11 ngày với Tây Nam bộ

Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

           

            7 ngày với Cần Thơ!

Tháng 8 năm 2023, 15 văn nghệ sĩ Yên Bái được cử dự Trại sáng tác VHNT tại Nhà sáng tác Cần Thơ. Từ lâu, chỉ biết Cần Thơ qua những câu ca: Cần Thơ có bến Ninh KiềuCó dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”;Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”; “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/ Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ/ Ai về Chợ nổi Cái Răng/ Thăm cô em gái khăn rằn vắt vai?… nay sẽ được tới tận nơi nên ai cũng náo nức. Xuống sân bay Cần Thơ, gọi taxi đưa vào nhà sáng tác. Người lái xe bảo: Nhà sáng ở Cồn Khương, ngay bên bờ sông Hậu, từ sân bay tới hơn 10km; trước đây là cồn hoang, toàn lau sậy tùm lum, nay là khu đô thị mới cao cấp, hiện đại, nhiều resort, biệt thự, khách sạn sang trọng vào loại nhất thành phố nhưng vẫn đang trong quá trình mở rộng, cây cầu sang nhà sáng tác là cầu tạm, taxi chưa vào được tận nơi.

Ngay buổi chiều, biết tin đoàn Yên Bái đã tới nhà sáng tác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trần Vũ, Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Cần Thơ, một người quen biết cũ đã tới thăm. Anh còn mang cả cuốn sưu khảo “Cần Thơ xưa và nay” của Huỳnh Minh, người chuyên viết về lịch sử- văn hóa vùng đất Nam Bộ, xuất bản năm 1966, cho tôi đọc để tìm hiểu về Cần Thơ. Đọc sách mới biết, đất Cần Thơ được khai khẩn vào thế kỷ XVII, tên ban đầu là Trấn Giang. Thuở ấy, Mạc Cửu, người Quảng Đông, Trung quốc, không thuần phục nhà Thanh, kéo tùy tùng đến Hà Tiên đầu phục Chúa Nguyễn, chiêu mộ dân phiêu tán khắp vùng khai hoang mở đất, được Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục sự nghiệp của cha, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm 4 đạo mới là Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang, Trấn Di, cho sát nhập vào đất Hà Tiên. Một lần, Nguyễn Ánh, khi đó chưa lên ngôi vua, cùng tùy tùng đi thuyền chu du vùng Tây Nam bộ. Đoàn thuyền đi theo sông Hậu vào thủ phủ Trấn Giang. Đến một ngã ba sông, Chúa hỏi tùy tùng:

- Sông này là sông gì, chảy từ đâu?

Đám tùy tùng vội tâu:

- Dạ thưa! Sông này bắt nguồn từ khu vực nội đồng Tây Sông Hậu, chảy xuyên qua thủ phủ Trấn Giang rồi đổ ra sông Hậu ở ngã ba sông này, hiện chưa có tên ạ.

Thấy phong cảnh sông nước thơ mộng, trời lại sắp tối, Chúa cho neo thuyền nghỉ lại ngay bến sông. Trong đêm trăng vằng vặc, nghe từ đâu vọng về tiếng ngâm thơ, hò hát, hòa cùng tiếng đàn, tiếng sáo du dương, trầm bổng, Chúa liền ban cho con sông chưa có tên là Cầm Thi giang. Về sau dân chúng, nói trại ra thành sông Cần Thơ. Năm 1876, Pháp lấy đất Trấn Giang, lập thành hạt mới, lấy tên sông làm tên hạt, gọi là hạt Cần Thơ, sau này là tỉnh Cần Thơ. Bến sông nơi thuyền Chúa đậu cũng được xây gạch để làm bến đón tàu bè khắp miền lục tỉnh Nam kì vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách. Trên bến có hàng cây dương chắn gió nên dân chúng gọi là bến Hàng Dương. Còn người Pháp thì gọi là “Quai de Commerce”, có nghĩa là bến thương mại. Đến năm 1958, bến được đặt tên là Ninh Kiều, vì con đường trên bến mang tên Lê Lợi. Ninh Kiều vốn là tên vùng đất bên bờ sông Đáy, nơi đã diễn ra trận chiến oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn (07/11/1426), tạo bước ngoặt cho sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Còn tên Tây Đô, cuốn sưu khảo không nhắc đến, tìm hiểu thêm cũng không có một văn bản nhà nước nào gọi Cần Thơ là Tây Đô. Năm 1919, Phạm Quỳnh, nhà báo xứ Bắc đầu tiên vào Nam, đã viết bài du ký “Một tháng ở Nam kỳ”, đăng trên tạp chí Nam Phong, hết lời ca ngợi Cần Thơ: "Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu miền Tây. Đường phố thênh thang, nhà cửa san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn" nhưng cũng không gọi Cần Thơ là Tây Đô. Có lẽ do vị trí địa lý trung tâm của cả vùng Tây Nam bộ, lại thuận lợi về giao thông, thương mại, quân sự nên người dân tự phong cho Cần Thơ là Tây Đô. Trải qua quá trình lịch sử gần 150 năm, Cần Thơ đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976, Chính phủ ra Nghị định sáp nhập Cần Thơ, Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Đến tháng 12 năm 1991, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Năm 2023, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XI và Nghị định của Chính phủ tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và lập tỉnh Hậu Giang mới.

Tôi hỏi Trần Vũ:

- Cần Thơ bao nhiêu khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử- văn hóa và làng nghề? Cái nào đẹp nhất?

Vũ bảo:

- Hơn 30 khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử- văn hóa và 7 làng nghề truyền thống. Mỗi cái có một vẻ đẹp độc đáo riêng.

Tôi bảo Vũ:

- Chúng tôi chỉ có 7 ngày ở Cần Thơ, còn thì đi các tỉnh, nhờ anh chọn các điểm có thể sáng tác ảnh.

Vũ vui vẻ gật đầu. Ngay sáng sau, nhóm tác giả ảnh thuê xe máy theo Vũ rong ruổi trên các nẻo đường của thành phố, đến các danh lam- thắng cảnh, di tích lịch sử- văn hóa, khu du lịch, làng nghề tiêu biểu để sáng tác. Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính, gồm 5 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh thì anh em nhiếp ảnh đã rong ruổi qua cả 5 quận, thêm 2 huyện là Phong Điền và Thới Lai. Điểm đầu tiên đến là bến Ninh Kiều. Bến nằm ở bờ sông Cần Thơ, bên phải của sông Hậu, tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, xưa là đường Lê Lợi, nơi ngày xưa đoàn thuyền của Chúa Nguyễn đã neo đậu, để có cái tên Cầm Thi giang, nay được xây dựng thành công viên du lịch Ninh Kiều với diện tích hơn 7.000m2. Bến sông vẫn tấp nập tàu bè, thuyền ghe chở đầy sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long và chở khách du lịch. Trong công viên, có nhiều loại cây cảnh quý được cắt tỉa đẹp đẽ, có tượng Bác Hồ bằng đồng cao 7,2m, đặt uy nghi trên bệ cao 3,6 m. Cạnh bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn. Gần bến còn có chợ cổ Cần Thơ, còn gọi là chợ Hàng Dương hay chợ lục tỉnh, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ có từ hơn một trăm năm tuổi, được xây dựng cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây ở Sài Gòn. Nay vẫn là một trung tâm buôn bán lớn của cả miền Tây Nam bộ. Đứng trên bến Ninh Kiều còn nhìn thấy rõ cả cầu Cần Thơ, xóm Chài Cồn Ấu. Cảnh đẹp khiến ai cũng mê mải chụp, gần trưa mới vào quán Yên Garden Coffee & Tea, được thiết kế theo kiểu sân vườn, vừa yên bình, vừa tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên. Đồ uống có rất nhiều loại: coffee, trà nóng, trà lạnh, trà sửa, nước ép trái cây, sinh tố... cùng các món ăn điểm tâm buổi sáng. Buổi chiều quay lại bến Ninh Kiều để chụp cảnh hoàng hôn và khi thành phố lên đèn.

Sáng sau, nhóm nhiếp ảnh lại dậy từ 4h sáng đi Chợ nổi Cái Răng. Từ bến Ninh Kiều đi xuồng máy xuôi dòng sông Hậu chừng 30 phút thì tới chợ. Lúc này đã 5h sáng, chợ bắt đầu hoạt động. Mặt hàng chủ yếu là nông sản, trái cây các loại, đồ ăn sáng bầy đầy trên các xuồng, ghe. Theo truyền thống, xuồng ghe hàng nào cũng treo sản vật bán trên các cây sào, tiếng địa phương gọi là “cây bẹo” thay cho treo biển hiệu. Ghe bán hàng còn dựng một chậu cây bất kỳ để phân biệt với ghe mua. Chợ nổi nay không còn cảnh bán buôn. Người mua hàng chủ yếu là khách du lịch. Nghe nói, chợ nổi Cái Răng cũng như các chợ nổi ở miền Tây Nam bộ được hình thành từ những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Thuở ấy, hệ thống giao thông đường thủy ở Tây Nam bộ giữ vai trò gần như độc tôn. Trong khi nhu cầu thương mại ngày càng tăng cao nên các điểm giao sông trở thành địa điểm lý tưởng để dân chúng tụ tập mua bán. Từ đó mà loại hình chợ nổi đã ra đời. Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Vĩnh Long có chợ nổi Trà Ôn, Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè, Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm, Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy, An Giang có chợ nổi Long Xuyên. Nay, hệ thống giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp, nên nhiều chợ nổi đã tự biến mất, hoặc chỉ hoạt động để phục vụ du lịch. Kể ra cũng tiếc, vì chợ nổi không chỉ đơn thuần là hoạt động thương mại mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước Tây Nam bộ, rất hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, chợ nổi Cái Răng, còn được giới thiệu, bình chọn trên nhiều tạp chí du lịch có uy tín của thế giới. Bộ VH- TT & DL cũng đã công nhận “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” là văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy thành phố Cần Thơ đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” để gìn giữ, phát triển loại hình chợ rất đặc trưng của vùng Tây Nam bộ và xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù. Tôi hỏi Vũ tại sao chợ nổi Cần Thơ lại gọi là Cái Răng? Vũ bảo: Trong cuốn “Tự vị” tiếng nói miền Nam của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì từ Cái Răng có nguồn gốc từ chữ “Karan” của người Khmer. Đó là cái bếp nấu ăn của người Khmer, có hình thù như con số 8 để nằm, một đầu có 3 ông Táo để đặt nồi, còn đầu kia là cái bụng vừa để đặt củi, vừa che gió, chứa tro không rớt ra ngoài. Từ xa xưa, người Khmer đã làm Karan mang bán ở nhiều nơi, nhất là vùng sông nước Cần Thơ. Do chữ Karan khó phát âm nên người Việt đã phiên âm thành “Cà Ràng” rồi lâu ngày nói trại thành Cái Răng. Ở Cần Thơ vẫn lưu truyền câu ca: “Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”.

Ai đó đã nói, đến Cần Thơ hôm nay, nếu bỏ qua cầu Cần Thơ là cũng coi như chưa đến Cần Thơ. Đúng vậy, cây cầu vắt ngang sông Hậu, nối liền quận Cái Răng thành phố Cần Thơ với thị xã Bình Minhtỉnh Vĩnh Long đến thời điểm hiện tại là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á. Từ khi cầu đưa vào sử dụng đã chấm dứt tình trạng kẹt phà hàng giờ, giao thông giữa Cần Thơ với các tỉnh trong khu vực trở nên thông thoáng nên nó được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho các tỉnh, thành phía Nam sông Hậu với trên 16 triệu dân. Vì vậy nhóm quyết định sáng sau sẽ chụp cầu Cần Thơ trong thời khắc bình minh. Tận mắt chứng kiến mới thấy sự kì vĩ của cầu Cần Thơ. Nhịp cầu chính dài 2,75km, các đường dẫn vào cầu có tổng chiều dài 15,85km, chiều cao 175,3m, mặt cầu rộng 23,1m với 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m cùng với 2 lề bộ hành, mỗi lề rộng 2.75m. Buổi sáng mặt trời lên từ phía Vĩnh Long, từ bên Cần Thơ nhìn sang đầu cầu bên kia như nối với chân trời. Chưa thỏa mãn, nhóm quyết định buổi chiều sang bên Vĩnh Long để chụp cầu vào thời điểm hoàng hôn, mặt trời lặn bên phía Cần Thơ.

Ngày thứ tư, nhóm chuyển sang săn ảnh tại các khu du lịch sinh thái. Được biết, Cần Thơ có rất nhiều khu du lịch sinh thái đẹp như vườn cò Bằng Lăng, vườn ca cao Mười Cương, vườn dừa Tân Lập, vườn cây Chín Hồng, vườn cây Cồn Ấu, Cồn Sơn, vườn sinh thái Bảo Gia Trang Viên, vườn sinh thái Út Hiên, khu du lịch sinh thái Lê Lộc, Mỹ Khánh… Nhóm chọn chụp cảnh vườn dừa cho có chất miệt vườn Nam bộ. Vườn dừa thuộc phường Tân Tập, quận Thốt Nốt. Từ trung tâm thành phố, theo Quốc lộ 91B, về Ô Môn, qua phà Trung Kiên, là đến cù lao Tân Lập bên sông Hậu, nằm giữa 4 bề sông nước, khí hậu mát mẻ, trong lành. Vườn dừa rộng chừng 1.000m2, với đủ loại dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa, đều xum xuê trái, bóng tỏa rợp mát. Trong vườn có cả một hệ thống những con lạch nhỏ đầy ắp nước phù sa, để du khách có thể chèo xuồng tham quan, chụp ảnh với dừa. Theo yêu cầu của các tay máy, các chị trong khu du lịch, mặc đồ bà ba, choàng khăn rằn, đội nón lá, bơi xuồng chở đầy dừa theo các con lạch, đúng như phong cảnh và sinh hoạt miệt vườn. Cảnh vườn dừa và con người đẹp quá, chụp hàng giờ liền vẫn chưa thấy đã. Tối về muộn nhưng ai cũng hỉ hả. Cần Thơ cũng có nhiều làng nghề truyền thống như làng đan lọp Thới Long, làng đan lưới Thơm Rơm, làng chằm nón lá Thới Lai, làng dệt chiếu Cái Chanh, làng bánh tráng Thuận Hưng, làng hủ tiếu Cái Răng, làng hoa Thới Nhật… Song vì điều kiện thời gian, nhóm săn ảnh chỉ tới được 3 làng nghề: làng lưới Thơm Rơm, làng chằm nón lá Thới Lai và làng dệt chiếu cói Cái Chanh. Làng lưới Thơm Rơm, thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt có từ những năm 1980, do dân di cư từ miền Trung vào Nam lập nghiệp nhưng đã rất nổi tiếng. Hàng năm, đến mùa nước nổi, làng lưới lại rộn rịp suốt ngày đêm sản xuất các loại lưới đánh bắt cá, tôm, cung cấp cho dân vùng lũ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và xuất sang cả Campuchia. Làng chằm nón lá thì nằm ngay ven kênh Xẻo Xào, thuộc ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cách trung tâm thành phố hơn 40km. Má Phan Thị Đầm, 87 tuổi cho biết, năm lên 9 tuổi má đã biết chằm nón và suốt từ đó đến giờ má vẫn không bỏ nghề. Còn Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Võ Phương thì cho biết có tới 70% dân số trong ấp làm nghề chằm nón. Lá làm nón ở đây là lá cây mật cật, loại cây có thân nhỏ và thấp, mọc thành bụi, hai bên cọng lá đầy gai nhọn, lá rất bền, chịu được mưa nắng. Làng chiếu Cái Chanh thì ở ấp Thạnh Phú, phường Thượng Thạnh, quận Cái Răng. Ông Lê Hoàng Hải một người làm chiếu ở làng cho biết, Cái Chanh xưa nổi tiếng với nghề dệt chiếu của xứ Tây Đô. Chiếu Cái Chanh được gọi là chiếu "Nam", có nguồn gốc từ Bắc, theo người dân di cư vào Nam từ khoảng thế kỷ XVII. Nguyên liệu chính là cây lác nước mặn, dệt chiếu rất chắc, bền và đẹp nên rất được ưa chuộng. Rất tiếc cả ấp nay chỉ còn vài nhà làm chiếu.

Và 4 ngày với 4 tỉnh Tây Nam bộ

Xe khởi hành từ Cần Thơ từ 6h, 10h đến Bạc Liêu. Vào Hội Liên hiệp VHNT, lãnh đạo Hội đã chờ đón đoàn Yên Bái. Sau mấy phút giới thiệu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Cường bảo tranh thủ đi tham quan ngay, hàn huyên dành cho buổi tối giao lưu. Điểm đến đầu tiên là Nhà máy điện gió, hay còn gọi là Cánh đồng điện gió. Cường còn cho biết, trên địa bàn Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành và 2 nhà máy đang thi công. Nhờ biến gió thành điện mà ngành công nghiệp điện gió đã trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế- xã hội của Bạc Liêu. Cường bảo sẽ dẫn đoàn tham quan cánh đồng điện gió Hòa Bình 1, tại xã Vĩnh Hậu A. Ở đây, song hành với việc sản xuất điện, Công ty điện gió Hòa Bình 1 còn tổ chức du lịch sinh thái, quảng bá hình ảnh của nhà máy điện xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Ngồi trên xe điện, theo con đường bê tông rộng 3m, trên mặt biển dài 10km, dẫn tới những trụ turbine như những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm quay trong gió. Được tận mắt chứng kiến những trụ turbine đường kính 4m, cao từ 60 tới 120m, nặng hơn 200 tấn, được làm bằng thép không rỉ; cánh quạt làm bằng nhựa đặc biệt, sải cánh từ 42 đến 75m, được trang bị hệ thống tự gập khi có bão lớn, giữa biển khơi mênh mông nước mới thấy sự kì vĩ của điện gió và sức lao động, sự sáng tạo của con người. Trở về, Cường dẫn đoàn về vườn nhãn cổ, tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành, ăn trưa. Ông Trương Kiết, chủ vườn, cho biết, ông là cháu đời thứ 3 của ông Trương Hưng, người đầu tiên mang giống nhãn này về trồng trên đất Bạc Liêu. Cả 2 giống nhãn có nguồn gốc Trung quốc đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát Bạc Liêu. Thời điểm lý tưởng để tham quan vườn nhãn cổ là vào tháng 5, nhãn đang trổ hoa, cả vườn ngập màu hoa trắng tuyệt đẹp, ong về hút mật từng đàn; còn tháng 9 là lúc thu hoạch nhãn, khách tha hồ thưởng thức vị thơm ngon của nhãn Bạc Liêu. Bữa trưa ngồi giữa vườn nhãn, ăn bánh xèo, lẩu cá kèo, uống rượu long nhãn thật thú vị. Buổi chiều, đoàn tham quan Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu. Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, phải nhắc tới cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản “Dạ cổ hoài lang” của ông. Cô hướng dẫn viên trong bộ đồ phụ nữ Tây Nam bộ, giọng ngọt thanh, giới thiệu: Khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sau được tu bổ và xây dựng thêm, đã được Bộ VH- TT & DL công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Khu lưu niệm gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời… Tại khu biểu diễn, đoàn được nghe các nghệ nhân trình diễn bài “Dạ cổ hoài lang” nói về tâm trạng người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Bài vọng cổ được ông viết khi ông và vợ phải xa cách nhau. Sau hơn 100 năm từ khi ra đời, bản tình ca bất hủ ấy đến giờ vẫn làm rung động biết bao trái tim vì nó chứa đựng tình nghĩa phu thê sâu đậm. Tiếp theo là tham quan nhà công tử Bạc Liêu, tại số 13 đường Điện Biên Phủ, Phường 3. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1919, khi “công tử Bạc Liêu” Trần Huy Trinh tròn 19 tuổi. Cha ông là Trần Trinh Trạch một trong “Tứ đại Phú hộ” nổi tiếng Sài Gòn. Công tử Bạc Liêu được cha cho đi du học Pháp, nhưng khi về chỉ biết lái máy bay, ô tô, nhảy đầm, và võ thuật. Cuộc đời công tử gắn liền với những câu chuyện về sự ăn chơi xa xỉ bậc nhất xứ Nam Kỳ. Ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, không chỉ mang vẻ đẹp của kiến trúc phương Tây mà còn là nơi lưu giữ những kỷ vật, đọng lại với thời gian những câu chuyện về văn hóa và đời sống của ông. Những vật dụng quý hiếm trong ngôi nhà, có thể kể đến bộ bàn ghế được chế tác từ gỗ xà cừ, hai chiếc giường âm dương được khắc cẩn xà cừ với những chạm trổ vô cùng tinh xảo, đồng hồ cổ, chum trà trang trí hình rồng, bình hoa quý hiếm và chiếc xe ô tô cổ. Buổi tối đoàn Yên Bái có cuộc giao lưu thân mật ấm cúng với văn nghệ sĩ Cần Thơ tại nhà hàng. Sáng sau, trước khi về Sóc Trăng, đoàn tới tham quan nhà hát Cao Văn Lầu. Công trình được thiết kế theo mô hình ba chiếc nón lá, có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối hình trụ tròn, mái hình ba chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất hơn 24m. Anh Cường cho biết, theo Kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, người được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu năm 2013, mời thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu: Nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Hình ảnh ba nón lá rất gần gũi với cư dân nông nghiệp, cả trong lao động và sinh hoạt, đồng thời còn toát lên sự dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Ba chiếc nón lá chụm lại với nhau còn là biểu tượng cho 3 dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu là Kinh, Hoa, Khmer. Bởi thế Nhà hát Cao Văn Lầu còn được gọi bằng cái tên dân giã nhưng thân thương là Nhà hát “ba nón lá".

Chia tay Bạc Liêu đoàn về Sóc Trăng. Văn nghệ sĩ Sóc Trăng cũng đã đón ở trụ sở Hội rồi dẫn đoàn đi tham quan. Điểm đến đầu tiên là Bửu Sơn Tự, còn gọi chùa Đất Sét. Chùa không nổi tiếng về kiến trúc cũng như quy mô bề thế nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam bởi gần 2.000 tượng phật lớn nhỏ, cùng với linh thú, vật thờ được tạo hình từ đất sét, chùa còn những cặp đèn cầy, những cây nhang khổng lồ. Đặc biệt nữa là, người tạo ra những hiện vật độc đáo ấy là ông Ngô Kim Tòng, một nhà sư của chùa, không học qua một trường lớp điêu khắc, hội hoạ nào mà chỉ qua chiêm nghiệm dân gian để sáng tạo. Nghe kể, khi còn nhỏ ông Tòng hay đau ốm, năm 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình đưa ông vào chùa để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc, vừa ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại. Sau đó ông đi tu và trụ trì tại Bửu Sơn tự. Trong suốt 42 năm, từ năm 1929 đến năm 1970, ông đã tạo nên những công trình điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm. Những năm cuối đời ông ngưng đắp tượng, để đúc đèn cầy dựng tại các toà chánh điện trong chùa. Ông đã đúc được 6 cây đèn cầy lớn, mỗi cây nặng 200 kg và 2 cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg. Năm 1970, khi sư Tòng viên tịch, phật tử đốt 2 cây đèn cầy nhỏ, cháy liên tục 53 năm nay còn gần 1/6 cây. Sóc Trăng quả rất nhiều ngôi chùa độc đáo. Đoàn tham quan thêm 2 ngôi chùa khác. Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong của người Khmer, tọa lạc tại phường 5, chùa được xây dựng từ năm 1785, trên diện tích 5ha. Tại chùa có nhiều cảnh quan hấp dẫn, đẹp đẽ nên không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con Khmer mà còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa. Điểm nhấn đặc biệt là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn khổng lồ có chiều dài 63m, cao 22.5m, hiện tại là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam. Sóc Trăng còn có chùa Dơi và 2 Chùa Phật Học. Đoàn chỉ đến được Chùa Phật Học 2, còn gọi là Chùa Quan Âm Linh ứng, tọa lạc tại phường 8. Đây là ngôi chùa có diện tích rộng nhất trong các ngôi chùa tại tỉnh Sóc Trăng, cũng nhiều tượng Phật, đa dạng về cảnh quan, được thiết kế công phu mang đậm dấu ấn nghệ thuật Phật giáo. Các công trình ấn tượng là thuyền Bát Nhã được xây dựng giữa hồ, có 8 vị Phật ngự giữa biển trần, cứu giúp chúng sinh; đài trứng bằng đá và tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi chiều cao 7m; tượng Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân và 100 quả trứng bằng đá sơn hồng. Đến chùa có cảm giác như đi công viên. Ngoài ra, chùa còn có Tuệ Tĩnh Đường, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo. Chùa cũng nhận nuôi các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ, mồ côi cha mẹ. Buổi chiều, trên đường trở về Cần Thơ, đoàn vào tham quan làng đan lát của đồng bào Khmer tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Chỉ bằng nguyên liệu tre, trúc, nứa, với đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, người dân Phú Tân đã tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, như: rổ, rá, thúng, xà ngom (dụng cụ dùng để bắt cá rô), xà neng (dụng cụ có nhiều chức năng như xúc lúa, bắt cá, hái rau)… và nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác. Nghề đan lát ở Phú Tân, không chỉ là một nghề truyền thống mà còn mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ.

Ngày thứ 4, đoàn đi An Giang. Đến thành phố Long Xuyên vào chào anh em Hội Liên hiệp VHNT, rồi lên thị xã Tịnh Biên, hẹn tối sẽ trở lại Long Xuyên giao lưu. Từ Long Xuyên, đoàn lên thẳng chợ Tịnh Biên. Đây là chợ đầu mối lớn giáp Campuchia nên khá nhiều hàng hóa Campuchia, Thái Lan, Lào. Từ vải vóc, quần áo, mỹ phẩm, dầu xoa đến các món ăn côn trùng như bò cạp, rắn mối, rết, nhền nhện; các loại mắm cá sặc, cá linh, cá lóc, mắm tôm, mắm ruốc; các loại khô cá đuối, cá lóc, cá tra, khô nhát. Chợ còn có nhà hàng bán nước thốt nốt được xem là ngon nhất vùng. Buổi trưa, đoàn về khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư, ăn trưa và tham quan. Phương tiện đi tham quan là xuồng ba lá chèo tay và xuồng máy. Nơi đây như một khu bảo tồn thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng và nhiều loạt loài chim nước, động vật hoang dã, quý hiếm của vùng đất Tây Nam Bộ. Các chị chèo thuyền nói: Rừng ràm Trà Sư đẹp nhất là vào mùa nước nổi. Tràm xanh hơn, những cánh bèo cám xanh phủ kín ,mặt nước cũng xanh hơn, thuyền lướt đi trên tấm thảm nhung bát ngát, chim chóc cùng các loại cò cũng về nhiều hơn, ríu rít chuyền cành. Về tới trụ sở Hội Liên hiệp VHNT An Giang, anh em đã chờ sẵn để giao lưu. Đêm ngủ lại ở An Giang thật yên lành. Sáng dậy sớm ra chụp ảnh cây cầu bắc qua sông Long Xuyên nối phường Mỹ Bình và phường Mỹ Hòa của thành phố Long Xuyên. Sông đẹp, cầu đẹp và đặc biệt là cây cầu được mang tên nhà yêu nước Nguyễn Thái Học người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Từ An Giang đoàn qua Đồng Tháp về Vĩnh Long. Vĩnh Long nằm giữa 2 nhánh sông chính của Cửu Long giang là sông Tiền và sông Hậu. Nơi đây từng có nhiều làng nghề làm gạch, ngói, gốm truyền thống dọc các bờ sông. Vào Hội Liên hiệp VHNT An Giang, chào hỏi xong, các anh chị dẫn đoàn đi tham quan làng gạch, gốm tại ấp Cái Khè, xã Mĩ Phước, huyện Mang Thít. Các làng gạch, gốm đều nằm dọc sông Mang Thít, có tuổi đời hàng trăm năm, nổi tiếng và lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã từng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Mang Thít từng được mệnh danh là “Vương quốc đỏ”. Gạch, gốm được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng, đảm bảo “chín” vừa độ để có những viên gạch đỏ au. Còn gốm Mang Thít cũng có nét độc đáo riêng, là dòng gốm không men, có màu hồng tự nhiên, pha lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương. Anh em chụp ảnh xong, còn mua những sản vật gốm làm kỷ niệm. Trưa về Hội Liên hiệp VHNT giao lưu, vui vẻ vút tầm. Chuyến đi khám phá miền Tây Nam bộ thành công ngoài mong đợi. Anh em văn nghệ sĩ ở đâu cũng nghèo nhưng cái tình thì vô cùng giàu có, đãi bạn bằng cả tấm lòng hồn hậu của người phương Nam.

Chiều trở về Cần Thơ chuẩn bị cho tổng kết, bế mạc trại, kết thúc hành trình 11 ngày khám phá Tây Đô và 4 tỉnh sông nước Tây Nam bộ. Dẫu chỉ có 11 ngày gặp gỡ, nhưng đất và người Tây Nam bộ đã để thương, để nhớ nhiều quá. Khi chia tay, người bạn Cần Thơ còn lưu luyến viết tặng câu thơ: Câu hát xa xưa đất lành chim đậu/ Cần Thơ em, ai đến chẳng muốn về /Bởi nơi này, thương lắm một miền quê/ Gạo trắng, nước trong và tấm lòng em nữa/ Trở lại đi, sao anh còn lần lữa /Cần Thơ quê em chan chứa ân tình…”. Biết nói sao? Thôi đành, cất giữ tấm lòng người Cần Thơ, miền Tây Nam bộ vào sâu thẳm lòng mình.

 

 

                                                                    N.H.L

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter