Báu vật dưới lòng hồ

Truyện ngắn của HOÀNG TƯƠNG LAI

 

            Nhà ké Thời ở xóm Sjay lèng xã Bình Hanh. Ngôi nhà sàn một gian hai trái cột bằng gỗ lý, xà gỗ đinh hương, mái lợp lá cọ sẻ. Ké Thời nhớ lúc lợp lại nhà, khi ấy ké còn chưa lấy vợ, nhờ làng xóm trèo lên những cây cọ sẻ chọn những lá già chặt xuống gom lại rồi cho trâu bước qua quần đi quần lại chỉ chọn lấy cẫng phơi khô rồi mới đưa lên mái lợp. Dưới mái nhà ấy, ké Thời lấy vợ sinh ra những đứa con trai gái đủ cả, chúng nó lấy vợ gả chồng, các cụ đã khuất núi nằm lại ở cánh rừng sau nhà. Ké Thời cùng bà nhà đã ngót năm mươi mùa bánh chưng, nhưng mái nhà vẫn chưa phải thay lá, trên mái những búi lau nho nhỏ mọc lưa thưa ở trên những đám rêu xám xị. Nhà ké Thời lại ở vị thế đắc địa, trước nhà núi lớn núi nhỏ quay về chầu, cạnh nhà có cây trám to ngon có tiếng, cả làng trên xóm dưới đến nhặt quả mỗi lần trám rụng. Ông cụ- bố của ké Thời kể lại: đầu năm Ất Dậu (1945) có đôi chim phượng hoàng bay về đậu, thấy sự lạ cả làng kéo đến xem, gần cuối năm cách mạng bùng lên, chính quyền được thành lập đội du kích của xã ra chợ Ngọc bắt tên Bang Tá cùng bè lũ tay sai về xử tử ở quả đồi Ba Cảu trước cửa nhà ké. Ké Thời vào đội du kích từ ấy rồi vào bộ đội bao vây đánh đồn Nghĩa Lộ rồi hành quân lên Tây Bắc. Điện Biên giải phóng, ké trở về quê, trở thành chiến sĩ Điện Biên khi bắp chân còn ba mảnh đạn của giặc găm vào đó. Ké đeo túi dết cùng các đoàn thể đi từng nhà vận động vào tổ đổi công rồi vào hợp tác xã. Nhà có ba cặp trâu, vợ chồng ké hiến vào hợp tác xã hai cặp to khỏe nhất cùng hai mẫu ruộng. Cánh đồng trước nhà ông năm hai vụ lúa, nước lại sẵn, chỉ cần gạt bàn chân là nước long lóng chảy vào ruộng. Mùa gặt, đàn sáo mỏ vàng mỏ trắng đậu kín lưng trâu khi chúng ăn no cào cào, châu chấu, cạnh đấy đàn cò trắng cũng sà xuống rồi bay lên đậu trên ngọn cây nhội già mọc bờ suối cạnh nhà ké, chiều chiều cánh cò mải miết vẫy mãi vào cảnh chiều tà bay về phía sông Chảy, về phía núi Mông Sơn. Nói đến hai cây nhội ở bờ suối, ké nhớ quả nhội là mồi ngon cho lũ cầy hương ở khắp núi tìm về ăn quả, còn bộ rễ nhội chúng thả từng búi chảy là là theo nước chảy, mùa cá chép vật ở ao ké lấy về cho cá vật đẻ vào đấy, rồi chúng lớn ra ao, chuôm, lớn bằng bàn tay là bắt về làm mắm được rồi.

            Hợp tác xã nhỏ của nơi quê ké được sát nhập thành hợp xã nông nghiệp quy mô toàn xã. Rồi cả làng cả xã đón nhận chủ trương lớn của Đảng và nhà nước lên xây dựng quê mới để nhường quê đang ở xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Bà con vui như mở hội, đêm đêm đốt đuốc đến nhà đội trưởng thôn học tập chính sách di dân xây dựng quê mới để xây dựng nhà máy thủy điện đầu  tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa rồi cử người đi khai hoang mở bản mới. Vợ chồng con út của ké Thời đều cùng đám trai làng đi khai hoang mở bản mới cả, bà cũng đi trông con cho chúng nó một dạo. Chỉ còn ké Thời ở nhà, ké hết xuống bãi lại ra vườn cam cạnh ao cá trước nhà. Nhìn đàn cá chép ngoi lên đớp mồi, ké đặt chiếc vó xuống ao. Chỉ hai lần nhấc vó đã cho gần đầy rổ cá chép. Ké vào vườn hái lá cơm đỏ rửa rồi đưa cá vào chỗ nước lần đổ về ao mổ cá. Bằng này cá làm mắm cũng được một hũ, tháng sau gửi lên cho vợ chồng nó cùng bà làm thức ăn ở nơi khai hoang bản mới. Ké nghĩ làm tiếp hai hũ nữa gửi lên cho cả đội cùng ăn. Ké được ông bà truyền cho món cá chép làm mắm ngon nhất vùng. Muốn có hũ cá mắm ngon phải chuẩn bị kỹ từ men lá trộn với cơm nếp ủ cho lên men, bước chân vào ngõ đã dậy mùi thơm của nếp ủ, rồi lá cơm đỏ trộn đều phần cá và riềng, riềng phần thái phần giã, cá mổ để ráo nước. Tất cả trộn đều cho vào hũ sành đậy kín, chỉ tháng sau khẽ mở ra đã biết là có được hũ mắm cá ngon. Đời truyền đời, tết thì làm món mắm thịt lợn, từ tháng ba ta thì làm món mắm cá chép, các món trên trở thành món ngon cổ truyền từ của người Tày ở vùng sông Chảy này. Ké cho dao vào vỏ thắt bên lưng lên sau nhà thăm đồi măng vầu. Chúng nó đi cả rồi chẳng ai về mà lấy măng lên mà làm thức ăn, ở trên ấy chưa trồng được rau gì, mà cũng chẳng biết cử người về lấy. Nghĩ đến món mắm cá chép có măng vầu luộc chấm ké bỗng thấy "toát mồ hôi lưỡi". Ừ! Lên quê mới, căn nhà cột lý kia dỡ ra dùng trâu kéo lên quê mới dựng lại được, những ngôi mộ ông bà tổ tiên khi ổn định nhà cửa thì sẽ bốc lên để ở sau nhà, còn đồi măng vầu, ao cá kia, vườn cam chắc nơi ở mới còn lâu mới có được. Hai cây nhội, mấy cây vải già kia hạ xuống bán cũng được món tiền. Ké thấy sống mũi cay cay, hình như có giọt nước mắt rỏ xuống âm ấm hai bên gò má. Ké đào vội lấy vài củ măng xách về khi trời nổi cơn giông.

            Đêm ấy, trời mưa khá to, nước tràn vào cả nền nhà. Ké lo cho bà cùng vợ chồng thằng út ở trên ấy không biết có làm sao không.

            Kế hoạch chuyển lên quê mới được Ban chỉ đạo di dân xã thực hiện cho từng thôn, thôn Sjay Lèng đầu năm 1964 đi một nửa thôn, đến cuối năm là chuyển lên quê mới cả thôn. Nhà ké Thời được ưu tiên đi đợt đầu tiên. Căn nhà sàn gỗ lý được mọi người trong thôn đánh dấu cột, kèo rồi tháo dỡ một ngày là xong, từ cột kèo, xà, dui còn nguyên, được sắp thành từng kéo cho trâu chuyên chở ngày đêm để lên quê mới dựng trước mùa mưa bão. Ké Thời tay run run xếp những bát hương vào đôi dậu cho con trai út gánh lên quê mới trước. Ké Thời ở lại trong chiếc lán nhỏ tại nền nhà cũ để tháo ao bắt cá làm mắm mang lên sau. Vậy là nền nhà chỉ còn trơ lại những hòn tảng kê cột nhà, những hòn đá ấy được các cụ gọt đục tròn theo chân cột. Mấy hôm nữa sẽ có xe trâu của hợp tác xã tới vận chuyển lên quê mới, ông đếm đi đếm lại từng hòn đá tảng, cả cột hiên nữa là sáu hàng chân, mỗi hàng chân là năm hòn, tổng cộng là ba mươi. Mỗi chuyến xe trâu chỉ chở được chục hòn chứ mấy. Ké thấy có hòn tảng ở chân cột cái bị vỡ làm đôi, mà nó là hòn đá duy nhất chẳng được đục gọt gì cả. Ké lại gần xem, nó vỡ đôi thật, mà sao trong lòng nó rực màu đỏ thế kia. Các cụ xưa chọn hòn tảng này làm gì thế nhỉ. Chắc là quý lắm, quý thế nên các cụ mới chọn để kê cột chính, mà đường làm ăn vui may từ xưa tới giờ luôn gặp thuận lợi. Nay vỡ ra làm đôi chỉ rơi hai viên nhỏ bằng hạt đậu xanh cũng màu óng lên đỏ rực. Chả biết điềm tốt hay xấu. Ké đứng tần ngần một hồi lâu. Thôi thì chỉ còn mình ta biết, tốt xấu chả mang theo được. Ké bê hai nửa đá tảng ấy bỏ xuống chiếc giếng ngay cạnh chiếc nền cũ. Ầm ầm, hai tiếng vang của hai hòn đá tảng bên trong màu đỏ rực rơi xuống chiếc giếng trong buổi chiều sắp tắt nắng ở quê cũ. Ké Thời nhặt hai viên bi nhỏ như hạt đỗ xanh lóng lánh màu đỏ vào túi áo chàm.

            Việc chuyển lên quê mới đã hoàn tất. Quê cũ có đội nạo vét lòng hồ tới chặt hạ những cây cọ cùng các cây tạp khác để vệ sinh lòng hồ chờ đến ngày dâng nước. Những ngôi mộ cũng được bốc chuyển vào quê mới. Căn nhà ké Thời dựng ở chân một quả đồi, trước có cánh đồng mà dân bản cố thổ nhường lại cho cộng với khai hoang mới nữa thành cánh đồng cũng khá rộng. Đập thủy lợi cũng đã hoàn thành tưới tiêu cho cả hai vụ lúa. Đó là vào năm 1972. Ké Thời cùng bà nhà lưng đã còng xuống như dáng núi, ở cái tuổi "Xuống bãi phải vịn thang, ra đồng phải chống gậy". Con cháu của ké Thời đã thành đạt, đều trở thành công chức nhà nước. Duy hôm dựng nhà, việc thiếu mất một hòn đá tảng ké giấu nhẹm, dân bản phải lùng mãi mới chọn được hòn đá tảng vừa ý cùng với hai mươi chín hòn đá tảng mang từ quê cũ lên. Hồ Thác Bà đã trở thành hồ thủy điện đầu tiên của cả nước và trở thành khu du lịch nổi tiếng của cả một vùng. Hai viên bi nhỏ như hạt đỗ xanh màu đỏ chói được ké Thời cất kỹ chỉ bà là biết chỗ ké cất giữ.

            Chẳng biết làm sao mà tin đồn ké Thời nhặt được viên đá quý lan đi khắp chín bản mười mường. Nhà ké Thời hàng ngày có dăm bảy đoàn khách đến hỏi thăm. Khách đi xe con cũng có, cả đi xe máy nữa. Ké Thời phải mua tới mấy cân chè về tiếp khách. Cùng dạo ấy, rộ lên các lò đào được nhiều đá quý ở Lục Yên, ở ven hồ Thác Bà. Con trai trưởng công tác ở ngoài thành phố cũng kéo cả nhà về hỏi thăm có thật bố lượm được những hai viên đá quý. Đến nước này thì ké đành nói thật với cả nhà: “Có, bố lượm được viên đá màu đỏ lóng lánh nhỉnh hơn hạt đỗ xanh thôi”. Khi ké mở tủ đưa ra cho cả nhà xem, con cả của ké trợn tròn mắt: “Phạ ơi! (Trời ơi). Đá quý thượng hạng đấy, tiền tỷ rồi bố ạ!”. Thế rồi cả nhà bàn bán đi một viên sắm chiếc tàu du lịch cho chú út chạy đưa đón khách trên hồ Thác Bà. Ké mở lòng, đành thú thật: “Còn hai viên, đá sáp bọc bên ngoài, trong lõi to như viên gạch, bố giấu đi rồi!”. “Ở đâu bố? Ở cạnh nền nhà cũ ấy!”. “Thế thì, phải tìm thợ lặn tin cẩn đưa máy dò lấy ngay về bố ạ!”. Ké Thời ngập ngừng: “Khó lấy được đấy, bố giấu sâu, kỹ lắm rồi...”.

            Bản làng nơi ké Thời ở giờ thật sự đổi mới. Đường làng bê tông hóa khắp lượt đến tận mọi ngõ ngách, chợ xây dựng khang trang ở trung tâm xã, trường học, trạm y tế xây lại mới. Ké Thời thấy mừng vì xã nhà về đích sớm chuẩn nông thôn mới, lại hình như phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Các cháu học sinh cứ sáng thứ hai là mặc trang phục của Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đến trường chào cờ trông như vườn hoa xuân nở rộ trong mùa trẩy hội. Các cháu biết đàn tính, hát then, lượn cọi. Xã năm nào đón xuân cũng mở lễ hội Lồng Tôồng (xuống đồng), tung còn, đánh yến cùng các trò chơi khác đón khách tỉnh, huyện cùng các xã bạn đến dự. Nhà ké Thời vẫn vậy, ngôi nhà ké trở thành ngôi nhà sàn cổ được khách xa gần đến quay phim, chụp ảnh. Ké giữ lại từ chiếc nắn đo cá, chiếc vạy trâu, mõ trâu bằng gỗ mít mang từ quê cũ lên, chiếc cày, chiếc bừa bằng gỗ, cối xay thóc bằng gỗ, chiếc nón Tày "Sjong lạ", chiếc quạt hòm, chiếc loỏng giã cốm cũng mang từ quê cũ lên nay để lớp trẻ mở hội giã cốm "Kéng loỏng" mời Nàng trăng xuống trần cùng vui hội tại sân bãi nhà ké. Ké được xã, huyện mời truyền dạy cho lớp trẻ hát: Khảm hải, lượn Cọi, hát Quan làng cho đám cưới. Ké thấy mình như trẻ lại, khỏe ra khi mặc bộ quần áo Tày mỗi lần cất giọng lượn Cọi, Khảm hải…

            Nhân ngày nghỉ lễ, cả nhà ké Thời cùng con cháu lên chiếc tàu du lịch sang trọng của nhà do con út ké lái. Cả nhà con cháu nhà ké Thời đủ cả. Con trai cả tên là Duyệt, trai kế là Kim, con gái thứ là Ngân, trai út là Tứ. Chẳng biết các cụ xưa đặt con theo nghĩa Nôm- Nho hay sao ấy. Nếu lấy tên các con mà luận thì: Duyệt, Kim, Ngân, Tứ và cả ké Thời vào nữa thành ra: Đếm kim ngân bốn mùa. Chú Kim đã chuẩn bị bốn bộ quần áo lặn, bình ô xi, xẻng cá nhân. Bốn anh chị em chắc đã bàn kín chuyến này sẽ đào lấy viên gạch hồng ru bi mà ké đã chôn giấu gần nền nhà cũ. Tàu vào động Thủy Tiên thắp hương rồi về thăm Nhà máy thủy điện Thác Bà rồi ngược đảo xanh, đảo hoa, Bảo Ngọc. Chiều rẽ về chỗ nền nhà xưa ké ở. Tàu rẽ sóng trên biển hồ êm ru quanh những đảo xanh mây trời non nước. Bà Thời mặt rạng rỡ nhớ lại cánh đồng xưa gặt lúa, chăn trâu, ra Khuổi Hanh tắm giặt. Bà nhắc ké Thời: “Mình còn nhớ câu "Thịt nai núi Ngàng gì gì nhỉ?” Ké Thời đáp: “Nhớ rồi, câu các cụ nói về đặc sản quê mình "Thịt nai núi Ngàng, cá làng Bình Hanh". Bà còn nhớ gốc nhội cạnh bờ suối, lắm cầy hương về ăn quả nhội, tôi bắn rụng hai con một đêm không?”. Bà Thời cười mủm mỉm: “Lúc ấy thằng út Tứ chưa đầy tháng, thiếu sữa nữa, nó cứ khóc ngằn ngặt suốt đêm…”. Ké ngắt lời bà: “Đây là nền nhà cũ của mình khi xưa đấy”. Chú út cho tàu lượn hai vòng rồi tắt máy. Ké Thời chỉ tay: “Đây rồi, dưới mặt nước độ hai chục mét, các con các cháu ạ! Nền nhà mình xưa ở chỗ dưới đáy hồ này, các con sinh ra ở nơi này, là nơi chôn rau cắt rốn, cất tiếng khóc chào đời ở dưới kia. Kia là chỗ mộ của các cụ để sau nhà cạnh đồi vầu, nhà mình quay theo hướng Nam nhìn vào đồi Ba Cảu, nơi tên Bang tá bị du kích xã bắt từ chợ Ngọc mang về đây xử tử. Kia là cây trám xưa lắm quả ngon cao nhất xóm Sjay Lèng mình, bố nghe cụ nội kể có đôi chim phượng hoàng về đậu”. Con trai thứ tên Kim đang là quản đốc của công ty khoáng sản tỉnh, liền hỏi: “Thế bố chôn hai viên gạch hồng Ru bi ở đâu ạ?”. Ké Thời ngừng giây lát rồi cất tiếng: “Bố thả xuống giếng nhà mình xưa sâu gần chục mét. Chỗ này sâu độ hai chục mét nước mới tới nền nhà cũ mình. Có năm nước hồ cạn lộ nền nhà cũ bố có ra thăm, chiếc giếng cạnh nền nhà đất mùn lấp đầy. Giờ các con xuống đào bới cũng khó thấy đấy. Bố già rồi, nếu lặn xuống là bố ở luôn dưới ấy đấy”. “Cứ xuống bố ạ! Có áo lặn cùng bình thở ôxy mà, mình cứ xuống dưới đó thử vận may xem sao...”. Ké Thời nhìn các con một lượt rồi thong thả: “Thôi các con các cháu ạ! Cuộc sống của mình giờ tạm đủ đầy, ai cũng khấm khá cả rồi. Có cuộc sống như hôm nay, ta nợ núi sông này nhiều lắm, ta để lại cho đất trời non nước này, cho con cháu đời sau dùng, vậy có được không?”.

            Chú út Tư nổ máy, con tàu rẽ sóng quay ba vòng trên nền nhà cũ. Dãy núi Ngàng mờ xa hiện ra. Ké Thời mặt rạng rỡ nhìn mãi về phía nền nhà cũ đang dần xa theo con sóng đưa ké về phía bờ xa xa trong tiếng máy nổ giòn. Mặt trời sắp lặn sau dãy núi Mông Sơn, con sóng bạc lấp lánh phía sau con tàu mờ xa tít tắp....

 

                                                                             H.T.L

 

Các tin khác:

31-35 of 332<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter