Đêm trắng không dài.

Truyện ngắn của BÙI THỊ KIM CÚC

 

 Tôi tên là Hà Mi. Theo mẹ tôi kể, tôi sinh ra trong một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp, lúc đó khoảng 9 giờ sáng, ấy là khi mặt trời đã trải những ngón dài vàng óng như mật vuốt ve trìu mến lên mọi vật của thế gian.

Tôi là con gái lại gánh chữ Mậu Thìn nên mẹ tôi hơi lo lắng. Mẹ tôi bảo: “Canh cô, mậu quả”, ấy là đàn bà. Hay câu: “Trai đinh, nhâm, quý thì tài. Gái đinh, nhâm, quý thì hai lần đò”. Tôi không tin vào mấy câu ca đó của các cụ. Vì thực tế có phải ai cũng vậy đâu. Với lại đi xem bói các thầy bói thường nói: Giờ sinh, tháng đẻ rất quan trọng.

Khi học lớp 12 bạn tôi rủ tôi đi xem bói. Tôi theo bạn đi vì tò mò thôi. Thầy viết cho tôi một trang giấy về mạng của mình. Thầy bảo tôi tuổi rồng. Nếu sinh vào tháng 6 thì tốt, vì đó là lúc rồng gặp nước. Còn tôi sinh vào tháng 9 nước cạn rồi. Rồng khó bay cao được. Về cá tính tôi tuổi rồng nên luôn bay cao hơn mọi người, không chịu khuất phục ai, vân vân và vân vân. Lúc ấy tôi 18 tuổi sao nghĩ được nông sâu chuyện gì, chỉ biết ăn học, ca hát véo von suốt ngày. Tốt nghiệp trung học phổ thông tôi thi vào đại học. Mẹ tôi đã định hướng cho tôi. Tôi có năng khiếu họa và nhạc. Mẹ bảo chỉ mơ ước sau này tôi trở thành cô giáo dạy nhạc thôi. Thế là năm lớp 6 tôi đã được mẹ cho đi học đàn. Năm lớp 10 tôi thi vào Trường Trung cấp nghệ thuật của tỉnh. Vậy là trong 3 năm học này tôi phải thực hiện được cái bằng trung học phổ thông về văn hóa và cái bằng trung cấp nghệ thuật. Mẹ tôi bảo: Nghệ thuật là một môn có năng khiếu chưa đủ, phải khổ luyện và đam mê nữa mới thành tài. Học nghệ thuật là học suốt đời chưa đủ, nếu muốn khẳng định mình. Được cái tôi ngoan và rất biết nghe lời mẹ. Trong một tuần, buổi sáng tôi học 5 tiết văn hóa ở trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ. Có hôm 12 giờ trưa tôi mới đạp xe về đến nhà. Mẹ tôi đã sắp sẵn mâm cơm ở bàn. Tôi ngồi ăn xong, nằm ngay ra cái ghế đi văng mà chợp mắt được 30 phút. Sau đó tôi vội vàng đạp xe ra Trường Trung cấp nghệ thuật của tỉnh học tiếp 4 tiết nữa. Buổi chiều về tôi nghỉ ngơi chút rồi vệ sinh, tắm rửa. Ăn cơm tối xong tôi phải thực hiện các bài tập, bài học của 9 tiết ngày hôm sau. Kì lạ thay, người tôi tuy nhỏ bé nhưng tôi ít khi ốm vặt. Tôi học chăm chỉ cả văn hóa lẫn các môn nghệ thuật. Tôi học môn ghi ta, 5 đầu ngón tay bấm phím của tôi lúc đầu đỏ ửng, đau lắm. Nhưng thầy dạy ghi ta bảo tôi:

- Nghệ thuật có cái giá của nó. Em cố lên, sau này đầu ngón tay chai lại sẽ hết đau. So với môn múa đã thấm vào đâu. Cố lên nhé.

- Vâng ạ.

Tôi vâng lời thầy, và năng khiếu của tôi khá nhọn nên tất cả các môn về âm nhạc tôi luôn đạt điểm giỏi.

Mẹ tôi kể, khi học phổ thông tất cả các cấp tôi ngoan lắm, không bao giờ mẹ phải giục học bài. Bài tập, bài học của tôi lúc nào tôi cũng thực hiện đầy đủ, sách vở tôi bọc từng quyển. Mẹ tôi bằng lòng về tôi lắm.

Hôm thi đại học mẹ tôi đưa tôi đến trường thi. Mẹ ngồi đợi tôi ngoài cổng. Cũng rất nhiều phụ huynh đưa con đi thi chờ đợi như vậy. Khi tôi thi xong mẹ mới nói:

- Mẹ rất lo, vì khi ngồi ngoài đợi con thi xong đã có phụ huynh nói với mẹ là toàn thi năng khiếu, chỉ có 3 giám khảo coi và chấm, tiêu cực lắm. Con không biết có đỗ được không?

- Mẹ không phải lo đâu, con làm bài tốt và được thầy khen mà.

Mẹ tôi mắt sáng lên tin tưởng và quả đúng như vậy. Tôi đã đỗ thủ khoa trường Đại học  Sư phạm nghệ thuật trung ương. Mẹ tôi mừng lắm. Điều mẹ lo nhất cho tôi là không biết tôi ngơ ngác thế về Hà Nội khéo bị bọn buôn người lừa bắt bán sang Trung Quốc thì chết. Vì vậy đích thân mẹ đưa tôi xuống nhập học. Mẹ không đi xe ôm mà gọi ta xi 2 mẹ con cùng đi. Đi xe ôm nhỡ nó chở tôi đến chỗ đường kín rồi bắt cóc con gái bà thì sao? Đời bây giờ thật giả lẫn lộn, biết đâu mà tin được. Ấy người mẹ nào cũng lo cho con mình từng tí như vậy. Nhất là các bà mẹ quê.

 

                                                  *

Ngày đầu tôi xuống Hà Nội học, tôi trọ học với hai cô bạn cùng lớp, đứa ở Hải Phòng, đứa ở Nam Định. Nhà trọ cho sinh viên nghèo cũ kĩ . Đường vào chỉ đi lọt một cái xe máy. Khu này Hà Nội  xưa là làng. Dần dà việc đô thị hóa đã biến làng thành phố chi chít nhà cửa, bởi mỗi tấc đất ba tấc vàng. Nhưng chúng tôi thích nghi rất nhanh với môi trường mới. Cậu tôi bảo với mẹ tôi: “Chị đừng lo, bọn chúng nó ngơ ngác mấy ngày đầu thôi, năm sau chúng như cáo Hà Nội ngay”. Mà đúng như vậy thật, chúng tôi là con gái nên cũng biết tự bảo vệ bản thân. Hôm nào học tối, chúng tôi thường nhờ mấy bạn nam cùng lớp đưa về nhà trọ.

Đời sinh viên thật đẹp. Chúng tôi học và đi biểu diễn, đi hát từ thiện nhiều chỗ. Thấy cuộc đời mình sao êm đẹp thế. Tôi ra trường và xin thi tuyển vào một trường dân lập ở Hà Nội dạy nhạc. Năm đầu tiên áp lực công việc khiến tôi chán nản và rất muốn bỏ việc. Mẹ tôi bảo:

- Cái gì cũng có giá của nó. Trường công làm việc nhàn hơn, đỡ áp lực hơn nhưng lương ba cọc ba đồng. Vả lại cũng không thể xin vào trường công được. Có những cô giáo dạy hợp đồng lương 2 triệu một tháng, dạy những hơn 20 năm mà vẫn chưa được biên chế. 2 chữ biên chế vừa là mơ ước vừa là nỗi lo sợ ám ảnh vô cùng. Con cố lên, rồi sẽ quen đi. Trường dân lập phát triển theo mô hình kinh tế tư bản nó công bằng, lương theo năng lực, cao đấy. Nó là đất dụng võ của những người tài năng phát triển. Rồi con sẽ thấy, cố lên gái nhé.

Tôi được mẹ động viên nên rất cố gắng. Quả đúng như vậy, dạy được một năm thì tôi quen môi trường làm việc mới. Lương của tôi gấp 4 lần so với giáo viên công lập dạy được 5 năm. Tôi thích môi trường làm việc ở đây, mới mẻ, sáng tạo và năng động, tất nhiên ai chịu được áp lực mới tồn tại được. Ai thật sự tài năng mới phát triển được. Và tôi say sưa làm việc. Tôi nghĩ, tuổi trẻ của chúng tôi phải được làm việc trong một môi trường này mới thấy có ý nghĩa.

Tôi yêu những em bé tiểu học ngây thơ trong trắng. Vào lớp chúng như một đàn chim non vỡ tổ. Nhưng tìm được phương pháp đúng thì chúng đáng yêu vô cùng.

Tôi không nghĩ tới chuyện chồng con. Mẹ tôi bảo:

- Năm nay cô 29 tuổi rồi, kịch đường tàu rồi đấy, xem có ai thì tính chuyện chồng con đi.

Tôi giật mình, mình đã 29 rồi ư? Tôi bảo mẹ:

- Môi trường làm việc của con khó kiếm chồng lắm. Mẹ xem có ai giới thiệu cho con.

- Chết nỗi, mỗi việc kiếm chồng cũng mẹ là sao?

- Vậy con không lấy chồng nữa. Ở thế này tự do thích hơn.

- Cha bố cô!

Mẹ biết tôi không nói đùa nên cũng mối lái cho tôi một anh chàng tên Hải, đẹp trai, trắng trẻo, ăn nói khéo léo. Hải hơn tôi 5 tuổi. Anh con nhà nông dân vùng cao. Nhưng anh thoát li gia đình khá sớm. Năm 18 tuổi anh đã vào Sài Gòn làm việc cho bà cô họ. Cuộc sống Sài thành đã khiến anh thay đổi nhiều. Nhưng hơn 10 năm rồi mà anh vẫn lông bông, tay trắng. Thấy vậy bố mẹ anh bắt anh về Bắc lấy vợ và lập nghiệp mới. Anh vốn chỉ học hết lớp 12. Không học trường chuyên nghiệp nào nên không có một cái nghề cụ thể. Khi được mẹ giới thiệu anh đã đến trường tìm tôi. Anh ga lăng và theo đuổi tấn công tôi liên tục. Tôi thấy lo lắng vì không hiểu gì về anh. Nhưng có lẽ duyên phận đã sắp đặt như vậy, hay vì tuổi cao cần lấy chồng mà tôi tặc lưỡi: Thì cưới!

Vợ chồng tôi sống chung với nhau được một năm, rồi hai năm nhưng đứa con của chúng tôi vẫn bặt vô âm tín. Tôi đi khám và biết bệnh của mình bị buồng trứng đa nang nên khó có con tự nhiên. Tôi bảo anh:

- Hay mình làm thụ tinh nhân tạo đi.

- Vội gì, tiền anh không có. Với lại anh cần mua con xe để chạy Taxi Grap.

Tôi rất buồn. Mẹ cũng đã chạy chữa thuốc Nam cho tôi tốn tiền trăm triệu. Nhưng trời vẫn chưa cho tôi mụn con.

Tôi đi làm, áp lực công việc ngày càng nặng. Lại thêm áp lực từ nhà chồng, nhất là bà mẹ chồng. Bản thân mẹ tôi cũng lo lắng. Mẹ gọi điện cho tôi nói về việc thụ tinh nhân tạo. Mẹ sẽ hỗ trợ ít nhiều về tiền bạc. Nhưng chồng tôi không muốn thì tôi biết làm sao? Mẹ bảo ở nhà cứ gặp người quen là họ lại hỏi: “Cái Mi nhà bà thế nào rồi?”. Nghe mà bực mình. Ấy cái kiểu ở quê là vậy. Cái gì họ cũng có thể quan tâm đến gia đình người khác. Và rồi lại làm câu chuyện dưa lê của mấy bà rỗi việc.

Tôi có cảm giác tôi không còn đủ sức để sống nữa, nói gì đến chuyện con cái.

Mẹ chồng tôi thấy tôi khó khăn đường con cái nên nói với chồng tôi:

- Vợ mày vô sinh thì bỏ quách đi, lấy con khác nó đẻ con cho. Mày còn chần chờ gì nữa?

Chồng tôi vò đầu bứt tai bảo:

- Mẹ tưởng nói bỏ là bỏ được à? Vợ con nó ngoan hiền giỏi giang. Con sống với nó rất hạnh phúc. Chỉ vì đứa con nó chưa đến với chúng con thôi. Mẹ cứ từ từ để con tính.

- Được. Tôi gia hạn cho anh hết năm nay thôi đấy.

Ba năm trôi đi. Bụng tôi vẫn lép kẹp. Tôi là một phụ nữ bình thường nên khao khát có đứa con, khao khát được làm mẹ cháy bỏng trong tôi. Chồng tôi hễ nói tới thụ tinh nhân tạo lại lờ đi, hoãn binh. Và tình cảm của anh đối với tôi nhạt dần. Tôi biết, nguyên nhân chính là tôi chưa thể có con cho anh. Anh bị gia đình tác động liên tục.

Và cái gì đến nó phải đến. Một hôm anh đi làm về, mồm anh sực nức mùi rượu. Anh nôn ọe ra khắp nhà và cằn nhằn:

- Đi lấy nước cho tao!

Tôi nghe mà muốn rớt tim luôn. Anh xưng hô với tôi như kẻ đầu đường xó chợ thế à. Tôi điên tiết khùng lên:

- Anh muốn bỏ thì cứ bỏ. Sao phải giở cái thủ đoạn bẩn thỉu ra làm gì?

- Á… à… Này thì bẩn này! Này thì bỏ này!

Anh vùng ra khỏi gường lao vào tôi như một con trâu điên. Anh đấm đá túi bụi vào người tôi. Tôi ôm đầu chịu trận. Nước mắt tôi tràn ra mặn chát. Tôi khóc không lên tiếng. Tôi cố vùng lên để thoát khỏi anh. Nhưng sức anh lớn hơn tôi nhiều. Đánh tôi chán tay. Anh lảo đảo nằm phịch xuống sàn nhà rên lên ư ử. Tôi lấy tay quệt nhanh những giọt nước mắt trên mặt mình. Tôi cố lết ra phía cửa nhà. Cánh tay tôi đau nhức. Gắng gượng mãi tôi cũng xoay được nắm đấm cửa và thoát ra ngoài. Đêm hôm ấy tôi không về nhà. Tôi gọi điện cho Mai, cô bạn cùng dạy với tôi:

- Mày đến chân tòa chung cư đón tao nhé.

- Có chuyện gì à? Ok. Đợi Mai nhé. 10 phút thôi.

Gọi điện cho Mai xong tôi lại cố lết đến thang máy. May thang máy không có ai. Nếu gặp ai ở đây tôi sẽ rất xấu hổ vì tình cảnh hiện tại của mình.

 Tôi ngồi dựa lưng vào một bức tường dưới sảnh chung cư. Trời đã rất đêm. Người đi lại vắng dần trên phố. Gió thu se lạnh phả vào người tôi, càng làm những vết thương trên người tôi đau buốt. Nhưng vết thương da thịt không đau bằng vết thương trong lòng tôi. Vết thương lòng, từng giọt máu tí tách nhỏ vào trái tim tang thương của tôi. Tôi có tội gì?

10  phút sau Mai đến. Mai nhìn tôi há mồm ngạc nhiên hỏi:

- Trời đất! Sao lại đến nông nỗi này? Tao chở mày đến bệnh viện nhé.

- Không sao đâu. Chưa chết ngay được đâu. Đêm nay tao ngủ chỗ mày nhé.

- Được rồi, lên xe đi. Tao đèo về nhà tao.

Mai đỡ dìu tôi ngồi lên yên xe rồi nó chở tôi về căn phòng trọ của nó.

Về đến phòng của Mai. Mai lấy cho tôi nước ấm, khăn mặt và nó giúp tôi lau rửa các vết thương trên người tôi. Nó an ủi tôi và lè lưỡi tuyên bố:

- Tao không lấy chồng đâu!

Tôi không nói gì. Tôi kêu mệt và bảo nó:

- Đi ngủ thôi. Tao mệt lắm rồi.

Mai tắt đèn đi ngủ. Tôi nằm cạnh Mai, cố giữ thật khẽ để Mai ngủ. Chừng 15 phút sau thì tôi nghe tiếng gáy đều đều của Mai. Tiếng ngủ của Mai sao bình yên nhẹ nhàng đến thế. Tiếng ngủ của người con gái chưa chồng nghe thanh thản quá!

Tôi đã trắng đêm với bao nhiêu suy nghĩ.

Bỏ Hải ư? Nhưng chỉ nghĩ việc xa Hải là lòng tôi trống rỗng vô cùng. Tôi không hiểu tình yêu là cái con quái vật kiểu gì mà nó hành hạ người đàn bà khổ thế? Tôi đã từng nghe chuyện của nhiều người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, sống vô trách nhiệm với bản thân và vợ con vậy mà người vợ vẫn không dám bỏ? Lúc đó tôi nghĩ phải tay tôi, tôi bỏ ngay. Níu kéo làm gì cái của nợ ấy bên mình. Mặc dù người vợ làm ra kinh tế nuôi cả gia đình và cho chồng phá… Nhưng bây giờ tôi đã hiểu họ phần nào.

                                                   *

Sáng hôm sau. Mai thức dậy bởi tiếng chuông báo thức. Nghề giáo chúng tôi giờ giấc được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần vào lớp muộn 2 phút là dẫm vạch phạm lỗi rồi. Nếu quên giờ thì quả là cơn ác mộng. Chả thế có cô giáo về hưu 10 năm rồi mà vẫn nằm mơ quên giờ. Tỉnh ra mồ hôi vã vượi trên mặt. Ngơ ngác hoảng hồn và chợt nhận ra: Chỉ là mơ thôi! Tôi bảo Mai:

- Mình đã nhắn tin cho chị tổ trưởng chuyên môn xin nghỉ ngày hôm nay do bị ốm rồi. Đến trường, Mai không được tiết lộ thông tin về mình nhé.

- Ok. Yên tâm đi. Ở nhà nhớ cố dậy ăn sáng và nằm dưỡng thương nhé. Dù bất kì hoàn cảnh nào chúng ta không được gục ngã, biết chưa?

- Ok.

Mai dắt xe ra khỏi nhà và phóng vụt đi. Vội ăn. Vội đến. Vội đi. Vội hoàn tất hồ sơ giáo án. Vội họp. Cái gì cũng vội. Đã biến người lao động như Mai và Mi thành một cỗ máy không được sai sót của công việc. Đấy là thứ áp lực không phải ai cũng chịu được.

Mai đi rồi, tôi cố ngồi dậy vệ sinh cá nhân, chườm đá những vết thương cho đỡ thâm tím rồi nấu gói mì tôm ăn. Tôi vừa đưa miếng mì tôm vào miệng thì Hải gọi đến. Tôi không nghe máy. Tôi thất vọng vô cùng về Hải, đó là thứ cảm giác không dễ chịu chút nào. Hải, từ một người chồng nâng niu tôi, nay trở thành kẻ vũ phu khốn nạn đã khiến tôi không thể tha thứ.

Tôi là một cô giáo. Một cô giáo dạy giỏi được nhà trường đánh giá rất cao. Được đồng nghiệp nể trọng. Được học trò yêu quý. Tôi không thể để mất sự nghiệp và danh dự của mình được. Tôi đã tốn gần chục năm học hành để khẳng định sự nghiệp của mình. Hạnh phúc của tôi giờ không chỉ là thứ cỏn con bởi hai chữ hôn nhân. Một số chị em ở trường tôi, họ không lấy chồng. Họ rất hạnh phúc bởi không phải phục dịch ai. Không phải nhìn mặt nhà chồng mà sống. Hai tiếng li hôn văng vẳng trong tâm trí tôi. Tôi đang miên man với bao suy tưởng thì bỗng: Cạch… cạch… cạch. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình trở về thực tại:

- Ai đấy?

- Anh đây!

Hải? Sao anh ta biết tôi ở đây chứ. Tôi im không lên tiếng. Hải van lơn nói:

- Anh biết lỗi rồi. Tha thứ cho anh đi. Tại anh say quá. Tha lỗi cho anh nhé. Mở cửa ra anh đón em về.

- Anh về đi. Tôi thấy sợ anh rồi.

- Thì cứ mở cửa ra rồi chúng mình nói chuyện. Em muốn sao anh cũng chiều em hết.

Tôi mở cửa cho Hải vào. Hải nhìn mặt mày tôi thâm tím. Anh rất ăn năn. Hải hỏi:

- Đau không em?

- Đồ tồi!

- Đây, em đánh anh đi. Anh chịu hết.

Cứ dằng dai như vậy khoảng 1 tiếng đồng hồ thì tôi đã thua anh.

Ôi đàn bà! Dù mạnh mẽ đến mấy cũng thua cái lưỡi của đàn ông. Đàn bà chết ở lỗ tai là vậy.

Tôi nhắn tin cho Mai là Hải đã đón tôi về nhà rồi. Cảm ơn Mai đã giúp đỡ.

Mai nhận được tin nhắn của tôi nó cười khì rồi nhắn lại bằng hai chữ ok.

Hải đưa tôi về nhà. Hôm nay Hải cũng không đi làm mà ở nhà chăm sóc tôi. Trái tim tôi lại tan chảy bởi sự nâng niu xót xa ân cần của anh.

                                               

                                                *

Và… Thời gian lại trôi đi. Hải đã không giữ được lời anh hứa. Anh đi sớm về khuya. Tâm trạng thất thường khó hiểu. Tôi gọi điện về tâm sự với mẹ. Mẹ chỉ bảo một câu:

- Hôn nhân của con không dựa trên tình yêu mà chỉ là lợi dụng và tính toán của Hải và gia đình anh ta. Nay chỉ cần một nhu cầu của họ không đạt như mong muốn thì sớm muộn họ cũng đá con. Vậy nên không cần cố níu làm gì. Bỏ đi!

- Vâng. Để con suy nghĩ.

Và qua một thời gian hành xử của Hải và cả gia đình anh ta đối với tôi khiến tôi ngộ ra lời mẹ nói hoàn toàn đúng.

 Hải xúc phạm tôi. Anh dày vò cả thể xác lẫn tinh thần của tôi. Anh đánh đập và chửi rủa tôi như một kẻ cặn bã vô học, tái diễn nhiều lần.

Một hôm đó là lúc tình cảm trong tôi với Hải đã cạn rất nhiều. Nó giống như một đáy giếng khô chỉ còn trơ lại sỏi đá. Tôi nói:

- Anh ạ. Em nghĩ chúng mình nên li hôn. Em sẽ giải phóng cho anh để anh tìm hạnh phúc mới khi em không thể đem đến hạnh phúc trọn vẹn cho anh. Em biết trong anh cũng nhiều mâu thuẫn. Anh nếu còn chút tình cảm với em. Hãy bằng lòng li hôn anh nhé.

Hải ngồi im không nói gì. Anh đến bàn uống nước châm điều thuốc rồi ra ban công ngồi hút. Anh cũng không muốn bỏ Mi. Bởi Mi là cô gái tốt. Nhưng mẹ anh đã giấm cho anh một người đàn bà đã có một con trên quê. Mà tết vừa rồi anh đã bị mẹ gài cho anh ăn nằm với người đàn bà ấy. Anh vừa nhận được tin của mẹ anh. Người phụ nữ ấy đã có thai rồi.

Nay tôi đặt vấn đề như vậy làm anh suy nghĩ mông lung: Công việc và cuộc sống đô thị của anh bên cạnh người vợ xinh đẹp giỏi giang? Được làm cha bên cạnh người đàn bà mà anh chưa hiểu gì về cô ta. Chưa có tình cảm với cô ta? Hạnh phúc sao mà khó đến thế!

Thấy chồng im lặng. Tôi không nói gì thêm. Tôi vào phòng lấy tờ đơn li hôn tôi đã viết sẵn và đã kí tên mình. Tôi nói:

- Anh kí vào đi! Đây là giải pháp để chúng ta được bình yên.

Hải nhìn tờ đơn. Anh không nói gì rồi bỏ đi làm. Tôi biết anh đang nghĩ gì.

*

Một tháng sau chúng tôi ra toà li hôn. Vì là thuận tình li hôn nên toà giải quyết chóng vánh.

Tự do! Hai tiếng tự do sao nó ngọt ngào đến thế. Mẹ tôi xót con gái, bà nói:

- Thế cũng được. “Đất xấu nặn chẳng nên nồi. Anh đi lấy vợ tôi đi lấy chồng”. Con cứ vui vẻ lên mà sống “Đời còn dài, giai còn nhiều”, “Trong cái rủi có cái may”. Duyên phận đã đứt chẳng nên níu giữ làm gì cho mệt người.

Tôi mỉm cười nhìn mẹ. Mẹ lúc nào cũng là bà chúa của tôi. Đời có mẹ hiền là sung sướng nhất.

                                                      *

Hải bỏ việc ở Hà Nội và về quê sống. Gia đình anh, nhất là bà mẹ vui mừng khôn xiết. Bà nói với anh:

- Cái Chinh nó có chửa với con rồi. Đấy, đàn bà phải thế chứ. Cứ như con Mi, mẹ đã bảo anh bỏ quách nó từ hai năm trước rồi anh không nghe, cứ dần dứ mãi. Thôi, bỏ nó là tốt rồi. Mai anh đưa Chinh đến ủy ban xã đăng kí kết hôn đi. Mẹ làm vài mâm cơm mời họ hàng đến chứng kiến là xong.

Hải không nói gì. Anh không có cảm xúc gì với Chinh. Chinh lại có một đứa con riêng nữa. Đây là đứa con theo Chinh nói là do sai lầm mà có. Hải nghe biết vậy. Anh cũng không mấy quan tâm. Anh không biết lựa chọn của mẹ anh và anh có đem lại hạnh phúc cho anh không. Mà thôi, cung đã dương lên rồi. Kệ nó, đến đâu thì đến.

Một điều kì lạ là anh rất nhớ Mi. Phải chăng bây giờ mất Mi anh mới hiểu mình đã yêu Mi tự lúc nào không biết. So với Mi, người đàn bà tên Chinh kia ngoài việc biết đẻ ra thì cô ta chẳng được nước gì. Cô ta vụng về, thô kệch. Người lại xấu. Cô ta vừa lùn vừa đen. Đã thế hàm răng lại chín sáu ba không. Ngực xung phong đi trước, mông lả lướt theo sau. Có điều cô ta rất mạnh bạo và rất thạo việc giường chiếu với đàn ông.

Thấy Hải không nói gì, bà mẹ anh ta giục:

- Thế anh tính thế nào? Cái Chinh nó hối lắm rồi đấy. Nó bảo nếu không cưới hỏi nó đàng hoàng nó bỏ sang Trung Quốc làm ăn đấy.

Hải bực mình nói:

- Thì kệ mẹ. Mẹ muốn thế nào thì tùy mẹ. Tại mẹ mà con mới ra nông nỗi này đấy.

*

Hải sống với Chinh tại gia đình mình không mấy mặn mà. Trong lòng anh vẫn không thôi thương nhớ Mi. Anh gọi điện nhắn tin cho Mi với ý định quay lại hàn gắn. Nhưng Mi đã chặn hết số của anh. Mi chặn cả zalo, facebook. Chinh biết chuyện chồng cô vẫn tơ vương tới người vợ cũ nên cô tìm mọi cách có được số của Mi.

Một hôm trong giờ ra chơi, điện thoại của tôi bỗng có số lạ gọi đến.

- Alo! Ai gọi đấy ạ?

- Alo! Cô có phải tên Mi không?

- Đúng rồi. Có chuyện gì thế chị?

- Tôi là Chinh vợ mới của anh Hải. Chính vì cô mà anh ấy thờ ơ với tôi.

Tôi Phá lên cười. Cười chảy cả nước mắt nói:

- Thế à?

Rồi tôi cúp máy và chặn luôn số vừa gọi đến.

Hải biết Mi không thể tha thứ cho anh. Mi là cô gái giàu lòng tự trọng và lập trường kiên định. Anh yêu cô cũng bởi tính cách này. Anh tự trách mình là thằng đàn ông hèn kém, núp váy mẹ. Không đủ khả năng để quyết định cuộc sống của mình. Nhưng thôi, giờ mọi thứ đã như thế này đào xới lên làm gì cho thêm mất việc.

Một hôm, anh ngồi uống rượu cùng lũ bạn học cũ. Một thằng bạn mời anh một chén rồi nói:

- Hải này? Mày xem thế éo nào đứa con vợ mới của mày đẻ cho mày nó éo giống mày tí nào cả.

Hải trừng mắt nói :

- Làm gì có chuyện đó.

- Thì tao ngứa mồm nói thế thôi. Cẩn thận thằng khác ăn ốc nó bắt mày đổ vỏ đấy.

Hải không nói gì. Bữa rượu cũng đã tàn. Hải lảo đảo về nhà nhìn lại đứa con trai của mình. Quả thực nó không có nét nào của anh, hoặc của bất kì người nào trong gia đình anh. Lòng nghi ngờ khiến anh vô cùng khó chịu.

Hôm sau Hải kín đáo lấy tóc của thằng bé và đem đi xét nghiệm ADN. Anh hồi hộp chờ kết quả. Hải rụng rời chân tay khi đọc kết quả cuối cùng: Đinh Lâm Hải và Đinh Tuấn Anh không cùng huyết thống.

Hải đi về nhà cầm tờ giấy xét nghiệm ấn vào mặt Chinh quát lớn:

- Đồ con đĩ! Mày ngủ với thằng nào mà đổ vỏ cho tao? Nói!

Chinh ngơ ngác không hiểu chuyện gì á khẩu nhìn Hải, thanh minh:

- Em… Em chỉ ngủ với anh thôi, có ngủ với ai nữa đâu.

Vừa lúc đó mẹ Hải dưới bếp chạy lên hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Hải đập mạnh tờ giấy xét nghiệm xuống bàn rồi gằn giọng nói:

- Của mẹ đấy! Mẹ đi mà giải quyết.

Mẹ Hải cầm tờ giấy lên đọc mà không tin ở mắt mình. Bà vằn mắt nhìn cô con dâu quý hóa nói:

- Thế này là thế nào hả Chinh?

- Ơ… là thế nào con đâu có biết.

Mẹ Hải cay đắng nhìn lên trời than:

- Sao trời lại bắt tội con sớm thế!?

Chinh lo sợ không nói được lời nào. Trong cô vang lên tiếng nói: Chả có nhẽ? Ấy là trong hai ngày cô đã ngủ với hai thằng đàn ông trong đó có Hải.

*

Cộc... cộc… cộc…

Nghe tiếng gõ cửa tôi vội ra mở. Đập vào mắt tôi là Hải. Tôi bình tĩnh hỏi:

- Anh đến đây làm gì?

Hải không trả lời tôi mà ôm chầm lấy tôi. Tôi dùng hết sức đẩy Hải ra. Vừa lúc đó Dũng, chồng mới của tôi vừa về. Thấy cảnh tượng vậy anh quát:

- Thì ra là mày? Hôm nay tao mới thấy mặt. Nghe Mi kể về mày tao chỉ hình dung ra chút xíu về mày. Nhưng tao không nghĩ mày lại là thằng đàn ông hèn hạ đến thế!

Hải cố lấy lại chút sĩ diện trước mặt tôi hỏi:

- Vậy mày là thằng nào?

Dũng nhìn thẳng vào mắt Hải tuyên bố đanh thép:

- Tao là chồng của Mi. Sau khi mày hành hạ và bỏ cô ấy, tao đã cưới cô ấy và chúng tao sắp có hai đứa con đấy. Một trai. Một gái đấy. Mày khôn hồn hãy tránh xa cô ấy ra. Mày là thằng đàn ông hèn nhất mà tao được biết. Mi chỉ khó có con tự nhiên thôi. Vậy mà mày đã vội vứt bỏ cô ấy. Thằng tồi!

Hải nghe vậy anh ta ngồi sụp xuống. Anh ngẩng lên nhìn tôi nói:

- Xin lỗi em. Chúc em hạnh phúc!

Nói rồi Hải lảo đảo bước đi trông thật tội nghiệp.

Tôi nhìn theo Hải không nói gì. Dũng thấy vậy quàng tay qua vai tôi dịu dàng nói:

- Chuyện qua rồi. Vào nhà đi em!

Tôi theo Dũng vào nhà. Dũng rất hiểu tôi. Tôi bước vào phòng ngủ ngả lưng xuống gường. Hai đứa con trong bụng tôi hình như cũng hiểu được tâm trạng  của mẹ nên chúng thi nhau thúc đạp.

Cái giá của hạnh phúc thật khó nói.

B.T.K.C

                                      

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter