Bối cảnh lịch sử, ý nghĩa to lớn của lời Bác dạy nhân chuyến thăm tỉnh Yên Bái

HOÀNG VIỆT QUÂN

I. Bối cảnh lịch sử ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn cán  bộ cấp cao Đảng, Chính phủ về thăm Yên Bái từ chiều ngày 24/9/1958 và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái sáng ngày 25/9/1958 trong bối cảnh lịch sử miền Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, làm tốt cuộc vận động tăng cường đoàn kết dân tộc, khôi phục kinh tế thời kỳ 1945- 1957, bắt đầu bước vào năm đầu của thời kỳ phát triển kinh tế- văn hoá, mở rộng cuộc vận động cải cách dân chủ gắn với hợp tác hoá 1958- 1960.

Bác Hồ về thăm Yên Bái đúng lúc Đảng bộ tỉnh Yên Bái đang tập trung lãnh đạo toàn dân tích cực sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, tổ chức học tập chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo XHCN cho các thành phần kinh tế cá thể, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vận động nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể và tăng cường công tác quản lý thị trường.

Đảng bộ cũng đề ra các biện pháp cụ thể để phát triển mọi mặt kinh tế- văn hoá- xã hội. Trong nông nghiệp: mở cuộc vận động thành lập tổ đổi công, vận động đồng bào các dân tộc định canh định cư, đưa ruộng hoang vào canh tác, làm thuỷ lợi, áp dụng giống lúa mới, tăng cường bón phân chuồng và phân xanh, tích cực trồng màu, chăn nuôi gia xúc, gia cầm... Kết quả: phong trào tổ đổi công đã phát triển mạnh mẽ, nông dân có điều kiện giúp đỡ nhau, trở thành một hình thức hợp tác rất linh hoạt, hiệu quả. Từ năm 1956, Yên Bái đã vận động thành lập được hơn 3700 tổ đổi công, thu hút 86% hộ nông dân tham gia, trong đó có 22% tổ đổi công thường xuyên; đến năm 1958 Yên Bái đã xây dựng được 5364 tổ đổi công, thành lập được 4 hợp tác xã. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp trong tỉnh không ngừng phát triển, sản lượng lương thực, thực phẩm năm sau vượt trội hơn năm trước. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển các ngành nghề lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, tài chính, giáo dục, y tế, văn hoá, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao có bước phát triển mới, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Đáng chú ý là điều kiện giao thông vận tải lúc này đã thuận lợi, thông thương. Ngoài việc tu bổ đường 13, sửa chữa các đường liên huyện, ngay từ đầu năm 1955, Trung ương Đảng và Chính phủ đã cho khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai. Tuyến đường sắt này vốn dĩ có từ thời Pháp nhưng khi toàn quốc kháng chiến thì nó đã bị phá huỷ hoàn toàn. Đảng bộ Yên Bái đã huy động nhân dân đóng góp hàng vạn công lao động, 1500m3 gỗ, làm hơn 82.000 tà vẹt gỗ, nhặt 21.000 thanh ray và hơn 100.000 tà vẹt sắt để phục vụ cho việc làm lại tuyến đường sắt. Ngày 30/6/1956 chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội đã lên Yên Bái. Tháng 7/1956 toàn tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai được sửa chữa xong và đi vào hoạt động. Mặc dù tuyến đường này mới làm còn nhiều khó khăn, có nhiều khúc quanh, đầu máy to không thể đi được, chỉ có thể dùng đầu máy nhỏ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ vẫn không quản ngại, quyết định đi bằng tàu hoả lên thăm đồng bào Lào Cai- Yên Bái. Vì vậy ngành đường sắt phải chọn chiếc đấu máy nhỏ hiệu PRAIRI 419 của Trung Quốc (chứ không dùng loại đầu máy hiện đại do quân Pháp để lại), rồi cho sửa chữa, bảo dưỡng tàu hơn 1 tháng tại Hà Nội, chọn 9 thợ lái tàu giỏi đại diện cho 3 miền (3 người miền Bắc, 3 người miền Trung, 3 người miền Nam) đi lái chuyến tàu đặc biệt này. Chính thức từ ngày 23 đến ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước đi tàu hoả lên thăm Lào Cai- Yên Bái. Đây là chuyến đi đầu tiên lên các tỉnh miền núi phía Bắc của Bác sau khi Hà Nội được tiếp quản. Theo những người lái tàu hồi đó kể: chuến đi này khổ lắm vì tất cả các nhà ga, điểm báo đều không có điện, chỉ treo đèn dầu báo hiệu, anh em phải căng mắt ra nhìn. Vận tốc tối đa của đoàn tàu tại những đoạn đường tốt là 40- 45km/h, còn lại chỉ được phép đi 30km/h.

Tình hình Yên Bái ngày đó tuy còn gặp khó khăn, phức tạp nhưng những thành tựu mà nhân dân các dân tộc Yên Bái giành được trong 3 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá (1955- 1957) là rất quan trọng, đã đẩy lùi được nạn đói rách và dịch bệnh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thị xã, thị trấn, nông thôn đều đổi mới. Các mưu toan phá hoại của bọn phản động bị đập tan, ổn định chính trị- xã hội được củng cố vững chắc, củng cố thêm lòng tin và quyết tâm của nhân dân đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ xây dựng chế độ mới.

II. Ý nghĩa và tác động to lớn của bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng báo các dân tộc Yên Bái ngày 25/9/1958.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn của Đảng, Chính phủ lên thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái biểu thị sự quan tâm chăm sóc của Người, là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác động to lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bảo các dân tộc tỉnh Yên Bái, bởi các lẽ:

1. Trước hết, bài nói chuyện của Bác có nội dung thiết thực, cụt hể, bám sát tình hình chính trị- kinh tế- văn hoá- xã hội của tỉnh Yên Bái. Bác đã nói đúng, nói trúng những vấn đề, nhiệm vụ cơ bản trong thời kỳ đầu xây dựng chế độ mới XHCN mà Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Yên Bái đã đặt ra, đang thực hiện, đồng bào các dân tộc đang trăn trở suy nghĩ. Đó là 2 vấn đề lớn, Bác giải thích bằng 2 luận điểm:

- Luận điểm thứ nhất: Bác nêu vấn đề làm thế nào để “chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ?”. Đây là vấn đề Bác nêu lên hàng đầu, quán xuyến trong toàn bộ bài nói của Bác, kết thúc bài nói Bác còn bảo đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Nguyễn Đức “cầm càng” để tất cả nhân dân và lực lượng vũ trang cùng hát bài “Kết đoàn”. Qua đó thấy Bác rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết. Đoàn kết là sự sống còn của một địa phương, một dân tộc. Đoàn kết đem lại sức mạnh cho mọi thành công, đem lại thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

- Luận điểm thứ hai: Bác đặt vấn đề: “Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi” chế độ thực dân phong kiến, “chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn?”. Và Bác nói “Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm”. Như vậy Bác đã đề cao vai trò làm chủ của người dân đối với đất nước và đặt ra một mục tiêu phấn đấu rất đơn giản, dễ hiểu. Cái đích “ăn no mặc ấm” rất đúng, rất trúng với mơ ước của nhân dân và cũng là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền cách mạng. Hoá ra làm cách mạng là thế: không có gì là cao siêu, ghê gớm, mà tất cả là vì dân, lo cho dân được “ăn no mặc ấm”, dân được “sướng hơn”. Từ đó Bác chỉ ra cách làm để được “ăn no mặc ấm” bằng những việc làm cụ thể: phải tăng gia sản xuất, phải định canh định cư, tăng vụ, bón phân, có nghĩa vụ đóng thuế, xây dựng tổ đổi công, phải thực hành tiết kiệm, sửa chữa khuyết điểm, bỏ những tập quán cũ lạc hậu trong làm ăn, cưới xin, ma chay...

2. Bài nói chuyện của bác là lời dạy bảo ân tình ân nghĩa, ai cũng có thể hiểu được, làm được.

Đọc lại toàn bộ bài nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân Yên Bái, ta không hề thấy Bác dùng lý luận chính trị để giải thích, cũng không đưa những dẫn chứng về những việc đã làm và đang làm được, không đưa các con số thống kê cụ thể như một báo cáo thông thường mà chỉ thấy Bác ân cần giảng giải, căn dặn từng vấn đề rất thiết thực cần làm, nên làm. Thái độ ân cần, gần gũi với nhân dân khiến ai cũng ấm lòng, thấm thía. Tự bản thân bài nói của Bác đã toát lên mọi tư tưởng, hành động cách mạng, toát lên hệ thống lý luận chính trị sắc bén gắn bó với thực tiễn cách mạng địa phương, gần gũi với đời sống nhân dân. Đó chính là tấm lòng, tình cảm, là những phẩm chất cao đẹp của Bác.

3. Bài nói chuyện của Bác còn là phương pháp luận cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng noi theo, học tập.

Tóm lại: Bác Hồ và phái đoàn cấp cao Đảng, Chính phủ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái trong hoàn cảnh miền Bắc và tỉnh Yên Bái vừa hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế, đang bước vào năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế- văn hoá 1958- 1960. Sự kiện đó là niềm vui, là niềm cổ vũ lớn lao đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục vươn lên, tạo ra các nỗ lực mới trên mọi mặt trận phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội. Lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của Bác Hồ là những chỉ thị cụ thể về mọi mặt công tác cho Đảng bộ và nhân dân Yên Bái. Chuyến thăm và bài nói chuyện của Người đã thúc đẩy toàn Đảng bộ, Chính quyền, toàn dân trong tỉnh hăng hái thi đua, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, vững bước đi vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Bài nói chuyện của Bác từ đó đến nay đã 65 năm vẫn giữ nguyên giá trị. Chúng ta ôn lại những lời dạy bảo quý báu của Bác đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nhằm giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, thấm thía hơn công lao to lớn, tình cảm sâu đậm của Bác Hồ, đồng thời để tỏ rõ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Bác, quyết tâm học tập tấm gương đạo đức của Bác và làm theo những lời Bác dạy.

 

H.V.Q

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter