NGỌC HÀ
Sau ngày đảo chính Nhật Pháp (9/3/1945), đồng chí Minh[1] được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Phú Thọ- Yên Bái. Chiến khu Vần là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Yên Bái. Địa thế rất hợp với đánh du kích. Nơi đây đã được Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập căn cứ địa của miền Tây Bắc Việt Nam, cho phong trào giải phóng đất nước.
Sinh ra tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, năm 7 tuổi ông đã phải vào nhà máy diêm Bến Thủy lao động. Được các anh Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phú tận tình chỉ bảo anh nhanh chóng hòa chung cuộc sống với giai cấp công nhân Vinh- Bến Thủy nên sớm giác ngộ cách mạng. Ông tham gia làm liên lạc và cảnh giới các cuộc họp bí mật của tổ chức. Lần lượt làm công nhân ở nhà máy gỗ, nhà máy rũa cưa ông tích cực tham gia treo cờ, rải truyền đơn, đi mít tinh, biểu tình chống bọn chủ nhà máy để đòi các quyền lợi… Năm 1932, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp khủng bố trắng, các đồng chí đảng viên người bị giết, người bị tù, bọn cai xếp trong các nhà máy thừa cơ đánh đập, cúp phạt, đuổi thợ, cuộc sống của công nhân bị bóp nghẹt, ông nghỉ việc ở nhà máy để đi học. Thời gian đầu ông học tại trường Phan Bá Tuân. Nhờ sáng dạ, thông minh nên ông đã thi đỗ vào trường Cao Xuân Dục tại Vinh. Sau 5 năm ông đỗ bằng Tiểu học.
Năm 1937, ông tham gia các cuộc mít tinh của nhân dân Nghệ An đón tiếp Gôđa để đưa bản dân nguyện. Ấn tượng sâu sắc đọng lại trong ông khi được nghe trưởng đoàn Hà Huy Giáp nói chuyện tại thành phố Vinh.
Sau đó, ông được tổ chức bố trí cùng Hồ Mỹ Xuyên mở quầy bán sách báo, phục vụ nhân dân nhằm nâng cao dân trí.
Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt đưa lên giam cầm 3 năm tại nhà tù Sơn La. Ở đây, ông bị bọn giám ngục gọi biệt danh “hùm xám”. Thời gian bị giam tại đây ông đã bị tăng án hai lần.
Ra tù ông được phân công về đây lãnh đạo và tổ chức phong trào cách mạng. Làng Vần thuộc tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên. Địa hình nơi đây vô cùng hiểm trở. Ba ngọn núi cao ngất như bức bình phong. Những cánh rừng với những cây to một người ôm không xuể, dây leo chằng chịt. Len lỏi giữa những cánh rừng là các con suối róc rách ngày đêm nhưng khi mưa to thì trở nên hung dữ cuốn phăng những tảng đá lớn. Ở đây có một hang đá lớn có thể chứa hàng trăm người. Hang có chỗ sáng, chỗ tối, nhiều ngách. Chỉ có người dân thông thổ mới biết đường ra lối vào. Được chọn làm căn cứ, bên cạnh yếu tố địa hình, khu vực này là vùng giáp giới ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La. Xứ ủy nhận định “nếu ở đây phong trào cách mạng phát triển tốt có thể phát huy ảnh hưởng rộng lớn”. Nhiệm vụ củng cố xây dựng lực lượng, thành lập đội du kích được ông nung nấu thực hiện. Thời cơ cách mạng đã đến. Một số hào lý trong vùng lừng khừng không chống đối, tinh thần của quần chúng lên cao, sục sôi muốn vùng lên tự cởi trói cho mình.
Đêm 14/6/1945, hàng trăm quần chúng ở các vùng lân cận đốt đuốc sáng rực kéo về chùa Hiền Lương tham gia một cuộc mít tinh do Chi bộ chiến khu tổ chức. Sư Giám trụ trì chùa cũng tham dự mít tinh. Tại cuộc mít tinh, ông đã đứng lên nói về đường lối kiến quốc và chính sách của mặt trận Việt Minh. Bao năm chịu kiếp khổ nhục lầm than, một cổ hai ba tròng, khi được giác ngộ là Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật, lấy thóc, lấy ruộng chia cho dân nghèo họ đã hiểu đây chính là lực lượng cứu thoát họ khỏi cơ cực, nghèo đói.
Cũng trong đêm ấy, đội du kích mang tên Âu Cơ được thành lập với khoảng 40 đội viên. Hầu hết họ là nông dân, quần nâu áo vá, chân trần. Vũ khí trang bị của đội du kích rất thô sơ. Lúc Nhật đảo chính, một số lính Pháp vứt bỏ vũ khí tháo thân. Người dân giác ngộ đã nhặt, đem lau chùi sạch sẽ rồi cất giấu. Khi đội du kích thành lập, họ đã mang vũ khí ra ủng hộ. 11 khẩu súng gồm đủ loại như khai hậu, súng chim, gióp năm, gióp ba và đặc biệt có một khẩu súng máy FM. Tin về một đội du kích được thành lập lan nhanh trong quần chúng ở các khu vực lân cận. Vào một đêm mưa gió, những quần chúng tích cực đến gặp anh để giao súng như ông Tự Căn, ông Bát Diệu (Hậu Bổng), ông Phó Căn (Đức Quân), ông Lý Đồng Phai, bà Phó Sinh (Hạ Bằng La), giáo Thường (Hiền Lương) đã giao cho đội du kích khoảng 500 viên đạn... Những hành động ấy như tiếp thêm sức mạnh để đội du kích thêm quyết tâm.
Địa điểm mà đội du kích tổ chức luyện tập đầu tiên tại Hạ Bằng La. Biết tin đội du kích ra đời và đang hăng hái luyện tập, Nhật cho lính bảo an đi dò la để đàn áp. Ngày 19/6, tri phủ Trấn Yên là An Văn Tùng cầm đầu khoảng 40 lính từ thị xã sang Ngòi Chanh đi Vân Hội. Địa thế Vân Hội vừa hẹp vừa hiểm trở, ba bề là núi cao, đầm rộng và cánh đồng trống trải. Nghe thanh thế đội du kích của Việt Minh có cả súng máy nên chúng chuồn vào Vần ngay trong đêm.
Ngay đêm đó, ông đã lãnh đạo và tổ chức cho đội du kích xuất quân đi đường tắt vào Vần để tiêu diệt toán lính trên. Đội du kích vượt qua bãi gai đến Vần. Gọi là bãi gai quả không sai bởi đây là khu vực của những cây móc diều, song mây rậm rạp, chằng chịt. Gai, lá chè vè sắc như dao cào cắt xước mặt, chân tay, xé rách áo quần nhưng anh em trong đội du kích đã vượt qua đến Vần lúc tảng sáng. Ông tổ chức trận địa phục kích cách nơi đóng quân của chúng chừng 300 m. Trong im lặng anh em du kích nghe rõ tiếng chúng í ới gọi nhau. Khi chúng xếp hàng đi ăn sáng, khẩu súng máy được lệnh khai hỏa bằng ba băng đạn nổ ròn giã. Quá bất ngờ chúng bỏ chạy toán loạn tứ phía trong đó có nhiều tên chạy vào rừng. Một tên lính dõng người làng Thiến (Đại Khánh) bị thương không chạy được đã được đội du kích đưa về và mời gọi thầy lang Xuyên chữa trị. Đội du kích tản ra các hướng kêu gọi lính ra hàng. Tri phủ lúc đó đang ở nhà Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh đã thỏa thuận với lãnh đạo đội du kích.
Một là: Trả lại toàn bộ tiền thuế đã thu của tổng nộp lại cho Việt Minh
Hai là: Thả toàn bộ tù chính trị bị giam ở thị xã Yên Bái
Ba là: Từ giờ trở đi không được đem quân đi đàn áp.
Chấp nhận những điều kiện trên, toán lính được trở về thị xã. Việc đội du kích thả tri phủ và toán lính trở về đã có tác dụng lớn. Vì chính những tên lính dõng được tha mạng đã gián tiếp tuyên truyền về thanh thế của đội du kích, nhận thấy xu thế tất yếu của phong trào cách mạng.
Lúc này, bà con ở quanh vùng đến ủng hộ lương thực, thực phẩm rất nhiều. Ông Đặng Bá Lâu và ông Trần Huệ làm nhiệm vụ tiếp nhận ủng hộ. Thanh niên trong vùng xin gia nhập đội du kích ngày một tăng lên đến hơn 200 đội viên. Do quân số đông, đội du kích chuyển về Đồng Yếng luyện tập kỹ thuật, chiến thuật trong cách đánh du kích.
Ngày 27/6/1945, đúng ngày chợ phiên Vân Hội, một toán lính Nhật kéo vào chợ. Bà con trong chợ nhanh chóng giải tán. Nhiều người giấu thuyền bỏ trốn. Chúng bắt được 3 thuyền trong đó có thuyền bà Hai Chiểu. Chúng bắt bà chở chúng về Hiền Lương. Thuyền đầu chở 5 tên, 2 thuyền sau chở nhiều hơn, mỗi thuyền 15- 16 tên. Thuyền chở nặng chòng chành rời bến. Được quần chúng mật báo, đội du kích di chuyển nhanh về phục kích ở đoạn Đèo Giang án ngữ đoạn ngòi từ Vân Hội ra Hiền Lương. Khi chúng lọt vào trận địa phục kích, đội du kích diệt tại chỗ 4 tên Nhật trong đó có cả tên chỉ huy. Do khẩu súng máy mới bắn được 3 băng thì tắc, đội du kích nhanh chóng rút về Đồng Yếng an toàn. Đêm 27/6 là một đêm kinh hoàng với toán lính Nhật. Lo sợ tiếp tục bị tấn công, chúng tập trung ngồi giữa khoảng đất trống, lùa những người dân đi làm nương về bắt ngồi bao xung quanh. Chúng đốt lửa thức suốt đêm. Sáng ngày hôm sau mới dám ra ngòi vớt xác cho lính khiêng về làng Động Lâm đốt xác rồi trở về Yên Bái.
Hai chiến thắng liên tiếp của Đội du kích Âu Cơ đã làm nức lòng nhân dân địa phương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ ở khu căn cứ cách mạng cũng như các địa phương khác trong tỉnh.
Trước khí thế ngùn ngụt của cách mạng và sự lớn mạnh của đội du kích, ông cùng Ban cán sự chủ trương đưa đội du kích đi giải phóng các địa phương trong tỉnh. Xác định vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ không có quân Nhật chiếm đóng, 3 trung đội vũ trang theo ba mũi tiến công vào Nghĩa Lộ. Cuộc tiến công đã trở thành cuộc võ trang tuyên truyền, tiến tới đâu, thành lập các đoàn thể cứu quốc ở đó. Ngày 8/7/1945, châu Văn Chấn tổ chức mít tinh quần chúng, tuyên bố xóa bỏ bộ máy thống trị của địch; phổ biến 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Đây là địa phương đầu tiên của Yên Bái và cũng là địa phương đầu tiên của vùng Tây Bắc được giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng.
Đêm 17/8, ông nhận được bức thư hỏa tốc của anh Bình Phương ở thị xã Yên Bái gửi vào. Thư vắn tắt mấy dòng “Trung ương đã ra lệnh TKN, anh ra ngay, mang hết quân ra ngay”. Ba từ TKN viết tắt, ông luận ra đó là cụm từ “Tổng khởi nghĩa”.
Quá vui mừng, ông tức tốc dẫn quân trở ra Yên Bái. Trên đường ra ông và đoàn gặp một phu trạm, anh ta cho biết quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh.
Thời cơ vàng đã đến, về đến Âu Lâu, đoàn của ông đã gặp được ông Bình Phương, ông Nguyễn Phúc chờ sẵn. Một cuộc họp nhanh chóng được tổ chức tại nhà Tằm. Cuộc họp đi đến quyết định: Nếu Nhật không bàn giao chính quyền cách mạng sẽ tấn công vũ trang.
Ông cho anh em dựng trận địa với 2 khẩu pháo lớn chĩa thẳng vào Đồn Cao và Dinh Tuần phủ để uy hiếp. Thực chất đó chỉ là 2 cây chuối lớn, được quét hắc ín nghi binh. Truyền đơn được phát ra kêu gọi Nhật đầu hàng và dân chúng ủng hộ cách mạng. Trưa ngày 19/8, đại diện quân Nhật cho người mang cờ trắng và thư hẹn ngày 20/8 đàm phán tại Dinh tỉnh trưởng Đỗ Văn Bình. Qua 2 lần đàm phán, đại diện quân Nhật đã chấp nhận các yêu cầu, đó là: không được can thiệp vào việc lập chính quyền Việt Minh ở tỉnh Yên Bái; khi đi lại trong thị xã Yên Bái phải báo cáo cho Việt Minh biết, nếu đi bằng ô tô, xe máy phải cắm cờ Nhật và cờ Việt Minh. Quân Nhật tiếp tục đóng ở đồn Cao, sẽ được cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho việc rút quân an toàn. Với thành công của đàm phán, Cuộc khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Yên Bái đã toàn thắng.
Sáng 20/8/1945, các đơn vị vũ trang cách mạng tiếp tục tiếp quản thị xã Yên Bái. Hàng nghìn người già, trẻ, gái, trai các vùng lân cận mang theo cờ, biểu ngữ rầm rập tiến vào thị xã. Cán bộ, quân, dân gặp nhau trong tư thế của người tự do, mừng vui khôn xiết.
Sáng 22/8/1945, Ban cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở sân Căng thị xã Yên Bái với hàng ngàn người tham dự. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt nhân dân. Ông giữ trọng trách Chủ tịch, ông Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch.
Tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Phúc, thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công thực sự là cuộc cách mạng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Yên Bái là một trong những địa phương giành được chính quyền cách mạng sớm, trọn vẹn, ít hao tổn xương máu trong cả nước và khu vực Tây Bắc.
N.H