Lời góp ý chân thành

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm

Trong một chuyến đi thực tế sáng tác về huyện nhà, tôi nhận được cuộc điện thoại, số lạ, giọng nói rất quen, vồn vã: “Văn phải không, hôm qua nói chuyện với chủ tịch huyện tớ biết bạn đến. Sáng bạn cứ làm việc nhé, trưa xuống nhà tớ. Lâu quá rồi ta không gặp nhau”. “Xin lỗi ai vậy ạ?”. “Tớ đây. Chán bạn thật đấy, nghe giọng mà không nhận ra à. Bàn Văn Ngộ, bạn học cấp hai trường làng đây. Tớ có việc rất quan trọng nhờ bạn đấy. Tớ sẽ lên đón”. “Ôi Ngộ! Tớ nhận lời”. Tôi reo lên. Tôi và Ngộ cùng làng, nhà cách nhau chừng năm trăm mét. Hai thằng thân thiết từ nhỏ, sáng đi học, chiều chăn trâu, tắm suối cùng nhau. Học hết cấp hai Ngộ bỏ học, tôi động viên Ngộ học tiếp, Ngộ bảo: “Tớ học dốt, đến lớp chỉ tội ăn chửi, xấu hổ với bạn bè”. Tôi học cấp hai rồi cấp ba, hai thằng vẫn thường xuyên gặp nhau, lúc cùng soi ếch, bắt cá, lúc đi lấy củi. Tôi vào Đại học, rồi đi làm ở xa, đã hơn chục năm không gặp lại Ngộ. Trưa, vừa xong việc ở huyện thì Ngộ gọi điện bảo đang đợi ở cổng. Tôi ra cổng ủy ban huyện thì một chiếc ô tô sang trọng đỗ xịch ngay trước mặt. Từ trong xe Ngộ bước ra, trông thật trẻ trung trong bộ comple kèm theo một chiếc khăn vòng qua cổ tỏ vẻ nghệ sĩ. Thật không thể tin nổi. Ngày tôi còn học cấp ba, Ngộ ở nhà, lúc thì lấy trâu đi kéo gỗ trộm cho bọn lâm tặc, lúc đi đóng lồng cho dân nuôi cá lồng, có lúc Ngộ đi bốc đá thuê ở tận Sơn Mông.

Hơn mười năm gặp lại, tôi, thằng được học hành tử tế, làm ở cơ quan danh tiếng hẳn hoi, chẳng giàu, chẳng nghèo, tiền lúc có, lúc không thì Ngộ đã hoàn toàn khác, vượt xa tôi. Nhà Ngộ cách nơi ở cũ khá xa, một căn biệt thự ém vào chân núi đá, nhìn ra hồ Thác. Chao ôi, một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Với một người nghệ sĩ suốt ngày viết lách như tôi thì đây là cả một mơ ước. Ngộ dẫn tôi qua con đường lát bằng đá xẻ, loại đá đắt tiền của công ty SK Ấn Độ khai thác xuất khẩu đi Tây Âu. Đến sân, bỗng xoẹt, chân tôi trượt một đoạn, suýt ngã, nhìn xuống, sân đầy phân gà. Lại có mùi phân bò thốc vào mũi, ngẩng lên, ngay bên phải, cạnh biệt thự của Ngộ là một dãy chuồng bò chạy dài, trên thành chuồng bò đậu đầy gà, nào gà tre, gà chọi, gà thiến, gà đẻ trứng. Miết đế giày vào mảnh giẻ rách để vô duyên ngoài sân, trước mặt tôi hiện ra phòng khách trang hoàng, điện sáng lung linh, trong phòng bày tạp nham các thứ đắt tiền Ngộ sưu tập được. Một cách bài trí lộn xộn của người có tiền nhưng thiếu óc thẩm mĩ. Bạn bè lâu ngày mới gặp, rối rít chuyện ta, chuyện người, chuyện đời, chuyện nghề, chuyện quê, chuyện tỉnh, chuyện Đông, chuyện Tây đủ cả. Đang mải mê nói chuyện thì một cô gái rất trẻ, đẹp, tầm độ mười tám, mười chín tuổi, ăn mặc khá tươi mát, bê lên một mâm cỗ đầy ú ụ. Ngộ không có em gái. Ngày tôi mới học hết cấp ba Ngộ lấy vợ. Vợ Ngộ tôi đã gặp, một cô gái trắng trẻo, nhỏ nhắn, dáng đi mềm mại, môi mỏng, mắt hình lá khoai lúng liếng với đôi mi cong ướt. Vậy cô gái vừa nhấc mâm lên chắc hẳn người ở. Khi người ta có tiền, người ở cũng xinh đẹp thế đấy, sướng biết bao. Cô gái lại bê lên một bình rượu, ngồi xuống cạnh Ngộ, vừa rót vừa giới thiệu đây là rượu quý, ủ đã ba năm. Mùi rượu bốc lên thơm ngây ngất. Tôi buột miệng hỏi Ngộ: “Vợ hôm nay đi đâu, không gọi lên ăn cơm?”. Cô gái trẻ nhìn tôi có chút bất ngờ, mặt dần ửng đỏ. Ngộ vội xích lại, vòng tay khoác lấy tay cô gái, thanh minh: “Vợ tớ đấy, mới cưới”. Vợ! Cô gái kém tuổi Ngộ quá xa. Tôi giật mình xin lỗi. Ngộ đưa chén rượu giơ về phía tôi, cạch, uống cạn, bảo: “Bạn đi công tác lâu không biết, nhiều chuyện lắm, rồi tớ sẽ kể. Vợ cũ của tớ nó bỏ đi theo trai lâu rồi. Tại sao, tại vì tớ nghèo quá. Hai vợ chồng lấy nhau, ra ở riêng, tài sản chỉ có căn nhà gỗ xoan hai bên gia đình giúp làm, ngoài ra chẳng có thứ gì đáng giá. Nghèo nó khốn nạn thế đấy. Mới đầu nó than thân trách phận, so sánh nhà mình với nhà khác, chồng mình với chồng người khác. Để cuộc sống nghèo khó, là trụ cột gia đình tớ thấy mình có lỗi. Nghe vợ kêu than mãi, chán, tớ bỏ theo mấy thanh niên đi đào đá quý trên đất Lục”. Giọng Ngộ đắng chát: “Tớ đi một tháng, khi về không thấy vợ ở nhà, hóa ra nó đi theo một tay buôn đá quý đã bỏ vợ, đi không một lời từ biệt. Hự! Đúng là cuộc đời. May tớ gặp được Duyên”. Một thắc mắc thường trực trong đầu từ lúc gặp Ngộ chưa được giải đáp, tôi chủ động hỏi: “Này, chỗ bạn bè tớ hỏi thật, bạn làm gì mà giàu thế, cứ như là đào được vàng ấy?”. “Bạn nói gần đúng đấy, không phải vàng mà là đá quý, một viên đá quý có một không hai bạn ạ. Chuyện ly kỳ lắm, để tớ kể bạn nghe. Ngày ấy tớ đào đá quý cho một chủ bưởng ở Ái Bảo. Gần hai tuần trắng tay, không tìm được viên nào quá năm trăm nghìn thì hôm ấy, xế chiều, ai cũng mệt mỏi, mọi người tranh thủ chia nhau mấy miếng bánh mì; chủ bưởng quay mặt đi chỗ khác hút thuốc thì tớ rùng mình khi khều thấy một hòn đá to chừng cái bát. Miết nhẹ lớp đất cát bám trên mặt, hòn đá đỏ ánh lên như trực phát lửa. Lúc ấy tớ gần như nghẹt thở vì nhận ra đây là một viên đá quý vô cùng đắt giá. Cái đầu ngu si của tớ lúc ấy lại sáng ra chứ lỵ. Nhân lúc mọi người đang mải nhìn chỗ khác, tớ dùng đầu gối ấn sâu viên đá xuống và bới tiếp lên phía trước, khều cát lấp lên chỗ viên đá quý. Khều một lúc thì đến giờ nghỉ. Về ăn cơm, nuốt cơm như nuốt rác, lòng cứ thấp thỏm lo viên đá bị ai đó lấy mất. Ăn vội ăn vàng, giả vờ đau bụng dậy trước, tớ chạy ra bãi đá, bới lấy viên đá quý, ôm chạy thẳng một mạnh về nhà. Đêm nằm ôm hòn đá mà lo ngay ngáy. Lo chủ bưởng biết sẽ tìm đến, lo trộm, lo cướp. Nửa đêm bạn biết tớ làm thế nào không, tớ gói cẩn thận viên đá trong túi nilon rồi ấn xuống hố phân lợn, có thánh mới biết. Hôm ấy vợ đi ngủ với tay buôn đá quý mà tớ quên cả vợ luôn nhé…”. “Hà hà thú vị đấy”. Tôi bảo. Ngộ càng hào hứng: “Chưa hết đâu, bán được viên đá mới là ly kỳ. Biết đây là viên đá cực kỳ giá trị, tớ tìm đến tay buôn đá lớn nhất khi đó tên là Ka. Nhưng chuyện bán đá không đơn giản đâu nhé, trước hết không để họ xem đá, nếu xem, họ định giá được, họ sẽ ép giá mình. Cho nên đã cho xem đá là phải định giá và bán luôn. Thời ấy nó thế bạn ạ, chứ không như bây giờ, dân đào đá quý ai cũng định được giá, khi bán họ gọi tất cả các chủ buôn đến cùng xem, các chủ buôn cùng bí mật ghi giá của mình vào một tờ giấy, tất cả bỏ vào con lợn đất, hình thức như người ta bỏ phiếu bầu ông nọ, chức kia ấy. Đập con lợn đất ra, ai phát giá cao nhất viên đá sẽ được bán cho người đó. Người ta càng ngày càng ma lanh. Nói thế nhưng lúc ấy mình cũng ma lanh không kém. Tìm đến nhà Ka, tớ thuê một đứa trẻ con đưa cho hắn một mẩu giấy, bên trong có ghi: Mười một giờ đêm ở đầu bãi sắc phất, bản Nà Bốc. Cầm theo mười bảy tỉ mới gặp, có hàng. Mười một giờ đêm Ka cưỡi một cái xe máy cũ đến thật, vai hắn đeo một cái ba lô bộ đội, quần áo nhếch nhác, tay cầm một con dao mèo, đằng sau xe là lưới và vó, kiểu như dân vừa đi hồ đánh cá về. Tớ ngồi trên chạc mít cạnh đường nhảy xuống bảo hắn bịt mắt lại, lấy xe để tớ lai, còn hắn ngồi đằng sau, hắn đồng ý. Tay buôn lớn có khác, gan hắn to thật, giá lúc đó tớ thủ tiêu hắn để cướp lấy mười bảy tỉ thì có đầy cơ hội. Tớ đi lòng vòng bằng đường tắt rồi mới về. Làm thế để phòng khi thỏa thuận không thành, hắn sẽ không biết mình là ai, ở đâu mà phong tỏa hoặc ép giá. Nhìn thấy viên đá, Ka quỳ sụp xuống, bộ mặt sung sướng tột cùng nhưng cố giấu cảm xúc nhìn mới ngu làm sao. Hắt hất hàm bảo bao nhiêu. Tớ nói bừa mười lăm tỉ. Hắn không bớt một lời, mở ba lô đếm tiền. Sau này nghe nói hắn bán viên đá ấy sang Canada được hơn ba mươi tỉ, kệ, tớ chẳng ân hận gì, trời cho mình thế đã là quá lắm rồi. Tớ đã đổi đời thực sự. Sau đấy là đổi đời toàn diện bạn ạ”. Ngộ cầm chén lên, cạch, lại khà một tiếng. Bất chợt Ngộ vỗ nhẹ vào đầu mình: “Ấy chết, kể chuyện lan man quá. Giờ ta vào việc chính nhé, không làm mất thì giờ của bạn nữa. Thú thật tớ có một việc rất quan trọng nhờ bạn”. “Viết về câu chuyện vừa rồi chứ gì, quả thật rất ly kỳ, nếu ghi lại thì chắc hẳn đây sẽ là một truyện trinh thám hút độc giả, tớ thấy có hứng đấy”. “Ấy không, không phải chuyện đấy, mà là thế này. Sau khi có mười lăm tỉ trong tay, tớ chẳng biết làm gì cả, nghĩ định đầu tư kinh doanh cái gì đấy nhưng tớ biết mình thiếu hiểu biết, không có năng khiếu buôn bán nên không dám đầu tư. Tiền tớ gửi các ngân hàng, một phần nhỏ đầu tư vào mua đất, mà đất bỏ hoang nhé, nhưng bạn biết không, đất đá quý đấy, nền nhà tớ đây đào lên biết đâu dưới ấy lại có cả một ổ đá quý. Cái rốn đá quý nó nằm ở lòng hồ chứ không phải ở các mỏ trên đất Lục đâu nhé”. “Ôi thế à?”. “Tớ vốn quen lao động chân tay, một thời gian nhàn rỗi không chịu nổi, tớ quyết định đầu tư nuôi bò, phải có việc gì đó làm cho đỡ buồn”. Tôi sốt ruột: “Thế bạn định nhờ tớ viết về chuyện đá quý hay quảng bá trang trại bò?”. “Là thế này, cứ lan man mãi, giờ đi thẳng vào vấn đề luôn đây. Ngày tớ lùa bò ra ven hồ cho chúng tự gặm cỏ, còn tớ rong thuyền đi câu và làm thơ…”. Trời ơi, Ngộ làm thơ!? Tôi há hốc mồm, chưa dám tin vào tai mình. Ngộ vốn học dốt văn nhất trường, đi học không nhớ nổi một bài thơ hoặc một câu thơ hay, trả lời thầy giáo còn nhầm lẫn tác giả của bài thơ này với tác giả bài thơ khác; một người không bao giờ chịu đọc thơ, trong nhà không thấy nổi một tập sách, đùng một cái bảo viết thơ, ai tin. “Giờ tớ có tất cả, vợ đẹp, nhà sang, tiền bạc, nhưng có một thứ tớ không có, một thứ rất quan trọng chỉ bạn mới giúp được”. Ngộ chạy vào trong tủ lấy ra một xấp giấy, toàn bản thảo thơ. Tôi cầm lên, lướt qua vài bài, những bài thơ tả cảnh thật ngô nghê, buồn cười: “Đường quê chạy quanh quanh/ Có đàn bò, đàn trâu, người đi xe máy/ Người thì đi cấy người đi chợ quê/ Yêu sao con đường tươi đẹp/ Hàng ngày anh cùng em đi…”. Vợ Ngộ chọn ra mấy tờ bản thảo, cầm lên đọc: “Quê ta đồng lúa xanh xanh/ Vườn nhà trồng rau nấu canh/ Vợ đẹp vợ xinh ăn cơm cùng/ Ôi cuộc sống hạnh phúc vô biên”; “Em ơi hãy về với anh/ Ta cùng chăn bò và đi câu cá/ Bò thì ăn cỏ ta vui với nhau…”. Vợ bạn vỗ đùi đánh đét, khen: “Ôi, sao mà hay đến thế, em thuộc lòng gần hết tập thơ, em là fan hâm mộ của anh ấy, vì yêu thơ mà yêu người”. Tôi định hỏi vợ Ngộ bài thơ hay ở chỗ nào nhưng thấy em đang cao hứng, với lại người ta làm mâm cao cỗ đầy mời mình đến, mình lại đi chê bai e thất lễ. Ngôn ngữ Việt Nam có sáu thanh, cất lên đã véo von, luật làm thơ đơn giản, đôi lúc chẳng cần luật gì nên dường như ai cũng có thể làm thơ, người làm thơ nhan nhản, những người viết thơ như Ngộ tôi đã gặp nhiều. Ngộ lại mở tủ lấy ra mười tập thơ, tác giả Thiên Ngộ. Vợ Ngộ khoe: “Anh Ngộ xuất bản được hơn mười tập thơ rồi đấy. Anh ấy lấy tên Thiên Ngộ cho nó sang, chứ cái tên Bàn Văn Ngộ nghe quê một cục”. Ngộ cầm từng tập, mở ra cho tôi xem và giới thiệu thêm: “Bài này đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ trên trang thơ hay chấm com nhé; bài này đoạt giải Nhì cuộc thi của Câu lạc bộ thơ mới; bài này tớ đã thuê nhạc sĩ phổ nhạc và dàn dựng, mang đi biểu diễn ở các cuộc gặp mặt hoặc giao lưu thơ câu lạc bộ…”. Vợ Ngộ lại tiếp lời: “Chính vì viết thơ hơn người nên chồng em được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Quê hương đấy”. Ngộ làm thơ đã quá lắm rồi, giờ lại làm Chủ nhiệm, định hướng sáng tác và tạo dựng phong trào sáng tác nữa. Rồi sẽ có thêm biết bao người viết thơ như Ngộ!. “Từ khi được làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Quê hương, đi đâu tớ cũng được giới thiệu là nhà thơ, đọc thơ xong mọi người vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt, nghĩ mà sướng. Đúng là sống ở đời phải có tí danh”. Ngộ ghé sát tai tôi nhắc khéo: “Thơ của tớ công bố nhiều thế mà chưa bao giờ đăng ở tờ báo danh tiếng của bạn đâu nhé, bạn là Trưởng phòng Biên tập, lỗi này là của bạn đấy”. Tôi muốn nói với Ngộ, thơ thế này không bao giờ đăng được ở báo của tôi; rằng đây không gọi là thơ; rằng trong cuộc sống đang tồn tại nhiều loại thơ, nhiều trường phái, thế nhưng dù viết thế nào, để đăng được ở báo của tôi phải là một loại thơ kết tinh, một loại thơ nhằm vào sự phát triển, nâng cao nhu cầu tinh thần và khát vọng vươn tới cái đẹp của cả người viết và người đọc. Ngộ nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi: “Có đăng được bài nào không”. Định nói là không, nhưng nhìn vẻ mặt đầy nghiêm túc và hy vọng của Ngộ tôi lại hỏi lại: “Có bài nào giàu tính nghệ thuật và tinh túy hơn không?”. Lạ thật, lúc này mặt Ngộ lại giãn ra, tay vồ lấy tay tôi, nắm thật chặt: “Bạn đúng là một nhà thơ bậc thầy, một biên tập viên có hạng. Trước bạn, tớ đã tìm gặp mấy nhà thơ đàn anh, tớ biết mình viết thế này là lạc hậu, tầm thường. Giờ tớ viết khác rồi nhé, một lối viết bác học và hiện đại, một loại thơ đúng nghĩa. Đây tập này, bạn xem.”. Tôi mừng ra mặt. Ngộ nghĩ được thế chắc hẳn thơ đã có sự tiến bộ. Ngộ giở tập thơ, đọc từng bài: “Váy hoa/ Nói thề/ Con cóc ghẻ/ Tóc buông/ Anh không đến, không đến/ Rượu say lăn quay/ Con gà sống thiến…”. “Gặp/ Không gặp/ Sờ mắc phôn em/ Hồn treo mặt trăng/ Tim vỡ rồi/ Ôi/ Em và Em/ Mệt nhoài…”; “Gió thổi mặt hồ/ Bóng ma/ Ốc vít/ Cây đu/ Lạnh căm căm/ Về đi em…”. Ngộ đọc oang oang, tay ngộ vung quá đầu và chém xuống sát chiếu, vẻ mặt đầy tự hào. Đầu tôi trở nên ong ong, chân tay muốn rụng rời. Đổi mới là nhu cầu thường trực của mỗi người viết, thơ hiện nay ngổn ngang bao thử nghiệm với những thành công hoặc chưa thành công. Tôi đang chứng kiến sự chuyển biến từ cái ta sang cái tôi của thế hệ viết cùng thời. Khi biên tập thơ tôi hay đề cao cái ta, nhưng phải công nhận rằng cái tôi đôi khi không bé nhỏ, nhất là cái tôi có gắn với thời cuộc. Thế nhưng vấn đề đáng nói là ở chỗ nhiều người khẳng định cái tôi bằng sự lập dị, lối làm dáng, rối rắm, khó hiểu, đánh lừa độc giả. Ngộ, bạn tôi là một điển hình. Giờ góp ý với Ngộ thế nào nhỉ. Ngộ lại hỏi: “Lạ và mới phải không? Loại thơ bác học này không phải ai cũng đọc được, chỉ có những người như bạn mới hiểu”. Tôi muốn nói với Ngộ rằng, cái lạ có thể tạo ra cái mới, nhưng cái lạ không có nghĩa là cái mới. Loại thơ bí hiểm như Ngộ ai cũng có thể làm được bởi nó chẳng có nội dung, cũng chẳng có sự logic gì, cứ chắp nối câu nọ với câu kia, thế nào cũng được. Ngộ khoác lấy vai tôi, thân mật: “Cứ nói chuyện loanh quanh mãi mà chưa vào vấn đề chính đâu nhé”. “Vấn đề gì kia?”. “Giờ tớ muốn bạn viết cho tớ cái lời giới thiệu tập thơ. Tên của bạn sẽ làm sang cho tập thơ của tớ. Đây sẽ là tập thơ đinh khẳng định bút pháp và sự nghiệp của tớ. Tớ thật may mắn có một người bạn nổi tiếng như bạn”. Thấy mặt tôi thoáng chút sắt lại, Ngộ sốt sắng: “Chỗ bạn bè, nói là giúp nhau nhưng tớ sẽ trả công bạn hậu hĩnh, trăm triệu hay hai trăm triệu, ô kê”. Tôi cầm chén rượu lên nốc cạn. Ngộ càng sốt sắng hơn: “Ơ này, nói gì đi chứ?”. Giọng Ngộ đầy khẩn khoản, tay nắm tay tôi giật giật. Lúc này, tự dưng tôi thấy thương Ngộ quá. Ngộ đại diện cho một hạng người thất học, thiếu hiểu biết, háo danh và sống trong ảo tưởng. Cái danh kia sẽ làm hỏng Ngộ. Sự ảo tưởng đang giết chết Ngộ dần dần. Bóng chiều đang xế, rượu ngà ngà say, tôi tìm lý do xin phép Ngộ ra về. Cầm trên tay tập thơ mới của Ngộ, lòng tôi nặng trĩu.

Lòng tôi nặng trĩu vì chưa nói với bạn được một lời góp ý chân thành.

 

                                                                                                                                    N.Q.K

 

Các tin khác:

16-20 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter