong xã có rất ít người đạt được. Một bộ tranh thờ đầy đủ gồm 18 bức, trong đó có 12 bức lớn (tất cả cùng chung một kích thước giấy, nhưng khác nhau về độ lớn nhỏ của những vị thần trong tranh); 4 bức nhỏ gọi là Tứ phủ, 1 bức binh lính 120 quân và 1 bức vẽ các vị gia tiên của từng gia đình, dòng họ. Trong bộ tranh, 3 bức tranh vẽ 3 vị thần (còn gọi là Tam Thanh) gồm: Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ) giữ vị trí trung tâm, quan trọng nhất; những bức tranh còn lại vẽ các vị thần khác như Ngọc Hoàng, Thần Sấm, Thần Núi, Thần Sông, Thần Gió và những vị quan, thần có công trợ giúp cho 3 vị Tam Thanh hoàn thành sứ mệnh. Tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Dao đỏ. Trong những dịp lễ, tết, đặc biệt là những nghi lễ quan trọng như cấp sắc, nhảy lửa, cầu mùa… đều không thể thiếu tranh thờ nên xung quanh việc vẽ và treo tranh là cả một hệ thống những thủ tục và những điều kiêng kị. Bộ tranh thờ không chỉ mang màu sắc tâm linh, tôn giáo, thể hiện niềm tin của con người với thần linh, vũ trụ và các hiện tượng trong cuộc sống từ thủa xa xưa mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc.Là huyện có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc với những bản sắc, phong tục tập quán rất riêng đã tạo nên những sắc màu văn hóa truyền thống đa dạng cho Văn Yên. Cùng với những tập tục độc đáo như vẽ và treo tranh thờ, cấp sắc, cầu mưa, cầu mùa, nhảy lửa, mở cửa rừng… của người Dao, còn có rất nhiều nghi lễ độc đáo của đồng bào các dân tộc khác như: Mừng cơm mới, Lồng tồng của người Tày; Tết rừng (cúng rừng) của người Mông; Tết Khùi sì mờ của người Xa Phó…

Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm Viễn Sơn- nơi khởi nguồn của cây quế Văn Yên. Cũng là một trong số 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện nhưng chúng tôi lại bắt gặp nơi đây một diện mạo nông thôn mới đang được thành hình. Đường lên với nơi “núi xa” Viễn Sơn đã không còn xa bởi hệ thống đường giao thông từ huyện đến xã đã được mở rộng. Không chỉ có phố chợ đông vui, náo nhiệt; có nhiều những ngôi biệt thự, nhà xây mới khang trang, to đẹp thấp thoáng dưới màu xanh của quế, của rừng mà còn cả hệ thống những con đường bê tông mới trải còn chưa kịp đắp lề đã đưa chiếc xe Samco 29 chỗ của chúng tôi dù cồng kềnh, to xác cũng vẫndễ dàng vào tận sâu trong vùng quế. Làm việc với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, nghe Bí thư Đảng ủy xã Trần Trác thông tin nhanh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong năm qua cũng phần nào thấy được những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Viễn Sơn. Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, Viễn Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.250ha; 3.687 nhân khẩu với hơn 75% là dân tộc Dao. Mặc dù địa hình chủ yếu là đồi núi cao, kinh tế chính là phát triển nông, lâm nghiệp nhưng dưới sự tập trung chỉ đạo, định hướng và tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc nên những năm gần đây, Viễn Sơn đã tìm được hướng đi, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển, từng bước nâng cao đời sống cho người dân trong xã. Nhất là từ khi thực hiện chủ trương về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Viễn Sơn như được chuyển mình.Từ một xã hoàn toàn thuộc diện 135, có xuất phát điểm thấp nhưng đến hết năm 2019, Viễn Sơn đã có nhiều công trình được đầu tư xây mới, sang sửa khang trang; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông, kiên cố hóa; kinh tế phát triển, đời sống y tế, giáo dục được chăm lo, an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 35% xuống còn hơn 16%. Chỉ trong một năm (2019), xã đã huy động nhân dân đóng góp được hơn 266 triệu đồng để bê tông hóa hơn 1,2km đường giao thông nông thôn; hoàn thành chỉ tiêu 11/19 tiêu chí và trong 6 tháng đầu năm 2020 hoàn thành thêm 5 tiêu chí.Ấn tượng với nhữngkết quả bứt phá được tạo nên bởi sự nỗ lực và đồng lòng của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã nên thay vì đi thăm rừng quế, chúng tôi lại muốn được đi thăm quan một vòng quanh xã và những mô hình phát triển kinh tế để cảm nhận được sự đổi mới rõ rệt ở miền “núi xa” này. Đưa chúng tôi đến thăm mô hình chuyên gia công, kinh doanh quế vỏ Trần Văn Tráng- một hộ gia đình có khoảng hơn 30ha quế và doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ kinh doanh quế vỏ. Nhìn cơ khơi khang trang, rộng rãi nhưng có phần giản dị, mộc mạc của chủ nhà, nhẩm tính doanh thu của gia đình, lại ngầm so sánh với rất nhiều những căn biệt thự tráng lệ mà chúng tôi đã gặptrên đường, tôi tò mò hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Doãn Hải Sơnrằng ở Viễn Sơn có bao nhiêu hộ thu nhập như hộ của anh Tráng thì anh Sơn khẳng định và tiết lộ rằng, đâychỉ là một trong số những hộ thuộc tốp khá chứ chưa phải là hàng tỷ phú tốp đầu của xã. Anh Sơn bảo:“Ở Viễn Sơn bây giờ, những hộ có thu nhập cỡ chục tỷ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ thu tiền tỷ mỗi năm thì nhiều lắm.Tuy không phải tất cả người dân ở Viễn Sơn đều giàu có thế vì không phảinhà nào cũng có quế hoặc trồng được nhiều quế vì quỹ đất có hạn, tính ra 4.250ha mà chia cho 3.687 nhân khẩu thì mỗi đầu người cũng chỉ có chưa đầy 1,2ha đất tự nhiên. Song với tình hình phát triển như hiện nay, chỉ tính riêng từ việc phát triển và những lợi ích thu về từ cây quế thì đời sống của nhân dân nói chung vẫn sẽ được đảm bảo và từng bước nâng lên. Cũng bởi thế mà xã chúng tôi mới có cơ sở, niềm tin và động lực đặt ra mục tiêu sớm hoàn thành nốt 3 tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới ngay trong đầu năm 2021.

Niềm tin mà anh Sơn nói tới không chỉ là của riêng Viễn Sơn mà còn là niềm tin và động lực chung của toàn huyện.Những thành quả thực tế đạt được đã thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy mà việc xây dựng nông thôn đổi mới đã bước đầu trở thành phong trào sâu rộng trong toàn huyện.Đến nay, Văn Yên đã có 12/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu,diện mạo của một huyện nông thôn mới ở vùng cao đang được hình thành.Xác định rõ công tác dân tộc và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, đời sống xã hội ở địa phương nên từ nhiều năm nay huyện luôn quan tâm, chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách phát triển kinh tế- xã hội các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;tăng cường vận động đồng bào thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các trường học; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo tại 10 xã đặc biệt khó khăn; tạo cơ hội và điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững... Kể từ những ngày đầu mới thành lập (tháng 3/1965) cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn nhưng tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vă Yên đã không ngừng phấn đấu vươn lên vàluôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong các thời kỳ. Ghi nhận những thành quả từ sự nỗ lực ấy, Nhà nước và tỉnh đã trao tặng cho Văn Yên rất nhiều những danh hiệu cao quý như: Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (2002); Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2006); Huân chương lao động hạng Nhất (2010); Huân chương độc lập hạng Ba (2014); Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013) cùng rất nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái.

Phát huy truyền thống của quê hương Văn Yên anh hùng cùng với những thành quả sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, trên tinh thần “Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Đổi mới- Phát triển”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra 8 mục tiêu, nhiệm vụ lớn.Thực hiện thắng lợi 8 nhiệm vụ ấy, miền đất quế Văn Yên chắc chắn sẽ trở thành huyện nông thôn mớivào năm 2025.

 

N.T.T

 

 

Các tin khác:

11-15 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter