Bừng sáng Quang Minh

                                         Bút ký của THẾ QUYNH

 

Lâu rồi mới có dịp trở lại Quang Minh, xã vùng II của huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Con đường từ tỉnh lộ 163 đến trung tâm và kéo dài suốt chiều dài xã bây giờ đã được mở rộng, trải nhựa áp phan láng mượt. Đã thấy nhiều xe máy, xe tải và cả ô tô du lịch lưu thông nườm nượp. Hai bên đường, nhà dân xây mới với kiến trúc đẹp ẩn mình sau màu xanh của quế và sắn. Năm 2020, xã Quang Minh đã đạt chuấn Nông thôn mới và đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc là Chủ tịch UBND xã Triệu Quý Đức. Sinh năm 1974, từng được đào tạo chuyên ngành Tài chính- Kế toán, vị công bộc của dân đã trải qua hai nhiệm kỳ được bầu ở vị trí “đứng mũi chịu sào” trong việc điều hành mọi hoạt động của chính quyền cơ sở. Trầm tĩnh, nói nhỏ nhẹ song vẫn toát lên vẻ linh hoạt của người bám dân, bám bản, quen lăn lộn với phong trào. Anh cho biết: Địa phương Quang Minh có tổng diện tích đất tự nhiên 4.866,07 ha, chủ yếu là đồi đất dốc. Toàn xã có 648 hộ với 2.843 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc anh em Kinh, Tày, Dao (trong đó người Dao chiếm hơn 85%) cùng chung sống ở 4 thôn: Khe Ván, Khe Giềng, Khe Tăng, Minh Khai. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã Quang Minh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đảng bộ, chính quyền xã Quang Minh đã thực hiện triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Qua hơn 9 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 190 tỷ đồng, nhân dân đóng góp được hơn 25 tỷ đồng, xã đã lồng ghép các nguồn vốn tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Để các chương trình, dự án phát huy được hiệu quả, Quang Minh tổ chức triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung ương, lấy việc xây dựng hộ gia đình nông thôn mới làm hạt nhân, chọn những tiêu chí dễ, tiêu chí ít vốn đầu tư thực hiện trước, tiêu chí khó làm sau. Vậy nên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được mở rộng và đổ bê tông; trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt 95,5%; 100% hộ gia đình được sử dụng điện; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt 36,15 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo những năm qua giảm nhanh chóng, chỉ còn 29 hộ, chiếm 4,63%. Số người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động là 1.704 người, trong đó số có việc làm thường xuyên của xã là 1.608 người, đạt 94,36%. Văn hóa- xã hội- môi trường được quan tâm, chú trọng. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường đáp ứng yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, việc xây dựng Nông thôn mới ở Quang Minh dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp của xã có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Những khó khăn đó vẫn đang khiến việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Quang Minh đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Phát huy kết quả đạt được, địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của 19 tiêu chí, giữ vững và phát triển xã Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo hướng tới xã đạt Nông thôn mới nâng cao.

Hỏi về mục tiêu và phương hướng thời gian tới,  Top of FormBottom of FormChủ tịch Triệu Quí Ðức tâm sự: Kinh tế của xã Quang Minh chủ yếu là sản xuất nông- lâm nghiệp với cây quế là chủ lực, nhiều hộ thu nhập đến 500 triệu đồng/năm. Diện tích quế tập trung ở các thôn Khe Ván 270 ha, Khe Giềng 130 ha, Khe Tăng 130 ha, Minh Khai 150 ha. Trước đây bà con trồng quế theo truyền thống nên hàm lượng tinh dầu cũng có phần hạn chế. Hiện xã đã phối hợp với doanh nghiệp thu mua tập huấn cho bà con về kiến thức trồng, chăm sóc cây quế theo hướng hữu cơ nên hàm lượng tinh dầu tăng lên, sản phẩm quế đã có giá trị cao hơn. Ngoài cây quế, kinh tế người dân khá lên còn nhờ cây sắn cao sản, hiện toàn xã có 450 ha, năng suất đạt hơn 23 tấn/ha. Toàn bộ sắn củ được Nhà máy sắn Văn Yên thu mua với giá thỏa thuận, người dân vui vì sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết. Có thu nhập cao, nhiều hộ dân xây được nhà kiên cố, trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 100%. Cho đến nay, xã có trên 72% hộ gia đình có nhà xây kiên cố; thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm. Cùng với phấn đấu đến năm 2025 xã cơ bản đạt các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2%.

Nhớ chuyến công tác cách đây hơn chục năm và viết bài ký “Chuyện từ làng Dao Khe Ván”, tôi quyết định thăm lại chốn xưa. Đây là thôn vùng sâu của xã Quang Minh, được thành lập từ năm 1961. Hiện nay toàn thôn đã có 139 hộ với 670 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Dao đỏ. Lúc mới định cư tại Khe Ván thì đời sống người dân còn khá nhiều khó khăn, một năm thường thiếu ăn từ 3- 4 tháng và khi đó lại phải vào rừng tìm cây đao, củ móng ngựa, củ mài về ăn thay gạo. Khi triển khai quán triệt Nghị quyết TW5 của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Đảng uỷ xã Quang Minh đã lựa chọn thôn Khe Ván để xây dựng Làng văn hoá, coi đây là điển hình để nhân ra các thôn bản khác. Đầu tiên cũng phải vất vả tuyên truyền, vận động mọi người hưởng ứng phong trào. Người Dao vốn trọng truyền thống gia đình và dòng họ nên việc phát huy uy tín của người già và cán bộ đã có tác dụng. Các hộ họ Đặng, họ Bàn, họ Triệu bảo nhau cùng đóng góp ngày công, vật liệu, tiền để xây dựng nhà văn hoá. Kết quả huy động được 46 triệu đồng cùng nhiều vật liệu như gỗ, lá, tre nứa và hàng trăm ngày công, không chỉ làm xong nhà sinh hoạt cộng đồng mà còn dư để dựng ngôi trường cho các cháu tuổi mầm non trong thôn có nơi học tập. Ngày ra mắt đầu tiên của làng văn hoá, nhiều trò chơi, tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc Dao được đưa vào chương trình của “hội làng” đã thu hút đông đại biểu và nhân dân đến dự. Những quy ước về ma chay, cưới xin, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự, giữ rừng, xây dựng gia đình kế hoạch hoá dần thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của người Khe Ván. Lịch sinh hoạt thường kỳ vào ngày 15 hằng tháng với các nội dung: chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất; chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; chuẩn mực gia đình văn hoá… luôn gắn với việc kiểm điểm tình hình thực hiện trong tháng qua và xây dựng kế hoạch tháng tới. Thế nên mọi người dân đều ý thức sống theo pháp luật, theo quy ước, không để các tệ nạn xã hội xâm nhập vào làng. Qua thời gian, Khe Ván giờ đã là Làng văn hóa cấp tỉnh, cuộc sống người dân đã dần đi vào ổn định, bộ mặt của thôn đã thay đổi nhiều so với trước. Vẫn quế, vẫn sắn cao sản đấy nhưng hình như xanh hơn; đường mở rộng và phẳng phiu hơn, nhà xây cũng lắm. Hầu hết các hộ trong bản đều đã sắm được ti vi, điện thoại; 100% hộ có xe máy. Toàn thôn đã có 35 máy cày bừa, 7 máy xay xát, 9 máy đập lúa, 6 ô tô vận tải. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52- 53 triệu đồng/năm. Đặc biệt có một phong tục mới được hình thành là bên cạnh ngày Tết cổ truyền của dân tộc, gần đây người Dao ở Khe Ván còn tổ chức bữa cơm đoàn kết để mừng ngày Tết Độc lập (Quốc khánh 2/ 9). Không ăn uống linh đình, tốn kém dài ngày, họ đón lễ trọng đại của đất nước một cách đầm ấm nhưng trang nghiêm. Nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng trước ngõ, vệ sinh nội thất, sân vườn sạch sẽ. Khâu quan trọng nhất là chuẩn bị cho bữa cơm gia đình để đón con cháu, anh em ruột thịt từ xa về quần tụ. Tới đây, tôi tay bắt mặt mừng những triệu phú quế năm nào. Dù tuổi đã cao, thôi công tác xã hội nhưng vẫn phát huy vai trò gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới. Nghe họ kể mà thấy nức lòng: Triệu Quý Lâm có đồi quế 8ha với mô hình VAC vườn ao 3ha, mỗi năm cho thu 300 triệu đồng; Triệu Quý Thăng có 8ha rừng kết hợp với làm dịch vụ vật tư nông nghiệp năm cũng có nguồn thu 700 triệu đồng; Đặng Phúc Vạn, người tiên phong mở đường cho mọi người cùng đi để từ đó tạo nên phong trào “Hiến đất làm đường” cũng thu nhập hằng năm 400 triệu đồng từ quế. Riêng Triệu Thiều Lâm, ngoài kinh tế đồi rừng còn đứng ra mở tổ hợp sản xuất với cái tên “Hợp tác xã Yên Lâm” chuyên chế biến gỗ rừng trồng và hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thu nhập khiêm tốn cũng tầm trên 800 triệu đồng/năm. Người được nhắc đến nhiều vẫn là nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Minh- Triệu Thiều Thăng. Ông được coi là tấm gương sáng, là người mở lối đưa cuộc sống của người dân Khe Ván thoát khỏi đói nghèo. Năm 1993, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng, ông Thăng tiên phong nhận 7 ha. Qua kinh nghiệm bản thân và học hỏi từ bạn bè ở các xã lân cận, đến năm 1997 diện tích đất nhận khoán đã được phủ xanh bởi quế xen sắn. Theo ông, cây quế cho giá trị kinh tế cao vì từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều thành hàng hóa. Vỏ bán cho thương lái về phân loại chế biến xuất khẩu; cành lá để chưng cất tinh dầu; gỗ quế được các cơ sở, hợp tác xã thu mua, sản xuất ván bóc, xẻ thanh bao bì, xẻ nan xuất bán chủ yếu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một vài tỉnh, thành phố trong nước. Đến nay, ông Triệu Thiều Thăng đã mở rộng diện tích trồng quế lên 15ha, cho thu nhập hằng năm 400- 500 triệu đồng, tổng tài sản gia đình khoảng sáu tỷ đồng. Ông Thăng chia sẻ: “Mặc dù từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 10 năm nhưng giá trị của cây quế gấp nhiều lần so với các loại cây khác. Ở đây thương lái thường xuyên tìm mua nên sản phẩm không ế được”. Người dân tộc Dao trong thôn tin tưởng bởi mắt thấy tai nghe, mạnh dạn nhận đất trồng rừng, xin giống và học hỏi kinh nghiệm trồng quế từ ông Thăng. Ðến nay 100% hộ dân ở Khe Ván trồng quế. Thế hệ triệu phú nối tiếp vươn lên làm giàu ở Khe Ván bây giờ cũng không đến mức phải đếm trên đầu ngón tay, Triệu Văn Nhất là một ví dụ. Cũng như nhiều gia đình người Dao khác ở xã Quang Minh, trước đây gia đình anh thường xuyên trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Mong ước lớn nhất lúc bấy giờ là đủ ăn, đủ mặc. Năm 2005, gia đình mở rộng trồng quế trên toàn bộ diện tích 9ha nương đồi và 6 năm sau đó đã cho thu hoạch từ tỉa lá cành, tỉa thưa cây. Từ năm 2015 trở lại đây thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Khi có công to việc lớn cần tiền là khai thác cả ha quế rồi lại trồng mới. Nhờ cây quế, giờ đây gia đình Triệu Văn Nhất đã xây được ngôi nhà trị giá tiền tỷ, cuộc sống tiện nghi, sung túc. Có vốn tích lũy, vừa qua gia đình đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ván bóc, mua được xe ô tô đẹp. Còn gia đình Đặng Văn Sơn cũng sở hữu trên 10 ha quế từ 4 đến gần 10 năm tuổi. Hằng năm, từ nguồn khai thác tỉa luân phiên cho thu về khoảng 400 triệu đồng. Ngoài quế anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá và bắt đầu thực hiện mô hình từ đầu năm 2020. Với diện tích ao nuôi rộng 2 mẫu, anh đắp lại toàn bộ bờ bao, nguồn nước được dẫn về từ suối Ngòi Mụ cách đó 1,2 km với hệ thống ống dẫn lớn cùng xây cống thoát nước, các bậc tháo nước dần theo từng nấc, tràn chống ngập. Khu vực ao nuôi cá còn được anh làm lán trữ cám cá, mua thuyền, hệ thống dây kéo điện về, mua guồng máy tạo ôxy... Tính tổng chi phí đầu tư để có thể tiến hành thả cá lên đến gần 200 triệu đồng. Cho đến thời điểm này, quy mô nuôi cá của gia đình anh được coi là nhất xã và lớn nhất về sản lượng cung ứng cho thị trường. Cũng năm đầu tiên, anh mua 16 triệu đồng tiền cá giống về thả với 1 vạn rô phi đơn tính, 2.000 con chép, 400 con trắm cỏ. Lứa cá năm đó được xuất bán, trừ chi phí cũng cho thu lãi 60 triệu đồng.

Trung tuần tháng bẩy vừa qua (7/ 2023), thôn Khe Ván vinh dự được đón đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự sinh hoạt tại chi bộ. Phấn khởi trước sự trưởng thành của tổ chức Đảng cơ sở với hơn ba chục đảng viên, đồng chí đề nghị Ban Chi ủy chi bộ cần tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tiền phong gương mẫu đóng góp trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm của mình cho việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời tập trung vận động các hộ dân tăng cường liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình, thôn hạnh phúc; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh góp phần xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Mùa xuân về, vùng đất “Làng Dao Khe Ván và các thôn xung quanh của xã Quang Minh cũng đã bạt ngàn quế cùng sắn. Cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân. Ở thôn Khe Giềng, gia đình anh Nguyễn Văn Linh- dân tộc Dao trắng cũng nhờ nó mà đổi đời. Mấy chục năm về trước vẫn theo truyền thống cha ông lên rừng phát nương trồng lúa. Sau vài vụ, đất bạc màu lại bỏ đấy đi làm chỗ khác, rất vất vả mà cái đói cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Đến năm 2007, khi thấy nhiều gia đình trồng quế, anh cũng quyết định đầu tư trồng vào diện tích nương đồi của gia đình bỏ hoang. Sau nhiều năm gắn bó với cây quế, đời sống của gia đình và nhiều hộ trong thôn thay đổi đáng kể, không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Từ cây quế, gia đình đã có một khoản thu khá để thực hiện kế hoạch của năm 2023 là mua xe ô tô, đầu tư cho con làm ăn khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ ở lực lượng vũ trang trở về và ăn Tết "to" hơn. Lướt một vòng thăm thú Quang Minh, dọc thôn Minh Khai tôi phát hiện nhà xưởng lớn nằm giữa xanh tươi rừng quế. Anh cán bộ tư pháp đi cùng cho biết đấy là xưởng chế biến sản phẩm quế của gia đình ông Nông Văn Thành. Không chỉ trồng quế như mọi nhà, ông Thành đứng ra lập Công Ty TNHH Thương Mại Nông sản Tiến Thành, vừa để bán quế của gia đình và bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trong xã. Với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, hoạt động hơn 4 năm trong lĩnh vực bán buôn nông lâm sản nguyên liệu, Công ty đã giúp cho bình ổn giá cả đồng thời quảng bá sản phẩm quế của địa phương. Sự ra đời của Công ty cùng các tổ hợp tác là đột phá trong góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới phát triển thương mại- du lịch. Lĩnh vực này luôn được khuyến khích và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020- 2025: Mở rộng các hoạt động lưu thông buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tổng hợp; khuyến khích, phát huy vai trò của các Tổ hợp tác thu mua, chế biến nông, lâm sản gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường trong sản xuất kinh doanh. Cũng thôn Minh Khai có con Ngòi Khai với thác nước 2 tầng đẹp như tranh vẽ. Lần đầu đến đây không khỏi choáng ngợp với cảnh sắc chốn non tiên. Tầng thác 1 nước tung đôi dòng trắng xóa, điểm tắm độ sâu vừa phải; thác 2 cách chừng trăm mét lên cao hơn. Nếu thác dưới có cảm giác thanh bình thì thác trên mang đến cảm giác hùng vĩ. Những tán lá sảng xanh mát, xòe bóng, rung rinh trong tiếng thác reo như niềm vui không dứt. Những tảng đá rộng bằng phẳng có thể seo- phì ngập nắng, tràn gió. Tiếng chim véo von, nắng xiên kẽ lá, không gian trong lành đưa du khách vào trạng thái lâng lâng. Và người đầu tiên dám nghĩ, dám làm du lịch ở chốn này lại là ông Bàn Văn Hiên- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Theo ông, lúc đầu cũng chỉ nghĩ sẽ tự mở rộng con đường đất cho khách thuận lợi đi đến đây ngắm thác, tắm thác mà thôi. Nhưng rồi xã có chủ trương, định hướng rồi ra nghị quyết về việc thành lập tổ hợp tác du lịch. Tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng thôn Minh Khai ra đời. Đầu tiên là xây dựng ngôi nhà sàn gỗ có phòng nghỉ cộng đồng, phòng tắm, phòng thay đồ và khu nấu nướng, vệ sinh. Đoạn đường đất 450 m từ trục chính dẫn vào Nhà cộng đồng cùng thác nước được Nhà nước hỗ trợ 74 tấn xi măng để cứng hóa, cộng sự đóng góp công sức của  các thành viên Tổ hợp tác trị giá gần 700 triệu đồng. Ngày 18/9/2021 ra mắt, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện hỗ trợ 8 bộ bàn và đệm ngồi, các biển báo chỉ đường, các thùng rác trị giá 15 triệu đồng. Cả 2 thác mỗi lần tắm có thể được khoảng trăm người, có chỗ phù hợp với người già và trẻ em, có nơi thích ứng với hoạt động mạnh mẽ của lứa tuổi thanh niên. Bãi để xe trước Nhà cộng đồng có sức chứa hàng chục ô tô du lịch với 30 xe máy. Và đội văn nghệ thôn có thể trình diễn các điệu múa, bài hát truyền thống của dân tộc Dao phục vụ yêu cầu của du khách. Mỗi dịp nghỉ hè hay Xuân về Tết đến, rất đông thanh niên học sinh trong xã cùng bạn bè tận thị trấn Mậu A đến đây ngắm cảnh, tắm thác. Rồi cả các ông bà bậc trung niên lẫn đoàn khách đi lễ hội Đền Đông Cuông cũng ghé thăm. Tiếng cười, tiếng reo cùng tiếng nước đổ vang động một khoảng rừng.

Rời Quang Minh khi ông mặt trời ngả bóng. Con đường liên thôn ngan ngát quế thơm. Những tà áo chàm xanh thêu hoa văn thổ cẩm của các thiếu nữ Dao đỏ, Dao trắng thấp thoáng trên nương sắn, đồi quế níu chân du khách. Lòng xốn xang bật hát thành lời về một bài ca “Quang Minh bừng sáng” như mong muốn của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đến thăm nơi đây: “Xã Quang Minh cần quan tâm duy trì, củng cố, giữ vững và phát triển xã Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đạt xã Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao mức thu nhập của người dân, xây dựng xã Quang Minh ngày càng văn minh, giàu đẹp; góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Văn Yên trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2025”.

T.Q

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter