NÔ NỨC MÙA LỄ HỘI

Ghi chép của NGUYỄN THỊ THANH

 

            Mùa thu năm nay trời Nghĩa Lộ- Mường Lò dường như cao xanh hơn, nắng như ngọt ngào hơn, cây lá xanh mướt hơn sau những cơn mưa rào mùa hạ và lòng người phơi phới hơn bởi thu nay có những niềm vui, niềm tự hào được nhân lên gấp bội… Nghĩa Lộ một vùng đất hứa, dân dã mà sôi động, thân thiện mà hồn hậu không những có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch mà còn là cái nôi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nghệ thuật Xòe Thái vừa được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây đang nô nức chuẩn bị cho một sự kiện lớn. Đó là Lễ đón nhận Bằng của UNESCO cùng với Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và Kỷ niệm 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952- 18/10/2022).

            Trên khắp các nẻo đường, trong mỗi ngôi nhà, ngõ xóm, trong mỗi bản làng hay các cơ quan, công sở, trường học… đi đến đâu ta cũng bắt gặp không khí rộn ràng, hồ hởi, tất bật những hoạt động phục vụ Lễ hội. Chị Quách Thị Thu Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã, người đã từng tham gia đạo diễn các lễ hội, dàn dựng các màn đại Xòe như thiết lập kỷ lục màn đại Xòe lớn nhất với 5.000 nghệ nhân, diễn viên tham gia. Nhưng với chị, để có được dấu ấn đậm nét, không trùng lặp với mô típ cũ mà vẫn toát lên hồn cốt từ các điệu Xòe của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, tạo nên một lễ hội mùa thu, lễ hội vinh danh nghệ thuật Xòe Thái quả là một thách thức lớn. Bởi vậy, cơ quan chuyên môn đã tham mưu xây dựng kế hoạch từ rất sớm để huy động lực lượng tham gia diễu diễn đường phố có sự kết hợp hài hòa với đoàn nghệ nhân của 9 huyện, thị trong tỉnh và đoàn nghệ thuật của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Đối với thị xã Nghĩa Lộ sẽ trình diễn đường phố 3 giá trị văn hóa đặc trưng đại diện cho 21 thành phần dân tộc nơi đây gồm văn hóa dân gian dân tộc Thái, văn hóa dân gian dân tộc Mường và văn hóa dân gian dân tộc Kinh với 180 diễn viên. Lực lượng diễn viên quần chúng tham gia diễu diễn hầu hết là những chàng trai, cô gái ban ngày cấy cày, gặt hái, làm thợ xây, tay dệt thổ cẩm, chăm đàn lợn, đàn gà cho cuộc sống ấm no. Đêm đến lại gọi nhau đi tập. Mệt nhưng vui và tự hào lắm. Đó là tâm sự của rất nhiều người tôi đã gặp trong mỗi buổi tập luyện theo kịch bản của Phòng Văn hóa & Thông tin. Nghệ nhân Lò Văn Biến không giấu nổi xúc động, ông chính là người đã góp công khôi phục và truyền dạy 6 điệu Xòe cổ cho các đội Xòe ở khắp các thôn bản, truyền dạy cho các lớp thanh niên, thiếu niên. Ông cũng là người khởi xướng cho đồng bào làm một cây khèn bè được xác lập kỷ lục là cây khèn lớn nhất, đẹp nhất; đồng thời cùng với các nghệ nhân tham gia tổ chức lễ hội công nhận Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tham gia tổ chức xác lập kỷ lục màn đại Xòe lớn nhất từ trước tới nay... Để đến bây giờ, nghệ thuật Xòe của dân tộc mình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông bộc bạch rất thật lòng "Tôi đã trên tuổi tám mươi được chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này, được vui cùng niềm vui của bà con trong bao nhiêu mùa lễ hội từ lúc còn là trẻ chăn trâu. Lần này là niềm vui không kể xiết... Tôi biết ơn tổ tiên đã cho tôi sức khỏe để cố gắng gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc. Bây giờ có được về với tổ tiên thì lòng tôi cũng mãn nguyện lắm rồi!". Mái tóc bạc phơ của ông ánh lên dưới nắng thu, chòm râu bạc rưng rưng, khóe mắt rưng rưng, ánh cười cũng rưng rưng trong tâm trạng xúc động tột cùng... Tôi thầm cảm ơn những người như ông đã cho thế hệ chúng tôi, cho du khách muôn nơi được thẩm thấu nét đẹp trong mỗi điệu xòe, được ấm lòng trong mỗi buổi giao tiếp chân tình, mộc mạc mà gắn bó thân thương, để ai đã một lần đến với Mường Lò sẽ nhớ mãi và sẽ luôn muốn trở về... Bước lên ngôi nhà sàn giữa Bản Cang Nà nơi ông sinh ra và lớn lên, ngay đầu cầu thang treo một chiếc trống lớn và bộ cồng chiêng. Đó là bảo vật của làng vì tiếng trống, tiếng chiêng ấy đã từng ngân lên qua biết bao mùa lễ hội. Nào Lễ mừng nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ tết Síp xí, Lễ Rằm tháng giêng, Lễ Xên Bản, Xên Mường... Là tiếng gọi nhau về đây tay trong tay kết thành vòng òe thâu đêm mỗi khi làng có niềm vui mới. Ví như những ngày này, chuẩn bị cho lễ hội lớn của tỉnh, của thị xã và của cả vùng Tây Bắc bà con vui sướng lắm! Đêm nào bọn trẻ cả trai, cả gái, rồi cả người già nữa đều kéo nhau đến cùng nhau múa Xòe, khắp Thái. Có người không được ghi tên trong danh sách vào màn đại xòe trên thị còn tỏ ra tiếc đấy...!

            Đi qua các bản làng mùa thu này, khi lúa trên đồng chưa vào vụ gặt thì tiếng lách cách thoi đưa rộn rã như những bản nhạc đệm cho bàn chân, cho tay thoi thoăn thoắt dệt thành những vuông thổ cẩm đem ra chợ Mường Lò. Bà Điêu Thị Siêng, Trưởng thôn Pá Khết cho biết, cứ mỗi mùa lễ hội du khách đến chợ Mường Lò ai cũng mua khăn thổ cẩm, áo thổ cẩm, túi thổ cẩm đem về làm quà. Vì vậy nhiều năm nay nhờ Hội Xòe mà chị em có thêm thu nhập rất cao từ nghề truyền thống này. Đặc biệt ở thôn bản của bà có nhiều hộ mở dịch vụ vừa may vừa buôn bán áo cỏm, váy Thái. Vì đến ngày hội ai cũng muốn sắm bộ trang phục mới, rồi khách du lịch cũng thích mua làm bộ sưu tập và làm kỷ niệm, nhất là du khách nước ngoài họ thích sưu tầm lắm! Rồi các cơ quan, các đoàn khách cũng tìm đến mua hoặc thuê đi chụp ảnh kỷ yếu, họ muốn lưu lại hình ảnh bộ trang phục dân tộc Thái trên cánh đồng Mường Lò thơ mộng của chúng ta. Ở mỗi thôn bản, các đội văn nghệ quần chúng lại có dịp tổ chức rất nhiều hình thức giao lưu để các điệu xòe được thổi hồn, mô phỏng những động tác gắn với quá trình chinh phục thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và phản ánh cuộc sống lao động như điệu múa Trồng bông dệt vải, múa Cá lượn, múa lấy nước, múa quạt, múa nón, múa Mùa hoa ban nở… Nhất là các đội Xòe của Hội Người cao tuổi, các cụ không những giao lưu trong xã mà còn tổ chức giao lưu với các xã bạn. Nhìn các cụ múa đến mê say, quên cả tuổi tác, vẫn bộ váy áo cỏm truyền thống, đạo cụ chỉ là chiếc khăn tay, chiếc quạt, bông hoa, đoạn ống trúc, ống nứa  hay chiếc khăn thổ cẩm… đâu cần cầu kỳ mà vẫn tạo hình rất nghệ thuật. Thưởng thức các điệu dân vũ trong làng, trong bản tôi càng nhận thấy sức hút của nghệ thuật Xòe Thái. Bởi đó chính là khát vọng về một cuộc sống bình yên, khát vọng về tình yêu, về tính gắn kết cộng đồng, là khát vọng sự sinh sôi nảy nở của cuộc sống và khát vọng vươn tới một hạnh phúc tròn đầy.

            Thông qua hoạt động lễ hội, thị xã đã thu hút được nhiều khách du lịch. Chính vì vậy những năm gần đây dịch vụ nhà hàng, khách sạn, Homestay, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang trên đà phát triển. Đến với Homestay của chị Hoàng Thị Loan ở bản Xà Rèn, một bản nhỏ bình yên bên dòng suối Thia. Quan sát không gian trải nghiệm tôi đã hiểu tại sao có những ngày gia đình chị đón nhận tới gần trăm khách du lịch, mà đến với gia đình chị chủ yếu là khách nước ngoài do công ty du lịch ở Hà Nội giới thiệu. Do không đủ chỗ nghỉ nên chị đã giới thiệu cho các gia đình khác, chị tận tình hướng dẫn bà con làm du lịch và đến nay bản nhỏ đã có tới 9 Homestay. Đặc biệt du khách nước ngoài rất ưa thích trải nghiệm du lịch cộng đồng. Gia đình chị Loan đã chỉnh trang cảnh quan xung quanh ao, trồng hoa, cây cảnh, làm cầu dẫn ra chòi mái lá để khách trải nghiệm câu cá thư giãn. Khách có thể cùng chủ nhà ra vườn hái rau về tự tay chế biến thức ăn. Những bộ bàn ghế cũng được ghép bằng tre, nứa tạo nên sự thân thiện với thiên nhiên, ngồi trên sàn ngắm ruộng lúa, nương khoai mà lòng khoan khoái… Thấy rất nhiều xe đạp xếp ngoài sân, tôi hỏi thì chị Loan cho biết theo yêu cầu của khách nên gia đình đã mua sắm để phục vụ trải nghiệm đạp xe thưởng ngoạn khung cảnh cánh đồng Mường Lò hoặc qua cầu trải nghiệm trên những đồi chè xanh bát ngát bên xã Phù Nham.

            Theo lời giới thiệu tôi đến xã Nghĩa An, đây là xã đầu tiên được Sở Văn hóa & Thông tin đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trong đề án xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2000- 2005. Cũng từ đó một số hộ gia đình đã được hướng dẫn làm du lịch cộng đồng, đến nay nhiều Homestay như Homestay Luật Phượng, Cương Chinh, Mộc Dương và nhiều gia đình làm mô hình này đã tạo nên diện mạo của làng văn hóa, xã văn hóa thu hút được nhiều lượt khách, đời sống của nhân dân được cải thiện và tạo việc làm cho nhiều lao động. Nét đặc sắc của mô hình du lịch xã Nghĩa An là giới thiệu văn hóa ẩm thực như thịt hun khói, thịt nướng lá, cá nướng kẹp, xôi ngũ sắc, nộm rau rừng, các món măng rừng và có phần phục vụ của các đội Xòe đáp ứng sự hiếu kỳ và mong ước được thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ mộc mạc mà thẳm sâu nỗi nhớ… Trong chuỗi các Homestay còn có phường Tân An, xã Nghĩa Lợi đã có nhiều gia đình làm du lịch theo mô hình này như Homestay Tông Poọng, Bình Nga, Hồng Chung… cũng là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Anh Đỗ Tiến Dũng chủ Homestay Tông Poọng cho biết ngay từ sau khi dịch COVID- 19 được khống chế, các nhà hàng được phép mở cửa đón khách, có những ngày cuối tuần gia đình đón hơn 80 khách lưu trú và các đoàn đặt tới gần 200 xuất ăn ẩm thực dân tộc. Trước đây gia đình chỉ có một nhà sàn, thấy chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên anh đã làm thêm một ngôi nhà sàn rộng rãi và mở thêm không gian vườn, ao, sân bãi phục vụ giao lưu cộng đồng như múa sạp, chơi trò chơi dân gian, múa xòe, đốt lửa trại… Thường thường gia đình có từ 5 đến 10 nhân viên phục vụ nấu ăn và liên kết với các đội văn nghệ ở bản để phục vụ du khách. Anh ước tính mùa lễ hội năm nay có thể có ngày đón nhận đến hơn một trăm khách gia đình vẫn đảm bảo phục vụ chu đáo với phương châm "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" góp phần quảng bá du lịch cho địa phương. Những ngày giữa tuần thường ít khách hơn, gia đình lại tập trung nhân lực cho việc chăm sóc hoa, cây cảnh, chỉnh trang không gian, vệ sinh môi trường và tích cực nghiên cứu, học hỏi về cách thức làm du lịch để ngày càng củng cố niềm tin của du khách.          Được biết huyện Văn Chấn sẽ đem đến Lễ hội màn diễu diễn đường phố của đại diện cộng đồng dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, một xã nằm sát với địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Tôi ngược dốc lên gặp nghệ nhân Vì Văn Sang. Dù ông đã gần tám mươi tuổi nhưng không ai tin trước dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hoạt bát của người nghệ nhân đã dày công tìm hiểu, khôi phục và lưu truyền cho lớp cháu con gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Ông cho biết văn hóa của tộc người Khơ Mú cũng rất đặc sắc và phong phú. Vì cuộc sống luôn gắn với núi rừng nên các giá trị văn hóa nghệ thuật mang sắc thái gắn con người với thiên nhiên. Ví dụ như các điệu dân vũ múa tăng bu, tăng bảnh, tức là đạo cụ múa dùng bằng các ống nứa chẻ ra để gõ nhịp vào bàn tay tạo âm thanh và giữ nhịp phách cho điệu múa. Hay múa Hươn mạy, múa Xe cắp mô tả động tác bắt cá, hái rau, tra hạt… Tiêu biểu là tín ngưỡng dân gian qua các lễ hội như Lễ đón mẹ lúa, Lễ mùa măng mọc, Lễ tra hạt, Lễ cầu mùa. Lần này đoàn nghệ thuật của xã sẽ tham gia cơ bản là hình ảnh của Hội cầu mùa với ước muốn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Ông Vì Văn Sang cùng với các cụ ông, cụ bà và sự giúp sức của thanh niên, phụ nữ ở bản đã tìm được một bộ rễ cây to, xù xì, tua tủa để trang trí hình nộm một con thú kỳ dị do trời sai xuống giúp dân làng xua đuổi các con thú khác thường phá hoại mùa màng. Mọi người còn xúm xít, hăng hái làm hình nộm đầu con trâu đen, con bò vàng để mô phỏng lễ cúng tạ ơn đã giúp con người cày bừa đem lại lúa, ngô, khoai. Các chị phụ nữ thì chuẩn bị trang trí vải xanh, đỏ, tím, vàng buộc lên những cây vầu già, thân thẳng vót nhọn một đầu để diễn động tác trỉa đất tra hạt. Một nhân vật được đóng vai già làng, người có uy tín đứng ra làm lễ cúng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, con người khỏe mạnh. Mọi người chuẩn bị tham gia lễ hội với một ý thức cộng đồng và tràn đầy niềm hứng khởi vì được vinh dự đại diện cho các dân tộc của huyện, hơn nữa thông qua đây sẽ quảng bá được nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút khách du lịch đến với đồng bào, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời kỳ hội nhập. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt, ông Sang nói đồng bào các dân tộc vùng cao luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thì mình cũng phải cố gắng chứ. Hôm đi họp nhận nhiệm vụ ông được nghe kế hoạch có cả đoàn diễu diễn của dân tộc Mông Lềnh huyện Trạm Tấu, dân tộc Mông Si huyện Mù Cang Chải. Ôi sắc màu các dân tộc sẽ làm cho Lễ hội lung linh lắm đây! Còn xã Nghĩa Phúc và xã Sơn A của thị xã Nghĩa Lộ sẽ tham gia diễu diễn với trang phục và biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Mường. Ông Hoàng Văn Thìn ở thôn Ao Luông 1 xã Sơn A là một thành viên tích cực tuyên truyền, cổ vũ mọi người tham gia lễ hội. Ông cho biết thời gian gần đây xã đã chú trọng tổ chức các ngày lễ hội để thúc đẩy phát triển du lịch như Hội xuống đồng, hội Thẳm hang, hội ném còn, đua mảng trên suối Thia, trò chơi Tó mắc lẹ, kéo co, đẩy gậy…

            Trong không khí chuẩn bị cho Lễ hội, không thể không nói đến việc chuẩn bị màn đại Xòe của 2.022 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Đó là con số ghi dấu ấn của năm 2022 lịch sử này. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của gần 500 em học sinh các Trường Phổ thông Trung học phụ họa cho màn biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu lớn vào đêm Lễ hội. Vào chợ Mường Lò hay đi qua những xóm làng ta đều thấy râm ran chuyện đi múa xòe. Họ hồ hởi hỏi han nhau, hẹn nhau giờ cùng đi hội, trao đổi với nhau những động tác liên kết sao cho đẹp. Họ thống nhất nhau mặc trang phục màu gì cho ấn tượng… Năm nay thị xã có 14 đơn vị xã phường nên sẽ có thêm rất nhiều bạn mới, vui quá!

Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan, con người cùng bản sắc văn hóa vùng miền, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung khai thác tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch. Hiện nay trên địa bàn có 1.836 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ và hơn 50 khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ. Từ khi sáp nhập một số xã tách từ huyện Văn Chấn nằm trong lòng chảo Mường Lò, thị xã đã chỉ dẫn thêm một số điểm du lịch trải nghiệm như tham quan đồi cây mùa xuân bên những rừng hoa mận, hoa đào ở khu vực Thẳm Lé; tham quan đồi chè Nghĩa Lộ, vườn cây ăn quả; tham quan di tích lịch sử Khu ủy Tây Bắc xã Phù Nham, Nậm Tốc Tát xã Thạch Lương, thành Viềng Công xã Hạnh Sơn, chùa Trúc Lâm Thiên phú, chùa Ngọc Bích… Thị xã cũng tập trung phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn OCOP như gạo Séng cù, chiêm hương, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, thịt hun khói. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp được khách du lịch ưa chuộng, tin tưởng và rất nhiều người đặt mua làm quà sau mỗi chuyến du lịch trở về.

Để xây dựng Nghĩa Lộ trở thành một thị xã xứng tầm là trung tâm Văn hóa - Thương mại- Du lịch phía Tây tỉnh Yên Bái, Đảng bộ và Chính quyền thị xã chỉ đạo tập trung xây dựng hình ảnh con người Nghĩa Lộ- Mường Lò "thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo và hội nhập", góp phần xây dựng "Thị xã Văn hóa- Du lịch giai đoạn 2021- 2025". Với tôi cũng như những ai đã từng đến với nơi đây có lẽ đều cảm nhận đất và người Nghĩa Lộ thật là thân thiện, nhân ái, sáng tạo và đoàn kết chung tay xây dựng quê hương trong xu thế hội nhập mới. Trong đó, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em, tiêu biểu là nghệ thuật Xòe Thái đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa ở miền quê núi thân yêu này.

                                                                                  N.T.T

 

 

           

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter