Bước chân lên nương

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Bà Dìn ngồi bên bậu cửa, dựa vào chiếc cột gỗ, cầm tà váy lau nước mắt, váy bết cứng bởi sáp ong không thấm, nước mắt theo những nếp nhăn làm rầu rỉ thêm khuôn mặt vốn đen sạm nhỏ quắt của bà.

Ông Mùa A Lâu đi đâu về, chân nam đá chân chiêu, chai rượu vơi nửa cầm trên tay va vào lồng gà đang úp dưới sân, con gà trống thiến loạng quạng nhảy, tiếng bọn gà vịt xung quanh kêu loạn xạ.

- Giờ này còn không biết đường nấu cơm còn ngồi đó mà khóc.

Với ông Lâu lúc nào cũng là giờ cơm, ánh mắt đỏ mờ đục vì rượu nhìn đâu cũng ra buổi chiều chạng vạng tối. Không nhìn vào ông Lâu, bà lê chân qua bậc cửa, bước vào gian buồng tối om, sắp soạn gì đó.

- Chân nó như con nai, con hoẵng biết đi đâu để tìm?- Không thấy bà trả lời, giọng người đàn ông kéo rề rề như tiếng xe máy trườn dốc núi- Lấy đâu ra trâu, lợn cho thằng Sung lấy vợ. Như dây không có nối, như vải dệt dở không thành áo, chẳng lẽ họ Mùa dừng lại ở thằng Sung, giàng ơi.

Ông Mùa A Lâu không biết mình sai ở đâu. Thằng Minh thì có gì không tốt, bao nhiêu đứa con gái trong cái xóm bản nhìn theo khói xe máy của nó mà ngẩn ngơ. Người như ông Lâu chỉ mong nó gật đầu chào một cái thế mà đã có hôm nó vắt ngang ông lên trên xe, chở về đến tận nhà. Đó là hôm ông say rượu đám nhà Vàng, về đến nửa đường thì hai mắt ríu lại, chân ríu vào nhau không muốn bước tiếp, ông dừng bên đường chỉ định nghỉ một lát nhưng cơn ngủ kéo sập mắt. Con gái ông đi tìm, lay gọi, ông mở mắt rồi lại nhắm, cùng đường, chẳng biết làm gì hơn, Xúa ngồi bên bố, chờ tỉnh lại để cùng về nhà.

Trong nhiều sự can ngăn thì chưa bao giờ bà Dìn ra lời chen ngang khi ông Lâu kể về thằng Minh. Nhà nó giàu, ông kể với bà Dìn như thế và sự thật như thế. Nhà Minh hẳn từ dưới xuôi đi lên, có bao nhiêu là đồi thảo quả và giờ đây là một dãy nhà nghỉ mang tên Hi vọng. Mà cũng không thấy nó câng câng, xấc xược hay tóc xanh tóc đỏ như mấy thằng con trai bà hay dẫn về nhà. Giữa chợ phiên, thằng Minh gọi hẳn một nồi thắng cố cao ngang mặt người mời ông Lâu và mấy ông đi cùng, gọi một tiếng bố vợ làm ông lâng lâng cảm kích.

Trong làn khói nồi thắng cố, thằng Minh đã nói về con gái ông: Làn da trắng ngần như hoa ban, mát như nước suối và thơm như mùi sơn tra cuối vụ, mắt ánh như nét đào phai. Đi khắp nơi, gặp biết bao nhiêu khách đến nhưng chưa thấy ai đẹp như con gái ông. Ông Mùa A Lâu càng thấy vai trò to lớn của mình trong căn nhà này. Ai cũng nhìn ra con gái ông đẹp. Nhưng chỉ có ông mới nghĩ đến việc bắt cả bà Dìn, thằng Sung để mắt để không thằng trai nào cướp được Xúa. Ông biết, nuôi con gái không mất đi, nhất định sẽ cho ra trâu, ra ngựa, ra thảo quả. Thế mới đợi được đến ngày nghe được lời thằng Minh nói “Có được con gái ông bố, con sẽ không tiếc thứ gì”.

Kể cả những lúc không say, ông Mùa A Lâu cũng không biết mình đã sai ở đâu. Mà bà Dìn cũng không nói cho ông xem sai ở đâu, cứ lẳng lặng đi ra khỏi nhà.

Bà cứ đi, ngược dốc, giữa mênh mông đá, mênh mông ngô và mênh mông núi. Bà vẫn không biết ý nghĩ bỏ đi khỏi bản, khỏi núi rừng này, khỏi gian nhà quanh năm ấm lửa này mọc ra trong đầu Xúa từ lúc nào.

Hay đến trong lúc tra ngô trên nương. Tiếng cuốc va vào đá kêu lách cách làm Xúa thấy khó chịu. Xúa từng nhổ gốc ngô, vài nhánh rễ ngắn tủn bám vừa vặn vào một hốc đá bà Dìn có nghe thấy Xúa nói “ngắn tủn như cái chân mình chẳng bước đi được xa”.

Hay đến lúc nhìn thấy những người đàn bà, đàn ông Mông bên đường lớn, người dựa vào cây cột mốc, mặt luôn gục xuống do say xỉn, nước mưa vẫn chảy cả vào cổ, làm nên những đường đen thẫm trên áo váy. Nó chán bản này từ đó.

Hay lúc nhìn thấy bà Dìn dúi tay vào đầu đứa em có bàn chân trần đỏ bầm đang run bần bật vì lạnh cóng “Chúng mày ăn dép hay sao mà tốn thế”. Con nhỏ ngây thơ tháo thắt lưng lén nhìn vào cái bụng lép kẹp.

Hay khi người đàn bà lấy chân đá vào mớ rau cải Xúa vừa gùi xuống vệ đường “héo quắt như này thì bán cho ai”. Người đàn bà đó đẹp, móng chân móng tay cũng lấp lánh chứ không thô kệch như chân Xúa. Ông Lâu vẫn tự hào, chẳng có ngọn núi nào cao hơn đầu gối của người Mông. Nhưng Xúa không cần núi nữa, Xúa cần thế giới xa lạ của người đàn bà vừa ngang qua.

Hay ý nghĩa xuất hiện khi lời của ông bố vẫn lởm chởm như vách đá núi trong lòng Xúa, rằng “nó lấy thằng Minh, nhà mình muốn trâu có trâu, muốn ngựa có ngựa, dê lợn lúc nhúc đầy chuồng, để thằng Sung đi lấy vợ”. Đã nhiều lần cùng lên nương, bà nhỏ to với ông. “Hay cho con Xúa đi học tiếp, nó thích học như thế, còn nhỏ tuổi thế, đi lấy chồng sớm người ta cũng phạt mất cả con lợn chứ chẳng ít đâu”. “Học gì nhiều, biết cái chữ, biết trồng lanh, biết dệt vải, biết trồng ngô, biết sinh đẻ. Đó mới là người đàn bà Mông ta”, giọng ông Lâu cứ chắc như đá núi, chẳng thể lay chuyển.

Ông lại đưa con Xúa đi so sánh với bà mà làm gì, con người của mấy chục năm trước. Bà Dìn thậm chí còn không biết cả tiếng Kinh, chữ Kinh không như sợi đay, nó không nằm trên tay, trong đầu bà được. Trong nhà người Mông chỉ cần người đàn ông biết tiếng Kinh giao thiệp với bên ngoài là đủ, đàn bà vẫn dựa vào cột cửa, ngồi bên chái bếp nói “chi pâu” cũng không làm chết ai. Chưa tới 40 tuổi, 4 đứa con lúc nào cũng hết cõng trên lưng lại thả xuống lẽo đẽo theo bước chân mẹ, cứ thế mà lớn lên như cây bí đỏ bám vào cây ngô, để lại những quả lăn lóc ở gốc. Nhưng về làm dâu nhà Minh, họ giàu có thế, con mình còn chả phải đi nương.

Chiếc cửa người Mông như cái phễu đón gió, gió hut hút từ thung thổi vào lạnh buốt tim gan, Xúa vẫn đi tận đâu đó, rất xa.

***

Từ hôm ông Lâu thông báo về việc sẽ cho nghỉ học, hàng tháng trời, Xúa như cây lanh trong tay người khác, chỉ biết làm theo sai bảo và im lặng. Ngày lên nương vun gốc ngô, tối về đỏ lửa dệt vải. Cô giáo đã lên tận nhà thuyết phục bố mẹ Xúa cho đi học trở lại nhưng cái lý của ông Lâu “Nó đã biết chữ. Học thêm có ra ngô, ra váy đẹp chăn ấm không”, “Học chỉ vất vả một vài năm nhưng sau này có chăn ấm cả đời”, cô giáo thuyết phục như thế bà Dìn cũng nghe có lý lắm nhưng ông Lâu lại bảo “Thằng Sung có đợi được sau này mới lấy vợ không?”. Chân cô giáo Kinh không cứng như người Mông, lời nói không sắc như vách đá, sau rất nhiều lần thuyết phục, cô giáo đành bỏ cuộc, trước khi đi, cô trao tận tay Xúa hai cuốn sách, Xúa cất kỹ để ông Mua không thể đốt đi. Xúa vẫn mang nó cả khi khi đi nương. Chỉ có lúc dệt vải là Xúa gác trên chái nhà, thỉnh thoảng nhìn lên để thấy.

Xúa không thể đi học, Xúa biết thế. Ngày trước trường học gần nhà, được nuôi cơm trưa. Với bố mẹ Xúa, được chữ nào không quan trọng bằng việc đỡ được một bữa cơm cho gia đình. Nhưng giờ thì trường xa cả 10 cây số, đường dốc và sông suối, cả ngày ông Mua không nhìn thấy mặt để mà sai gọi. Giọng nồng nặc mùi rượu nhìn vào mặt Xúa bảo “Mày học hết chữ thì thằng Pú, con Sa lấy chữ đâu mà học nữa. Lấy chồng đi thôi”. Xúa đi học thì hết chữ nhưng thằng Sung thì không. Vì nó có đến trường bao năm cái chữ vẫn ở nguyên đó. Trong đầu Sung, chữ cứ như hòn đá trên ngọn dốc, trôi tuột từ bên này đầu sang bên kia. Bây giờ thì thầy cô không phải thay phiên nhau đi tìm nó về trường để làm bài thi. Đường đến trường qua nhà con bé nó vẫn thích, chỉ đau đầu vì buổi tối nó cầm đầu bọn con trai vượt qua bờ rào đi chơi lang thang, sĩ số lớp học thiếu hụt đến uất nghẹn. Nó cũng phải chịu hậu quả, đó là con Kim, cái đứa mà nó thích lại đi thích thằng bạn đi cùng trong đám. Mỗi chủ nhật, nhìn thấy đứa gái ôm chặt vào lưng thằng Páo trên chiếc xe Wave đỏ, chỏm tóc con bé vụt trước mắt như nhúm lông chó băng qua nương ngô mới tra là thằng Sung điên tiết, mặt đỏ như vừa uống xong chén rượu ngô bên bếp. Nó về đòi ông Dìn mua bằng được một chiếc Wave đỏ. Ông Dìn bảo không có tiền, nó chỉ mặt Xúa và tính cả con trâu vẫn thả trong đồi thông mấy mùa chưa mang về. Không có xe, thằng Sung không chỉ bỏ học mà còn đi đâu mất dạng. “Tôi đi nương”, nó bảo với bà Dìn trước khi cầm con dao quăng ra khỏi nhà, sợ nó đi chặt rừng trúc người ta mới trồng để làm du lịch ông Lâu đi theo nhưng theo mất bóng vẫn không thấy nó đâu. Qua hai ba ngày không thấy ai đến nhà tìm hỏi tội. Có cái điều hút thuốc để đâu ông Lâu còn quên nói gì đến thằng con đã đến tuổi lấy vợ. Ông bà cũng quên đi như lúc thằng Sung đi học ở trường. Nhưng nó không đi mãi. Một hôm thằng Sung về, cùng đi với 3 đồng chí công an, mang theo giấy tờ gọi là biên bản. Người ta thuê nó bỏ thuốc trừ sâu xuống lồng cá nhà Sùng mới chặn suối để nuôi. Không phải đền bù thiệt hại vì công an tìm được người chủ mưu nhưng cũng nộp phạt mất mấy triệu. Không biết chữ, nghe công an đọc đến đâu, bà Dìn nấc lên từng cơn đến đó. Phải cho nó đi lấy vợ, không thể quản nữa rồi. Thằng Sung thôi học nhưng không thôi đi chơi, ánh mắt của nó nhìn Xúa vẫn đỏ sự như màu chiếc xe Wave mà nó khao khát. “Bao nhiêu tiền cũng có miễn là Xúa đồng ý về làm vợ nó”. Tiếng ông Lâu như dòng nước cứ thấm vào tất cả ngóc ngách trong người bà Dìn, nhưng làm mòn trái tim bé nhỏ của cô con gái 16 tuổi.

Xúa đã đi rất xa, bà Dìn đoán thế khi nhìn vào gian buồng trống trơn đồ đạc. Đôi chân chỉ quen đường dốc, sao đi được đường bằng. Bà muốn tìm khắp nơi để hỏi. Nhưng trong cái xóm núi này, người đã đi xa có ai trở về.

***

Xúa nhìn lại những con đường giờ chỉ như sợi chỉ chạy loằng ngoằng trước mắt. Lời giục giã của người phụ nữ không có tay mà như đầy sức lực đẩy vào lưng Xúa. Cứ lặp đi lặp lại câu nói từ ngày đầu nhìn thấy Xúa “Đẹp thế này, ở trên núi làm gì cho nó phí đi”. Xúa không biết phí điều gì vì nó không ý thức mình đẹp. Cây ngô chẳng biết mở lời, đàn lợn đen nhìn thấy Xúa chỉ biết kêu lên đòi cỏ, đòi cám, ông Lâu và cả nhà vẫn canh chừng mỗi lúc có thằng trai nào dám đến gần. Vậy ai nói cho Xúa? Nhiều lần Xúa soi dưới suối, chỉ thấy khuôn mặt xanh nẫu lẫn trong rêu đá. Xúa không thắc mắc là mình có phải là con đẻ của bố mẹ không vì mỗi lần nhìn vào cái mặt lạnh băng của nó ông Lâu lại bảo “Mày với con mẹ mày chả khác gì nhau”. Nhưng tại sao, việc nó đi học lại hết chữ của bọn con Su, thằng Pú. Việc anh trai mua xe, hay đi lấy vợ lại là việc của nó. Vậy còn đời nó thì sao, nó phải làm gì khi bước vào nhà toàn những người xa lạ. Sao bố chắc chắn rằng mua được xe Wave đỏ, Sung có thể lấy được vợ, cả Sung và gia đình đều được yên ổn.

 Những đêm dài ngồi bên bếp lửa nó không thấy bố, mẹ, nương ngô bạt ngàn, những dây bí leo qua cây ngô, lên chái nhà, không còn nhìn thấy hoa văn hình kỷ hà trên váy áo... chỉ thấy một thế giới lấp lánh phía bên kia cây cầu.

***

Xúa được đưa vào một quán ăn, người đàn bà cẩn thận chăm chút cho Xúa như một đứa trẻ 5 tuổi. “Lẽ ra phải đi mua quần áo trước”, người đó nói trong cổ họng nhưng do ghé quá sát khi vắt chanh vào bát phở cho Xúa nên nó nghe rõ. Người phụ nữ tỏ ra khó chịu những vị khách tò mò trong quán nhìn ra cái lóng ngóng, ngơ ngác của Xúa, bà ấy cố tình che người khi làm những hành động đó.

Cửa hàng quần áo nằm cách đó không xa, có vẻ là quán quen, bởi người ta tự động nhìn người, tự tìm quần áo bảo Xúa cởi ra mặc vào liên tục mà chẳng ai nói với nhau câu nào. Hình như người đàn bà cũng không còn ở đó, bà ta mải miết nói chuyện điện thoại bằng thứ tiếng xì xào mà Xúa nghe không rõ. Cô bắt đầu thấy xa lạ và lo lắng. Đã có lần, trong buổi chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng có cảnh báo về việc bắt cóc người đưa bán qua biên giới. Cũng giống như thầy cô dặn không được lấy chồng lấy vợ sớm, sẽ làm cho người Mông mất dần những nét đẹp chỉ còn lại cái xấu trên mặt trên người mà có ai làm theo đâu. Bọn họ vẫn bỏ học, theo nhau về sinh con đẻ cái. Thì lời căn dặn về việc bị dụ dỗ, mua chuộc bán đi cùng thầy rơi xuống dưới chân theo tiếng run cầm cập. Ai cũng có thể quên, nhưng Xúa thì không được, trong sách mà cô giáo cho nó lúc tạm biệt, có cả những bài viết cảnh báo về tình trạng lừa đưa người vượt biên, bán cho người Trung Quốc, về làm vợ cả gia đình của những đàn ông nông thôn nghèo khổ. Xúa càng nghĩ càng sợ. Những bộ váy áo, những trang sách, ánh mắt cô giáo cứ bùng nhùng trước mặt. Mãi một lúc lâu người đàn bà quay lại, cầm tay kéo Xúa đi, trong khi chân Xúa bắt đầu muốn khụy xuống. Nhưng tất cả đã muộn.

***

Chị chủ quán cơm là một người Việt tốt tính và nhạy cảm. Bằng một cách thần kỳ nào đó, chị ta nhận ra trong cái đống đen đủi đang bốc mùi cuối chợ kia còn có một hơi thở tàn. Cũng bằng sự nhạy cảm, chị nhét Xúa vào một cái bao tải cùng với rau để mang về quán bỏ vào một góc cùng với sự quên lãng, để đến cả ông chồng và người làm trong quán cũng không phát giác ra sự tồn tại đó. Không có một thế giới mang tên ánh sáng, chỉ là những đêm đằng đẵng, không việc làm, không giao tiếp và lời người đàn bà cháy như ngọn đuốc “Điều quý giá nhất là còn được sống, còn sống là còn có thể thay đổi”.

Cả thân hình bầm tím, đau nhức, lạnh buốt, mắt không thể mở ra được vì cô đã liều mình lăn từ vách núi cao và gom hết sức cùng lực kiệt để bơi qua khúc sông ngắn nhưng điều Xúa chắc chắn nhất lúc này là mùi ngọt ngọt thơm thơm của thảo quả vào độ chín. Tiếng ai như bước chân mẹ lên nương.

D.T.P

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter