Ký của TRUNG THÀNH
Trong tất cả 14 xã, thị trấn, Sơn Lương vốn không phải là địa phương ưu tú, nổi bật của huyện Văn Chấn nhưng cái tên ấy lại khiến tôi đặc biệt lưu tâm và luôn có ý dõi theo mỗi khi nghe ai đó nhắc tới. Bởi thế, chuyến công tác lần này, trong rất nhiều gợi ý của Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Xuân Trường, tôi đã chọn về thăm Sơn Lương- nơi có những con người cần mẫn, kiên trì, từng ngày phấn đấu vượt qua gian khó vươn lên, tạo dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Nằm trên vùng thượng huyện, Sơn Lương không phải là xã vùng cao nhờ một phần diện tích của xã gần vùng lòng chảo Mường Lò, có cánh đồng tương đối bằng phẳng xen kẽ núi đồi với những điều kiện tương đối thuận lợi về địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế. Với tổng diện tích hơn 2.130ha, Sơn Lương vốn là nông thôn miền núi chủ yếu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp với những nhóm chủ đạo là cây lương thực, cây công nghiệp và hoa màu nhưng số đất được sử dụng để sản xuất cấy trồng trên diện tích đất tự nhiên cũng không được bao nhiêu. Là nơi cư trú và sinh sống của gần 3.700 nhân khẩu tại 6 thôn, bản, bao đời nay, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Tày, Dao (trong đó đồng bào Thái chiếm trên 80% số dân) đã cùng nắm tay đoàn kết, gắn bó keo sơn trên mảnh đất này. Cùng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, các thế hệ lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Lương cũng đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu… Tất cả những điều đó tưởng chừng đã đủ để tạo nên một mảnh đất giàu đẹp, phát triển, vậy mà bao năm qua, Sơn Lương vẫn luôn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn.
Sơn Lương được thiên nhiên ưu ái ban tặng một hệ thống thủy văn phong phú nhờ những khe rạch dẫn từ nhiều nguồn suối như Nậm Lành, Nậm Mìn, Nậm Mười tập trung về suối Tủ và đổ ra suối Thia. Tuy nhiên sự ưu ái này còn chưa mang đến cái lợi được bao nhiêu thì người Sơn Lương đã phải hứng chịu biết bao khổ cực, tai ương từ những cơn thịnh nộ của thiên nhiên đổ xuống. Trong vòng hơn 50 năm, sự chênh lệch quá lớn lưu lượng nước của dòng chảy trên các khe rạch giữa hai mùa đã gây ra nhiều trận lũ ống, sói lở, bào mòn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản suất, đời sống, thậm chí gây thiệt hại cả về tài sản, hoa màu lẫn tính mạng của nhân dân. Trong số đó có thể kể đên những cơn lũ lịch sử của năm 1968, 1971, 2005, 2007 và gần đây nhất là trận lũ kinh hoàng tháng 7/2018 đã khiến cho Sơn Lương chìm trong mất mát đau thương khi chỉ trong chớp mắt, người chết, người mất tích; nhà cửa, tài sản cuốn phăng theo dòng lũ, ruộng vườn, hoa màu bị đất đá chôn vùi… 15 ngôi nhà bị xóa trắng không còn dấu tích, gần bảy mươi nóc nhà của bản Tủ nhấn chìm trong dòng lũ. Trên con đường cơn lũ đi qua, còn biết bao nóc nhà, ruộng vườn, tài sản của mấy chục hộ dân ở bản Mười, Đồng Hẻo cũng bị cuốn trôi hoặc ngập chìm trong đất đá. Lũ dữ đi qua, chưa kể đến những mất mát đau thương về người thì những thứ còn lại của bà con chỉ là sự hoang tàn, ngổn ngang và đổ nát. Bao năm cặm cụi, chắt chiu, lam lũ gây dựng, để rồi sau mỗi lần lũ đi qua, thứ họ còn lại chỉ là đôi bàn tay trắng.
Gặp lại Sơn Lương sau hơn 4 năm, những dấu tích của trận lũ lịch sử đã hoàn toàn biến mất. Thay vì không gian hoang tàn, đổ nát với những bãi đất, đá ngổn ngang là những xóm thôn yên bình, sung túc; những con đường bê tông nối dài vào các bản; những ngôi nhà xây, nhà sàn cao to, khang trang lúa phơi đầy sân; những triền ngô xanh ngút ngàn tầm mắt, trải từ ruộng gần đến tận chân đồi xa tít tắp. Ngắm nhìn diện mạo mới ngay trên mảnh đất vốn luôn chồng chất những khó khăn mà tôi không thể hình dung nơi đây đã diễn ra sự hồi sinh mạnh mẽ đến nhường nào. Đưa tôi đi thăm một vòng từ bản Lằm, qua Cò Lỳ, bản Pảo, Nà La lên Noong Mi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lưu Thị Hồng như không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào khi nhớ đến những khoảnh khắc đau thương, nhưng cũng vô cùng phấn chấn khi cùng tôi chiêm ngưỡng những thành quả, đổi thay trên quê hương mình. Chỉ cho tôi những phiến đá to bằng nửa manh chiếu- vết tích duy nhất còn sót lại bên ven bãi ngô đông xanh mướt, chị bảo, người Sơn Lương chúng tôi kiên cường lắm, sau mỗi lần lũ đi qua, những bãi đất màu mỡ hóa thành bãi đá, bà con lại cần mẫn khuân đi từ viên đá lớn đến viên sỏi nhỏ, tỉ mỉ vun xới biến chúng trở lại thành “bờ xôi ruộng mật” để cấy trồng. Ngay sau trận lũ năm 2018, để giúp người dân ổn định cuộc sống, dưới sự chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp trên cùng sự chung sức của cộng đồng, 105 hộ gia đình đã được tổ chức di dời tái định cư đến nơi ở mới an toàn; trong đó có những hộ thuộc diện di dời khẩn cấp, cũng có nhiều hộ nằm trong vùng có nguy cơ cũng được xã vận động và bố trí di chuyển đến nơi an toàn theo hình thức tái định cư xen ghép. “An cư” sẽ “lạc nghiệp”, hàng trăm nóc nhà được dựng lên trên những mảnh đất mới an toàn. Giờ đây, người dân ở bản Tủ, hay bản Mười, bản Pảo… sẽ yên tâm lo làm ăn mà không còn phải nơm nớp nỗi lo mỗi mùa mưa đến.
Trở lại trụ sở ủy ban xã để gặp Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hưng như đã hẹn mà tôi như vẫn còn lưu luyến với tiếng cười giòn tan của lũ trẻ cùng những gương mặt rạng ngời hạnh phúc dưới những mái nhà sàn khang trang, to đẹp dọc theo hai bên con đường bê tông phẳng lỳ nối từ đầu đến cuối bản ở Noong Mi. Dẫu biết rằng lâu nay, người Sơn Lương vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn do thiên tai đem lại, song ấn tượng về mảnh đất không kém phần trù phú với những con người cần cù, chăm chỉ ấy khiến cho tôi mãi băn khoăn, thắc mắc không hiểu tại sao sau tất cả những nỗ lực phấn đấu, ra sức phát triển, xây dựng quê hương theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong gần 30 năm đổi mới, Sơn Lương vẫn chưa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và mãi tới 5 năm gần đây mới bắt đầu manh nha khởi sắc. Nghe tôi bày tỏ điều băn khoăn ấy, nét trầm tư trên gương mặt vốn trầm tĩnh của Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hưng như càng lộ rõ hơn. Anh chia sẻ, Sơn Lương của 5 năm về trước không phải không có điều kiện để phát triển; các thế hệ lãnh đạo và nhân dân cũng không phải chưa cố gắng hết mình. Từ những năm 1994, người Sơn Lương đã biết tìm kiếm và đưa về địa phương những mô hình kinh tế mới như trồng chè, quế, dâu tằm, thậm chí đã có sự kết nối với các doanh nghiệp lớn bên ngoài như mô hình sản xuất hạt rau giống của Công ty TNHH Tân Lộc Phát… Thế nhưng, bởi nhiều nguyên nhân mà Sơn Lương vẫn mãi dậm chân tại chỗ. Năm 2010, Sơn Lương bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới số vốn liếng trong tay quá ít ỏi: cơ sở vật chất gần như chưa có gì, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng/người/năm, diện tích chè- cây kinh tế mũi nhọn cả xã có được 49ha, tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm mới chỉ đạt 93ha, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 85,7%... Chính bởi xuất phát điểm quá thấp ấy, cùng với tư duy bao năm đã quen trông chờ vào những nguồn vốn đầu tư dành cho vùng đặc biệt khó khăn, việc huy động xã hội hóa và sự đóng góp của người dân để xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn nên những năm đầu, xây dựng nông thôn mới ở Sơn Lương cứ như chú rùa chậm rãi, ì ạch tiến từng bước khó nhọc. Song, dù chậm nhưng những kết quả đạt được đã phần nào tác động đến tư duy, nhận thức và tạo động lực, tiền đề quan trọng cho sự đổi thay của Sơn Lương sau này. Bước vào giai đoạn 2016- 2020, những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của tỉnh, của huyện; sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, hợp lòng dân của cấp ủy và chính quyền địa phương cùng với những thành quả đạt được ban đầu đã giúp bà con nhân dân dần hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới; giúp họ ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và đồng lòng chung tay xây dựng quê hương. Nông thôn mới Sơn Lương thực sự được khởi động từ đây. Diện mạo nông thôn mới của Sơn Lương đã bắt đầu thay đổi khi đời sống của người dân được nâng lên từng ngày. Sản xuất nông nghiệp được tập trung theo hướng hàng hoá; các giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi, lựa chọn cho phù hợp với địa phương; cơ cấu lao động được chuyển dịch đúng hướng; những mô hình kinh tế mới, hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều… Chỉ sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ chưa đầy 10 triệu/người/năm vào năm 2014 lên 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2019 và đạt tới 37,3 triệu đồng/ người/năm vào đầu năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 62,22% (2016) xuống còn 9,04% (2021). Dân ấm no, việc huy động nguồn lực trở nên dễ dàng hơn. Cũng trong 5 năm ấy, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Sơn Lương đã chung sức, đồng lòng góp công, góp của xây dựng nông thôn mới. Hơn 12 tỷ đồng được huy động từ nhân dân và doanh nghiệp; hơn 35.000m2 đất được hiến để làm đường; 37km đường giao thông được bê tông hoá, cứng hoá; nhiều công trình phúc lợi được tu sửa, xây mới; 02 trường học được xây mới khang trang; nhà văn hoá đa năng, sân thể thao rộng rãi, nhà văn hoá thôn đảm bảo sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho nhân dân trong toàn xã; 782/ 857 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định, không còn nhà tạm, nhà dột nát; trên 91% người lao động có việc làm thường xuyên; 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường và được chăm sóc giáo dục tốt; trên 98% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế… Và rồi, sau tất cả những cố gắng, Sơn Lương đã được hái về trái ngọt. Cuối năm 2021, Sơn Lương về đích nông thôn mới trong niềm vui vỡ oà của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã.
Trở thành xã nông thôn mới, Sơn Lương như được khoác lên mình một tấm áo hoàn toàn mới. Bộ mặt chung của toàn xã ngày càng được đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng, nâng cấp ngày một khang trang; giao thông đi lại thuận tiện, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Giờ đây, những vết tích về một mảnh đất gian khó với những con người lam lũ, nghèo đói ngày nào đã không còn, song có lẽ đã trở thành dấu ấn và nỗi trăn trở của những người lãnh đạo như anh Hưng. Bởi thế cho nên chưa bao giờ các anh dám bằng lòng với thành quả đã có, dù thành quả ấy được làm nên từ tất cả những nỗ lực phấn đấu trong suốt bao năm qua. Chia sẻ những dự định, kế hoạch mà các anh đang ấp ủ và dần biến chúng thành hiện thực, anh Hưng nói với tôi rằng đưa Sơn Lương vĩnh viễn ra khỏi diện “xã nghèo” và đem đến cho nhân dân một cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc mới là mục tiêu lớn nhất mà các anh hướng đến. Để đạt được mục tiêu đó, trong rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, trước mắt các anh cần phải giữ cho thật vững những tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt được, đồng thời không ngừng nâng cao những tiêu chí có liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Nghe anh Hưng chia sẻ về những kế hoạch của Sơn Lương, tôi lại nhớ đến những lời chân tình của cụ Lường Văn Lự- vị lão thành ngót 90 năm tuổi đời thì có tới 63 năm tuổi Đảng và hơn 60 năm gắn bó với Sơn Lương, rằng điều ông tự hào nhất, sung sướng nhất trong cuộc đời mình chính là nhìn thấy quê hương đổi mới, đồng bào không còn đói khổ, ai cũng được ấm no. Từng giữ các cương vị lãnh đạo Đảng bộ xã những năm đầu mới thành lập, là người chứng kiến và trực tiếp trải qua tất cả những thăng trầm của Sơn Lương nên cụ Lự hiểu hơn ai hết. Cho nên mỗi khi thấy bà con tập trung làm đường hay chỉ là dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng chỉ cần đủ tỉnh táo, minh mẫn là cụ lại chống gậy lần ra tận nơi để cổ vũ. Chưa cần biết những hoạch định mà anh Hưng nói là lớn lao hay nhỏ bé, mà chỉ cần thấy sự tận tụy, ưu lo của những người lãnh đạo dù còn đương chức hay đã lùi về sau cũng đủ để tin rằng, mầm hạnh phúc đã được các anh gieo trồng trên đất khó Sơn Lương chắc chắn sẽ lên xanh, Sơn Lương chắc chắn sẽ trở thành miền quê núi hạnh phúc của vùng thượng nguồn Văn Chấn
T.T