Hoàng Thế Sinh- Cháy hết mình vì nghề báo, nghiệp văn

NGUYỄN TÂM

 

Yêu quý Nhà báo, Nhà văn Hoàng Thế Sinh từ những ngày đầu mới quen biết, nên tôi đã sớm có ý nguyện muốn viết về ông. Thế nhưng, sau nhiều lần “chối khéo”, mãi đến gần đây ông mới gọi cho tôi, bảo rằng “Con cho chú một bài. Khen cũng được. Chê cũng được… Để chú chuẩn bị ra tập sách kỷ niệm tuổi ngoại thất thập”. Tôi cầu mãi còn không được, sao dám chê ông- một “lão làng” trong làng báo, làng văn Yên Bái, cũng là một “cây đa, cây đề” trong lòng tôi, một người thầy mà tôi vẫn yêu kính lâu nay.

Hoàng Thế Sinh được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thi- một dòng sông xanh biếc nối với dòng mẹ sông Hồng. Năm 1962, ông theo gia đình và dân làng rời vùng quê “chiêm khê mùa thối” Hưng Yên đi khai hoang vùng đất mới và gắn bó với Yên Bái cho đến bây giờ. Cuộc đời của Hoàng Thế Sinh trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, là thương binh hạng 4/4; từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, làm giáo viên rồi lại tốt nghiệp cả Thạc sĩ văn học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từng công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhưng sau ông lại chuyển sang làm báo và gắn bó với Báo Yên Bái suốt từ năm 1992 cho đến lúc về hưu. Hoàng Thế Sinh rất hiếm hoi kể về cuộc đời và sự nghiệp làm báo của mình, nhưng tất cả vẫn luôn hiện hữu, nguyên vẹn và đầy đủ trong những trang ký của ông. Từ “Bên dòng sông mẹ”, bạn đọc biết về gốc tích cùng cuộc sống những tháng năm đầu đời của một nhà báo yêu và đam mê văn thơ nhạc họa từ thuở lên mười. Cùng dòng người rời quê đi khai hoang Yên Bái, trong những kỳ vọng, khát khao, mơ tưởng của mẹ, của chị và dân làng là một cuộc sống yên vui no đủ đang chờ đợi ở vùng đất mới thì riêng ông lại mang theo khao khát được ngụp lặn, đắm mình và uống nước trong dòng sông Mẹ- sông Hồng. Để rồi, sông Mẹ nặng lòng ngàn năm ấy đã chứng kiến, cùng ông trải qua những tháng năm tuổi thơ cơ cực, giúp cho dân làng ông, những “người nông dân Hưng Yên khai hoang được mở mang và đổi thay không ngừng, giàu có mãi lên”, và sông Mẹ cũng đã bồi đắp, nuôi lớn tâm hồn thi sĩ trong ông.

Làm báo, lại là báo văn nghệ, kẻ hậu bối như tôi luôn nể trọng Hoàng Thế Sinh bởi cái tài thổi linh hồn vào những trang viết của ông. Ngay khi viết báo, viết ký, Nhà báo Hoàng Thế Sinh đã đập tan sự khô khan vốn có của nó bằng cách thổi vào hiện thực trần trụi, khắc nghiệt những xúc cảm dạt dào khi ông luôn biết khai thác tốt nhất vũ khí, thế mạnh của một nhà văn về nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nhà thơ Ngọc Bái từng viết “… Thế Sinh là sự phân thân của thơ trong ký. Dễ dàng thấy chất trữ tình trong các trang ký Thế Sinh đã thể hiện…”. Không chỉ có thơ mà còn có nhạc. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng thấy Thế Sinh ngân nga hát. Có lúc là tiếng hát sảng khoái, hào hùng, có lúc lại cất tiếng lòng nỉ non đầy mộng mị và lãng mạn của kẻ đa tình. “Tôi mê em, theo em vượt chín đèo mười núi, theo em qua trăm sông nghìn suối đến dòng suối Thia soi bóng chúng mình. Ôi dòng Thia thao thiết bao tình, khăn Piêu trao nhau qua cầu gió thổi, nụ hôn trao nhau nghiêng nghìn trái núi…”. Và đúng như Nhà thơ Ngọc Bái nói, chất thơ, chất nhạc, ngôn ngữ thơ nhạc đã trở thành vũ khí đắc dụng để Thế Sinh biến những bài báo khô khan thành những trang viết hấp dẫn với ngồn ngộn sức sống và xúc cảm, mà không hề mất đi sự chân thực, tính thời sự và nghiêm túc của báo chí.

Tôi không biết mà ngay cả Thế Sinh cũng không thể nhớ nổi ông đã từng viết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bài ký trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Là một cây bút không chỉ có nghề, mà còn có niềm đam mê đặc biệt với cái nghiệp viết lách “giời đày”, Hoàng Thế Sinh luôn thể hiện sự nhiệt thành, lăn sả, cháy hết mình trên từng trang viết. Với lợi thế của một nhà báo mẫn cảm, giàu cảm xúc cùng lối tư duy sâu sắc, cái nhìn và những phát hiện nhạy bén, sắc sảo của nhà văn, Hoàng Thế Sinh đã hăm hở đi; cẩn trọng quan sát; tỉ mỉ ghi chép, thu thập; công phu tra cứu tư liệu; nghiêm túc ngẫm ngợi, trăn trở và viết một cách nhiệt tình nhưng cũng đầy trách nhiệm. Tôi từng nghe người nào đó phát ngôn rằng: “Viết ký thì có gì khó, các vị đi cơ sở, ngó nghiêng một tí, xin cái báo cáo, về nhà chỉ một đêm là xong…”. Thoạt đầu tôi nghĩ người đó thật có tài nên có phần vị nể, và tự thấy bản thân mình kém cỏi khi chưa bao giờ đạt được đến “cái tầm” như thế. Nhưng rồi, tôi đã ngộ ra và tự tin hơn khi nghe Hoàng Thế Sinh nói rằng, sau khi đi cơ sở về, ông đã dành ít nhất 1 tháng để ngẫm, rồi mới dùng 1 tuần để viết ra được một bài ký. Có lẽ bởi vậy mà dẫu ngòi bút đã “tung tẩy trên nhiều ngả đường, nhiều sự kiện”- (lời Nhà thơ Ngọc Bái), nhưng tất cả đều đọng lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Tôi nhớ mình đã từng rất ám ảnh khi đọc được những bài ký viết từ xửa xưa của Hoàng Thế Sinh. Trong đó, tôi nhớ nhất bài “Thuốc phiện và nỗi bất hạnh của người Mông”, được in trong tập ký “Khát vọng từ đất”, sau đổi tên thành “Day dứt Nậm Chầy” và in trong tập bút ký- ghi chép “Lên Phan Xi Păng”. Ám ảnh bởi dù được sinh ra và lớn lên ở miền núi, lại là một phóng viên nên tôi đã nghe, đã thấy và cũng gọi là hiểu thế nào là thuốc phiện, là sự tàn phá và những hệ lụy của thuốc phiện cùng những vấn nạn nó gây ra những năm chín mươi của thế kỷ trước. Song, cho đến khi đọc bài ký của Hoàng Thế Sinh, cảm nhận được nỗi đau đớn, ám ảnh, day dứt của ông về hình ảnh 2 người đàn bà Mông đau khổ, về những đứa trẻ lăn lóc, đói khát, mệt mỏi và khi ông tận mắt chứng kiến cảnh người Mông rơi vào mê cung ác quỷ của “Nàng tiên nâu”, bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn, thóc ngô, dê ngựa phải bán sạch rồi nhọc nhằn sống qua ngày; vì những con số gớm ghiếc biết nói, biết khóc: 1 xã có hàng trăm người hút và nghiện với 53 bàn đèn, 1 bản Mông có 30 hộ thì cả 30 hộ có người nghiện, 1 gia đình chủ nhà vừa 21 tuổi trong 1 năm bán sạch 27 con bò, hơn 10 con trâu, ngựa để hút. Chưa tính người hút, chỉ tính người nghiện thứ khói ma quỷ ở xã Nậm Chầy thì 1 ngày 96 người nghiện hút hết 96 đồng cân, tương ứng 1.536.000đ, 1 năm sẽ bằng 552.960.000đ, tương đương 276.480 cân gạo, chỉ cần họ nhịn hút 1 năm, thì cả bản sẽ đủ gạo ăn trong 4 năm 3 tháng… thì tôi mới thực sự thấu hiểu nỗi bất hạnh tận cùng của những con người đã từng bị ma lực của ác quỷ nuốt đi ý chí. Họ không chỉ đem hết tài sản, cuộc sống của gia đình đốt thành khói thuốc, mà còn hút đến cả xương thịt của những người thân và của chính bản thân mình.

Quen biết ông lâu nay, tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh một Nhà văn Hoàng Thế Sinh đậm chất văn nghệ sĩ trong mỗi cuộc tụ họp, vui vẻ của những bạn văn nghệ với nhau; một người bạn, người thầy mỗi khi ông yêu quý ghé thăm, trò chuyện và rút hết tâm can chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về đời, về nghề; hay hình ảnh một Nhà báo Thế Sinh với ánh mắt tinh nhanh, vai khoác chiếc túi chéo, tay lăm lăm cây bút, quyển sổ nhỏ và luôn luôn ghi ghi, chép chép mỗi lần đi thực tế sáng tác ở cơ sở. Gần đây, nhờ bài viết “Người đứng lâu trên bến Âu Lâu” của Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, tôi lại được biết thêm hình ảnh của một Hoàng Thế Sinh tuổi bốn mươi “…mũ nồi đen kiểu trưởng bản, chức sắc các tộc người miền cao ưa dùng, veston demi sáng kẻ ô chiều nhuôm nhuôn xám, khụng khịnh quần cứng kễu kaki lộ cộ simili, chân giày lính Liên Xô cậm kịch như trâu qua sân gạch. Và đương nhiên khoác chéo vai chiếc túi thổ cẩm, sờn sờn cũ cũ, hoa văn chẳng rõ Tày hay Thái. Trong cuộc rượu, cần hỏi đến số điện thoại của ai đó, chàng Thế Sinh vẹo người, thọc tay vào túi lôi ra cuốn sổ tay bìa giả da loáng mồ hôi và dầu mỡ, đôi khi vướng theo chiếc khăn mùi xoa không rõ màu tròn như tờ giấy vo, bao thuốc, túi hạt mák khén, trái ớt nương. Líu ríu lật sổ, những con chữ không chỉ ghi số điện thoại mà cả những chi tiết truyện ngắn đang hình thành, hay tuyến nhân vật cuốn tiểu thuyết đã viết bằng miệng từ lâu...”. Thật thú vị nhưng cũng không hề lạ lẫm. Bởi dù ở tuổi nào thì trong tôi vẫn luôn là hình ảnh một Hoàng Thế Sinh sống nhiệt thành, cháy hết mình vì đam mê nghề nghiệp. Khác với nhiều những nhà báo viết văn, nhà văn làm báo khác, nghiệp báo, nghiệp văn dường như luôn song hành với nhau trong cuộc đời sự nghiệp của ông. Qua những câu chuyện vừa hài vừa thực mà ông từng chia sẻ, tôi biết rằng, từ thời bao cấp khó khăn, nghèo khổ, khi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Hoàng Thế Sinh đã từng vắt kiệt tâm can, trí não ra viết để kiếm thêm tiền, vừa nuôi mình, vừa nuôi con, vừa để giao lưu bạn hữu. Ngay từ những ngày đó, ông đã viết và cộng tác với rất nhiều báo, từ báo thời sự, báo pháp luật đến báo văn nghệ. Tài sản lớn nhất và cũng là phương tiện đi lại duy nhất là chiếc xe đạp 5 không: không phanh, không chuông, không đèn, không chắn xích, không cả chắn bùn để chạy từ báo nọ đến tòa soạn kia gửi bài, lĩnh nhuận bút. Ấy mà chỉ tại một lần mải bia với mấy bạn thơ lại bị kẻ trộm lấy mất. Khó khăn là vậy, viết để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng bởi luôn ấp ủ nghiệp văn, quyết không vì vật chất mà đánh mất mình ngay từ lúc mới khai danh nên Thế Sinh luôn viết bằng tất cả trái tim của kẻ si mê văn chương, yêu cuộc sống. Nhờ thế mà vào những năm 1986- 1988, “Rét lộc” ra đời  đã trở thành tác phẩm đầu tiên được in trên báo Văn nghệ- Tờ báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, nơi các văn nhân luôn ao ước tên tác phẩm của mình được hiện diện. Đó cũng chính là tác phẩm đánh dấu sự khởi đầu nghiệp văn chương của ông, một nghiệp “giời đày” mà ở đó, lao động sáng tạo luôn khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.

Miệt mài với nghiệp viết báo, dấn thân vào nghiệp văn, Hoàng Thế Sinh đã lao động, sáng tác không ngừng nghỉ. Để rồi sau mấy mươi năm, không thể đếm nổi số những bài báo, bài văn đã viết hay số giải thưởng đã đạt từ báo chí, từ văn chương, chỉ biết khối tác phẩm văn học khổng lồ mà ông ra mắt bạn đọc là 01 tập thơ; 02 tập bút ký; 08 tập truyện ngắn (01 tập in chung) và 10 tập tiểu thuyết. Trong đó, 04 tiểu thuyết Bụi hồ, Rừng thiêng, Thuốc phiện và lửa, Ma tiền đã được chuyển thể thành kịch bản và dựng phim truyền hình. Với ngần ấy thể loại và tác phẩm, các bạn văn của Thế Sinh gọi ông là cây bút đa tài. Mà quả đúng là ông đa tài thật. Bởi tính cẩn trọng, tỉ mỉ, nghiêm túc trong sáng tạo và đặc biệt trọng người đọc nên dù ở thể loại nào, Hoàng Thế Sinh cũng rất thành công trong việc bày binh bố trận, khiến cho độc giả luôn bị mê đắm, lạc vào thế giới ảo diệu của những câu chuyện mà ông dựng nên. Như nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế từng viết: “Mỗi tác phẩm của ông, là một trận cờ bày sẵn với các nhân vật tướng sĩ tượng xe vai vị rõ ràng. Chơi tất tay. Tốt có thể nhập cung. Tướng có thể lánh mặt nước chiếu. Nhưng bản chất của tướng và tốt luôn không thay đổi. Phản ánh tâm thế con người ông, như một sự cực đoan trắng luôn là trắng đen luôn là đen. Đó cũng là cách ông hành xử, giao tiếp với người đời.”. Thì đúng vậy. Với cảm hứng chủ đạo là lên tiếng chống lại những thói hư tật xấu, thói ác độc của đời sống thế sự; tôn vinh những con người bé nhỏ, yếu thế mà đầy dũng khí, dù không thành công cũng vẫn dám đứng lên mà bất bình, mà chiến đấu với những cái hư đốn của cuộc đời; văn chương của Hoàng Thế Sinh luôn là sự lên tiếng nghiêm khắc của công lý và đạo lý; quan điểm luôn dứt khoát, rạch ròi, nhân vật trong tác phẩm được ông chia thành 2 tuyến tốt- xấu rõ ràng và cốt truyện biến hoá ảo diệu bởi cái tài kết cấu điêu luyện của một nhà báo, khả năng sử dụng ngôn ngữ và xây dựng cốt truyện, nhân vật điển hình của một nhà văn.

Sống gắn bó với mảnh đất vùng cao Yên Bái gần trọn cuộc đời, cho nên văn chương của ông cũng đặc biệt thuỷ chung với núi rừng Yên Bái như chính con người ông vậy. Trong tất cả các tác phẩm văn học của ông, dù xuất hiện bằng hình thức nào, dù được miêu tả như thế nào thì hình ảnh núi rừng Yên Bái vẫn luôn hiện lên rất rõ nét. Từ Tiếng vọng dưới chân núi, Luật của rừng rồi Bụi Hồ, Xứ mưa cho đến Chúa đất miền Khau Xưa và gần đây nhất là Tằng Cẩu, tất cả đều được nhà văn huy động một vốn sống phong phú về cảnh vật, con người và bản sắc văn hoá độc đáo của miền núi. Bởi vậy, giá trị và sự hấp dẫn trong truyện ngắn, trong tiểu thuyết và ngay cả trong ký của ông không chỉ dừng ở việc khắc họa tính cách, miêu tả nội tâm nhân vật hay xây dựng tuyến ác- thiện mà ta thường thấy, mà luôn được dụng công vươn tầm lên tất thảy là sự trân trọng, tôn vinh và bảo vệ cái đẹp, bảo vệ con người tốt, bảo vệ cả những giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần vô giá.

“Núi cao bao nhiêu cũng không bằng ý chí con người. Đường xa, vực sâu bao nhiêu cũng không sâu xa bằng ý nghĩ con người. Đất trời mênh mông bao nhiêu cũng không bằng khát vọng con người”. Đó chính là triết lý sâu sắc mà Nhà văn, Nhà báo Hoàng Thế Sinh đã tự rút ra cho chính mình sau một ngày dài ngược núi bằng chính đôi chân xương thịt để đến với người Mông Chế Tạo. Là một nhà báo say nghề, lại là người đam mê với nhiều loại hình nghệ thuật, lặng lẽ âm thầm trước trang viết, xông xáo nhanh nhạy mỗi khi đi cơ sở, hăm hở với những khát vọng khám phá, phát hiện, đã đưa ông đến với những vùng đất lạ. Mỗi vùng đất mà ông đi qua, mỗi đỉnh cao mà ông khát khao chạm tới, ông đều dùng tất cả các giác quan của mình mà cảm thụ, mà tiếp nhận. Cho nên, khi chinh phục được đỉnh núi Phansipan- nóc nhà Đông Dương cao trên 3.147m đã khiến ông không thể kìm nén mà thốt lên rằng: “Nhà báo ơi, hãy giương hết các ăng-ten linh giác để cảm nhận cho hết sự thiêng liêng và hùng vĩ của Phan Si Păng. Hãy mở to đôi mắt thần diệu mà thu nhận cảnh sắc thiên nhiên muôn màu muôn vẻ của đá trầm mặc rêu phong, của cây xù xì mốc thếch thời gian, của lá xanh lá vàng lá đỏ, của hoa trắng hoa vàng hoa đỏ hoa tím hoa xanh. Hãy mở rộng cánh mũi hết độ để mà thưởng thức hương thơm của hoa, của lá, của quả, của nhựa ứa cây cành. Hãy dỏng cao đôi tai thính nhạy mà hứng lấy âm thanh véo von ngọt ngào của muôn sơn ca ríu ran khắp rừng khắp núi, này nữa là lao xao tiếng lá, này nữa là róc rách suối Vàng, rì rào suối Hoang Thủy, ào ào suối Mường Hoa, ầm vang tiếng nước đổ mờ trắng thác Bạc, Thác Hoa, thác Tình Yêu. Hãy dang rộng vòng tay ôm lấy đỉnh đá Huasipan Phan Si Păng để ấp trái tim mình lên đấy mà hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim núi thiêng đất Việt. Như thế, tôi đã nhập cả thân thể và hồn mình vào với Phan Si Păng”. Chao ôi! Phải chăng, đây chính là cảnh giới mà một nhà báo đích thực đạt được sau hành trình khám phá, tích lũy và trải nghiệm- cảnh giới của Nhà văn, Nhà báo Hoàng Thế Sinh. Và cảnh giới ấy là thứ tôi vẫn đang muốn học hỏi được từ ông.

                                                              

                                                                                                         N.T

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter