Đòn nóc

Truyện ngắn của BÙI THỊ KIM CÚC

 

Cụ Oai năm nay đã tuổi 75. Người cụ quắc thước, khỏe mạnh. Ai nhìn thấy cũng khen: Được như cụ Oai thật tuyệt vời. Con cháu theo không kịp. Nghe vậy cụ tủm tỉm cười khiêm tốn nói: “Ôi dào, đấy là may nhờ giời đấy”. Cụ rất chịu khó làm việc. Việc gì cũng làm. Có lẽ bởi thế nên cụ khỏe. Già mà ăn không ngồi rồi là lão hóa sớm lắm. Vận động chân tay, đầu óc nó mới khỏe lâu.

Cụ được tổ nhân dân tín nhiệm bầu làm hội trưởng người cao tuổi. Cụ làm việc rất nhiệt tình, rất tận tâm. Nhưng cụ làm được một năm thì bị cho nghỉ vì lí do: Cụ Oai nhiệt tình thì dư thừa nhưng cụ mắc phải cái lỗi cứ họp một đằng cụ về triển khai một nẻo. Cụ buồn lắm. Cụ buồn đến mất ăn mất ngủ. Nỗi buồn của cụ ảnh hưởng đến cả cụ bà. Ngay cả cụ bà cũng không lí giải nổi tại sao cụ ông lại như thế nữa. Cụ bà ngồi nhìn cụ ông mà thương cảm nghĩ: Chắc cả cuộc đời cụ ông chưa được làm lãnh đạo bao giờ. Giờ già rồi mới được người ta cất nhắc nên cụ mất chức như người mẹ mất con vậy. Hỏi sao không buồn cho được?

Ngay cả cái chức hội trưởng người cao tuổi của tổ nhân dân cụ cũng phấn đấu bao năm mới được người ta cất nhắc chứ tự dưng mà được chắc? Cứ có việc gì động đến hoạt động của hội là cụ lăn lưng vào. Được cái cụ càng hăng say phấn đấu càng khỏe mạnh dẻo dai. Con cháu cụ thấy vậy nên cũng kệ cụ. Miễn cụ khỏe là ok. Cụ cũng mất mấy bát bún chó ăn sáng để mời ông tổ trưởng và bà bí thư tổ nhân dân. Mỗi lần như vậy cụ cũng xót tiền lắm. Nhưng cụ nghĩ: Chức tước gì mà chả phải đầu tư? Chức to đầu tư to. Chức bé đầu tư bé.

Cụ lại nghĩ: Ở đời làm thằng đàn ông mà chỉ đứng trên vài đứa con và một bà vợ thì danh giá gì? Chí ít cũng phải đứng trên chục người ngoài xã hội nó mới oai phong, nó mới rạng công danh làm cho con cháu nở mày nở mặt với thiên hạ. Cụ bà thấy cụ ông đăm chiêu cho cái chức hội trưởng người cao tuổi của tổ nhân dân đến mất ăn mất ngủ, sức khỏe có phần giảm sút. Sốt ruột cụ bà nói với cụ ông:

- Ông dở hơi nó vừa vừa thôi. Sắp xuống lỗ rồi còn chức với chả tước. Oai phong cái con khỉ gì chứ. Thổi tù và hàng tổng. Chả được đồng nào. Làm giẻ lau cho người khác chứ có gì mà oai?

Như con ong châm đúng vào điểm huyệt của mình, cụ ông vằn mắt lên với cụ bà:

- Bà nói năng nên biết giữ mồm giữ miệng nhá. Ai cũng nghĩ như bà thì chó nó lo việc không công của xã hội à?

- Ông lo cho gia đình con cháu ông được bao nhiêu mà ông đòi lo việc xã hội? Thử hỏi cả cuộc đời ông ăn bám tôi. Già thì ăn bám con cháu. Người như ông có làm được việc gì nên hồn không?

Ái chà chà! Động vào huyệt nào không động. Động vào huyệt tự trọng của cái đòn nóc trong ông là không xong với ông rồi.

Ông lườm bà một cái rồi bỏ đi. Trong ông ngùn ngụt ý chí bằng mọi giá phải cố gắng làm một cái chức gì đó trong tổ nhân dân.

Ông lại đến nhà bà bí thư tổ. Mặc dù bà bí thư còn trẻ, chỉ bằng tuổi con cả của ông thôi nhưng ông vẫn gọi bà bí thư bằng chị xưng em.

Rất may cho ông, bà bí thư có nhà. Thấy cụ Oai đến nhà chơi bà bí thư tổ nhân dân ra mở cửa đon đả :

- Cụ đến chơi nhà ạ. Mời cụ vào nhà xơi nước.

Cụ Oai thấy bực mà không biết nói thế nào. Bởi trong tư duy của cụ, cụ không bao giờ nghĩ mình già đến mức phải gọi bằng cụ. Mặc dù cụ đã có 2 chắt nội, 1 chắt ngoại. Nhưng để được việc nhớn thì phải biết nhẫn nhịn. Người quân tử phải biết nhẫn nhịn và chờ thời cơ. Cụ bước vào nhà bà bí thư tổ nhân dân, đầu hơi cúi xuống. Cụ nghĩ: Đây chưa phải là lúc ngẩng cao đầu. Hai tay cụ xoa xoa vào nhau trước khi đưa cả hai tay ra bắt tay bà bí thư, khiến cho bà bí thư hơi lúng túng. Bà vội nói:

- Mời cụ ngồi uống nước ạ.

Lại gọi cụ, cụ Oai nghĩ.

Bà bí thư tổ nhân dân rót trà mời cụ Oai. Cụ Oai tay cầm chén trà nóng từ tay bà bí thư mời xúc động nói:

- Em rất cám ơn chị!

- Ấy chết! Cụ đừng gọi thế ạ.

- Phải gọi như thế chứ. Vì về tuổi thì chị kém tôi rất nhiều. Nhưng về địa vị tôi lại rất… rất thấp so với chị.

Cụ Oai vì xúc động khi nói đến hai chữ địa vị mà đâm ra nói lắp. Khiến cho bà bí thư tổ nhân dân lúng túng. Trong giây phút đó cụ Oai liền nói luôn:

- Kính thưa bà bí thư tổ nhân dân! Em đến đây muốn bộc bạch với bà đôi điều tâm sự. Có gì không phải mong bà bỏ quá cho em.

- Dạ. Có gì cụ cứ nói ạ.

- Nói thật với bà. Năm nay em 75 tuổi rồi. Người ta bảo tuổi này là gần đất xa trời. Nhưng với em, trời còn gần và đất còn xa lắm. Bởi vậy em muốn cống hiến cho tổ nhân dân sức lực còn lại của mình. Nhỡ sau này có về với tổ tiên thì xuống dưới đó em còn dám ngẩng mặt nhìn các cụ ạ.

Bà bí thư tổ nhân dân nghe lời tự bạch của cụ Oai mà rơm rớm nước mắt cảm động. Bà nghĩ: Được người hết lòng muốn cống hiến như cụ Oai đây quả thực hiếm lắm. Không như mấy anh cán bộ về hưu. Khi đương chức thì tìm mọi cách có chức, giữ chức. Khi về địa phương thì lẩn chức như chạch vì họ chẳng được xơ múi gì.

Bà bí thư với tay lấy hộp giấy ăn trên bàn. Bà rút một tờ cẩn thận gập làm 4 rồi dịu dàng đưa lên lau mấy giọt nước mắt cảm động còn vương trên má, làm cho mấy sợi tóc mai của bà dính bết vào má. Một hồi lâu ngưng cơn xúc động bà nhìn cụ Oai nói:

- Vâng! Cụ làm tôi cảm động quá ạ. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục mọi người dành cho cụ một cái ghế ạ.

Rồi bà phàn nàn có vẻ ăn năn:

- Cụ thông cảm cho tổ chức lãnh đạo. Họ chưa nhìn hết được tinh thần cống hiến của cụ nên mới không cho cụ làm chức hội trưởng người cao tuổi của tổ nhân dân. Bây giờ người ta chỉ cần lòng nhiệt tình là đủ ạ.

Được nghe những lời gan ruột của bà bí thư tổ nhân dân, cụ Oai sung sướng lắm. Nỗi sung sướng của cụ tràn trề ra mặt, ra mắt, lan cả ra hai vành tai đo đỏ.  Cụ Oai chào bà bí thư rồi ra về. Lòng hả hê vô cùng. Bà bí thư này rất nhất ngôn đã nói là làm. Nhưng làm chức gì của tổ chức gì thì cụ vẫn chưa biết. Trên đường về nhà, cụ Oai thấy mình tràn đầy năng lượng. Khiến mặt cụ căng lên. Cụ bước chân vào nhà, dáng oai phong lẫm liệt nhìn cụ bà đầy thách thức: Hãy đợi đấy!

Cụ bà nhìn thấy mặt cụ ông đỏ rựng liền hoảng hốt nói:

- Huyết áp của ông! Máy đo huyết áp đâu rồi? Đo ngay huyết áp cho ông kẻo tai biến bây giờ!

Cụ bà chạy vội vào tủ thuốc y tế lấy máy đo huyết áp điện tử ra. Bảo cụ ông vén tay áo lên. Bà đeo cái máy đo huyết áp dễ sử dụng nhất mà con cả bà đã đặt mua tận bên Nhật về cho bố mẹ đo kiểm tra hàng ngày vì cả cụ ông lẫn cụ bà đều bị huyết áp cao.

Cụ bà nén thở nhìn từng con số nhảy trên bảng điện tử của cái máy đo huyết áp. 190/ 110. Cụ bà hốt hoảng la lên:

- Thuốc cao huyết áp ông để đâu? Uống mau! Chưa bao giờ huyết áp ông lên cao như vậy. Nguy hiểm quá!

Bà để cái máy đo huyết áp lên bàn rồi vội vàng vào lấy thuốc cao huyết áp cho ông uống một viên. Bà bảo ông:

- Ông muốn sống thì nằm im cho tôi nhờ.

Nói rồi cụ bà vội xuống bếp đun nồi nước giảo cổ lam lẫn lá sen rồi bưng lên 1 bát cho cụ ông uống. Cụ ông nằm độ 1 tiếng đồng hồ thì huyết áp tụt xuống còn 140/90.

*

                                            

 Phong trào bóng chuyền hơi và nhảy dân vũ đã lan nhanh, lan rộng ra khắp các địa phương. Từ thành thị đến nông thôn. Nó phát triển mạnh mẽ. Người làm ra trái bóng chuyền hơi chỉ nghiên cứu để thích hợp với người cao tuổi. Quả bóng nặng 200 gam cho nữ và 250 gam cho nam. Nó phù hợp với người già vì nó nhẹ. Ấy, nó tuy nhẹ nhưng cũng khó chơi chứ không dễ chút nào.Nhìn thì vậy thôi nhưng mạnh tay chút là nó bay ra ngoài. Cho nên nó giống như một hoạt động dưỡng sinh của người cao tuổi. Ai chơi cũng được. Chỉ là người chơi giỏi, người chơi kém thôi. Đi khắp nơi hầu như sân nhà văn hóa nào cũng có sân bóng chuyền hơi. Ở nông thôn người ta còn hiến cả sào ruộng, chung tiền làm sân bóng ngay cạnh bờ ruộng. Họ đi làm đồng về cơm nước xong độ 8 giờ tối mới rủ nhau ra sân bóng. Họ đánh đến 10 giờ đêm mới về nhà tắm rửa, đi ngủ.

Lúc đầu là những người già đánh. Sau thanh niên cũng đánh. Thế là cuộc thi bóng chuyền hơi không chỉ hội người cao tuổi tổ chức mà thanh niên các lứa tuổi cũng tổ chức thi đấu.

Luật của bóng chuyền hơi có khác chút so với bóng chuyền da truyền thống. Không được nhấc chân trên vạch 3 mét khi đánh sang sân đối phương. Mỗi người chỉ được phát bóng một lần. Mỗi bên sân chỉ có 5 người.

Sự ra đời của phong trào bóng chuyền hơi đã tạo một sân chơi văn hóa lành mạnh, vui tươi trên khắp mọi nơi. Vì là sân chơi của người cao tuổi nên cũng có cái phức tạp của người cao tuổi, nhất là các bà già. Họ đánh chưa tốt nhưng chớ có chê họ nọ kia, chết với các bà ngay. Bởi người già khác gì con trẻ đâu. Thích khen. Thích nịnh.

Cụ Oai rất mừng vì cụ có chỗ chen chân vào làng lãnh đạo của tổ. Bà bí thư tổ nhân dân đã rất biết giữ lời. Bà gặp cụ Oai nói:

- Ban công tác mặt trận của tổ nhân dân đã nhất trí bầu cụ làm đội trưởng của đội bóng chuyền hơi của tổ ạ. Cụ thấy thế nào?

Cụ Oai rơm rớm nước mắt. Con cái cụ bảo chưa bao giờ thấy giọt nước mắt của bố. Vì cụ là người sống rất có bản lĩnh và nghị lực. Thế mà cái tin cụ được làm lãnh đạo đã khiến cụ rơi nước mắt! Cụ nghẹn ngào nuốt dòng nước mắt sung sướng vào lòng ngẩng lên nhìn bà bí thư tổ nhân dân nói:

- Em rất cảm ơn bà bí thư ạ. Em nguyện đem hết nhiệt huyết và sức khỏe để cống hiến cho tổ nhân dân ạ.

Bà bí thư tổ nhân dân mỉm cười nói:

- Vâng. Thế thì tốt quá ạ.

Sau khi nhậm chức đội trưởng đội bóng chuyền hơi, cụ Oai tập bóng rất siêng năng. Và cụ cũng có chút năng khiếu thể thao nên cụ đánh khá tiến bộ. Khiến cho cả đội bóng ngưỡng mộ tài năng cụ. Cụ nghĩ: Làm lãnh đạo lòng nhiệt tình chưa đủ mà phải giỏi chuyên môn nữa. Mình không giỏi chuyên môn mình nói được ai? Huấn luyện được cho ai? Thế là cụ Oai ngẩng cao đầu đi từ nhà lên sân bóng chuyền hơi của tổ nhân dân.

Từ khi nhậm chức đến giờ dáng đi của cụ cũng khác. Cụ tuy lưng đã gù nhưng cụ cố ưỡn tấm ngực nhô xương oai phong của mình ra phía trước. Thành thử trông cụ đi có phần hơi tồi tội. Cụ coi sân bóng của tổ như sân chơi nhà mình. Cụ chăm chút từ việc vệ sinh đến bóng điện thắp sáng, đến cái lưới bị rách… Có mấy lãnh đạo coi việc tập thể là việc của nhà mình chưa? Cụ làm được một năm thì vai trò lãnh đạo, vị trí cái đòn nóc của cụ đã được khẳng định. Cụ tự đưa ra luật sân nhà cho khác những sân chơi khác. Ấy là sự sáng tạo trong công tác quản lí của người lãnh đạo. Bóng chuyền da cho phép nhảy trên vạch. Bóng chuyền hơi không cho phép nhảy trên vạch. Cụ đã kết hợp luật chơi của bóng chuyền da với bóng chuyền hơi lại để có luật riêng. Ấy là với người từ 70 tuổi trở lên thì được phép nhảy trên vạch 3 mét. Còn lại dưới tuổi 70 thì cấm được nhảy. Nhảy là mất điểm. Cụ lại đề ra luật mới: Bóng chuyền da và bóng chuyền hơi cho phép đánh 3 bước. Nhưng cụ nói: Vì bóng của người cao tuổi nên bắt buộc phải đánh 4 bước. Nếu không bắt lại đúng 4 bước coi như mất điểm. Cụ không cần họp hành trao đổi với ai cả. Chế độ một thủ trưởng cho phép cụ quyết tất cả. Lối đánh 4 bước khiến cho sân bóng loạn cả lên vì mọi người theo thói quen đánh 3 bước như luật bóng chuyền hơi hiện hành. Ai phản ứng cụ liền đuổi người đó ra sân.

Trên các sân chơi người ta hay tổ chức giao lưu giữa các địa phương. Tạo nên bầu không khí văn hóa vui tươi lành mạnh. Tạo nên mối quan hệ cộng đồng rộng mở. Cụ Oai không thích giao lưu. Cụ tuyên bố:

- Sân bóng này chỉ để cho người tổ mình đánh thôi. Không cho người tổ khác đến đánh. Không cần giao lưu giao lung gì cả.

- Chúng ta cứ nghị quyết mà làm.

- Nghị quyết nào ạ?

- Nghị quyết là lời tôi tuyên bố trên sân bóng.

- Ha… ha… đấy là nghị quyết riêng của lãnh đạo đấy!

- Anh không đánh ra sân! Không được ăn nói như vậy!

- Đây là sân của tổ nhân dân. Không phải sân nhà ông!

- Nhưng tôi là cái đòn nóc của đội bóng. Đòn nóc phải rắn chắc thì đội bóng mới phát triển được.

- Đúng là nói với cụ thà vạch đầu gối ra nói còn hơn.

- Thôi… thôi… lãnh đạo bảo sao ta cứ làm vậy. Ai đời cãi lại lãnh đạo bao giờ. Thôi đánh đi.

Ấy là quan điểm của những người không thích va chạm. Dại gì mà đối đầu với lãnh đạo? Bị đuổi ra khỏi sân không được chơi thì mất hết quyền lợi à?

Thế là trên sân bóng đã có nhiều người tự ái kéo nhau ra về. Trên sân chỉ còn lại độ 6 người. 6 người cũng đánh. 2 người cũng đánh. Sức khỏe vui chơi là trên hết.

Những người phản kháng cụ Oai họ bỏ đi chơi ở sân tổ khác. Từ đó trở đi đội bóng chuyền hơi của cụ Oai tan rã dần.

Sắp hết năm rồi, bầu lại đội trưởng. Cụ lại có lí do để mất ngủ, mất ăn. Huyết áp cụ tăng. Đột nhiên có những cơn tăng huyết áp đáng lo ngại. Cụ nghĩ: Chật vật lắm mới có được tí chức, không thể để bị tuột khỏi tay mình được. Thế là trong cụ hình thành những ý nghĩ giữ ghế rất rõ ràng: Trước tiên là đi vận động bầu cử. Vì cụ nghe phong thanh rằng lần này nhiều người không bầu cụ. Cụ đi đến từng nhà để thăm hỏi, để động viên, để phát quà và kèm theo ý tứ: Tôi vẫn làm tốt chân đội trưởng đội bóng chuyền hơi của tổ nhân dân.

Cụ thấy thời gian trôi đi sao nhanh thế. Cụ không thích nó trôi nhanh như thế. Vì mỗi giây thời gian trôi đi thì cuộc họp bầu cử lại đến gần. Thì kệ nó! Sợ gì chứ!

Rồi cuộc họp tổng kết năm của đội bóng chuyền hơi tổ nhân dân cũng đến. Cụ soạn một bản báo cáo thành tích rất chi tiết. Cụ nhấn mạnh vào sáng kiến lãnh đạo của cụ mà không nơi nào có được. Duy các trận thi đấu mà lần nào đội bóng của cụ lãnh đạo cũng thua thì cụ không nhắc tới.

Cuối bản báo cáo tổng kết cụ nhấn mạnh: Nay tôi thấy bản thân mình sức khỏe dồi dào. Tinh thần khỏe mạnh minh mẫn. Tôi xin được làm đội trưởng đội bóng chuyền hơi của nhiệm kì tiếp theo. Tôi xin hứa…

Cụ đang nói rất mạch lạc và to tát thì tiếng vỗ tay rào rào vang lên. Cả tiếng huýt gió mồm của ai đó bên dưới nghe chói cả tai.

Cụ Oai ngừng nói và cũng đưa tay sát micro vỗ đồm độp.

Dù sao nó cũng chỉ là một sân chơi!

Cụ Oai làm đội trưởng đội bóng chuyền hơi của tổ nhân được 2 năm thì cụ bị một cơn tai biến và nằm một chỗ. Khổ cho cụ bà chăm sóc.

Tội nghiệp! Khổ thân cụ quá!

 

                                              B.T.K.C

 

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter