“Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái”

“Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái”

                                                              

Ký của THẾ QUYNHBottom of FormTop of FormBottom of Form

 

Tháng Tám, trời Thu xanh thắm. Đất nước tưng bừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/ 9. Trong khí thế hào hùng của dân tộc, bên tai văng vẳng lời ca khúc “Lá cờ Đảng” của nhạc sĩ Văn An:“Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái”. Tự hào lắm khi mà Đảng lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Và nhất là xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc cho nhân dân. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”. Còn ở Yên Bái, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 cũng đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Nghị quyết xác định phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020. Đây là điểm mới và đặc sắc mà Yên Bái lựa chọn trong triết lý phát triển của nhiệm kỳ 2020- 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Về tiêu chí “chỉ số hạnh phúc”, ông Đỗ Đức Duy- Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng: chỉ số hạnh phúc được đo lường, dựa trên 3 chỉ số chính đó là sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình cũng như số năm sống khoẻ. Từ 3 chỉ số chính này sẽ được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí để nâng cao các chỉ số thành phần quyết định chỉ số hạnh phúc của người dân. Như vậy, trong xác định tiêu chí “chỉ số hạnh phúc”, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã hướng đến việc nâng cao chất lượng thực chất cuộc sống của người dân vì đối tượng thụ hưởng hạnh phúc không ai khác chính là họ. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Tỉnh ủy đã Ban hành Kế hoạch số 30 về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2021 với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tập trung nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: "Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng chỉ số hạnh phúc là gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai Cuộc vận động "xây dựng gia đình hạnh phúc" là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người”. Như vậy, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập của nhân dân giữa các khu vực, vùng miền; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Do đó, năm 2021 chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 57,3% (tăng 4% so với năm 2020); trong đó tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 42,87%, tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 34,03%, tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình đạt 45,5%.

Song hành với những kết quả đạt được thì một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Yên Bái đang tập trung triển khai là xây dựng và nhân rộng các mô hình "Gia đình hạnh phúc”, "Khu dân cư hạnh phúc”, "Cơ quan, đơn vị hạnh phúc”, "Trường học hạnh phúc”. Có dịp về thôn Đồng Song ở xã vùng cao Kiên Thành, huyện Trấn Yên, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng quê: những con đường liên thôn, liên xóm được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường rực rỡ sắc hoa; những ngôi nhà xây cao tầng, kiến trúc đẹp nằm bên bạt ngàn đồi quế, rừng tre măng Bát Độ như đang phác họa một "phố làng” nơi vùng sâu vùng xa. Cách đây 5 năm thôi, thôn 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao này còn quá nhiều khó khăn, đời sống người dân ở mức thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn đến mức tổ chức sinh hoạt cộng đồng phải mượn trường học hoặc nhà dân. Diện tích tự nhiên 2.255ha nhưng vẫn luẩn quẩn trong câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để xóa đói giảm nghèo. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện, bước đầu vẫn lúng túng trong triển khai không biết làm gì trước, làm gì sau. Thế rồi, qua các chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm, lãnh đạo thôn đã xác định được những việc cần phải làm tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên trong thôn chú trọng vận động, tuyên truyền người dân phát huy lợi thế đồi rừng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế vào trồng góp phần nâng cao thu nhập. Từ cách làm đúng hướng, Đồng Song đã hình thành vùng trồng tre măng Bát Độ hơn 70 ha, hằng năm thu về hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, thôn cũng phát triển, mở rộng vùng trồng quế là loại cây trồng vốn gắn bó với đời sống người Dao. Nếu toàn xã Kiên Thành có vùng quế 2000ha thì Đồng Song trở thành thôn có diện tích quế lớn nhất với gần 700 ha, doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện chung sức đóng góp trên 8 tỷ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động để xây dựng đường giao thông liên thôn; chỉnh trang nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài ra còn tự giác tham gia trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh chung tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, chỉ trong một thời gian ngắn thôn Đồng Song đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc việc nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, thôn được UBND huyện Trấn Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2020 là nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng hoàn thiện tạo đà kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 48 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,1%, tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn đạt gần 90%, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đồng Song đã có trên 75% số hộ dân có chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường; trên 90% số tuyến đường trong thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, trồng hoa và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Vượt qua khó khăn, trở ngại để về đích nông thôn mới rồi nông thôn mới kiểu mẫu, người Dao ở thôn Đồng Song luôn mang trong mình khát vọng xây dựng một cộng đồng dân cư hạnh phúc. Với họ, cuộc sống hạnh phúc đơn giản là được ở gần gia đình, người thân; được cùng nhau lao động, phát triển kinh tế trên quê hương trong một môi trường sạch đẹp, yên bình. Còn ở cao nguyên “vùng đất gỗ khô” Mù Cang Chải, bản Trống Là (xã Hồ Bốn) được chọn xây dựng mô hình điểm “Bản hạnh phúc”. Khỏi phải nói niềm vui của đồng bào các dân tộc nơi đây. Sự phấn khởi hiện trên gương mặt, Bí thư Chi bộ- ông Giàng A Hồng thay mặt dân bản Trống Là phát biểu: “Được Huyện ủy Mù Cang Chải lựa chọn xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, đây là niềm tự hào, là động lực phấn đấu của bà con bản Trống Là nói riêng và nhân dân xã Hồ Bốn nói chung”. Với 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao nhưng bộ mặt của Trống Là đang từng ngày thay đổi. Đường sá đi lại trong bản bây giờ được cứng hóa và sạch sẽ, nhà cửa làm mới khang trang; bà con luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế. Việc xây dựng “Bản hạnh phúc” tại Trống Là sẽ góp phần làm thay đổi nếp sống, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tạo cảnh quan, môi trường, nhà ở; duy trì, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2025, bản Trống Là sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng "Bản hạnh phúc”: 100% số hộ trong bản được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% số người dân có nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu; bản có bãi đổ rác, khu vực trung tâm có thùng rác; 100% các cống rãnh trong bản được khơi thông, không đọng nước gây ô nhiễm môi trường, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh. Cũng đến năm 2025, trong bản sẽ có từ 5- 10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững, tạo thu nhập ổn định trong đó 40- 50% số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; 100% các tuyến đường nội bản được bê tông hóa, được trồng hoa hoặc cây xanh; hằng năm không để xảy ra vụ hỏa hoạn trong bản; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 12%. Đặc biệt, bản quyết tâm phấn đấu 100% số gia đình có nhà ở đảm bảo "3 cứng”, không có hộ ở nơi mất an toàn về thiên tai, mưa lũ; 100% số trẻ em được tham gia các cấp học theo độ tuổi, không có học sinh bỏ học; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi trong bản được tiêm chủng các loại vắc-xin; 100% số người già từ 60 tuổi trở lên tham gia Hội Người cao tuổi và được theo dõi sức khỏe định kỳ... Bản sẽ thành lập đội văn nghệ phục vụ các sinh hoạt cộng đồng; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; xây dựng được một địa điểm phục vụ nhân dân vui chơi,  hoạt động thể thao. Đâu chỉ Đồng Song, Trống Là, đi bất cứ đâu trên địa bàn tỉnh đều thấy mô hình xây dựng cuộc sống hạnh phúc đang góp phần làm thay đổi diện mạo phố phường, làng bản.

Xây dựng cuộc sống hạnh phúc vì con người song chính con người phải là chủ thể xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ lâu “Muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”. Nhận thức rõ điều đó nên khi đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX cũng xác định: Tập trung gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Như vậy, bên cạnh sự chăm lo của gia đình, xã hội thì vai trò giáo dục của nhà trường là vô cùng quan trọng. Thế nên tháng 1/2021 ngành Giáo dục- Đào tạo Yên Bái đã xây dựng bộ tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc” gồm 20 tiêu chí nhằm “hướng tới xây dựng môi trường giáo dục không có bạo lực học đường, học sinh được đối xử thân thiện, được phát triển tối đa năng lực, được tôn trọng; giáo viên được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến; các nhà trường tạo dựng chất lượng một cách thực chất, lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục”. Và năm học 2021- 2022, thực hiện thí điểm mô hình “Trường học hạnh phúc” tới 136/452 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Từng là thầy giáo có đến hai phần ba thời gian công tác đứng trên bục giảng, tôi tâm đắc với những phong trào của ngành Giáo dục- Đào tạo như: “Thi đua Hai tốt”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Tất cả nhằm tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh để học sinh được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trở lại mái trường xưa- Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt mà không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Những tòa nhà lớp học khang trang, phòng thực hành, nhà sinh hoạt đa năng, vườn hoa, sân chơi, bãi tập… đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại. Với truyền thống gần sáu mươi năm xây dựng và phát triển, nhà trường có bề dầy trong sự nghiệp giáo dục- đào tạo. Cũng chẳng ngạc nhiên khi giới thiệu tuyển sinh vào lớp 10 niên học 2022- 2023, trang thông tin của Nhà trường viết “Nếu các bạn hoc sinh còn băn khoăn? Chọn ngôi trường nào sẽ chắp cánh những ước mơ, ngôi trường nào sẽ giúp bạn tỏa sáng? Không cần phải lo lắng hay băn khoăn nữa vì Trường THPT Lý Thường Kiệt- thành phố Yên Bái chính là lựa chọn của bạn”. Trao đổi về hoạt động dạy và học, cô giáo Nguyễn Lê Ninh- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng “Thầy cô không chỉ là người trao truyền kiến thức cho học sinh mà đóng vai trò là người sẻ chia, ươm mầm ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi học trò để luôn hướng đến những giá trị tích cực”. Bên cạnh hoạt động chính khóa, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ như: CLB Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, STEM, CLB Sử dụng tiếng Anh… Học sinh đã vận dụng tốt bài học vào các hoạt động của câu lạc bộ và các hoạt động này cũng bổ trợ rất tốt vào quá trình tiếp thu bài học. Chính vì vậy những giờ học ở Trường THPT Lý Thường Kiệt giờ không còn bó hẹp trong sách vở. Nhờ những trang thiết bị dạy học hiện đại cùng với sự dẫn dắt của giáo viên, những lớp học xuyên biên giới, liên tỉnh được tổ chức trong nỗ lực của thầy cô giáo và hào hứng của học sinh. Thầy cô khi làm người dẫn đường, khi lại là người đứng bên cổ vũ học sinh khám phá chân trời mới. Nhiều học trò đã xem thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Cảm giác vui vẻ và hạnh phúc khi được tới trường là cảm nhận của hầu hết các em học sinh. Với Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên), phương châm "Chất lượng, hiệu quả giáo dục là mục tiêu hàng đầu; đổi mới quản lý, phương pháp dạy và học là trọng tâm; xây dựng tập thể sư phạm là biện pháp lâu bền" đã thôi thúc các thế hệ thầy và trò nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt mọi phong trào thi đua do ngành Giáo dục- Đào tạo và địa phương phát động, đặc biệt chú trọng phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt". Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường trong những năm qua tăng vượt bậc: Tỷ lệ học sinh khá giỏi hằng năm duy trì từ 55 đến 68%, học sinh đỗ vào các trường đại học chiếm tỷ lệ trên 50%. Giáo dục mũi nhọn được đầu tư và đạt hiệu quả với số học sinh đạt giải các môn văn hóa, thi giải Toán, tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh, cấp quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng, luôn đứng ở vị trí thứ hai, thứ ba trong tỉnh. Về vấn đề xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nhà giáo Nguyễn Mạnh Hà- Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc vừa kế thừa những giá trị truyền thống nhân ái cao đẹp vừa không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường tập trung vào 3 nhóm mục tiêu chính là xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; thúc đẩy cán bộ, giáo viên, học sinh chủ động, tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học; xây dựng các mối quan hệ hài hòa trong và ngoài nhà trường để thầy cô và học sinh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi đến trường”. Phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc” đã góp phần hình thành một diện mạo mới trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tại các trường chuẩn quốc gia: quy mô trường, lớp được tổ chức khoa học; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, theo hướng hiện đại; môi trường sư phạm được cải thiện, sạch đẹp, an toàn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp hợp lý; chất lượng dạy học được nâng cao, hiệu quả giáo dục vì vậy cũng được tăng cường. Các hoạt động giáo dục cơ bản chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Công tác giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc, phổ cập giáo dục đều có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao. Việc xây dựng trường học hạnh phúc ở các trường học trên địa bàn tỉnh cũng chính là để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. 

Có thể thấy, quan tâm chất lượng cuộc sống nhân dân và xác định tiêu chí “chỉ số hạnh phúc” là hướng đi đúng, hợp lý của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2020- 2025. Từ những kết quả bước đầu, tin tưởng với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới và sự đồng tâm, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, người dân Yên Bái sẽ được thụ hưởng các giá trị hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định. Và trong không khí hào hùng của những ngày Tháng Tám, lòng tôi cứ rộn lên lời ca “Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy. Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái. Còn gì đẹp hơn ! Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm. Đảng ta đó hân hoan một niềm tin…”.

T.Q

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter