Huyết ngọc

Huyết ngọcTruyện ngắn của NGUYỄN NGỌC YẾN

 

Từ ngày đội của Cáy đưa máy móc lên khai thác, khu Suối Po như tấm nhung đẹp bị đốt thủng lỗ chỗ. Ánh điện, tiếng người, tiếng chân rậm rịch thâu đêm. Cáy chỉ tranh thủ những lúc đội thợ đã nghỉ hết mới ngả lưng chợp mắt, đến lúc nhìn được mặt người Cáy lại lùng sục đào bới, tìm kiếm. Biết Cáy đến dòng suối Po mát lạnh để tìm Ruby ai cũng lắc đầu bởi xưa nay người dân chỉ qua đây rửa chân tay sau buổi lên nương hoặc bắt cá, mò ốc về cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ngược lại, Cáy luôn tin có ngày mình sẽ tìm thấy ở đây những viên đá quý giống như những giọt máu chảy ra từ trái tim của người mẹ vĩ đại- Thần đất với màu đỏ kỳ bí tượng trưng cho quyền lực, mặt trời và sự tự do.

 Đời Cáy sẽ không bao giờ quên buổi chiều hôm ấy. Khi tất cả đã mệt nhoài và chán nản, định tắt máy, thu dọn đồ về nghỉ nhưng Cáy vẫn gào lên “Một lần nữa”. Dọc hai bên dòng suối, không còn chỗ nào mà gầu máy chưa chạm đến. Cáy quyết định múc ở chính giữa lòng suối. Lúc ấy Cáy như con thú bị thương cố dồn sức lần cuối tấn công kẻ thù. Mặt Cáy đỏ găng, cục yết hầu giật lên giật xuống. Cáy thề độc sau lần múc này, Cáy sẽ bỏ nghề, không khai thác đá quý nữa, bởi nghề này đã không có duyên thì có cố cũng chỉ là công cốc. Mắt Cáy trừng trừng nhìn theo chiếc gầu vục sâu xuống lòng suối, tạo thành chiếc hố sâu hoắm, mặc cho mồ hôi chảy ròng ròng qua mắt, qua má, xuống cổ. Cáy chạy về phía gầu đất đổ xuống, bảo tất cả mọi người về trước, rồi tự mình xịt nước. Đám thợ mệt mỏi, rệu rã chỉ đợi có vậy lập tức vắt áo lên vai lững thững về lán. Xịt, đãi đến quá nửa gầu mà vẫn không thấy gì, mắt Cáy đã bắt đầu hoa lên, người oải ra. Cáy tự trách mình ngu ngốc, mê muội chạy theo cơn lốc đãi ngọc, lang thang hết bãi này sang bãi khác, mất bao nhiêu tiền của đầu tư, người ngợm nhếch nhác, râu ria lởm chởm, da dẻ cóc cáy, vậy mà chỉ kiếm được ít đá xỉ bán theo cân. Mấy năm trời Cáy để Lả tự xoay xở chăm sóc hai đứa nhỏ, tự lên nương, lên rẫy lo ăn. Mấy tháng Cáy mới về một lần, lần nào cũng chảy nước mắt khi nhìn hai đứa nhỏ nhồm nhoàm đánh hết bay cả cân mỡ khổ luộc. Cáy tranh thủ đỡ Lả mấy việc nặng, dúi vào tay Lả ít tiền rồi đi. Có lẽ số Cáy cũng chỉ đến thế. Nhìn những cây lau phơ phất mọc dọc phía lối lên, đám cây chó đẻ gầy nhẳng, lá nhờ nhờ vàng, Cáy nghĩ có lẽ bố bị hoang tưởng. Mấy chục năm đi đào ngọc trong đói khổ, rách rưới khiến ông bị quẫn. Đến lúc chết ông vẫn gọi Cáy vào, ra hiệu cúi sát đầu vào miệng ông để thều thào dặn “Khu suối Po có ngọc quý”. Cáy cầm vòi phun tới tấp về phía đống đất đá lổm ngổm để giết những suy nghĩ chán trường đang ngồn ngộn trong Cáy.  Lớp bùn đất trôi đi để lộ một cục đá to gần bằng nắm đấm. Cáy giật mình, vứt vòi nước sang bên. Cục đá trông không có gì đặc biệt, bên ngoài bọc một lớp sa kết khá dày giống như những viên đá tảng bình thường khác nằm dưới lòng đất hàng triệu năm nhưng với kinh nghiệm lâu năm của mình, Cáy biết ngay đây là đá quý. Cơ may một phần triệu cuối cùng cũng đến với Cáy. Cầm cục đá lên, ngắm nghía hình dạng, tinh thể và cảm nhận độ nặng của cục đá, Cáy càng tin chắc vào trực giác của mình. Sẽ mất khá nhiều thời gian để bóc tách lớp đá sa kết, chế tác để khối ngọc Ruby lộ ra với tất cả vẻ rực rỡ nhưng điều đó nằm trong tầm tay bởi Cáy không chỉ là thợ đào đá mà còn là thợ chế tác đá có tiếng. Tim Cáy như muốn bật khỏi lồng ngực. Cáy muốn nhảy lên mà chân cứ rủn ra không sao nhấc nổi. Nghĩ đến viên ngọc, Cáy ngộp thở. Cáy vội xoa bàn tay đầy bùn đất vào áo, run run nâng cục đá lên rồi áp môi vào cục đá. Nguồn năng lượng huyền bí truyền sang khiến đầu óc Cáy tỉnh táo hẳn, cơ thể tràn trề sức lực. Lục khắp người không có thứ gì giá trị, Cáy tháo chiếc nhẫn cưới thả xuống hố đất tạ thổ thần rồi ôm chặt cục đá quý cuốn trong lớp áo lót phía trước bụng, chạy một mạch theo lối tắt về phía bản Mỏ mặc cho sỏi đá đâm vào chân, cỏ cứa rách mặt. Ngay cả khi cục đá đã nằm yên vị trong hốc đất phía chái nhà mà Cáy đã đào sẵn và đầu Cáy đã đặt trên chiếc gối mây bóng nước mồ hôi của Lả nhưng tim Cáy vẫn đập thình thịch, máu vẫn chảy rần rật từ chân lên tới đỉnh đầu. Lả cũng chong chong thức cùng Cáy cho đến khi tiếng gà râm ran khắp bản Mỏ.

Viên ngọc nhanh chóng tìm được chủ nhân là một người ngoại quốc. Cáy không bao giờ nghĩ mình lại có thể bán được nhiều tiền đến thế. Để mua được viên ngọc, hai vị khách đồng ý cho bịt mắt, ngồi trên xe máy chạy lòng vòng khắp nơi rồi mới đến nơi hẹn. Lúc ra giá hai vợ chồng Cáy không biết tiếng, chỉ giơ hai ngón tay rồi nhắc đi nhắc lại ba từ “hai trăm triệu”. Người đàn ông gốc Hoa dáng nhỏ thó, ánh mắt sắc như dao thì thầm nói lại với ông khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Ông ta ngắm đi ngắm lại, dùng đèn soi kỹ từng góc, đôi lông mày màu hung nhíu lại. Dưới ánh đèn, khối Ruby bắt sáng lấp lánh, mầu đỏ huyết rực lên khiến ông khách ngay sau đó gật đầu. Ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng Cáy. Số tiền Cáy nhận được không phải là hai trăm triệu đồng mà là hai trăm triệu nhân dân tệ. Nếu không chuyển khoản chắc hẳn số tiền đó sẽ chất đầy chiếc giường của vợ chồng Cáy. Đêm ấy hai vợ chồng Cáy không sao ngủ nổi, cứ to nhỏ, đi ra đi vào cho đến khi trời sáng rõ.

Cáy sửa căn nhà sàn ọp ẹp bao năm gắn bó để cho bố mẹ ở rồi mua một mảnh đất rộng giữa trung tâm huyện làm nhà hàng, số còn lại Cáy nhờ bà cô họ mua cho mấy lô đất dưới thủ đô và chuyển hướng đầu tư vào mỏ đá trắng. Vợ chồng Cáy ngày đêm lặn lội, lo thợ thuyền, mua sắm vật dụng. Vẫn mô hình nhà sàn nhưng lắp các thiết bị hiện đại, phòng nào cũng điều hòa mát lạnh, đầu bếp chính được Cáy thuê từ thành phố về lại thêm đội ngũ nhân viên phục vụ trẻ đẹp, chuyên nghiệp khiến nhà hàng của vợ chồng Cáy hút tất khách của mấy nhà hàng xung quanh. Các món ăn đặc sản dân tộc Tày vốn dân dã, vào nhà hàng Lá Cọ trở thành nét văn hóa ẩm thực của cả huyện, là địa chỉ quen thuộc của các sếp huyện, sếp tỉnh, thậm chí của Trung ương mỗi dịp về công tác. Cái tên vợ chồng Cáy- Lả chẳng mấy chốc cả huyện biết đến.

Từ ngày ra huyện mở nhà hàng, vợ chồng Cáy lột xác như sâu hóa bướm. Chưa đầy năm Cáy tăng gần chục cân, da dẻ hồng hào, phong độ hẳn. Cáy biết mình có được ngày hôm nay là nhờ lộc trời nên năm nào cũng dành một khoản tiền khá lớn để làm từ thiện, hết ủng hộ trẻ em nghèo vượt khó, tặng quà người già neo đơn lại hỗ trợ hộ nghèo làm kinh tế, thành ra Cáy bỗng chốc thành doanh nhân điển hình của huyện, đi đâu cũng có người chào đón. Mọi việc liên quan đến mỏ đá, nhà hàng Cáy chỉ cần điện một câu là xong, không cần đến tận nơi. Cáy đi thẳng lưng, giọng nói sang sảng, anh em bạn bè đến chơi nườm nượp. Ban đầu ai đến Cáy cũng nhiệt tình, sau chỉ những người thực sự có tiếng nói, có tiền Cáy mới đích thân tiếp đón. Còn Lả vốn ưa nhìn lại được ăn sung mặc sướng, không phải phơi nắng, phơi sương càng thêm đẹp. Từ ngày ra phố những đốm nám, đồi mồi bay đi đâu tiệt, miệng nói mắt cười, lại thêm vẻ ý tứ, e lệ của người đàn bà vùng núi khiến mấy ông khách tỉnh lần nào về công tác cũng rẽ vào nhà hàng Lá Cọ để được gặp bà chủ quán. Biết vậy nên Lả luôn khéo léo tránh mọi điều tiếng. Mỗi tối sau khi vãn khách, vợ chồng Cáy lại cùng nhau dạy thằng Boi, con Thẻm học bài. Hôm nào muộn hai đứa đã đi ngủ, vợ chồng Cáy dém màn cẩn thận cho con rồi mới về phòng. Gia đình nhỏ bé, hạnh phúc của Cáy không khác gì một viên ngọc hoàn hảo bao người mơ ước.

Thoắt cái đã ba năm, quanh Lá Cọ mọc thêm mấy nhà hàng mới với nhiều món đặc sản lạ mắt, lạ miệng. Lượng khách đến Lá Cọ giảm đi một phần, Cáy dành thời gian nhiều hơn cho mỏ đá. Những cuộc nhậu cùng đối tác ngày một dày hơn. Những cuộc điện thoại không dứt. Ban đầu Cáy thường nói chuyện với Lả về mỏ đá, về những cuộc hẹn, sau thưa dần. Cáy vắng nhà nhiều hơn, việc nhà hàng dần chỉ mình Lả lo liệu. Lắm hôm dọn dẹp xong xuôi, các con ngủ hết vẫn chưa thấy Cáy về. Điện mãi không thấy Cáy bắt máy, chỉ thấy nhắn lại “anh đang về”. Cái “đang” của Cáy hôm thì quá mười hai giờ, hôm thì một, hai giờ sáng, có hôm Lả cũng không rõ lúc nào Cáy về vì đợi mãi mệt quá thiếp đi lúc nào không biết. Sáng tỉnh dậy thấy Cáy nằm bên phòng thằng Boi, Lả không nỡ đánh thức, việc nhà hàng lại cuốn Lả hết ngày. Nhìn tiền trong két mỗi ngày một nhiều, công việc túi bụi không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí không có thời gian để tiêu tiền, đôi lúc Lả giật mình không biết nên vui hay nên buồn. Những lúc ấy Lả lại nhớ đến những ngày hội xuân xa xưa, Cáy và Lả cùng nhau hát cọi. Lòng Lả như hoa nở, ánh mắt như men nồng, bản Mỏ như bức tranh thấp thoáng trong mây. Trong Lả lại cồn lên nỗi nhớ mơ hồ, không đoán định.

Cáy vắng nhà, Lực thường xuyên lui tới. Lực người dưới xuôi từng một đời vợ nhưng không có con, trước cùng đội khai thác với Cáy, khi Cáy nghỉ, Lực đứng lên cai. Nghe đâu cũng may mắn đào được một viên Ruby khá to, tuy không bằng Cáy nhưng cũng có có một khoản vốn dắt lưng. Là bạn thân của chồng nên mỗi khi Lực đến Lả vẫn thường xuyên trực tiếp lên đồ, trò truyện. Nhiều hôm quá chén, Lực cùng khách ăn uống, tâm sự đến khuya mà Cáy vẫn chưa về. Lần nào say Lực cũng cố giơ tay chào Lả lần cuối rồi mới gục vào vai bạn dời khỏi quán. Những hôm ấy Lả xoay ngang xoay dọc mãi mà vẫn không ngủ được, vẩn vơ nghĩ những chuyện không đâu. Dù không muốn nhưng trong đầu Lả cứ hiển hiện ánh mắt rất lạ của Lực. Lả thở dài dẹp đi những ý nghĩ không thẳng đang nhen lên mỗi ngày một rõ.

Đang lúi húi kiểm kê lại các khoản thu chi trong tháng, Lả giật mình thấy Lực đứng trước mặt. Lực kéo tay Lả ra phòng ngoài mà không giữ khoảng cách như mọi hôm. Giọng Lực sốt sắng: “Em bớt tham công tiếc việc đi. Em tối ngày lo kiếm tiền còn chồng em thì...”. Lả lo lắng: “Chồng em có chuyện gì?...”. Không để Lả hỏi thêm, Lực đưa điện thoại về phía Lả. “Em nhìn đi”. Trước mắt Lả là hình ảnh một cô bé chừng mười bảy đẹp như thiên thần đang tiêm phuốc phiện cho Cáy. Cáy hít tọp má rồi nằm vật ra phản. Cô bé lên nằm cạnh vuốt ve, mơn trớn Cáy. Qua cơn phê thuốc, Cáy ôm ghì con bé xuống. Lả đẩy tay Lực ra, không muốn nhìn nữa. Lả ôm lấy ngực, chặn cơn đau dồn tới, thở mạnh. Đúng là Cáy rồi, thảo nào Cáy đi suốt, vợ chồng cả tháng cũng không gần gũi. Nhất là từ khi mỏ đá sập làm chết hai người Cáy lại càng đi nhiều hơn. Nhiều lúc Lả thắc mắc nhưng ý nghĩ Cáy bận giải quyết việc trên mỏ đá và chính công việc nhà hàng lại cuốn băng nỗi băn khoăn trong Lả. Lực giục: “Đi, anh sẽ đưa em đến chỗ Cáy”. Lả tránh nhìn vào mắt Lực, giọng ứ nghẹn: “Anh về đi. Em đợi anh ấy về”. Lực vỗ nhẹ vào vai Lả đầy an ủi rồi nhanh chóng ra xe nổ máy.

Quá đêm Cáy cũng về. Cáy dập tắt mọi tiềm tin và hy vọng trong Lả bằng giọng nói nhát gừng: “Đúng. Anh có lỗi với mẹ con em”. Lòng tự ái dâng lên, Lả hỏi gọn lỏn: “Anh định thế nào?”. “Nhà hàng sẽ để lại cho em và các con, ba mảnh đất anh phải bán đi để lo việc ở mỏ đá, còn lại sẽ mua một căn nhà nho nhỏ cho mẹ con cô ấy ở”. “Còn anh?”. Lả cố tỏ ra thản nhiên, nhưng ánh mắt không giấu được hờn tủi. Cáy ngập ngừng: “Nếu em tha thứ, anh vẫn ở cùng mẹ con em. Anh sẽ đi lại với cô ấy… Nếu không...”. “Nếu không… thì sao?”. Giọng Lả ngắt quãng. “Ly mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ biết dựa vào anh. Anh phải có trách nhiệm với Ly và đứa bé”. Lả òa lên khóc rồi chạy ra khỏi phòng, còn Cáy đứng quay mặt ra phía cửa sổ, chìm trong khói thuốc. Mưa bắt đầu nặng hạt. Mưa rí rách bám theo mái cọ chảy thành dòng xuống chiếc chậu sắt đã đầy nước làm mặt nước loang ra rồi tràn xuống nền gạch ướt đẫm.

Sau ly hôn, Cáy chật vật với ba mảnh đất dưới Hà Nội. Lúc mua, giá đất đang ở đỉnh điểm, giờ nghe đâu có dự án quy hoạch, không ai dám ôm mặc dù Cáy chịu lỗ quá nửa. Mỏ đá thua lỗ, tiền lãi ngân hàng, tiền vay nóng đẻ ra ngày một nhiều, Cáy xoay xở đủ kiểu chỉ để trả lãi hàng tháng. Cáy phát giá chỉ còn một phần ba số tiền mua ban đầu nhưng khách chỉ trả cao hơn mức đền bù một chút. Lưỡng lự mãi mới quyết định bán thì khách lại đánh tháo. Đến nước đường cùng chỉ còn đợi ngân hàng đến tịch thu phát mãi thì Lực xuất hiện, đồng ý mua lại ba lô đất của Cáy theo giá cuối cùng mà khách trả. Cáy vội vàng làm thủ tục sang tên cho Lực. Hôm ấy Cáy mời Lực uống rượu đến khuya, thề rằng đời này còn sức sẽ không quên báo đáp.

Tài sản của Cáy đổ hết vào mỏ đá và tẩu thuốc. Mẹ con Ly không chịu được đói khổ bồng bế nhau đi làm thêm mãi dưới xuôi để Cáy lại một mình. Nhìn căn nhà trống huơ trống hoác, Cáy quyết tâm dùng rượu để cai thuốc, rượu triền miên, rượu sớm tối để quên đi sự đời. Ngày nào cũng thế, chưa kịp tỉnh, Cáy đã lại say. Cáy ngày một tàn tạ, quần áo xộc xệch, đi đứng không vững. Cáy khụy hẳn khi biết mình bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Cáy phải về viện trung ương truyền hóa chất. Từ ngày ốm, Cáy sụt hơn chục cân, hai hốc mắt hõm sâu như hai cái hố. Cáy không ăn được bất cứ thứ gì, cứ ăn vào là nôn, nôn cả ra máu. Bác sĩ cho truyền đạm nhưng cơ thể Cáy không hấp thụ được hết cứ ứ lại trong khoang ngực, khoang bụng. Bụng Cáy trương lên như cái thúng. Cáy không thở được, không nói được, bác sĩ buộc phải rút dịch hàng ngày. Một mình nằm trong viện với đứa cháu trong quê, cơ thể kiệt quệ đau đớn, trong đầu Cáy chỉ nghĩ đến cái chết. Chập tối, Cáy nhờ thằng Oọng đi mua cháo rồi cố nhổm người dậy định bụng sẽ trèo lên cửa sổ nhảy xuống, kết thúc mọi đau khổ. Nhưng Cáy không thể. Chỉ ngồi dậy thôi Cáy đã thở dốc. Cáy đập mạnh đầu vào tường mà chẳng chết. Hôm sau cũng vào lúc Oọng ra ngoài, Cáy cố lê người ra mép giường lộn xuống, đầu đập vào thành giường, máu chảy khắp mặt. Đúng lúc y tá đến tiêm. Cáy vẫn không chết. Cáy càng thêm tuyệt vọng. Cáy thoi thóp nằm nhìn lên trần nhà thở hắt. Một thời ngang dọc, dời non lấp biển giờ muốn chết cũng không còn đủ sức.

Một ngày mưa rả rích, Lực đến chơi rỉ rả chuyện trò. Bọn trẻ sang bên ông bà ngoại từ sáng, buồn, Lả mời Lực ở lại dùng cơm. Nghe nói về hoàn cảnh của Cáy, ân tình của Lực, Lả không cầm được nước mắt. Rượu rót bao nhiêu Lả cùng Lực uống hết bấy nhiêu. Đêm thẫm một mầu tím lạ. Lả say. Lực đưa Lả về phòng. Trong cơn say mụ mị, Lả thấy mình đang ở bên Cáy, thấy mùi của Cáy, thấy hơi thở ấm nóng của Cáy, bàn tay mạnh mẽ của Cáy. Bao nhiêu khao khát yêu đương, Lả dồn tất vào Lực. Đêm luễnh loãng trôi. Cái lạnh của ngày cuối đông như đồng lõa với với hai cơ thể nóng rực đang quấn chặt vào nhau. Lúc Lả tỉnh dậy, Lực đã mặc quần áo chỉnh tề, ngồi vắt chéo chân tựa lưng vào ghế đốt thuốc. Thấy Lả đã tỉnh hẳn, Lực nheo mắt nhìn Lả rồi dửng dưng nói, dửng dưng kể. Lả không thể tin vào tai mình, không thể tin vào sự khốn nạn của Lực. Kẻ xấu xa từng bước, từng bước đưa Cáy vào con đường sa ngã, kẻ dìm giá ba mảnh đất xuống mức bèo bọt không ai khác chính là Lực. Thấy Lả bật dậy, định nhào về phía mình, Lực gõ mạnh tẩu thuốc vào mặt bàn, mắt gườm lên, những vết sẹo trên má Lực giật giật: “Chỉ tiếc ngày ấy tay Cáy tham quá không nghĩ đến anh em… hơn nữa... gia đình em có được nhiều thứ quá”. Lực cười lớn: “Nhưng không sao, nhờ giá chênh lệch của mấy lô đất dưới Hà Nội, tôi mua được không ít Ruby sao và facet tuyệt đẹp”. Lực dí sát mặt vào tai Lả: “Việc có được em nằm ngoài kế hoạch đập ngọc của tôi. Lúc nào muốn cứ đến tìm tôi, tôi sẽ tặng em một viên sao lấp lánh”. “Khốn nạn”. Lả giơ tay tát thẳng vào mặt Lực rồi ôm mặt khóc. Lả quá ngây thơ. Lả luôn coi Lực là người tốt, là ân nhân giúp Cáy khi đến bước đường cùng. Lả thấy đau và nhục hơn bao giờ hết. Điệu cười khả ố cùng vẻ mặt hả hê của Lực cứ ám ảnh Lả suốt ngày, suốt đêm, nhất là những khi bóng tối trùm xuống, những khi Lả phải đặt chân vào căn phòng ô uế…

Cáy quá yếu, người nhà chuyển Cáy về quê cho tiện chăm sóc. Lâu lắm rồi Lả mới quay về căn nhà xưa, mọi thứ như quen như lạ. Lả giật mình khi nhìn thấy Lực đang ngồi cạnh Cáy. Nét mặt Lực thoáng biến sắc, định đứng dậy nhưng Cáy giữ lại. Lả không nghĩ có ngày phải gặp lại Lực trong hoàn cảnh trớ trêu nhường ấy. Nhìn Cáy, nước mắt Lả trực trào ra nhưng Lả cố ngăn lại. Sau khi rút dịch, Cáy đã có thể nói trở lại. Dây dợ lằng nhằng khắp người, đôi mắt Cáy trũng sâu, da tái mét, tay chân teo lại, nhìn chỉ thấy xương. Thần thái trong mắt Cáy không còn. Cáy không ngồi dậy được, cố lấy sức nói chuyện. Câu chuyện thi thoảng ngắt quãng bởi Cáy phải dừng lại để thở. Lúc nói về thằng Boi, con Thẻm, Cáy nhắc đi nhắc lại: “Tiền làm anh mờ mắt, quên cả gia đình. Anh có lỗi với em và các con”. Mặt Cáy xúc động trông như mếu, giọng nói như bị tắc lại nơi cổ: “Anh là thằng đàn ông tồi. Anh có lỗi với mẹ con Ly”. Lả im lặng, đưa tay lần cầm tay Cáy. Kỳ lạ, cơ thể Cáy teo tóp nhưng mu bàn tay Cáy vẫn căng đầy, những ngón tay thuôn dài trắng trẻo. Giữ bàn tay một lúc, Lả vuốt dọc lên cánh tay nhăn nheo nắn nắn, rồi đưa lên áp vào má. Cả Cáy và Lả cùng bật khóc. Lực quay mặt ra phía cửa, ánh mắt trùng xuống. Cáy giơ tay khẽ chạm vào tóc Lả giục: “Thôi muộn rồi, em về đi. Giờ anh yếu lắm rồi. Nếu cần giúp đỡ em hãy nhờ Lực”. Cáy nhìn Lực với tất cả sự khẩn khoản và tin cậy khiến Lực lúng túng, còn Lả không kiềm giữ được những dồn nén trong lòng ném sang Lực ánh mắt căm phẫn pha lẫn sự khinh bỉ. Mặt Lực như đông cứng lại. Ngay lúc này Lả muốn vạch trần mọi sự khốn nạn, bỉ ổi của Lực để Cáy hiểu, để Cáy không đặt niềm tin vào nơi không xứng đáng song Lả chưa kịp nói thì máu từ miệng Cáy đã ộc ra chảy đầy cằm, đầy miệng khiến cả Lả và Lực đều hét lên kinh hãi. Cáy dùng nốt sức lực cuối cùng với bàn tay Lực kéo về phía tay Lả: “Mẹ con cô ấy... nhờ mày. Đừng đào đá nữa, nhìn tao đây”. Giọng Cáy mỗi lúc càng khó nhọc nghe như tiếng thì thào: “Cái gì tự nhiên có rồi sẽ tự nhiên mất đi thôi…”. Máu từ miệng Cáy lại ộc ra lần nữa, tràn lên bàn tay của Cáy, Lực và Lả, đỏ thẫm như viên đá Ruby trên tay Lực. Cáy ngừng thở mà hai mắt vẫn mở trừng trừng, các mạch máu trong mắt vằn lên như thể sắp đứt. Ngón tay Cáy quắp lại, bấu chặt vào tay Lực thành những vết lõm. Lả thấy đầu choáng đi rồi không biết gì nữa.

***

Gió nổi lên từng chặp khiến cây cỏ trên cánh đồng Mạy dạt về phía đồi Chằm, khu đồi mà tất cả những người oan ức, chán sống trong bản Mỏ đều tìm lên đó tự tử. Cờ trướng, vòng hoa chực bị cuốn tung. Những người đàn ông, đàn bà cuối cùng của bản Mỏ cũng rời khỏi khu nghĩa trang. Ba mẹ con Lả bước thấp bước cao giữa cơn mưa tầm tã. Những nốt chân trũng nước nối nhau thành những đường ngoằn ngoèo tỏa ra tứ phía. Ai cũng lầm lũi bước đi mà không để ý có một người đàn ông dáng cao gầy từ xa quỳ ngối chắp tay vái lạy. Khi bóng đêm trùm xuống, hắn tiến về phía ngôi mộ mới đắp, liên tục đập đầu xuống đất khóc. Sang canh ba, hắn mới rời ngôi mộ đi về phía đồi Chằm. Hắn bới những cành cây đã oải mục xếp chặn phía trên một cái hố sâu, lấy từ trong chiếc ba lô khoác trên lưng ra chiếc túi nhung đen, cởi dây rút, rồi đổ xuống hố những viên ngọc đỏ rực, lóe sáng dưới ánh đèn… Sau khi xếp đá lấp kín miệng hố, rải lại cây mục, hắn mới lúi húi vẽ sơ đồ hố đất một cách tỉ mẩn, lấy máy chụp, tìm danh bạ hiện tên Lả rồi ấn nút gửi. Xong xuôi hắn quay xuống đốt một nắm hương to cắm lên nấm mộ. Nắm hương bùng cháy như bó đuốc trong đêm soi rõ một khuôn mặt hốc hác, chằng chịt sẹo, đầy vẻ đau khổ. Người đàn ông đó không ai khác chính là Lực. Lực cúi đầu vái ba vái rồi dật dờ bước về phía cổng nghĩa trang như một bóng ma… Cũng từ ấy không còn ai nhìn thấy Lực đi đào đá hay buôn đá nữa. Hắn bốc hơi như thể những viên ngọc Ruby vĩnh viễn rời khỏi hắn…

N.N.Y

 

Các tin khác:

21-25 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter