KHÁT VỌNG ĐẤT MƯỜNG
Ký của THẾ QUYNH
Câu thơ của nữ thi sĩ Hoàng Thị Hạnh “Bao giờ anh vào Nghĩa Lộ với em/ Thị xã miền Tây vẫn chờ anh đấy/ “Xống chụ xon xao” thêm vần thêm điệu/ Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa” như mời như gọi. Và chuyến đi thực tế sáng tác của Chi hội Thơ Yên Bái đã cho tôi thỏa ước nguyện đến với vùng đất “Nhất Thanh nhì Lò” giàu huyền thoại.
Đưa chúng tôi đi thăm một số di tích lịch sử văn hóa, nghệ nhân Lò Văn Biến- người có nhiều công sức trong việc bảo tồn và truyền dạy chữ Thái cổ kể: Trong cuốn “Quăm tô mương” (Chuyện kể bản mường)- chuyện lịch sử nói về quá trình thiên di của người Thái vào Việt Nam và vào vùng Mường Lò có chép rằng “Tạo Xuông, Tạo Ngần xuống dựng Mường Lò Luông. Cùng theo có các dòng họ Lò, Lường, Quàng, Tòng, Lèo. Những họ này tôn họ Lò làm chủ. Xây dựng xong Mường Lò, Tạo Ngần về Mường Bỏ Té, còn Tạo Xuông ở lại lấy vợ sinh con là Tạo Lò. Tạo Lò lấy vợ sinh ra bảy người con trai là: Ta Đúc, Ta Đẩu, Lặp Li, Lò Li, Lạng Ngạng, Lạng Quang và Lạng Chượng. Tạo Lò chia đất cho các con đi làm chúa. Ta Đúc ăn Lò Luông; Ta Đẩu ăn Lò Cha; Lặp Li ăn Lò Gia; Lò Li ăn Mường Min; Lạng Ngạng ăn Mường Vân, Mường Vành; Lạng Quang ăn Xí Xàm Bản Lọm. Riêng Lạng Chượng là con út Tạo Lò không có mường để “ăn” nên đã triệu tập binh lính, dân chúng kéo nhau đi tìm mường. Vậy là khi người Thái xuất hiện ở Mường Lò, vùng lòng chảo đã chia thành ba vùng: Mường Lò Luông (tức Mường Lò lớn là vùng trung tâm); Mường Lò Gia gọi tắt là Mường Gia và Mường Lò Cha gọi tắt là Mường Cha”. Theo đó, Thị xã Nghĩa Lộ nằm trên vùng đất có lịch sử lâu đời và gắn với đời sống của nhiều tộc người, nhất là người Thái đen. Cũng theo Lịch sử Đảng bộ địa phương: Thị xã Nghĩa Lộ (khi ấy là tỉnh lỵ tỉnh được thành lập vào ngày theo Quyết định số 190-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở thị trấn Nghĩa Lộ và một số bản của 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn. Trong suốt chiều dài lịch sử, Thị xã Nghĩa Lộ ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi chức năng và địa giới hành chính: là thị xã trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn; thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn; thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái. Kể từ khi tái lập theo Nghị định 31-CP ngày 15 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ, qua các lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, đến nay thị xã Nghĩa Lộ có diện tích tự nhiên là 107,78km2, dân số gần 70.000 người, gồm 14 đơn vị hành chính (4 phường và 10 xã).
Cũng từ ngày được thành lập lại, Đảng bộ Thị xã đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá: thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 1995; thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Nghĩa Lộ phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 500ha gắn với chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò”; hình thành một số mô hình, sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân như trồng hoa, cỏ ngọt, cây ăn quả. Thực hiện Chương trình OCOP, những năm qua thị xã còn lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, có lợi thế của địa phương để thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay đã có 3 sản phẩm phấn đấu nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao gồm: gạo Séng Cù Mường Lò, du lịch cộng đồng xã Nghĩa An, du lịch cộng đồng xã Nghĩa Lợi và xây dựng mới 9 sản phẩm đạt 3 sao như: bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, chè xanh, thịt trâu hun khói, thịt lợn hun khói, chổi chít, ruốc tôm Mường Lò… Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai, đời sống của nhân dân các dân tộc thị xã đã được cải thiện. Cho đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,31%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được quan tâm, đến nay 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được Đảng bộ Thị xã chỉ đạo triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả. Ngày 24/11/2021, Chính phủ đã quyết định công nhận thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Riêng về lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, thị xã Nghĩa Lộ là một trong mười đơn vị cấp huyện của cả nước được Bộ Văn hóa- Thông tin chọn xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003- 2010. Sau 5 năm thực hiện, ngày 19/7/2013 Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái có Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND về xây dựng thị xã Văn hóa- Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013- 2020. Kể từ đó, thị xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, coi đây là hướng đi mới trong định hướng phát triển và dáng dấp của một thị xã Văn hóa- Du lịch định hình rõ nét. Địa phương tích cực tổ chức các hoạt động, sự kiện, nhất là Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò hằng năm để quảng bá, tuyên truyền gắn với phát triển du lịch. Nhiều kỷ lục được ghi nhận như: vòng đại xòe hàng nghìn người, cây khèn bè và mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch đã công nhận Nghệ thuật Xòe Thái và Hội Hạn khuống là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận đền thờ Cầm Hánh, thành cổ Viềng Công là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Rồi đầu năm 2022 này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO ghi nhận "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Định hướng phát triển trong tương lai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra “… bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa- xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”. Nghị quyết cũng chỉ rõ “phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghĩa Lộ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III”. Để đạt được mục tiêu, thị xã đang tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt và tập trung vào các tiêu chí chưa đạt với các giải pháp như: huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng đô thị và giao thông kết nối; thu hút các nhà đầu tư lớn; nâng cấp 6 xã thành phường trước năm 2025; phát triển kiến trúc đô thị theo hướng hiện đại, kiến trúc nông thôn theo hướng giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò; xây dựng đô thị thông minh gắn với công tác quản lý xã hội và phát triển du lịch. Ngay sau Đại hội, thị xã đã xây dựng và đưa các công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn vào sử dụng như Trung tâm Văn hóa- Thể thao, sân vận động đạt chuẩn quốc gia tại phường Pú Trạng với quy mô sức chứa 10.000 người. Cũng đầu năm nay, Dự án chợ Mường Lò- khu C tổng vốn đầu tư trên 275 tỷ đồng cũng đã đi vào hoạt động với diện tích gần 2,7 ha. Trên địa bàn thị xã, các tuyến phố văn hóa- thương mại- dịch vụ; tuyến phố văn hóa ẩm thực; các tuyến đường kiểu mẫu "Sáng- xanh- sạch- đẹp” đã hình thành. Vào Nghĩa Lộ, từ dốc Thái Lão khách thăm có thể tận hưởng không gian thoáng đãng của cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc với thảm ngô xanh mượt hè thu và sắc vàng óng ả của lúa chiêm xuân vào vụ chín. Những tuyến đường Hoàng Liên Sơn, Thanh niên, Cầu Thia, Đại lộ Hoa Anh Đào… mướt mát bóng cây, trắng ngần hoa Ban khi mùa xuân đến và đỏ rực Phượng hồng lúc ve gọi sang hè. Cũng từ năm 2016, hai tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngũ Lão thuộc Phường Trung Tâm được chọn xây dựng phố văn hóa thương mại và phố ẩm thực. Dạo qua một lượt, cửa hàng nhỏ kề bên shop lớn, hàng hóa đủ loại muôn màu. Ở đây mọi hoạt động đều phải tuân thủ nội quy, quy chế cụ thể: đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến ẩm thực có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, nghiêm cấm bày bán các mặt hàng đã hết hạn sử dụng; không chèo kéo, bắt chẹt khách và nâng giá, có thái độ phục vụ khách hàng tốt; chấp hành tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, không lấn chiếm hành lang, vỉa hè để bày bán hàng hóa. Đi trong nhộn nhịp phố phường, dẫu không “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” mà dễ dàng cảm nhận thấy cái sầm uất, cái văn minh đang hiện hữu. Trong chuyến đi thực tế sáng tác này, các văn nghệ sĩ vô cùng xúc động khi viếng thăm Khu di tích Căng- Đồn Nghĩa Lộ cùng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao máu của các thế hệ anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân trên mảnh đất này. Còn ngôi nhà sàn của Bác Hồ được dựng lên giữa trung tâm Khu tưởng niệm, đơn sơ mà gần gũi với cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc biết bao. Chứng kiến đoàn đại biểu Thị ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thị xã cùng các tổ chức đoàn thể Cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… đến dâng hoa, thắp hương nhân kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh của lãnh tụ kính yêu mới cảm nhận ý nghĩa to lớn của địa chỉ đỏ. Đây là tài sản vô giá giúp nhân dân các dân tộc được xem, học tập, nghiên cứu tư liệu về Bác. Nơi đây cũng trở thành trung tâm tuyên truyền giáo dục trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ”.
Xác định du lịch là ngành công nghiệp "không khói", có tác dụng như đòn bẩy để phát triển kinh tế, góp phần tạo nên một phương thức sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng thị xã Văn hóa- Du lịch, Nghĩa Lộ đã và đang có nhiều phương án cải thiện và thúc đẩy phát triển. Thời gian qua, thị xã đã tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn xây dựng các khu đô thị, thương mại, các điểm du lịch hiện đại gắn với bảo tồn không gian, bản sắc văn hóa dân tộc như: Dự án Apec Golden Valley Mường Lò- khu đô thị thương mại du lịch điển hình của Tây Bắc với quy mô 16 ha; khu đô thị Tân An diện tích gần 10 ha với các tiện ích công cộng hiện đại. Đặc biệt khu du lịch cao cấp Dragonfly Nghĩa Lộ (Chuồn chuồn Nghĩa Lộ) là dự án resort cao cấp tại khu vực miền Tây của tỉnh. Không gian thoáng đãng, tầm nhìn bao quát khắp lòng chảo Mường Lò với hệ thống cảnh quan bể bơi vô cực, thác nước, hồ cá Coi Nhật, khu resort cao cấp Dragonfly Nghĩa Lộ hiện là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều người dân địa phương cũng như trong và ngoài tỉnh. Dragonfly Nghĩa Lộ đang đem đến trải nghiệm cực kì mới lạ với du khách khi thăm quan du lịch Nghĩa Lộ- Mường Lò. Đến đây, một du khách đã viết: “Đẹp từng xen ti mét là điều mình cảm nhận được ở nơi đây. Mỗi nhành cây, chiếc lá, viên sỏi đều như có hơi thở riêng, hòa quyện với không gian chung hài hòa, tuyệt diệu. Mình thích nhìn lũ cá vàng tất tưởi bơi theo bóng người trên mặt nước xanh lơ, chọc ghẹo chú vẹt đáng yêu mà lắm chuyện. Nhưng thú nhất có lẽ là tản bộ trên những lối đi nên thơ để mặc cho những tia nắng lấp lóa trên vai hay ngắm nhìn thị xã Nghĩa Lộ đang tỏa sáng như ngàn vì sao lung linh trong bóng tối”. Cùng với đó, du lịch cộng đồng cũng được quan tâm phát triển. Bởi vì đây là một trong những loại hình du lịch hiệu quả, tạo cơ hội cho du khách có thể trải nghiệm và khám phá mảnh đất, con người, lịch sử, văn hóa nơi đây một cách chân thực, đầy đủ và hấp dẫn nhất. Từ năm 2005, thị xã đã đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên- khu du lịch làng nghề Bản Đêu 2, xã Nghĩa An. Khu du lịch làng nghề gồm một nhà sàn bê tông, hai nhà sàn gỗ và các trang thiết bị thiết yếu khác. Ngay những ngày đầu đã thu hút đông đảo du khách, nhiều sự kiện, hoạt động lớn của địa phương cũng được diễn ra tại đây. Nay mang cái tên mới là Homestay Nghĩa An và tiếp tục được đầu tư cải tạo để có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho các đoàn khách phương xa. Rồi “Du lịch cộng đồng bản Sà Rèn” (Nghĩa Lợi), “Homestay và Ẩm thực Bếp Mường” (Phúc Sơn)…, tất cả đang tạo nên tổ hợp du lịch hấp dẫn, giàu bản sắc. Thật thú vị khi du khách được sống trong không khí gia đình vùng cao, cùng những người phụ nữ dân tộc Thái, dân tộc Mường vào bếp chuẩn bị món ăn độc đáo từ nguyên liệu địa phương như cá sỉnh Ngòi Thia, thịt lợn cắp nách, rêu suối đá, măng sặt... Thực phẩm tươi, sạch kết hợp với những gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc tạo ra hương vị khó quên không nơi nào có được. Và khi trăng treo trên khau cút, lửa sàn hoa đã cháy bập bùng sẽ là lúc tiếng khèn dìu dặt và câu khắp gọi mời mọi người vào vòng xòe để cùng say sưa với giai điệu bài hát “Đêm Mường Lò trăng đang lên dần. Vào đây anh, tay cầm tay múa xòe cùng em...”.
Tháng Chín, Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi nhận "Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 diễn ra tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. Tại Lễ đón nhận sẽ có hoạt động trao bằng của UNESCO, chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn đại xòe đoàn kết với sự tham gia của 2.022 người. Trước đó, thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành và trao giải cuộc thi sáng tác Logo & Biểu tượng du lịch. Một cánh đồng lúa Mường Lò với Ngòi Thia uốn lượn; mái nhà sàn cùng khau cút đặc trưng văn hóa Thái sẽ tỏa sáng, thơm ngát như hoa Ban giữa núi rừng Tây Bắc. Mường Lò- Nghĩa Lộ khát vọng vươn lên.
T. Q