Một thuở thầy trò

Bút ký của Hà Lâm Kỳ

     Ngày ấy, 15 tháng chín, năm 1961, tôi bước chân vào lớp Một trường xã-Trường phổ thông cấp 1- 2 Đại Lịch.

     Hôm nay khai trường, tôi rụt rè đi bên chị gái- chị Hà Thị Liệu, lững thững trên khoảng sân rộng thênh thênh mà hai bên có hai dãy nhà lợp lá cọ, vách nứa, bộ cột kèo bằng gỗ xoan, mỡ, khỏe và chắc. Các bạn học, lớp trên, lớp dưới, tung tăng chạy nhảy, hân hoan. Mọi người đã quen trường quen bạn nên vừa hồn nhiên, vừa chững chạc.

- Cô giáo ạ. Tôi đưa cậu em đến lớp, nhờ cô giáo dạy dỗ. Cảm ơn cô!- Chị cười tỏ ý trọng thị.

Tôi còn nhớ láng máng những lời ngắn gọn của chị khi đứng trước cửa một lớp học mái lá như thế.

Năm 1965, máy bay Mỹ ào ào dội bom xuống miền Bắc. Cả nước sơ tán, sơ tán gấp rút. Học sinh cấp hai chúng tôi rời sân trường Gò Bằng về tạm các nhà dân. Cũng từ đây, những học trò đầu tiên của nhà trường- Trường cấp 1- 2 Đại Lịch, lên đường nhập ngũ: Phạm Văn Tôn, Hoàng Văn Trọng. Tiếp ngay sau đó là Hoàng Văn Sinh, Lê Văn Đạm, Phạm Văn Ky, Đoàn Văn Thắng, Tạ Văn Kỳ. Anh Ky, anh Thắng, anh Kỳ chiến đấu, hy sinh tại các chiến trường, anh Tôn, anh Trọng, anh Sinh đều là thương binh nặng.

Giặc Mỹ ném bom hủy diệt miền Bắc, mỗi ngày tới vài lượt “Thần sấm”, “Con ma” bay trên đầu đám học trò đeo khăn quàng đỏ chúng tôi, gầm rú, gào thét. Tiếng bom, tiếng súng loạn xạ từ các khu vực Thủy điện Thác Bà, khu sân bay Yên Bái, uỳnh uỳnh, độp, độp, độp... Nhà trường quy định tạm thời không mặc áo trắng, không đi tốp đông người, đến trường phải đội mũ rơm. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh chữ rất đẹp, thầy nghe đài ngày nào cũng ghi “tin chiến thắng” lên bảng tin nơi lớp học sơ tán. Chúng tôi cũng háo hức, sáng đi sớm hơn, đến trước bảng tin túm tụm đọc nhanh rồi mới vào truy bài. Năm 1967 chiến tranh ác liệt hơn, Ty Giáo dục yêu cầu tất cả các lớp học đều phải có đường rút lui dưới lòng đất. Thế là lớp tôi, thầy và trò lại tạm nghỉ học, đào con hào theo chữ chi chữ dét (Z), chạy từ vách liếp, ra rừng, xuôi xuống khe Ao Trì. Con hào dài khoảng tám mươi mét, cứ mười mét lại có một hầm chữ a (A). Khi có tiếng kẻng báo động cấp tập (Máy bay Mỹ phát hiện mục tiêu nào đó ở Đại Lịch, quần đảo ráo riết) thì thầy trò nhanh chóng đội mũ rơm, chạy theo giao thông hào, tản vào các hầm tránh bom đạn giặc.

Sau kỳ thi sơ khảo học sinh giỏi toàn tỉnh năm 1967, tôi và Hà Đình Ngự đoạt giải, được đi thi Quốc gia (toàn miền Bắc). Kỳ thi đặt tại xã Bình Thuận đã đến, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh quyết định đèo tôi và Ngự đi thi bằng chiếc xe đạp thống nhất của thầy. Từ Đại Lịch tới Bình Thuận có đến ba mươi cây số đường đất gập ghềnh. Thầy lai Ngự, tôi đi bộ. Được một hai cây số, Ngự lại xuống đi bộ tôi trèo lên “gác ba ga”! Cứ đổi nhau như thế, từ sáng đến chiều, cũng tới nơi đặt Hội đồng thi. Gặp lại Nguyễn Tiến Thành ở Nghĩa Lộ, Hoàng Văn Hồi ở Chấn Thịnh sau kỳ ôn, tôi và Ngự vui không kể xiết.

Đề thi học sinh giỏi văn lớp bẩy toàn miền Bắc năm 1967, tôi nhớ rõ như sau: “Em hãy phân tích và chứng minh câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau đây: Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng đặc biệt thấm sâu và nảy nở trong thế hệ trẻ. Ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, lứa tuổi hai mươi là lứa tuổi kế tục sự nghiệp cách mạng một cách vững chắc, đảm bảo thắng lợi hôm nay và ngày mai của chúng ta”. Kỳ thi đó, tôi đoạt giải ba về Văn, Hà Đình Ngự, Nguyễn Tiến Thành đoạt giải ba về Toán. Phần thưởng được gửi về nhà trường, năm quyển vở kẻ ca rô, hộp bút chì mầu và chiếc ghim gọt bút chì. Tất cả là của Trung Quốc sản xuất. Trao tấm giấy chứng nhận nhỏ bằng nửa trang vở, thầy Hiệu trưởng khen ngợi, thầy cười: Giặc Mỹ ném bom, ta sơ tán, vẫn học giỏi, thế là ta thắng Mỹ rồi!

Chúng tôi tốt nghiệp phổ thông cấp hai. Thầy Phạm Văn Dị dạy toán hai năm (lớp 5 và 6) gọi tôi lại:

- Em Kỳ này. Chia tay, thầy tặng em lời bài hát phỏng theo bản nhạc “Là là mí mí rê” nhé.

- Vâng ạ.

Thầy hát theo nhịp:

- “Khe Mơ (quê thầy) với Khe Liền (quê tôi), cách có thôn Lường bao xa. Thế nhưng trên đường cách mạng, có ngày thầy trò xa nhau... Kỳ còn có nhớ chăng, ba năm sống bên thầy, nay đã tới ngày chia ly... Chúc Kỳ khôn lớn hơn, đi trên mỗi bước đường...”.

Cứ thế, thầy Dị hát đi hát lại. Tôi như khó thở, có bạn gái chùi nước mắt. Rồi thầy ngừng, gấp tờ giấy bài hát đưa cho tôi. Thầy trò cùng lặng đi, các bạn quây quanh cũng lặng đi. Không ai nói được câu nào. Chiều đó, thấy tôi không ăn cơm, mẹ lo ốm nên gặng hỏi. Tôi bộc bạch- Con nhớ bạn! Mẹ động viên - Con chịu khó học, sẽ lại gặp nhiều bạn tốt. Rạc mạy tảu, rạc cân ri (rễ cây ngắn, rễ người dài). Đừng lo.

Năm đó 1968 Đại Lịch chỉ năm chúng tôi vào học cấp ba: Tôi, Hà Đình Ngự, Hoàng Văn Xuyên, Nguyễn Thị Ngọc và Bùi Chi Lăng. Trường phổ thông cấp ba Nghĩa Lộ sơ tán về Ao Bon, rồi chuyển sâu vào Khe Diễn xã Chấn Thịnh. Thầy trò bắt đầu chặt gỗ, chặt nứa, dựng lớp học và đào hầm hào tránh bom Mỹ. Các thầy Nguyễn Văn Bào (Hiệu trưởng), Nguyễn Hữu Thảo, Trần Quang Khang, Phạm Viết Thành, Nguyễn Xuân Chiêm, Lê Tuấn, Nguyễn Trọng Quế, Nguyễn Văn Kinh và cô Hoàng Quang Thiệu, buổi đầu lăn lộn cùng các học trò tự tay ngả cây, bổ tre, dóc phá (mảnh nứa để đan liếp, lợp mái). Chỉ một tháng, các lớp học, các nhà nội trú (ký túc), rồi cả hội trường nữa... được hình thành. Tháng 10 năm 1968 toàn trường khai giảng.

Đêm ba mươi tháng tám (30/8) tôi ngủ cùng Xuyên. Sáng hôm sau dậy, kể cho Xuyên nghe giấc mơ kỳ lạ: Một tiếng nổ vang như sấm, rồi tấm ảnh Bác Hồ ở Hội trường bị gió cuốn bay lên trời. Xuyên bảo - Mày cắt ảnh Bác Hồ dán báo tường nên nằm mơ đấy thôi!. Tôi nghĩ, có lẽ thế. Sáng ngày bốn tháng chín (04/9) thầy Nguyễn Xuân Chiêm xuống ký túc nữ. Thầy hỏi:

- Em nào có vải đen chưa dùng không?

Vũ Thị Đông lớp phó 9B nhanh nhảu:

- Em có một mảnh khăn đen còn mới ạ.

- Cho thầy xin.

- Vâng!- Đông lấy, đưa cho thầy Chiêm.

Học trò xì xào:

- Có chuyện gì, có chuyện gì mà thầy hỏi vải đen?!

Một giờ chiều, toàn trường tập trung dưới cột cờ. Lạ quá, lá cờ đỏ sao vàng có gắn dải vải đen. Đây đó có tiếng học trò.

 - Hình như Bác Hồ mất rồi?

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bào bước lên. Giọng thầy buồn rầu nói chậm rãi qua chiếc loa cầm tay:

- Các thầy, các cô, và các em. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từ trần...

Bỗng cả sân trường òa lên tiếng khóc. Các thầy cô giáo đứng ở hàng ghế băng lau nước mắt.

Cả chiều hôm đó, trường tôi như chao đảo. Thầy Hiệu trưởng cho đưa chiếc đài sang Hội trường. Hội trường đông kín học sinh. Tiếng khóc, tiếng nấc, xen vào tiếng phát thanh viên trầm buồn từ trên chiếc đài xiêng mao nhỏ bé. Năm ngày sau, nhà trường làm lễ truy điệu Bác, thầy Hiệu trưởng đọc thông báo của Trung ương và Tiểu sử của Bác Hồ, Hoàng Văn Xuyên được cử đọc bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu ngay dưới chân cột cờ, lá cờ, cuốn giải băng đen. “Xuyên ơi, mày vinh dự quá.”. Tôi thầm nhủ mà nước mắt ứa ra.

Tháng 3 năm 1970 Trường làm lễ đón nhận Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên được vinh dự mang tên Bác với lời hứa danh dự “Sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Thầy Đỗ Lan Đình- Bí thư Đoàn trường dẫn đầu những đoàn viên ưu tú vào Ba Khe dự lễ phát động tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ do Huyện đoàn Văn Chấn tổ chức. Những cây lát hoa đầu tiên được trồng dọc ven đường quốc lộ, có mười gốc lát của thầy và trò Đoàn thanh niên Trường phổ thông cấp ba Nghĩa Lộ. Đầu tháng 6 năm ấy (1970) khối lớp 10 chúng tôi được dự buổi tiễn đưa những học sinh đầu tiên của trường lên đường nhập ngũ: Lò Văn Quảng, Lê Anh Tuấn. Thầy Hàn Chính Quang- Bí thư Chi bộ nhà trường đứng dưới cờ giao nhiệm vụ, giọng quê Bình Định của thầy, rắn rỏi mà gây xúc động mạnh:

- Đi đi các em! Đi đi các em! Đồng bào miền Nam đang chờ đợi các em!

Tốt nghiệp cấp ba rồi đây. Tạm biệt các thầy cô. Tạm biệt bạn học trò. Ba năm học, mấy lần sơ tán, và những sự kiện trong trường gieo vào lòng lứa tuổi mười bẩy. Chúng tôi làm sao quên nổi?

Tôi vào khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, thầy Vi Hồng làm chủ nhiệm lớp. Rồi nhập ngũ. Năm học đó 1971- 1972, tổng động viên, các trường Đại học “đóng cửa”. Cứ mười sinh viên thì có một giảng viên khoác áo lính, huấn luyện một hai tháng rồi ra thẳng các mặt trận (A, B, C, Đ- Bắc, Nam, Lào, Cam Pu chia). Tôi không cùng các bạn sinh viên khoa Văn, cấp trên chọn đi học y tá Quân y tại Sư đoàn 304B đóng ở Phú Bình. Thời gian rỗi rãi, lại mượn xe đạp, đạp về trường thăm các thầy cô, thăm lớp. Không thể tả xiết tình cảm thầy trò “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” tại mảnh đất Thái Nguyên. Sau một trận B52 rải thảm khu vực cầu Gia Bẩy, tôi và Đạo chạy về trường. Trường vắng tanh, các thầy cô sơ tán cùng gia đình, chỉ còn đội tự vệ phòng không làm nhiệm vụ. Các bạn sinh viên thì phục vụ chiến đấu hoặc giúp dân thu dọn sau những trận bom đạn Mỹ. Rồi tôi cùng Võ Xuân Hiếu nhận lệnh về nhập quân Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246 đóng ở Đại Từ và đi B. Đêm đó anh trai Hà Văn Định, Trưởng khoa Mác Lê Nin của trường, cùng chị Trần Nguyệt Nga kịp đến, đưa tiễn đứa em vào Nam chiến đấu. Không còn cơ hội gặp thầy Vi Hồng, thầy Lò An Bình, thầy Nguyễn Minh Thuyết, Cô Kim Giao- những thầy cô Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc mà tôi rất quý mến.

Diễm phúc hơn nhiều sinh viên nhập ngũ những năm tổng động viên (1971-1975). Sau 5 năm ở chiến trường Tây Nguyên, tôi và một số bạn bè còn được trở về trường xưa, học tiếp. Gặp lại thầy cô, vui buồn lẫn lộn. Còn bao nhiêu thầy trò đồng ngũ mãi mãi nằm lại các chiến trường trên mảnh đất Đông Dương trong đó có Lê Anh Tuấn, Phạm Văn Ky, Hà Văn Bắc…

Thầy Vi Hồng đã là Nhà văn Việt Nam. Ngẫu nhiên, lại làm chủ nhiệm lớp Văn tôi về học. Tôi mê cuốn sách “Si lượn, dân ca trữ tình Tày- Nùng”, và thích thú truyện ngắn “Cọn nước eng Nhàn” đoạt giải cuộc thi Báo Văn nghệ của thầy. Tôi học đòi thầy viết truyện và sưu tầm văn hóa dân gian. Thầy nâng đỡ tôi hết sức tận tình, trách nhiệm. Ngày ra trường, thầy động viên khích lệ tôi theo nghiệp văn chương, nhưng lại lắc đầu “Tôi chưa tin Kỳ trở thành nhà văn!”, những lá thư gửi tôi các năm sau, thầy vẫn nhắc lại câu nói đó. Năm 1996, sau mười lăm năm, gặp lại thầy Vi Hồng tại Hội nghị Nhà văn Việt Nam, thầy chúc mừng tôi đã trở thành hội viên, tôi khép nép tự tôn vinh thầy là người dẫn dắt. Thầy vỗ vai bảo: Trong văn chương, không có thầy và trò. Bạn đọc mới là thầy của người viết. Tôi lặng yên thấm thía lời thầy- Nhà văn Tày Vi Hồng. Tôi lấy bút danh “Vi Hà”, ghép họ của thầy và họ của tôi cũng từ đây.

Ngoài nhà văn Vi Hồng, người thầy với cả hai nghĩa, tôi mang ơn nhà thơ Nông Quốc Chấn- người giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn, với ông, tôi có nhiều kỷ niệm sâu nặng. Mang ơn nhà thơ Phạm Hổ, thầy chủ nhiệm lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ các năm 1990, 1993, 1995 mà tôi là học viên; nhà văn Nguyễn Quỳnh, Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, người giúp sửa chữa và cho in, tái bản nhiều lần cuốn sách đầu tay của tôi- truyện dài Kỷ vật cuối cùng, để rồi tác phẩm nhiều lần đoạt giải danh giá của Hội Nhà văn, của tỉnh Yên Bái. Và tôi cũng hàm ơn nhà văn Ma Văn Kháng (Đinh Trọng Đoàn) từ ngày ông còn là thầy giáo dạy văn ở Lao Cai, đến hôm nay, cùng với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông vẫn là nhà văn dầy công nâng đỡ nhiều lớp học trò văn chương dân tộc, miền núi.

Xin ơn nghĩa thầy cô, từ buổi đi lớp vỡ lòng, cho đến nay, tóc sương, 65 năm có lẻ.

Ngày xuân, xin được đặt bông hoa dó thơm- loại hoa thờ của người Tày quê tôi- bên di ảnh thầy Nguyễn Minh, thầy Phạm Văn Dị, thầy Nguyễn Trọng Quế thân yêu. Và đặt bông cúc vàng đại đóa bên tấm chân dung, tưởng nhớ nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyễn Quỳnh yêu kính.

Một thuở thầy trò. Càng nghĩ, lại càng cảm xúc. Càng dọc ký ức, càng thấy mình bé bỏng mà nhà trường là một không gian và các thầy các cô là những vì sao lấp lánh trong không gian vô tận ấy.

 

                                                                                                     H.L.K

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter