Yên Bái trong cuộc chiến chống kẻ thù mang tên COVID- 19

Nguyễn Thị Tâm

 

Suốt 17 tháng qua, khắp nơi trên thế giới đã và đang tiếp tục phải gồng mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID- 19. Với số người nhiễm bệnh ngày càng gia tăng khủng khiếp, tính đến ngày 24/5/2021, số người nhiễm COVID đã lên tới gần 168 triệu người, trong đó có gần 3,5 triệu người đã tử vong. Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình mang tên COVID- 19, một cuộc chiến không hề có tiếng súng, nhưng lại gây biết bao tổn thất, đau thương cho toàn nhân loại, Việt Nam cũng đã trải qua 4 đợt bùng phát và số người nhiễm bệnh tại cùng thời điểm đã có tới 5.404 người. Là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát hiện ca dương tính trong đợt bùng phát thứ tư này, song với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng chống dịch của cả hệ thống chính trị cùng người dân trong toàn tỉnh, sau tròn một tháng (từ 27/4- 27/5), ngoài một ca duy nhất lây chéo trong khu cách ly, Yên Bái chưa có bất cứ ca F0 nào khởi phát hoặc lây nhiễm trong cộng đồng và tất cả các trường hợp là F1, F2 đều có kết quả xét nghiệm âm tính…

Quyết liệt chỉ đạo, giành thế chủ động trong cuộc chiến chống đại dịch.

Tôi may mắn gặp được Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân- Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 tỉnh khi Yên Bái đã có lại được chút bình yên sau những ngày căng mình chống dịch. Nói là bình yên nhưng dù đã cuối giờ chiều mà không khí làm việc tại các phòng, ban của Sở Y tế vẫn không hề bớt phần căng thẳng. Nhìn vị nữ Giám đốc có vóc người nhỏ bé vẫn đang miệt mài bên bàn làm việc tôi hiểu, dù Yên Bái đã tạm thời làm chủ được tình hình, song với diễn biến của dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì những người cán bộ lãnh đạo như chị chưa thể cho phép bản thân được thả lỏng, nghỉ ngơi. Bởi không có nhiều thời gian dành cho tôi nên ngay khi rời bàn làm việc, chị Vân tranh thủ cung cấp cho tôi những thông tin tôi cần. Chị cho biết, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh ở trong nước, xác định nguy cơ lây lan, xuất hiện dịch bệnh tại tỉnh là rất lớn nên UBND tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết, sẵn sàng ứng phó, đáp ứng từng cấp độ và mọi tình huống của dịch bệnh. Dù dịch bệnh còn chưa chính thức xâm nhập vào địa bàn, song các kế hoạch đã ra liên tục được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Cùng với sự sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành thường trực 24/24h thì mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cả về tinh thần, nhân lực và vật lực để chống dịch như cơ sở điều trị, khu vực cách ly, máy móc thiết bị, vật tư y tế, công tác thông tin tuyên truyền, điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, xử lý ổ dịch, phong tỏa vùng dân cư, khởi động bệnh viện dã chiến khi cần..., và thậm chí ngay cả việc xử lý khi có bệnh nhân tử vong do COVID- 19 cũng được chuẩn bị. Là tỉnh miền núi, dẫu điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, nhất là nguồn lực con người, song với quyết tâm siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, Yên Bái vẫn sẵn sàng thu dung, điều trị được ít nhất 21 bệnh nhân nặng tại các cơ sở y tế của tỉnh; 129 bệnh nhân nhẹ tại 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 08 trung tâm y tế tuyến huyện, nếu số bệnh nhân tiếp tục tăng thì huy động bổ sung nhân lực, phương tiện đáp ứng khả năng điều trị thêm đến 15 bệnh nhân nặng, 108 bệnh nhân nhẹ; bệnh viện dã chiến (khởi động khi cần thiết) đáp ứng khả năng điều trị tối đa 04 bệnh nhân nặng, 250 bệnh nhân bệnh nhân nhẹ; các khu cách ly tuyến tỉnh, tuyến huyện đảm bảo cách ly được 1.700 người; công tác xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm vi rút COVID- 19 nhanh chóng, chính xác, đảm bảo năng lực xét nghiệm toàn tỉnh đạt tối đa 60 đến 90 mẫu/ngày... Từ Kế hoạch số 16, Kế hoạch số 70, Kế hoạch số 81... cho đến các Kế hoạch ứng phó với từng tình huống của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID- 19 tỉnh, tất cả các nhiệm vụ công tác đã được phân công rõ ràng, cụ thể và hơn bao giờ hết, người đứng đầu chính là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Công việc chăm sóc các trường hợp F1 của cán bộ y tế trong khu cách ly tập trung tại Khu Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh

 

Hơn một năm kể từ khi xuất hiện đại dịch, ngày 18/4/2021 COVID- 19 đã chính thức xâm nhập Yên Bái khi một chuyên gia Ấn Độ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Sự xuất hiện của ca bệnh đầu tiên như một tiếng súng báo hiệu Yên Bái đã chính thức bước vào cuộc chiến chung của đất nước và toàn nhân loại. Bởi kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân, tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, luôn trong tinh thần trực chiến, sẵn sàng chiến đấu nên Yên Bái không hề bất ngờ với ca bệnh đầu tiên và lần lượt 3 ca bệnh là thành viên trong đoàn chuyên gia. Cho tới khi một nhân viên của khách sạn Như Nguyệt 2- nơi được chưng tập làm điểm cách ly cho các đoàn chuyên gia nước ngoài ngay sau khi nhập cảnh bị lây chéo, rồi tiếp đó là ca dương tính được phát hiện từ một thành viên trong đoàn chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly, họ đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh đã xuất hiện chùm ca bệnh ngay sau đó, lúc này toàn bộ hệ thống từ lãnh đạo cho tới từng cán bộ, nhân viên đã không khỏi bất ngờ và lúng túng. Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo và bản thân mỗi cá nhân thành viên trong Ban chỉ đạo cũng như các cán bộ trong từng ngành liên quan đã phải tự kiểm điểm lại bản thân, đồng thời rà soát lại xem đã sai ở bước nào. Cuối cùng, như mọi người đều biết, đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố đã phải nhận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” do có vi phạm khuyết điểm trong việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài tại thành phố Yên Bái.

Nghe chị Vân chia sẻ thêm về trường hợp dương tính của đoàn chuyên gia Trung Quốc, nhìn ánh mắt trầm buồn của chị tôi hiểu, dù chuyện đã qua đi và lỗi không hoàn toàn do các chị nhưng chị vẫn chưa thôi day dứt. Ngày đó, khi đoàn chuyên gia Trung Quốc hoàn thành 14 ngày cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, họ đã thông báo lịch trình rằng sẽ đến làm việc tại thị xã Nghĩa Lộ. Theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế thành phố đã liên lạc với Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ thông báo, bàn giao để đơn vị tiếp nhận và kịp thời quản lý y tế ngay khi đoàn đến nơi. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi thành phố, đoàn chuyên gia này đã không di chuyển theo đúng lịch trình đăng ký mà tự ý rời khỏi địa bàn tỉnh, di chuyển đi nhiều nơi như như thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; huyện Phong Thổ, Tân Uyên- tỉnh Lai Châu; xã Gia Hội, huyện Văn Chấn và 2 ngày sau mới về khách sạn Bảo Yến (nơi mà lẽ ra họ phải có mặt ngay sau khi rời khỏi điểm cách ly). Trong thời gian này, đích thân chị Vân cùng các anh chị em cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải đã dùng mọi cách thức liên lạc để truy tìm. Ngày 29/4, sau khi đoàn chuyên gia đã xuất cảnh về nước, một trong số 5 người trong đoàn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID- 19. Lập tức, tỉnh đã phải dốc toàn lực để khoanh vùng những nơi họ đã đến, đi qua và truy vết tất cả những người đã tiếp xúc với đoàn, đồng thời thông báo tới những tỉnh, thành họ từng đến để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch. Trong diễn biến phức tạp chung của dịch bệnh trong cả nước, liên tiếp những ngày sau đó, Yên Bái còn có F0 là người Vĩnh Phúc về dự đám cưới ở huyện Trấn Yên và 01 trường hợp F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương II đã về thành phố trong dịp nghỉ lễ 30/4- 01/5. Lúc này, Yên Bái từ thế phòng ngự là chủ yếu đã chuyển sang trạng thái kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Trong đó lấy tấn công, bao vây, ngăn chặn là chủ yếu và quan trọng nhất. Tất cả các phương án phòng, chống dịch; các đội phản ứng nhanh, đội truy vết, đội phun khử khuẩn, đội tuyên truyền; các khu cách ly, các lực lượng Công an, Quân đội, các chốt kiểm dịch y tế liên ngành đều được kích hoạt, khởi động. Những nơi liên quan đến các ca bệnh F0 như Khu dân cư thuộc đường Ao Sen, khu vực nhà nghỉ Hoa Tây Bắc tại thị xã Nghĩa Lộ; thôn 3B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên đều được phong tỏa chặt chẽ. Các biện pháp cấp bách theo nội dung của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng được áp dụng với nhiều điểm thuộc huyện Văn Chấn, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Các sự kiện, hoạt động tập trung đông người được hạn chế. 1.364 tổ công tác tự quản phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 tại các thôn, bản, tổ dân phố hoạt động trở lại, thực hiện việc tuyên truyền, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, nắm chắc tình hình từng nhà, từng người, người đi, đến địa bàn và lịch sử di chuyển của họ. Sở Y tế tổng hợp số liệu, tình hình được gửi về từ các sở, ngành, địa phương, đơn vị để kịp thời cập nhật báo cáo theo giờ, theo ngày. Kể từ 0h00 ngày 3/5, thành phố Yên Bái chính thức thực hiện giãn cách xã hội tại các khu vực công cộng. Sau các quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học online tại nhà từ ngày 3/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã lập kế hoạch kịp thời ứng phó với 10 nội dung, 5 tình huống cụ thể nhằm tổ chức tốt việc học tập, kiểm tra và kết thúc năm học thành công...

Bằng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, những lúng túng ban đầu qua đi, tinh thần quyết chiến quyết thắng sớm quay trở lại và Yên Bái nhanh chóng lấy lại thế chủ động trong cuộc chiến chống đại dịch này. Tính từ thời điểm bùng phát dịch đến hết ngày 21/5, ngoài 5 ca dương tính ban đầu, Yên Bái chưa có trường hợp nào mắc COVID- 19 tại cộng đồng. Toàn tỉnh đã truy vết, xác định được 246 F1, 1.991 F2 có liên quan đến các bệnh nhân dương tính; 785 trường hợp liên quan đến các địa điểm theo thông báo khẩn của cơ quan chức năng và lọt từ vùng phong tỏa về địa phương; Tổng số đã thực hiện 26.264 mẫu giám sát dịch tễ thì chỉ có 5 trên tổng số đó có kết quả dương tính với SARS- CoV-2, còn lại đều cho kết quả âm tính và 232/246 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần 4. Hiện tại, còn 263 người đang được cách ly, chăm sóc sức khỏe, y tế tại 8 điểm cách ly tập trung tuyến tỉnh và huyện; 1.273/13.650 trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà và 5.358/21.742 trường hợp theo dõi sức khỏe tại nhà. Tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành, mỗi ngày bình quân có từ 4 đến 5 nghìn người thực hiện khai báo y tế; tỷ lệ khai báo y tế toàn dân đạt 97,7% và tới thời điểm này toàn tỉnh đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID cho 5.443 người.

Đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm chống dịch.

Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, có thể nói, một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Yên Bái chính là tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sự triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và đặc biệt là tinh thần sẵn sàng chia sẻ, cống hiến, hy sinh của các lực lượng trong toàn xã hội.

Nói đến tinh thần sẵn sàng chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ trong cuộc chiến chống “giặc dịch” này, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng căng mình chống dịch đến kiệt sức đang là chủ đề nóng trên khắp các mặt báo, các trang mạng xã hội, và ngay lúc này tôi lại nhớ đến đôi mắt rưng lệ của nữ Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân khi chị kể cho tôi nghe về những anh chị em nhân viên trong ngành của mình. Nhận thức vai trò nòng cốt tham mưu và tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID- 19, tất cả các cán bộ ngành Y tế từ bác sĩ, y sĩ hay điều dưỡng; lãnh đạo hay nhân viên; bệnh viện hay dự phòng; trung tâm y tế hay trạm y tế xã đều làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Không chỉ trong đợt dịch này, chuyện những cán bộ y tế vượt núi, băng rừng trong đêm để đến giám sát, thu thập thông tin, truy vết thần tốc, lấy mẫu bệnh phẩm của những trường hợp đi từ vùng dịch về, của những đối tượng có tiếp xúc liên quan với người bệnh dương tính, của những khách nước ngoài ở vùng đang có dịch đến địa bàn tỉnh; hay những cán bộ kỹ thuật thực hiện xét nghiệm trong phòng áp lực âm nhiều giờ đồng hồ, thường xuyên làm việc qua đêm để có được kết quả xét nghiệm nhanh nhất, sớm nhất, kể cả vào lúc nửa đêm hay tờ mờ sáng; hay các y bác sĩ làm việc tại các phòng điều trị, các khu cách ly luôn tận tình trong điều trị, chăm sóc, phục vụ cho bệnh nhân, kể cả bệnh nhân người nước ngoài… Trong số những người mà chị nhắc tới, tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về một điều dưỡng viên khoa Nội Tổng hợp, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung cho người nước ngoài tại khách sạn Như Nguyệt 2. Là một chàng trai trẻ, Lê Ái Quốc luôn là người xung phong lên tuyến đầu trong tất cả mọi cuộc chiến của ngành và nhiệm vụ lần này cũng là Quốc đã xung phong. Khi 4 thành viên trong đoàn chuyên gia Ấn Độ rồi đến ông Quyền- nhân viên khách sạn chính thức có kết quả xét nghiệm dương tính, bởi tình huống bất ngờ không thể đưa thêm người vào phụ giúp nên tất cả công việc trong khu cách ly, từ chăm sóc đưa cơm, phục vụ sinh hoạt hàng ngày đến đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, tư vấn, truyền thông cho người được cách ly rồi phun khử khuẩn, làm các giấy tờ liên quan, thu gom rác thải, kiểm kê, báo cáo… chỉ còn lại mình Quốc đảm đương. Vì lo cho Quốc phải chiến đấu một mình trong khu cách ly nhiều ngày sẽ khiến em kiệt sức nên đã năm lần bảy lượt chị Vân nhắn bảo em về nghỉ, để chị cho người khác vào thay nhưng Quốc kiên quyết từ chối. Quốc chưa có gia đình riêng. Em bảo với chị rằng, dù ở trong đó một mình có hơi buồn một chút nhưng em đã quen việc nên không thấy mình vất vả. Em biết rằng ở ngoài kia, đồng nghiệp của mình cũng đang căng mình dập dịch, so với em họ còn vất vả hơn nhiều. Em còn bảo với chị rằng em biết rõ trong đợt dịch này, tất cả đồng nghiệp của mình đều phải xung trận, trong đó vất vả nhất là các chị em phụ nữ. Vì vậy, khi em hoàn thành nhiệm vụ này trở về, nếu không phải thực hiện cách ly thêm thì em sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ vào các khu cách ly khác để thay cho đồng nghiệp nữ được về. Cùng đồng cảm với sự xúc động của chị Vân khi chị kể cho tôi nghe về Quốc, những ngày sau này, vì Quốc phải cách ly sau khi trở về nên dù muốn gặp em tôi cũng không thực hiện được. Sau khi trò chuyện với Quốc qua điện thoại, tôi có dạo qua trang facebook cá nhân của em và những điều tôi cảm nhận được còn thú vị và cảm động hơn cả những gì tôi được nghe về em trước đó. Nhìn bề ngoài, Quốc là chàng trai có vóc người bé nhỏ, yếu ớt khiến tôi không thể hình dung em lại có một tâm hồn mạnh mẽ và tràn đầy nhiệt huyết đến thế. Suốt 21 ngày cận kề, đối mặt với hiểm nguy lây lan của dịch bệnh nhưng dường như không một phút giây nào em lo sợ. Hàng ngày, sau khi hoàn thành số lượng công việc mà lẽ ra dành cho 2,3 người đó, em lại lên mạng tra cứu thông tin rồi tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn bằng những vần thơ phơi phới niềm tin, lạc quan và đầy trách nhiệm: “Những ngày ú òa vang liên tục/ Tiếng còi vang xa xé nỗi lòng/ Tin cảnh báo dịch dồn không ngớt/ Chính quyền nhắc nhở luôn đề phòng/ Khẩu trang khử khuẩn không tụ tập/ Khoảng cách, khai báo nhớ nghe không/ Đồng tâm toàn dân cùng chống dịch/ Hiệp lực thắng dịch sớm thành công”.

Cùng với ngành Y tế, các chiến sĩ trong ngành Công an, Quân đội cũng luôn là lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn là duy trì, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thì trong cuộc chiến này, ngành Công an cũng là một trong những lực lượng xung kích trong việc huy động, bố trí lực lượng tham gia các chốt kiểm dịch, tham gia truy vết các đối tượng liên quan đến các ca dương tính, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly, các khu giãn cách xã hội, khu phong tỏa của tỉnh. Quân số ít, khối lượng công việc nhiều, khi đợt dịch này bùng phát cũng là thời điểm ngành Công an bước vào đợt cao điểm thực hiện cấp thẻ căn cước công dân. Vậy là, lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cơ sở thường xuyên phải huy động tối đa nhân lực, trực 100% để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ khi đất nước bước vào cuộc chiến chống giặc dịch, đã có không ít những câu chuyện xúc động về ý chí, nghị lực và sự hy sinh của các tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân điển hình trong công tác phòng, chống dịch. Họ là những người nằm đất để nhường giường cho đồng bào, bạn bè quốc tế ở khu cách ly; là những cán bộ, chiến sĩ biên phòng ăn mì tôm, lương khô, dựng lều bạt nơi rừng sâu để kiểm soát ngăn chặn những kẻ vượt biên trái phép; là những chiến sĩ nuôi quân, nuôi dân, mình đẫm mồ hôi để lo từng bữa ăn cho người cách ly; là hàng ngàn bác sĩ quân y trong các cơ sở điều trị; hay câu chuyện về những đám cưới đã được họ hàng đôi bên chuẩn bị vẫn phải hoãn lại để nhận nhiệm vụ... Trong đợt dịch này, Yên Bái có hơn 1.000 lượt người thuộc đối tượng cách ly tập trung, điều này đồng nghĩa với việc lực lượng quân đội ngoài các nhiệm vụ phải tổ chức tiếp nhận, cách ly, đảm bảo ăn nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho bằng ấy con người trong suốt thời gian 21 ngày cách ly.

Tuy không phải là lực lượng xung kích ở tuyến đầu nhưng mỗi ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cán bộ đều là một pháo đài, một hậu phương vững chắc trong trận chiến này. Khi dịch bệnh còn chưa chính thức xâm nhập địa phương thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức đứng ra kêu gọi chung tay ủng hộ, tương trợ đồng bào ở các tỉnh bạn. Còn khi Yên Bái chính thức bước vào cuộc chiến, mỗi ngành, mỗi tổ chức đoàn thể lại cùng phối hợp ăn ý, nhịp nhàng để cùng chung sức chống dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động phòng dịch và hỗ trợ tuyến đầu chống dịch đã trở nên sôi nổi, rầm rộ ở mọi nơi. Nhiều tổ chức, địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như hoạt động tuyên truyền của Đoàn Thanh niên và cán bộ viên chức ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; phong trào may khẩu trang, may mũ chống giọt bắn của Hội Phụ nữ các cấp; tuyên truyền, giám sát, hỗ trợ truy vết, khai báo y tế qua các nhóm mạng xã hội như zalo, facebook rồi kêu gọi, tổ chức quyên góp vật chất, các nhu yếu phẩm thiết yếu từ quả trứng, cân gạo, mớ rau, nước uống, khẩu trang... để trao tận tay những người đang ở tuyến đầu chống dịch, thậm chí là cả việc xung phong vào các khu cách ly tập trung để hỗ trợ các chiến sĩ nấu cơm cho người phải cách ly... Trước đây, Yên Bái đã từng được bạn bè trên cả nước ấn tượng bởi hình ảnh những cán bộ phụ nữ Mông vùng cao với chiếc loa tự chế trên tay, đi bộ đến từng ngõ, từng nhà tuyên truyền cho bà con hiểu, nắm bắt thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh, rồi lại tận tay đeo khẩu trang cho bà con, thì lần này người ta lại thêm một lần ấn tượng bởi hình ảnh những cán bộ vùng cao mình đẫm mồ hôi, trên những chiếc xe với rất nhiều loa phóng thanh được chằng buộc xung quanh. Với mục tiêu đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền thật sâu, thật kỹ và thật đầy đủ đến tất cả người dân trên địa bàn toàn tỉnh về tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như các cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mà các “tuyên truyền viên” tức thời của tất cả các địa phương trong tỉnh đã không quản ngày đêm, mưa nắng đi tuyên truyền. Từ xe máy, xe công nông cho đến xe chở vật tư nông nghiệp… miễn sao có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách của thôn bản, ngõ xóm thì đều được trưng dụng để làm xe tuyên truyền lưu động. Ở những xã vùng cao, vùng xa của tỉnh, bởi địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, nhiều cán bộ phải chằng đến 4, 5 chiếc loa to xung quanh xe để không bỏ sót một người nào, cho dù cả ngày phải chịu áp lực bởi một dàn loa với công suất âm thanh rất lớn. Suốt cả tháng nay, từ các con phố đến khắp các nẻo đường thôn quê, những chiếc xe ấy vẫn ngày ngày miệt mài trên đường với công việc tuyên truyền của mình. Âm thanh từ những chiếc loa tuyên truyền vang lên mỗi ngày không chỉ định hướng thông tin, cung cấp cho người dân những kiến thức phòng bệnh hiệu quả mà còn như một lời nhắc nhở cho mỗi người dân phải luôn nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho cộng đồng, cho gia đình và cho chính mình.

Mỗi người dân là một chiến sĩ

Thực tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID- 19 của đất nước ta đã chứng minh ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID- 19 tích cực và hiệu quả. Với Yên Bái cũng vậy. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã từng khẳng định rằng “ý thức người dân chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Yên Bái có được trạng thái như hiện tại”. Và giờ, trong cuộc trò chuyện với chị Lê Thị Hồng Vân tôi lại được nghe chị nhắc lại lời khẳng định đó. Chị Vân chia sẻ rằng, mặc dù đâu đó vẫn còn có những người chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong phòng, chống dịch bệnh, song đó chỉ là con số nhỏ. Sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cùng hiệu quả của công tác tuyên truyền đã giúp cho người dân nhận thức được ý thức và trách nhiệm của mình trước cộng đồng. Một dẫn chứng điển hình về ý thức của nhân dân chính là câu chuyện về thôn 3B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Mặc dù mãi tới 17h ngày 3/5, Bộ Y tế mới phát đi thông báo chính thức trường hợp một vị khách có mặt tại đám cưới của gia đình ông Nguyễn Đức Ngự đã trở thành F0 (bệnh nhân 2977), nhưng ngay khi nhận được thông tin vị khách đó là F1 của nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc), người dân trong thôn đã chủ động cấp báo với chính quyền và tự nguyện thực hiện cách ly ngay từ ngày 2/5. Riêng ông Ngự đã chủ động thông báo cho tất cả các vị khách mời, đồng thời tự mình đăng thông báo cùng lời xin lỗi lên trang facebook cá nhân của mình.

Khi lệnh dãn cách của thành phố được đưa ra, dù chỉ là tuyên truyền, vận động chứ chưa áp dụng bắt buộc nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện, phố phường đã trở nên vắng vẻ hơn. Những tụ điểm vui chơi, các cửa hàng, nhất là các quán ăn, nhà hàng, nơi thì nghỉ bán, nơi thì mở cửa một phần và treo biển “Chỉ bán cho người mang về”. Trên đường, người ta nhắc nhở nhau đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Ở những nơi đông người như công sở, bệnh viện hay ở chợ, người dân chủ động rửa tay sát khuẩn, giữ gìn vệ sinh. Ở các gia đình, xóm phố, người dân chủ động khai báo y tế, nhắc nhau tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các gia đình hễ có người dù chỉ từng tiếp xúc với F1, F2 cũng tự động dán biển thông báo cách ly y tế để giữ an toàn cho cộng đồng, làng xóm xung quanh. Trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook, chỉ cần là thông báo khẩn của chính quyền địa phương hoặc của ngành Y tế đưa ra thì sẽ rất nhanh được lan truyền, chia sẻ… Chẳng nói đâu xa mà ngay trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra vào ngày 23/5 vừa qua, một sự kiện lớn của toàn dân tộc không thể tránh được việc tập trung đông người. Nhưng rồi, ngày bầu cử đã thành công trong sự an toàn tuyệt đối bởi người dân đã tự giác thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình mang tên COVID- 19 vẫn chưa kết thúc. Tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong tỉnh đã được khống chế, đã hơn 30 ngày liên tiếp Yên Bái chưa ghi nhận thêm ca mắc mới và hơn 10 ngày chưa có thêm ca F1 nào. Song ở nhiều tỉnh bạn, trong đó có Bắc Giang dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Với tinh thần tương thân tương ái, chung sức chống dịch, ngày 17/5 Yên Bái đã gửi tới Bắc Giang đoàn bác sĩ của tỉnh gồm 15 cán bộ ngành Y tế có kinh nghiệm, năng lực và trình độ cùng 2.000 bộ kit Realtime PCR xét nghiệm SARV-CoV-2 trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Ngày 25/5, Yên Bái tiếp tục cử thêm 22 cán bộ, y bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến cho đến khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Nghĩ tới hình ảnh những “chiến binh áo trắng” đang ngày đêm căng mình chiến đấu dập dịch ở Bắc Giang, tôi bất chợt nhớ đến câu thơ của Lê Ái Quốc: “Đồng tâm toàn dân cùng chống dịch/ Hiệp lực thắng dịch sớm thành công”. Đúng vậy, chúng ta chắc chắn sẽ thành công. Và thành công ấy không có được nhờ sự may mắn mà chính là bởi chúng ta có tinh thần đoàn kết, có ý chí chiến đấu mạnh mẽ; có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất quán của các tầng lớp nhân dân; là bởi toàn dân tộc Việt Nam luôn kề vai sát cánh bên nhau, vượt qua bão tố và cùng chung một niềm tin chiến thắng.

 

N.T.T

Các tin khác:

1-5 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter