Con khiếu bay đi

 

                                                            Truyện ngắn của HẢI ĐƯỜNG

 

Trần Khải là bạn rất thân của Lê Bá Đạt. Thân là vì hai người cùng quê, cùng học phổ thông. Học hết cấp III cả hai cùng thi vào đại học. Trần Khải học trường đại học thuộc tốp đầu của các trường đại học, còn Đạt thì học Đại học Sư phạm khoa Toán Lý. Thời ấy Đại học Sư phạm học có hai năm. Đạt ra trường trước Khải, được phân về dạy cấp ba ở một thành phố miền núi sau đó được phân về dạy ở trường cấp ba của một huyện mới được thành lập.

Trần Khải học giỏi lại có phong cách rất chững chạc. Ra trường sau Đạt tới hai năm nhưng được phân công về làm việc ở một cơ quan có quyền lực nhất trong những cơ quan cấp tỉnh. Thế là trâu chậm uống nước trong. Là bạn thân, Đạt mừng cho Khải và cho rằng anh xứng đáng được vào làm việc ở cơ quan ấy vì cả năng lực lẫn phẩm chất, tư cách.

Ba năm sau Trần Khải được bổ nhiệm vào một chức vụ lãnh đạo. Tuy chức vụ chưa lớn nhưng cũng đã là lãnh đạo. Nhìn bạn Lê Bá Đạt vừa mừng, vừa thấy có điều gì đấy làm anh tủi tủi. Ngay từ khi sắp được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, Trần Khải đã báo tin cho bạn biết. Nhận được tin của Khải, Đạt nghĩ thầm: Thằng ấy khá lắm, đề bạt nó là xứng đáng rồi, đúng là chín thật chứ không còn là chín ép, càng không phải mới nhìn vỏ đã tưởng là chín. Nó được đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm lãnh đạo.

Tuy chưa được bổ nhiệm chính thức, nhưng tính nó rất chín chắn, nó báo tin cho mình như thế là nó có căn cứ chắc chắn lắm rồi hoặc là đã có quyết định rồi nhưng chỉ chờ ngày công bố thôi. Khải được bổ nhiệm, tức là bước chân lên bậc thềm đầu tiên của con đường danh vọng, là kết quả của bao nhiêu năm miệt mài học tập và rèn luyện, phải tặng nó cái gì nhỉ. Vợ chồng nó tiền không thiếu, đã có nhà biệt thự loại sang, giữa vườn cây, hoa lá hài hòa. Đúng là vợ đẹp, nhà sang, Trần Khải lấy được cô vợ trẻ đẹp, sắc sảo đến mức có thể nói không ai ở thành phố này có thể đẹp hơn, sắc sảo hơn vợ nó. Tất cả từ tay vợ chồng nó làm nên, không ai dám ngờ vực điều gì.

Bá Đạt chuẩn bị sẵn một món quà để tặng Khải. Món quà là gì? Theo Đạt không phải là nhiều tiền hay ít tiền mà là phải phù hợp với không gian thoáng đãng hài hòa của khu biệt thự và cả trọng trách vừa được bổ nhiệm. Còn nhớ một lần trò chuyện với một kiến trúc sư nổi tiếng giữa Sài Gòn sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chính kiến trúc sư là người thiết kế công trình Dinh Độc Lập- nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam cộng hòa. Kiến trúc sư Ngô Viết Thu nói rằng ông thiết kế cái lầu Bát Quái trên sân thượng của Dinh. Nơi đây có mấy cái lồng chim, những con chim cảnh hót líu lo suốt ngày; ở đấy có thể phóng tầm mắt nhìn bốn phương của thành phố, làm nơi thư giãn cho Tổng thống sau những giờ làm việc căng thẳng, lấy lại sảng khoái cho một ngày làm việc mới. Kiến trúc sư còn nói rằng, trong đồ án, ông không thiết kế con đường từ vườn hoa Tao Đàn chọc thẳng vào Dinh mà nhiều người đã thấy… Chuyện cũ nhớ lại gợi ý Lê Bá Đạt tìm kiếm món quà tặng Trần Khải.

Đã có lòng với bạn, khó mấy Đạt cũng làm bằng được. Anh dậy rất sớm khi trời còn tối, những người ở xung quanh khu nhà tập thể của giáo viên vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Trời lạnh, Đạt khoác thêm chiếc áo bên ngoài đi bộ ra đường đón xe khách để kịp lên chợ Bắc Ngầm mãi tít dưới chân núi Đản Khao. Đạt đã hẹn với chú bé người Mèo ở lưng chừng núi cách đây gần một tháng. Xe khách đến nơi, chợ đã đông người. Những quán thắng cố đã nổi lửa, những chảo thịt sôi sùng sục, mùi thịt ngựa vừa thơm vừa lẫn mùi hoi hoi bốc lên. Ngửi mùi thắng cố Đạt thấy đói bụng, nhưng khoan đã, Đạt ra gốc cây sồi nơi người ta hay buộc ngựa ngồi thu lu đợi thằng bé người Mèo từ núi xuống. Sương bắt đầu tan, người đi chợ nhìn rõ mặt nhau nhưng vẫn chưa thấy thằng bé đâu. Anh rút điện thoại từ túi ra bấm số cho thằng bé người Mèo trên núi Đản Khao. Một lúc sau thằng bé mới trả lời là nó đang xuống núi, sương mù quá nên đường trơn, cứ đợi nó ở gốc cây sồi và chắc chắn là có hàng rồi.

Sương sớm bay dần lên cao, thằng bé hiện ra như ông tiên trong truyện cổ tích, trên vai gồng hai cái lồng chim. Đạt ôm chầm lấy thằng bé, áo còn ướt sương: Mày đáng khen lắm, giữ đúng lời hứa. Kiếm được hai con à. Thằng bé người Mèo trả lời Đạt trong hơi thở hổn hển: Có một con khiếu đá bạc má thôi. Con kia là chim cu nhưng đẹp lắm. Em cam đoan là chỉ có núi Đản Khao này mới có loại khiếu đá bạc má này. Anh đem về nuôi vài tháng chịu khó dạy nói, nó nói được như người đấy. Quen rồi có thể thả nó ra không cần lồng đâu. Nhưng phải nhớ cho nó ăn cái hạt này (cậu bé đưa cho Đạt một cái túi vải trong đó có những hạt gì đó mà cậu vẫn cho con khiếu ăn hàng ngày), ăn quen rồi mới cho ra khỏi lồng, nếu không nó lại bay về núi Đản Khao mất. Chim gáy thì khác, hễ để xổ lồng là nó bay đi với bạn tình luôn.

Thằng bé nâng cái lồng thứ hai lên ngang tầm mắt của Đạt. Đây là con chim cu. Chim cu thì nhiều nơi có, nhưng tìm được con có bộ cườm ở cổ dày và đẹp thế này cũng hơi khó đấy. Con này lại có giọng thổ đồng rất ấm và sang. Những người chơi chim sành dặn em bắt cho, mãi mới tìm được con này có giọng thổ đồng. Chỉ có những con khiếu đá mới biết hót và công phu dạy nó nói được, chim cu không biết hót, chỉ biết gáy thôi. Cái giống này thích lắm, người mình chưa nghe thấy đâu thì nó đã nghe được tiếng gáy của bạn tình. Khi ấy nhìn nó hay lắm, nó lấy hơi vào cổ có bộ cườm phồng to lên như anh nhạc công thổi kèn đồng tômpét, lấy hơi phồng má trợn mắt lên để thổi. Con chim cu lấy hơi đầy cổ rồi cứ thế cúc- cù- cù… nhảy xoay tròn trong cái lồng, người ta bảo đấy là lúc nó hứng tình, cứ thế mà nhảy, mà cúc- cù- cù không biết mỏi là gì, cho đến khi bạn tình đến gần hoặc bay đi mất.

Chợ sắp tan. Đạt rủ thằng bé vào quán thắng cố chiêu đãi nó một bữa thịt ngựa - chiêu đãi bằng rượu ngô rót vào bát cho đến khi thằng bé ngả nghiêng thì thôi.. Trả tiền xong, Đạt còn thưởng cho nó một đồng tiền xanh vì tìm cho Đạt được con chim rất ưng ý để về tặng bạn. Con chim quý vì như cậu bé người Mèo nói là cả vùng núi Tây Bắc chỉ có núi Đản Khao là có giống chim khiếu đá, nếu dạy nó, có thể nó nói được như người. Hơn nữa là vì tình bạn, Đạt đã lặn lội lên tận chợ Bắc Ngầm để tìm mua chim tặng bạn.

Đạt xách hai cái lồng chim được phủ lên trên bằng một mảnh lụa đỏ rồi nhảy lên xe chợ về xuôi. Nhanh nhất thì chín- mười giờ đêm Đạt sẽ về đến nhà.

Nhận được quà của Đạt, Khải rất vui. Anh khen Đạt là đã tặng anh một món quà rất phù hợp với khung cảnh nhà mình. Hơn thế, tiếng con khiếu đá hót lảnh lót hàng ngày giúp cho Khải thư giãn, thoải mái sau một ngày làm việc và sảng khoái mỗi buổi ban mai khi anh chuẩn bị lên ô tô đến cơ quan. Còn con chim cu, có vẻ lãng mạn hơn một chút. Mỗi khi nó nghe thấy tiếng gáy của bạn tình, bộ cườm cườm mượt mà ở cổ nó rung lên, nó nhảy xoay tròn trong chiếc lồng như một vũ nữ, cúc- cù- cù, cúc- cù- cù, bổ ba, rồi bổ bốn cúc- cù- cúc- cù, có khi hứng lên nó thả giọng gáy bổ năm, bổ sáu. Giọng của con chim gáy thổ đồng trầm ấm, có chiều sâu và biến đổi lạ thường. Khi con chim thả giọng đôi khi làm anh nhớ lại những ngày bắt đầu yêu Thanh Vân Hồ - vợ của anh bây giờ.

Vui hơn, mỗi ngày đi làm về Thanh Vân Hồ- vợ Khải bao giờ cũng dừng xe máy dưới gốc cây lộc vừng có những chùm hoa đỏ buông dài xuống phía dưới tựa như cái mành mành kết bằng hoa ôm lấy thân cây- nơi Trần Khải treo chiếc lồng con khiếu đá, chị dạy con khiếu đá nói vài câu: Nhà có khách- nhà có khách. Lâu ngày thành quen, nhìn thấy Thanh Vân Hồ từ cổng con khiếu đã nhảy nhót chờ cô dạy nó nói, y như trẻ mẫu giáo chờ đón cô giáo vào lớp. Cứ như vậy, khoảng chừng sáu tháng sau con khiếu đã bặp bẹ nói được câu có khách- có khách. Thanh Vân Hồ gọi chồng ra nơi treo chiếc lồng chim khoe là con khiếu đã biết nói. Chị dạy nó nói: Nhà có khách- nhà có khách, nhưng con khiếu mới nói được hai âm cuối: Có khách- có khách. Trần Khải ôm lấy vợ cười rất vui: Nó là học trò của em đấy. Em dạy tiếp cho nó nói trọn câu đi: Nhà có khách- nhà có khách. Vợ chồng ôm nhau cười, con khiếu trong lồng nhảy nhót rối rít rồi vươn cổ lên: Có khách- có khách.

Qua tết, con khiếu đã biết nói trọn câu. Mỗi chiều khi thấy tiếng xe máy và bóng dáng người đàn bà vào cổng nó rối rít nhảy nhót và cất lời như mời mọc, chào đón đon đả: Nhà có khách! Nhà có khách. Thanh Vân Hồ biết là con khiếu chào đón mình. Chị dựng chiếc xe máy màu cá vàng đi lại phía con khiếu và lấy từ trong cái túi xách thời trang ra cái gì không biết để vào lòng bàn tay có những cái móng sơn màu mận chín chìa ra thưởng cho con khiếu.

Những đứa trẻ cùng phố biết nhà chú Trần Khải có con khiếu biết nói, hàng ngày rủ nhau đến xem và dạy nó thêm. Sau tết, con khiếu nói sõi như tiếng trẻ con. Hằng ngày cứ thấy bóng dáng ai đi ô tô, xe máy vào cổng con khiếu lại ríu rít Nhà có khách! Nhà có khách! Từ ngày Trần Khải có chức, có quyền khách đến nhà chơi mỗi ngày một đông. Ngoài những người quen biết còn có nhiều người Thanh Vân Hồ chưa gặp mặt bao giờ và cũng không biết họ làm gì, ở đâu. Họ đâu có đến chơi không, họ đem theo quà cáp và nói năng với chồng mình những lời nịnh bợ rất khó nghe. Theo phép lịch sự, thời gian đầu Thanh Vân Hồ ngồi cùng chồng tiếp khách. Về sau Thanh Vân Hồ thấy có vẻ khó chịu khi phải tiếp khách với chồng. Là một người đàn đẹp, thông minh và biết tự trọng, Thanh Vân Hồ bắt đầu lẩn tránh những cuộc tiếp khách của chồng. Cô gọi điện nói chuyện với Đạt. Cô nói với Đạt là cô linh tính thấy có điều gì bất ổn nếu tình trạng ấy cứ diễn ra. Cô hỏi Đạt, không biết anh Khải có giữ được bản lĩnh không? Mới có một chút quyền lực, một chút danh vọng mà đã bị bao vây và tấn công như thế. Qua điện thoại Thanh Vân Hồ nghe thấy tiếng thở dài của Đạt. Hình như chính Đạt đã cảm nhận được những điều bất ổn trước cả Thanh Vân Hồ. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn của một nhà giáo, Đạt nói với Thanh Vân Hồ, em cứ bình tĩnh, một con người thông minh, sắc sảo như em, anh tin là em sẽ biết cách xử lý một cách khôn khéo.

Trong số những người thường xuyên đến nhà Khải có cả những cô gái trẻ, ăn mặc rất khêu gợi, ăn nói nhẹ nhàng và phải nói là họ tỏ ra rất lịch sự, ngoan ngoãn y như những người phục vụ của Khải. Nhìn nhan sắc bên ngoài và cả sự hiểu biết thông qua cách ăn nói, ứng xử, không ai có thể so sánh được với Thanh Vân Hồ- một phụ nữ xinh đẹp, có học vấn cao. Nhưng Thanh Vân Hồ đã lường trước một khía cạnh bất ổn khác có thể xảy ra nếu cảnh tượng lúc nào cũng: Nhà có khách! Nhà có khách! Cứ diễn ra như thế này.

Con khiếu từ tập nói rồi biết nói như một đứa trẻ là niềm vui mỗi khi Thanh Vân Hồ ở cơ quan về, dần dà con khiếu biết nói trở thành nỗi bận tâm của cô. Hằng ngày, nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật, con khiếu nói khản cả cổ, vừa “nhà có khách” lại “nhà có khách- nhà có khách”. Giọng con chim khiếu khản đi làm cho tâm trí Thanh Vân Hồ vợ của Khải từ bận tâm đã trở thành niềm day dứt. Một buổi sáng Thanh Vân Hồ vừa ngồi vào bàn có chiếc máy tính ở trước mặt, cô định đọc tiếp bộ tiểu thuyết “Không gia đình”, hình như tác giả viết cho thiếu niên, nhưng cô thích đọc, nó đã lấy đi không ít nước mắt của cô. Cô bật máy rồi di chuột vào ổ chứa bộ tiểu thuyết, bỗng nghe thấy tiếng đứa trẻ léo nhéo ở ngoài cửa sổ. Cô nhìn ra, không có đứa trẻ nào cả. Thì ra vẫn là tiếng con khiếu đá phát ra từ phía cây lộc vừng. Không biết ai đã dạy nó, giọng nó không khàn như nói mãi một câu nhàm chán: Nhà có khách- nhà có khách- nhà có khách. Giọng con khiếu trong trẻo như giọng đứa trẻ, âm sắc rành rọt: Bồ nhí- đến nhà, bồ nhí- đến nhà. Thì ra con khiếu đã nhận ra mấy cô mắt xanh, mỏ đỏ. Nghe con khiếu báo tin với chủ, mấy cô giơ tay bịt những cái miệng đỏ chót, cô thì chìa tay ra lắc lắc muốn bảo con khiếu là không phải thế, không phải là bồ nhí của Trần Khải. Thanh Vân Hồ quý con khiếu đá là thế, nhưng sáng nay giọng nói của nó chọc thẳng vào lồng ngực cô, trái tim cô chảy máu. Người đàn bà phải nói là quá đẹp, thông minh và nhạy cảm đã dự báo được những gì sẽ xảy ra, nhưng sáng nay cô vẫn để trái tim mình bị chấn thương và chảy máu.

Vết thương trên ngực Thanh Vân Hồ không sao băng bó được. Máu chảy ra ồ ạt. Cô quyết định nói với chồng tất cả những điều cô đã dự báo về quyền lực, danh vọng và tình yêu đang bị chính anh và những con người kia làm cho tha hóa và tàn tạ. Đến một lúc nào đó, gần thôi danh vọng, quyền lực và ngôi biệt thự sang trọng không còn đủ năng lượng để sưởi ấm tình yêu, mặt trời sẽ tắt ngay chính trên khuôn viên của gia đình này.

Chuyện của buổi sáng hôm ấy xảy ra không bao lâu thì Đạt từ huyện gửi cho Trần Khải một khẩu súng hơi. Khẩu súng hơi 7 cân của Tiệp Khắc, Đạt mượn của anh bạn cùng trường. Có đến ba năm nay rồi khẩu súng chỉ treo trên tường để ngắm- kể từ khi vùng này mở một chiến dịch giải cứu cho đàn chim bị người ta giăng lưới thả mồi, bẫy bằng que nhựa và bằng đủ mọi kiểu để bán cho các quán nhậu làm mồi khi uống rượu.

Con khiếu nói lăng nhăng, làm tổn hại đến danh dự và tình yêu của vợ chồng Khải. Con chim cu xem ra cũng ít gáy hơn, cái giọng thổ đồng của nó không còn ấm và vang xa nữa, không còn tác dụng giúp Khải thư giãn sau một ngày làm việc. Trần Khải lại muốn có khẩu súng hơi để đi săn cho vui, Đạt chỉ dặn Khải là chơi súng hơi cũng phải thận trọng vì độ sát thương của nó- khẩu súng những 7 cân kia đấy.

Có một điều, chỉ có Thanh Vân Hồ biết- chính con khiếu đã bắn một mũi tên vào ngực cô, tim cô chảy máu. Nhưng con khiếu là kẻ vô tội, cô vẫn thương nó. Sáng ra, như mọi sáng cô cho thức ăn, nước uống rồi mở cửa lồng thò tay vào dọn bỏ rác bẩn, bất ngờ con khiếu mổ vào tay cô rất đau rồi vuột ra khỏi lồng bay lên đậu ở nóc nhà hàng xóm. Không hiểu sao Thanh Vân Hồ vừa mở cửa lồng để dọn rác con chim cu cũng liền vọt ra, bay đi. Không giống con khiếu bay lên đậu ở nóc nhà hàng xóm, con chim cu ra khỏi lồng nó bay thẳng về phía trời xa, hình như có tiếng gáy của bạn tình, chỉ có một mình nó mới nghe thấy.

Vẫn như mọi ngày, thấy người lạ đến con khiếu lảnh lót báo tin: Nhà có khách- nhà có khách; nhìn thấy mấy cô gái mắt nâu, mỏ đỏ, ăn mặc khêu gợi bước qua cánh cổng, con khiếu rối rít lên: Bồ nhí- đến nhà; bồ nhí- đến nhà. Tiếng con khiếu trên nóc nhà cao, không chỉ vợ chồng Trần Khải nghe thấy mà nhiều người ở những ngôi nhà xung quanh đều phải nghe. Sáng sớm, tiếng con khiếu càng rõ mồn một y như tiếng người. Vợ Khải, cô Thanh Vân Hồ đau nhói ở vết thương trên ngực. Trần Khải hổ thẹn. Đến chín giờ sáng- khoảng thời gian và không gian yên ắng nhất của đường phố, Khải tỳ khẩu súng hơi vào thân cây lộc vừng bóp cò. Tiếng súng hơi nặng cân nổ một tiếng “bẹt”. Ai tinh ý mới biết đấy là tiếng súng. Con khiếu từ nóc nhà cao lộn nhào rơi xuống. Khải leo lên trên tầng tum tìm xác con khiếu nhưng không thấy. Rõ ràng nó đã chết vì viên đạn chì của khẩu súng hơi. Khải về phòng, ôm khẩu súng buồn bã, trước khi dựng nó vào góc nhà. Bộ óc vốn được bạn bè ngợi khen là thông minh bỗng mụ đi trước bao nhiêu câu hỏi.

Đêm hôm ấy, lần đầu tiên Thanh Vân Hồ đi nghỉ trước, không đợi chồng về. Khu biệt thự ngày ngày rộn tiếng chim hót và tiếng gáy của con chim cu gọi bạn tình, đêm ấy im ắng lạ thường, không có cả tiếng gió trên cành. Trần Khải ngả mình trên ghế đi văng không biết được bao lâu, bỗng giật mình tỉnh dậy, con khiếu đá vẫn cứ thảng thốt như trêu chọc. Trời tối như mực, Khải không bật điện mà lao về phía dựng khẩu súng hơi. Anh xách súng xuống tầng. Qua một kẽ hở, ánh điện nhà hàng xóm hắt lên nóc nhà, con khiếu vẫn còn sống, nó đậu ở chính nơi anh bắn nó, tiếng nó vẫn lảnh lót như tiếng người xoáy vào tâm trí anh. Nhưng con khiếu không còn là con khiếu đá, có bộ lông xanh mầu cẩm thạch mà nó đã hóa thành một con khiếu đen tuyền như một con quạ con. Khủng khiếp!

Từ khi ấy đêm nào Trần Khải cũng xách khẩu súng hơi đi săn, đi lùng nhưng con khiếu đen vẫn tồn tại và sõi mỏ về phía nhà Trần Khải mà nhấm nhẳng trêu chọc, tiếng con khiếu dường như không phải từ trên nóc nhà mà từ tầng sâu của đất vọng lên.

Có đến gần một năm Đạt ít đến nhà Khải, bởi những lời gan ruột của Đạt, Khải đã để ngoài tai. Đạt gọi điện cho Trần Khải và cả Thanh Vân Hồ nhưng không có ai bắt máy. Bị xúc phạm đấy, nhưng vì tình bạn Đạt vẫn quyết định từ trường lên để lấy lại khẩu súng hơi, giãi bày lòng mình với Khải và cũng là gặp để an ủi Thanh Vân Hồ.

Khi đến nơi, hai cánh cửa sắt nặng nề của nhà Khải đã được khóa lại bằng hai cái khóa. Hỏi han, bà con hàng xóm nói là anh chị ấy không biết về quê hay đi đâu; hôm rồi có người mang thư- nói đúng hơn là mang công văn đến yêu cầu anh ấy phải có mặt- nếu không cơ quan sẽ xử lý theo quy định hiện hành. Không có người nhận, người đưa thư lại chuyển trả lại cho đơn vị của anh ấy.

Đột ngột quá, Đạt không thể quay về được, anh ngồi ở quán nước gần đấy tỷ tê hỏi chuyện. Ông hàng nước nói là chị ấy đã về bên mẹ đẻ, còn anh ấy đâu cùng cô bồ về Hải Hậu xây ngôi nhà to lắm ở gần vùng biển kinh doanh khách sạn. Ông hàng nước nói là đâu cũng rắc rối lắm, tiền là tiền của anh ta kiếm được từ cái vụ khai khống hồ sơ và của đút, của lót, còn đất là đất của cô ấy. Xây dựng chưa xong hẳn thì cạn tiền từ đó xảy ra mâu thuẫn, cô ta trở mặt đuổi anh ta đi. Ấy là nghe đồn đoán vậy.

Không biết bây giờ anh ta ở đâu! Con khiếu thì đã bay đi. Cái biệt thự sang trọng ở đây vẫn cứ hai cái khóa im ỉm suốt ngày.

 

                                                                                                            H.Đ

 

 

Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter