Hoa hạnh phúc đã nở trên đất “gỗ khô”

Ký của Nguyễn Hiền Lương 

Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX với định hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; ngành Giáo dục- Đào tạo Yên Bái đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho học sinh và giáo viên trong các cơ sở giáo dục-  đào tạo trên địa bàn tỉnh. Liệu mô hình trường học hạnh phúc có khả thi với một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc ít người, kinh tế chậm phát triển? Sau một năm triển khai thực hiện, tôi đã lên Mù Cang Chải- vùng đất theo tiếng Mông là “Đất gỗ khô”*  để tìm câu trả lời.

Mù Cang Chải, huyện vùng cao Yên Bái, cách tỉnh lỵ 185km, địa hình núi cao, nơi thấp nhất cũng hơn mặt nước biển 650m, các sườn núi có độ dốc lớn, lại bị chia cắt mạnh bởi các khe, suối. Toàn huyện có 13 xã và 01 thị trấn, dân số trên 66.000 người, gồm 13 dân tộc, trong đó người Mông chiếm gần 91%. Về kinh tế- văn hóa- xã hội, Mù Cang Chải là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, dân trí hạn chế. Vì vậy, không ít người băn khoăn khi Mù Cang Chải triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Trước chuyến đi, tôi đã đọc khá nhiều tài liệu về “Trường học hạnh phúc”. Mô hình này, khởi nguồn từ nhiệm vụ của UNESCO thúc đẩy hòa bình thông qua giáo dục, dựa trên tinh thần của hai trong bốn trụ cột về việc học. Đó là: Học cách sống cùng nhau và học cách cùng trưởng thành. UNESCO đã đưa ra 22 tiêu chí của “Trường học hạnh phúc”, bao gồm các vấn đề: Tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng trường học; Thái độ và phẩm chất tích cực của giáo viên; Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt; Những giá trị và sự thực hành mang tính tích cực; Điều kiện lao động và sức khỏe toàn diện cho giáo viên; Kỹ năng và khả năng của giáo viên; Làm việc nhóm và tinh thần hợp tác. Học tập theo nhóm giữa học sinh và giáo viên; Sức khỏe tinh thần và quản lí dân chủ; Môi trường học tập ấm áp và thân thiện, an toàn. Tại Việt Nam, từ năm học 2018- 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi động dự án xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trên cơ sở 3 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân với 7 tiêu chí; Tiêu chuẩn về dạy và học với 12 tiêu chí; Tiêu chuẩn về các mối quan hệ trong nhà trường với 8 tiêu chí. Tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành bộ tiêu chí tạm thời 20 tiêu chí, triển khai từ năm học 2020- 2021. Tuy nhiên, đến nay chưa có một mô hình “Trường học hạnh phúc” nào thực sự rõ nét. Đó là một khó khăn cho các nhà quản lý giáo dục và các nhà trường khi triển khai.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Mù Cang Chải biểu diễn dân ca, dân vũ

Làm việc với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải, được biết: Tính đến năm học 2020- 2021, toàn huyện có 39 đơn vị trường học, gồm 15 trường Mầm non, 7 trường Tiểu học, 6 trường Trung học cơ sở, 8 trường Tiểu học- Trung học cơ sở, 1 trường Trung học cơ sở- Trung học phổ thông, 1 trường Trung học phổ thông, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, với 21.776 học sinh và trẻ mầm non. Trong đó có 1 trường nội trú, còn lại là bán trú. Năm học 2020- 2021, mặc dù bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, song ngành giáo dục huyện với sự đoàn kết, sáng tạo vẫn bảo đảm:14/14 xã, thị trấn duy trì chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giữ vững 7 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học, TH đạt 98,2%; THCS đạt 94%, THPT đạt trên 99%. Kết quả này là thành tích đáng ghi nhận song việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” với những tiêu chí của giáo dục hiện đại, mang tính toàn cầu lại là chuyện khác. Các nhà trường sẽ xoay sở ra sao để trở thành trường học hạnh phúc, khi cơ sở vật chất vẫn chỉ có ở mức tối thiểu; đời sống nhân dân nói chung, phụ huynh nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; giáo viên hầu hết là người vùng thấp, lên Mù Cang Chải dạy học là nghĩa vụ hoặc vì không xin được dạy học ở nơi khác… Khi tôi chia sẻ điều này với lãnh đạo phòng Giáo dục thì nhận được câu trả lời:

- Chúng tôi biết xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở Mù Cang Chải là quá khó khăn. Song không phải là đi vào ngõ cụt; phải tìm ra cái mạnh để phát huy, phải sáng tạo, vừa làm vừa tìm cách gỡ dần cái khó. Đến nay đã có những tín hiệu vui. Mời thầy xuống một số điểm trường, hẳn sẽ tìm được câu trả lời.

Theo gợi ý của lãnh đạo phòng, mặc dù là chiều chủ nhật, tôi vẫn xuống Trường Phổ thông dân tộc nội trú, THCS đặt lịch làm việc ngày thứ 2. May, gặp thầy Phó Hiệu trưởng Cố Trường Khánh đang có mặt ở trường. Nhận ra tôi, thầy Khánh vồn vã chào hỏi và giới thiệu là sinh viên của Trường CĐSP Yên Bái. Thầy đưa tôi Bản Kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và bảo:

- Chúng em mới triển khai trong năm học vừa qua, chưa tổng kết, đánh giá. Thầy cần gì cứ hỏi ạ.

Đọc nhanh bản Kế hoạch 10 trang, được xây dựng khá khoa học và chi tiết. Đầy đủ: “Mục đích, yêu cầu”; “Đánh giá thực trạng”; “Tổ chức thực hiện 3 tiêu chuẩn của “Trường học hạnh phúc”; “Phân công nhiệm vụ”, tôi bảo thầy Khánh:

- Kế hoạch kỹ lưỡng lắm, tôi đọc kĩ sau. Ngày mai, thứ 2, cho tôi được trải nghiệm trọn vẹn một ngày, gồm tham quan trường, dự một tiết dạy học, một hoạt động ngoài giờ lên lớp và ăn một bữa cơm trưa cùng các em học sinh.

7h sáng hôm sau, tôi có mặt tại trường, đúng lúc học sinh đang xếp hàng chào cờ đầu tuần. Các em tự điều khiển xếp hàng, làm lễ chào cờ, hát Quốc ca khá chuẩn. Tất cả đều mặc trang phục dân tộc, nét mặt trang nghiêm nhưng không căng cứng, tỏ rõ sự thoái mái, hồn nhiên. Thầy Khánh khẽ bảo:

- Từ khi nhà trường luyện cho học sinh tập trung, sinh hoạt, ăn ở theo tác phong “Chú bộ đội” các em nhanh nhẹn và nghiêm túc hẳn. Không chỉ trong lễ chào cờ, mà ngày hội, ngày lễ của đất nước, 100% học sinh đều rất thích thú khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Khi học sinh vào lớp, thầy Khánh dẫn tôi tham quan khuôn viên nhà trường. Đầu tiên là ký túc xá, 42 phòng, được bố trí thành 2 khu nam, nữ riêng. Tôi vào một phòng ở của các em, ngạc nhiên khi thấy chăn màn cá nhân của các em được gấp, xếp rất gọn đẹp và ngăn nắp. Cách gấp, xếp quen quen, nhưng chưa nhận ra đã thấy ở đâu. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, thầy Khánh bảo:

- Nhà trường hướng dẫn các em gấp xếp chăn màn theo kiểu gấp của khách sạn ạ. Chả là nhà trường cũng đang thực hiện xây dựng mô hình “Trường học du lịch”…

- Vậy à! Thế nội dung chính của “Trường học du lịch” gồm những gì?

- Gồm hướng dẫn học sinh trồng hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường, bảo đảm sạch, xanh, sáng, đẹp; tập làm các ngành nghề, món ăn, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc; tập làm hướng dẫn viên du lịch…

Không đợi thầy Khánh nói hết, tôi reo lên:

- Hay! Rất hay! Sau này nhiều em sẽ là chủ các homestay, hướng dẫn viên du lịch trên chính quê hương danh thắng Ruộng bậc thang của mình.

- Vâng, có thể sau này sẽ thế, còn trước mắt, các em rất vui, rất hào hứng, phấn khởi.

Dẫn tôi sang tham quan khu trưng bầy các loại trang phục, đạo cụ dân tộc; các mô hình cối giã gạo, cối xay ngô, cối giã bánh dày, cọn nước; các sản phẩm trồng trọt của địa phương…, thầy Khánh bảo: Đây là góc truyền thống văn hóa dân tộc, do thầy cô và phụ huynh cùng làm với học sinh, vừa là hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ vừa giới thiệu với khách du lịch đến thăm trường. Nhà trường đã dành 1600mđất làm sân chơi và hoạt động ngoài giờ cho học sinh; thành lập các Câu lạc bộ thêu, đan thổ cẩm; Câu lạc bộ chơi các loại nhạc cụ dân tộc: thổi khèn bè, đàn môi, khèn lá, sáo, múa; Câu lạc bộ chơi các trò chơi dân gian: đánh quay, ném pao, đẩy gậy, đi cà kheo, đua xe gỗ… Hiện 100% học sinh nhà trường đều biết múa khèn, múa khăn, múa ô và múa gậy sênh tiền và hát các điệu dân ca dân tộc. Các em nam rất thích thổi khèn bè, khèn lá, sáo; các em nữ thích thổi khèn môi, múa khăn. Tham gia hội thi khèn Mông toàn huyện vừa rồi, đội khèn của trường đoạt giải nhì. Các em còn được trải nghiệm làm các món ăn truyền thống dân tộc, tham gia bán các sản phẩm truyền thống do các em làm ra tại hội chợ của huyện trong tuần lễ du lịch khám phá Mù Cang Chải. Nhà trường cũng tổ chức cho các em tham quan các danh thắng: điểm ruộng bậc thang đẹp “Mâm xôi”, “Móng ngựa”, “Sống lưng khủng long”, đồi trúc Mồ Dề, thung lũng hoa Hồng Nậm Khắt, thác 7 tầng để các em có thực tế viết lời giới thiệu…

Tôi ngắt lời thầy Khánh, bộc bạch:

- Tôi nói ý này không biết có đúng không? Xem ra xây dựng “Trường học du lịch” của Mù Cang Chải cũng đem lại cho học sinh niềm hạnh phúc theo tiêu chí của UNESCO đấy chứ. Việc cho học sinh trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa truyền thống làm cho không gian học tập của học sinh không bó hẹp trong 4 bức tường lớp học mà là một không gian xanh và mở. Ở đó giáo viên cùng làm với học sinh, học sinh được thể hiện sự sáng tạo, được tôn trọng sự đa dạng và khác biệt; giá trị thực hành tích cực, rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm với tinh thần hợp tác, vừa học vừa thư giãn đúng không?

- Vâng, đúng thế ạ.- Thầy Khánh tiếp lời- xây dựng trường học du lịch cũng cũng góp phần xây dựng môi trường nhà trường và thực hiện dạy học hợp tác, cùng chung sống, cùng trưởng thành theo tiêu chí của trường học hạnh phúc. Khi tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch, học sinh đều được đối xử công bằng; được phát huy tối đa năng lực, sở trường, tiềm năng sáng tạo, ước mơ, ý tưởng, sự hợp tác, chia sẻ lẫn nhau, từ đó hình thành kĩ năng sống, thiết lập được các mối quan hệ lành mạnh, nhân văn trong và ngoài nhà trường. Bầu không khí làm việc luôn vui vẻ, thân thiện, phấn khởi, cùng nhau hướng tới mục đích chung, cùng tiến bộ để tạo nên sự phát triển toàn diện: đức, trí, thể, mỹ cho học sinh…

Tôi cất lời khen:

- Như thế chính là nâng cao chỉ số hạnh phúc cho cả thầy và trò. Thầy không chỉ tạo hạnh phúc cho học sinh mà còn truyền cảm hứng, hướng các em biết cách tạo nên hạnh phúc cho mình. Giờ thầy cho tôi tham quan khu lớp học và dự một tiết dạy.

Vừa dẫn tôi đi, thầy Khánh vừa giới thiệu:

- Trường có 12 phòng học, trong đó có 6 phòng học thông minh, 4 phòng học bộ môn; 01 phòng học tin, 01 phòng học ngoại ngữ, 1 thư viện với 10 nghìn đầu sách. Giờ thầy muốn dự tiết học nào?

- Cho tôi dự một tiết học tiếng Anh. Tôi muốn biết khả năng học tiếng Anh của các em học sinh dân tộc Mông.

Thầy Khánh bảo:

- Học sinh rất thích học tiếng Anh, nhất là tham gia thi làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về cảnh vật quê hương và văn hóa dân tộc Mông, Thái bằng tiếng Anh ạ.

Tôi vừa bước vào phòng học, cả lớp đứng dậy, chào bằng tiếng Anh. Tôi tươi cười chào lại và xuống cuối lớp ngồi quan sát. Phòng học được thiết kế, trang bị đúng tiêu chuẩn của phòng học ngoại ngữ, có kết nối mạng Intenet. Cô giáo chia lớp thành 4 nhóm, trao đổi viết lời giới thiệu Mù Cang Chải với khách du lịch. Một nhóm viết về ruộng bậc thang; một nhóm viết về táo Mèo, một nhóm giới thiệu về khèn Mông, một nhóm giới thiệu về đàn môi. Buổi học rất sôi nổi, học sinh tự tin trình bày bài viết, cô giáo tổ chức cho các nhóm nhận xét, đánh giá kết quả của nhau. Tôi nghĩ một tiết dạy- học như thế này chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho cả người học và người dạy.

Trở về văn phòng nhà trường, thầy Khánh cho tôi biết, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường là 36 người, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 26 giáo viên, 7 nhân viên. Trình độ chuyên môn đại học 25, cao đẳng 03. Năm học 2020- 2021, 26/ 26 giáo viên xếp loại tốt về thực hiện nhiệm vụ năm học và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; thi giáo viên giỏi cấp huyện 14 giáo viên đạt; cấp tỉnh 2 giáo viên đạt; 1 giáo viên còn đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, giáo viên có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực, giá trị bản thân. Còn học sinh có 12 lớp với 420 em; trong đó 183 em nữ, chiếm 43, 6%; 237 em nam, chiếm 54, 6%, dân tộc thiểu số 406, chiếm 96,7%.

- Tỷ lệ học sinh nữ, dân tộc thế là hợp lý. Còn hiện tượng tảo hôn không?

- Không ạ, trường đã nói không với tảo hôn. Các em đến trường đều chuyên tâm học tập, mong được đi học tiếp trung học phổ thông ở trường dân tộc nội trú tỉnh. Cũng không còn nạn bỏ học, tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần đạt từ 98 đến 100%. Năm học vừa qua, 100% học sinh được chuyển lớp, chuyển cấp. Trong đó 21 em được xếp loại giỏi, đạt 5%; 230 em xếp loại khá, đạt 54, 8%; 168 em xếp loại trung bình, chiếm 40%. Chỉ có 1 em xếp loại yếu là do ốm đau phải nghỉ học điều trị tại bệnh viện dài ngày. Thi học sinh giỏi các cấp 90 em đạt giỏi cấp trường, 46 em đạt giỏi cấp huyện, 7 em giỏi cấp tỉnh. Hạnh kiểm cũng rất tốt, 402 em xếp loại tốt, đạt 95,7%; chỉ có 18 em xếp khá, chiếm 4,3% thôi; không có hạnh kiểm trung bình yếu kém.

- Kết quả này có bền vững không?

Thầy Khánh mở máy tính lấy cho tôi xem tổng hợp kết quả của trường 5 năm qua. Thi học sinh giỏi: 344 giỏi cấp trường; 144 giỏi cấp huyện, 28 giỏi cấp tỉnh. Thi vận dụng kiến thức liên môn 6 em đạt giải tỉnh; 1 em đạt giải cấp quốc gia. Thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, 8 em đạt giải cấp huyện và tỉnh. Tập thể trường 5 năm liên tục đạt tập thể lao động tiên tiến, lao động xuất sắc. Từ khi thành lập đến nay, được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động, một hạng Nhì, 1 hạng Ba; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh; 2 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều nhà giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chi bộ nhà trường liên tục đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Công tác thi đua được duy trì thường xuyên, thực hiện tốt các phong trào: “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn và trải nghiệm”. “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thầy cô hướng về học sinh nội trú”…

Tôi lại ngắt lời thầy Khánh:

- Tôi nghĩ với thành quả đạt được như thế, thầy cô không chỉ hạnh phúc mà còn đem lại hạnh phúc cho học trò. Hạnh phúc của thầy, cô và hạnh phúc của học trò là 2 mặt của một quá trình, nó tương tác và chuyển hóa cho nhau để tạo nên trường học hạnh phúc.

Đã đến giờ ăn cơm trưa, thầy Khánh bảo tôi:

- Bây giờ em dẫn thầy xuống nhà ăn xem bữa ăn của học sinh. Còn yêu cầu ăn cơm cùng học sinh của thầy thì xin khất để lần khác. Vì các học trò cũ của thầy đã chuẩn bị cơm đãi thầy rồi ạ. Cũng không phải mua bán gì, toàn cây nhà lá vườn thôi.

Tôi xuống khu nhà bếp, nhà ăn, bàn ghế khang trang, sạch đẹp như phòng ăn khách sạn, học sinh giữ gìn vệ sinh, trật tự khi ăn. Không còn cảnh 5, 6 em ngồi bệt trên nền đất, mỗi em một thìa xúc cơm, xúc canh ngay trong nồi mà tôi đã từng thấy trước đây ở các trường bán trú, các em tự nấu ăn. Hỏi, ăn có no không, ngon không? Cháu nào cũng bảo no, ngon hơn ở nhà. Chúc các cháu ăn ngon, tôi sang phòng ăn của thầy cô. Bữa cơm có thịt gà, cá, rau của các thầy cô tăng gia từ vườn trường, thêm chút rượu thóc Púng Luông. Thầy trò lâu ngày gặp nhau, ai cũng già đi theo tuổi tác nhưng đều trẻ lại khi nhắc nhớ về những kỷ niệm của một thời sư phạm Yên Bái.

Tôi cụng chén với thầy Khánh, hỏi:

- Khánh lên đây đến 20 năm rồi nhỉ? Có ý định về quê Lục Yên không?

Thầy Khánh chia sẻ:

- Đúng là ai cũng muốn về quê dạy học ạ. Vừa rồi tỉnh có đợt giải quyết chuyển vùng cho giáo viên vùng cao, nhưng chuyển hết thì lấy ai dạy học trên này. Nên các trường hợp xin chuyển vùng chủ yếu là để hợp lý hóa gia đình. Bọn em, gia đình, công việc, cuộc sống ở đây đều ổn cả nên ở lại với Mù Cang Chải thôi. An cư mới  lạc nghiệp thầy ạ.

- Nghĩa là các em cũng hạnh phúc khi dạy học ở Mù Cang Chải?

Cô giáo Oanh, Phó Hiệu trưởng trầm ngâm nói:

- Cũng có nhiều cách hiểu về hạnh phúc thầy ạ. Ai chả thích có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Về vật chất, tinh thần nếu so với thành phố, thị xã và các huyện vùng thấp thì Mù Cang Chải còn kém xa lắm. Nên chúng em phải lấy cái tình, lấy lương tâm và trách nhiệm, hạnh phúc của học trò làm hạnh phúc của mình. Mù Cang Chải nghèo về vật chất nhưng tình đồng nghiệp, tình thầy trò, tình phụ huynh với thầy cô thì không nghèo. Em thấy bây giờ mọi người hay nói: Ước gì được như ngày xưa, thời bao cấp, bao khó khăn, thiếu thốn vật chất nhưng tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc thì ngược lại. - Bỗng cô Oanh bảo - Em rất thích bài thơ “Ước gì” của thầy đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Thầy đọc cho chúng em nghe đi.

Tôi xúc động với những chia sẻ của cô giáo Oanh, liền cao hứng đứng dậy đọc: “Ước gì trở lại thuở lên mười/ Lội bãi sông quê nghịch cùng lũ bạn/ Ước những chiều thả trâu đồng Cạn/ Lên núi Con Voi hái quả vải rừng/ Ước áo mình đầy nhựa trám, nhựa sung/ Mỗi lần giặt mẹ rầy la mắng mỏ/ Ước một lần bị cô giáo phạt/ Khoanh tay, cúi đầu góc lớp chẳng nhìn ai/ Ước Tết về lợn í éc kêu/ Dăm ba nhà cùng nhau ăn đụng/ Nồi lòng luộc bốc hơi nghi ngút/ Bầy trẻ chờ đợi xin khấu đuôi…/ Ước gì, ước gì mãi thôi/ Giữa đủ đầy lại ước ngày thiếu thốn/Bao sang trọng lại ước điều bình dị/… Hạnh phúc ở đời đâu chỉ bởi giầu sang”.

Đọc xong, thấy mắt các thầy cô đều rơm rớm nước, khiến tôi càng bồi hồi, xúc động. Buổi chiều, sau khi xem các em học sinh hát, múa dân ca, dân vũ, trở về phố huyện, tôi thấy lâng lâng một cảm giác thật khó tả. Sáng sau tôi vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt, trải nghiệm mô hình “Trường học nông trại” của nhà trường. Sau khi cùng cô giáo Phạm Thị Lân- Hiệu Trưởng nhà trường, tham quan khu vực nông trại của trường, tôi hỏi:

- Xuất phát từ đâu nhà trường lại có ý tưởng xây dựng “Trường học nông trại”?

Cô Lân chia sẻ: Nậm Khắt có hơn 99% dân số là người Mông, đều nghèo lắm. Trước đây, chưa tổ chức bán trú, các em nhà gần đi học phải mang theo cơm, thức ăn chỉ có vài cọng măng ớt. Các em nhà xa, bố mẹ phải làm lán quanh trường cho con ở. Mới 6, 7 tuổi, các em đã phải tự nấu ăn, thức ăn chủ yếu là muối và nước lã. Thương học sinh, các thầy cô hướng dẫn các em tận dụng đất trống quanh trường trồng rau để cải thiện bữa ăn. Song do hoạt động mang tính tự phát, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên hiệu quả rất thấp. Từ khi trường chuyển sang mô hình bán trú, các thầy cô giáo càng trăn trở về điều kiện ăn uống của học sinh. Đất có, nước có mà không có rau ăn. Nghe tin trên Bắc Hà, Lào Cai có mô hình “Trường học nông trại”, trường cử cán bộ lên tham quan. Đúng lúc, Phòng Giáo dục Mù Cang Chải phát động phong trào xây dựng trường học gắn với cuộc sống. Trường Nậm Khắt đăng kí xây dựng mô hình “Trường học nông trại”. Được sự nhất trí cao và ủng hộ của lãnh đạo Phòng Giáo dục, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban xã, giáo viên, phụ huynh, cùng học sinh cải tạo toàn bộ khu vực bãi đất trống trên 11.000 m2, quanh trường thành vườn và chuồng trại. Phân công các em học sinh lớp 1, 2, 3 trồng rau; học sinh 4, 5 chăn nuôi lợn, dê, gà, chim bồ câu. Thầy cô hướng dẫn các em cách cuốc đất, đánh luống; gieo hạt, chăm rau; thái rau, thái chuối, nấu cám, cho lợn, gà, chim ăn, vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên gửi cây, con giống cho nhà trường. Thật vui, mỗi chiều, sau giờ học các em học sinh lại tíu tít cùng các thầy cô giáo ra vườn tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ ở các luống rau, cho lợn, gà ăn và vệ sinh chuồng trại.

Tôi hỏi cô hiệu trưởng:

- Điều gì cô giáo tâm đắc nhất qua mô hình “Trường học nông trại”?

Cô Lân chia sẻ ngay:

- Qua mấy năm thực hiện “Trường học nông trại”, không chỉ cung cấp đủ rau, thịt, trứng cho 300 học sinh bán trú, đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng mà còn hướng dẫn học sinh biết áp dụng kiến thức vào cuộc sống, thực hành những kỹ năng cần thiết, thay đổi tập quán canh tác, bồi dưỡng tình yêu lao động, tạo hứng thú, niềm vui trong học tập. Song điều em tâm đắc nhất, trường học nông trại đã làm mọi người gắn bó với nhau, gắn bó với nhà trường đầm ấm bằng tình cảm gia đình.

Tôi bắt tay cô giáo Lân, đồng cảm:

- Quả đúng như vậy. Lao động đã tạo nên tính hợp tác, sự gắn bó, cùng làm việc, cùng chung sống, cùng tiến bộ của cả thầy và trò. Điều đó cũng là một phần của hạnh phúc.

Ba ngày ở Mù Cang Chải, tôi thấy thật hài lòng và dễ chịu. Những việc làm của thầy cô và học trò nơi đây đã truyền cho tôi cảm hứng về tinh thần vượt khó, ý chí tự lập để tạo nên hạnh phúc cho mình và những người cùng sống, cùng làm việc với mình. Tôi bỗng liên tưởng với những cây hoa. Mỗi vùng đất có những đặc điểm thổ nhưỡng riêng, không phù hợp với loại hoa này thì sẽ thích ứng với loài hoa khác. Không có thứ đất nào lại không trồng được hoa cũng như không có nơi nào lại không tìm được hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra hạnh phúc, cũng như trồng và chăm sóc thế nào để cây trổ những bông hoa đẹp. Hạnh phúc là gì, hẳn ai cũng đã tự hỏi và tự trả lời. Đúng là, khi con người thỏa mãn một nhu cầu nào đó, cảm thấy vui, thấy sướng, thấy hài lòng, thì đó là hạnh phúc. Hạnh phúc cũng luôn gắn với niềm vui. Có người vui sướng khi được ăn ngon mặc đẹp. Cũng có người vui, sướng khi được làm điều mình thích, điều có ý nghĩa, hoặc đem lại cho người khác niềm vui. Vì thế, hạnh phúc không chỉ là sự nhận về mà còn là sự cho đi với một động cơ tốt đẹp, trong sáng, không toan tính, vụ lợi. Tôi nhớ, có một câu danh ngôn:  Khi ta cho đi, cuộc sống của ta có thể khó khăn hơn nhưng nó lại cho ta niềm vui, sự đẹp đẽ, đó cũng là hạnh phúc. Thứ ta cho đi không nhất thiết phải là vật chất mà có thể là tinh thần, đặc biệt là tấm lòng. Tôi cũng nhớ có một câu chuyện cổ kể về người nông dân Israel, khi thu hoạch hoa màu bao giờ họ cũng để lại phần hoa màu ở bốn góc ruộng cho những ai thiếu thốn. Còn ở Hàn Quốc, khi thu hoạch hồng, người nông dân cũng để lại một số quả hồng chín mọng trên cây cho chim Hỉ Thước ăn vào mùa đông giá lạnh. Nhờ đó mà chim Hỉ Thước không bị chết. Dường như chim cũng biết ơn con người, nên đến mùa xuân, nó không vội vã bay đi mà ở lại bắt sâu để cây lại cho ra những quả hồng chín mọng ngon ngọt. Người nông dân cho kẻ khó phần hoa màu, cho chim Hỉ Thước những quả hồng là cho con đường sống. Điều đó, cũng là cho mình sự sống và niềm hạnh phúc. Cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng chia sẻ: “Các nhà nghiên cứu xác định một trường học hạnh phúc cần có 21 tiêu chí, nhưng theo tôi, có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc”. Đúng vậy, các thầy cô giáo Mù Cang Chải với năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo và sự nhiệt huyết đã chăm cho cây hạnh phúc, trổ những bông hoa đầu mùa trên vùng “đất gỗ khô”. Mới đây, ngày 7/9/2021, lên dự khai giảng năm học mới của Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT và làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Có thể Yên Bái không phải là tỉnh phát triển nhất về kinh tế nhưng hoàn toàn là một trong những tỉnh có cở sở để trở thành tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất”. Điều đó, đã được chứng minh qua thực tiễn phát triển giáo dục Mù Cang Chải. Biết phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh đã cho những kết quả tốt đẹp.

 

                                                                                                                      N. H.L

 

* Mù, đọc chệch của Mồ nghĩa là rừng gỗ; Cang, đọc chệch của Căng, nghĩa là khô; còn Chải có nghĩa là đất. Mù Cang Chải có nghĩa là  "Đất gỗ khô”

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter