Nữ thủ lĩnh hết mình với phong trào phụ nữ ở Túc Đán

Ký của NGUYỄN PHƯƠNG THUỲ


Tháng 3, cung đường về với xã Túc Đán ngập sắc đào phai. Năm nay mùa xuân dường như dài hơn bởi thời tiết sau tết ấm áp, những bông đào, bông mơ nở muộn như có dịp bung tỏa hương sắc, ong đến mùa kết tinh những giọt mật ngọt ngào. Chẳng còn ai nhìn thấy dấu vết của một bản làng nghèo nàn lạc hậu, mà chỉ thấy những con đường bê tông phong quang sạch đẹp, ngõ nhỏ, nhà nhỏ ngập sắc hoa xuân. Điều đó chính nhờ những bàn tay chai sần bởi sự lam lũ cần cù của những người phụ nữ Mông. Họ như những chú ong thợ cần mẫn lao động, không ngại vất vả nắng mưa tạo ra những giọt mật ngọt ngào dâng cho người, cho đời.

Trước đây cuộc sống người phụ nữ vùng cao được ví như những con đường ngược núi, bao giờ cũng lắm chông gai, nhiều lực cản. Nhiều chị em vì mưu sinh, vì hủ tục mà lấy chồng lúc tuổi 14,15, không được đến trường, để rồi cuộc sống suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhiều chị em sau khi lấy chồng sớm không có kinh nghiệm để sinh con còn phải chịu nỗi đau mất con, hoặc chồng bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, tạo ra những bi kịch, những lời ru buồn ảm đạm. Có chị em không biết chữ, chưa từng được một lần làm đẹp, chưa từng được tham gia hội nhóm để được sinh hoạt, tâm sự hay thậm chí là được bảo vệ. Và phụ nữ Khơ Mú, phụ nữ Mông ở Túc Đán cũng vậy

 Thuở nhỏ Lý Thị Cầu vẫn theo mẹ lên nương và trong câu chuyện của những người phụ nữ thời bấy giờ luôn có hình bóng của sự cam chịu và nghĩ rằng trời đã an bài cho họ là bé nghe lời bố, lớn nghe lời chồng, dù chồng có bạo hành, có phản bội vẫn phải cam chịu. Họ sợ không dám li hôn bởi sợ không có chồng sẽ không có ai đi chợ hộ, đi kết nối với xã hội hộ họ, thậm chí có những người phụ nữ không dám nghĩ đến li hôn khi bị bạo hành vì sợ không có chồng sẽ không có ăn. Bỏ chồng về mẹ đẻ sẽ bị chê cười, thậm chí khi chết không được làm ma trong nhà. Khi không chịu đựng nổi nữa nhiều người đã lên rừng tìm lá ngón để kết thúc cuộc đời. Chỉ có lá ngón là giải pháp cuối cùng để họ giải thoát.

Những câu chuyện ấy trở thành sự ám ảnh trong đầu Lý Thị Cầu và cô vẫn luôn thắc mắc tại sao phụ nữ phải chịu khổ như vậy. Đến khi lớn dần lên dưới mái trường, được các thầy cô giáo dạy bảo, Lý Thị Cầu hiểu rằng mọi sự thiệt thòi mà phụ nữ vùng cao gánh chịu là do thiếu kiến thức, không được đi học họ không đủ dũng cảm, tự tin để mở lòng với xã hội, để có thể thay đổi bản thân và thay đổi tập tục trọng nam khinh nữ. Xuất phát từ nhận thức đó, được sự động viên của thầy cô, Lý Thị Cầu kiên định mục tiêu đến trường để thay đổi cuộc sống. Dù trong quá trình đó cô phải đấu tranh với chính người thân của mình, mẹ, bà và những người xung quanh luôn khuyên Cầu nghỉ học lấy chồng khi mới bước sang tuổi 14, 15. Nhưng Cầu đã nhờ cô giáo của mình thuyết phục bố mẹ cho mình thực hiện ước mơ.

Với tư chất thông minh, Lý Thị Cầu đã tốt nghiệp THPT trở thành người phụ nữ hiếm hoi lúc bấy giờ ở xã có trình độ THPT và mạnh dạn tham gia mọi phong trào của xã, của các đoàn thể để khẳng định mình. Khi vào Hội LHPN xã Lý Thị Cầu không chỉ làm việc để “đánh trống ghi tên” mà luôn đổi mới cách tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức cho hội viên và tiếp tục học lên Đại học. Vì vậy năm 2015 khi tròn 20 tuổi Lý Thị Cầu đã được Đảng bộ xã tín nhiệm giới thiệu vào vị trí Chủ tịch phụ nữ xã Túc Đán, một nữ thủ lĩnh trẻ nhất huyện thời điểm đó.

Áp lực trên vai, những người phụ nữ nhìn cô với ánh mắt ái ngại. Những người đàn ông thì không ủng hộ ra mặt thậm chí miệt thị khi phụ nữ tham gia công việc xã hội. Họ vì tính ích kỷ, sợ vợ mình cũng giống cô thì lấy ai làm việc nhà, rồi sợ vợ khôn hơn sẽ không nghe lời chồng. Lý Thị Cầu chia sẻ: “Có rất nhiều lúc em phải ngồi ngoài cửa nhà họ 3 tiếng buổi trưa, vạ vật như ăn xin nhưng em biết suy nghĩ của họ nên không hề nản lòng.”

Hiểu tập tục, với lòng kiên trì nhẫn nại, Lý Thị Cầu đã thành công vận động nhiều chị em phụ nữ  ở các độ tuổi tham gia Hội Phụ nữ xã. Từ sự ái ngại ban đầu họ đã dành cho cô nhiều thiện cảm và sự ngưỡng mộ, vì vậy họ đã thoát ra khỏi lớp vỏ bọc hủ tục và quyết tâm sinh hoạt Hội. Khi có hội viên đông đảo cũng là lúc Lý Thị Cầu thực hiện hoài bão của mình. Bắt đầu từ Chi hội Phụ nữ thôn Pa Te, nơi có đông hội viên phụ nữ Khơ Mú, Lý Thị Cầu triển khai mô hình không sinh con thứ 3. Đối tượng chính là các hội viên phụ nữ trẻ, thậm chí nhờ sự phối hợp của nhà trường tuyên truyền học sinh nâng cao nhận thức, đi học và không kết hôn sớm. Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền thì Pa Te trở thành điểm sáng trong việc chấp hành Luật hôn nhân gia đình khi 5 năm liên tục không có gia đình hội viên sinh con thứ 3. Cũng vẫn là thôn Pa Te, từ năm 2016 đến nay không có nữ học sinh nào là không được đến trường. 100% học sinh nữ trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học đã đi học đầy đủ. Chị Vì Thị Ngân- hội viên phụ nữ thôn Pa Te chia sẻ: “Những điều chị Cầu làm đã giúp tôi thay đổi cuộc sống, từ người ngại va chạm, ít tham gia các hoạt động xã hội, nay tôi tự tin múa hát, diễn thuyết trên các sân khấu của thôn, xã và ở huyện. Tôi cảm thấy mình sống hạnh phúc hơn rất nhiều khi tham gia tổ chức hội, xinh đẹp tự tin hơn khiến chồng tôi tự hào và yêu thương tôi hơn vì sợ không đối xử tốt là tôi sẽ li hôn”.

Nụ cười hạnh phúc của chị Vì Thị Ngân thôn Pa Te cứ theo suốt quá trình tìm hiểu hoạt động Hội ở Túc Đán của đoàn chúng tôi. Đất trời Pa Te cũng như chiều lòng người mà tỏa nắng ấm áp trên con đường về bản để những bông hoa Tớ dày được chị em phụ nữ trồng dọc tuyến đường tỏa hương thơm ngát. Hoa nở rực rỡ dưới ánh mặt trời như phụ nữ Túc Đán kiên cường đấu tranh với hủ tục để được tỏa sáng ở mọi nơi.

Thành công ở Pa Te khiến Lý Thị Cầu trở thành tấm gương tiêu biểu của phụ nữ cả huyện thời điểm đó nhưng Cầu vẫn chưa bằng lòng với thực tại mà luôn nỗ lực thực hiện giấc mơ lớn hơn. Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Lý Thị Cầu luôn trăn trở làm sao để thuyết phục được chị em ủng hộ và xây dựng phong trào Hội ngày càng vững mạnh. Chị Cầu luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Hội cấp trên, để từ đó, trong các buổi sinh hoạt chi hội, chị triển khai đến các hội viên, phụ nữ. Chị Cầu cũng thường xuyên sâu sát, gần gũi chị em, tìm nguồn giúp chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội rà soát lập danh sách đăng ký giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. Ngoài việc Hội phối hợp với ngân hàng cho vay vốn phát triển sản xuất, Hội cũng chỉ đạo cho hội viên tại các chi hội thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Cụ thể giúp đỡ các ngày công lao động như: Hái chè, cấy, gặt lúa, sửa chữa nhà cửa, hướng dẫn kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn quả. Qua đó, nhiều chị em đã phát triển được kinh tế, cuộc sống được cải thiện.

 

Thực hiện phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”, chị Lý Thị Cầu đã cùng với Ban Chấp hành Hội tập trung đổi mới phương thức sinh hoạt, đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ theo sở thích như: thành lập “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”; “Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, thành lập các đội văn nghệ quần chúng,… Qua đó tạo sân chơi, kết nối chị em gắn bó với tổ chức Hội. Mặt khác, chị tập trung chỉ đạo các chi hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, cấp phát tờ rơi, tổ chức các buổi tư vấn, giao lưu, nói chuyện chuyên đề…

 

 

Chị Cầu cũng là người đi đầu tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Chị Cầu đã chỉ đạo Hội phụ nữ xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Nhà sạch- vườn đẹp” với 6 chi hội/36 thành viên. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như chị Mùa Thị Của, chị Thào Thị Giang- Chi hội Háng Tầu; chị Vì Thị Vinh, chị Sùng Thị Pàng, chị Mè Thị Một- Chi hội Pa Te; chị Thào Thị Dủ- Chi hội Tống Trong. Bên cạnh đó đã lồng ghép vào sinh hoạt chi hội tuyên truyền cho 563 hội viên phụ nữ (đạt 100%) về thực hiện tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Các sáng kiến “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp” của Hội LHPN xã được triển khai tại 6/6 Chi hội và triển khai tới toàn thể hội viên phụ nữ như: mô hình làm phân hữu cơ để trồng rau sạch tại nhà và bón cho cây trồng, may túi vải đi chợ hạn chế sử dụng túi ni lông. Đây là các sáng kiến được áp dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày của hội viên, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Gắn bó 10 năm ở vị trí Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Lý Thị Cầu trở thành nữ thủ lĩnh được Đảng ủy, Chính quyền địa phương và chị em tin tưởng. Đồng chí Vàng A Giàng- Chủ tịch UBND xã Túc Đán cho biết: “Chị Cầu là một chủ tịch phụ nữ xã năng động, có kiến thức, chịu khó học hỏi và luôn khát khao học hỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Vì vậy mà hội phụ nữ xã đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của xã Túc Đán.”

Chia sẻ về cách làm việc của mình, Lý Thị Cầu giãi bày: “Tôi đã bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương và theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LHPN cấp trên, chủ động nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu nội dung công việc, phương thức hoạt động, phân tích vấn đề, xác định kế hoạch cho từng nội dung công việc và hoạt động, phân kỳ và chọn trọng tâm công việc để thực hiện theo lộ trình thời gian phù hợp với điều kiện của cơ sở để đem lại hiệu quả cao nhất; cùng tháo gỡ khi gặp vấn đề khó khăn, khúc mắc; tranh thủ các nguồn lực để tạo điều kiện cho Hội thực hiện công việc. Bản thân thường xuyên rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng vận động, tập hợp để thực hiện tốt công việc được giao”.

Cách làm việc khoa học của Lý Thị Cầu không chỉ giúp cô thành công ở việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội phụ nữ xã mà trong công tác phối hợp, cô cũng tạo được niềm tin để giúp cho hội của mình có vị thế vững chắc hơn.

  Năm 2023, đã kết nạp mới 11 hội viên vượt 3 chỉ tiêu giao, đạt 137,6%; Phối hợp với cụm khu II tổ chức 2 hội thi tạo sân chơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho cán bộ, hội viên phụ nữ; Duy trì thường xuyên 01 loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ hàng tháng, tổ chức giao lưu, liên hoan gặp gỡ vào các dịp lễ thu hút đông đảo hội viên các tầng lớp tham gia; Hội Phụ nữ đã có các hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng hội viên để giúp thoát nghèo trong năm như vận động hội viên giúp nhau ngày công, con giống, cho mượn đất để sản xuất nông nghiệp.

Chị Cầu còn tích cực giúp đỡ các hộ hội viên nghèo được vay vốn chăn nuôi với tổng số tiền là 450 triệu đồng, bình quân mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để có vốn chăn nuôi trâu bò tạo thu nhập cho gia đình; Đã hỗ trợ tạo điều kiện cho 01 hội viên Mè Thị Thúc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng số tiền là 50 triệu đồng để khởi nghiệp kinh doanh hàng quán; Phấn đấu tăng trưởng 10% dư nợ nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2023; Vận động, hỗ trợ thêm 04 hộ gia đình đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” bằng hình thức tạo điều kiện giúp đỡ 04 hộ vay vốn ưu đãi NHCSXH với tổng số tiền vay là 200 triệu đồng (định mức 50 triệu/hộ) để mua 8 con trâu sinh sản; Vận động hội viên thực hiện mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như: mô hình nuôi dê…

Năm 2023 còn là năm thành công khi chị Cầu lãnh đạo Chi hội Pa Te thực hiện xong 5/5 phần việc xây dựng nông thôn mới cụ thể: 01 phần việc mở rộng và tu sửa đường giao thông nông thôn tại Chi hội Pa Te, đang chuẩn bị đổ bê tông kiên cố hóa; 01 phần việc huy động nguồn xã hội hóa của hội viên để đóng góp xây dựng 02 nhà văn hóa thôn Pa Te và thôn Pá Khoang; 01 phần việc tu sửa đường từ Chi hội Háng Tầu vào Chi hội Tống Trong với chiều dài hơn 8km; 01 công trình tu sửa nước sạch tại Chi hội Tống Trong; 01 công trình làm mới công trình nước sạch tại Chi hội Tống Ngoài có sự đầu tư của nhà nước.

Qua các phong trào thi đua làm kinh tế, phụ nữ Túc Đán đã khẳng định mình khi năm 2023 có 02/02 điển hình tiên tiến trên lĩnh vực kinh doanh gồm: hội viên Lý Thị Ninh- Chi hội Tống Trong và hội viên Lý Thị Dông- Chi hội Háng Tầu điển hình trong kinh doanh trang phục dân tộc Mông; Phụ nữ xã còn thành lập 01 tổ tự quản của phụ nữ tại cộng đồng với 12 thành viên tham gia nâng tổng số tổ tự quản của Hội lên 6 tổ với 72 thành viên.

Chị Hảng Thị Giông- Chủ tịch HLHPN huyện Trạm Tấu luôn dành cho Lý Thị Cầu sự nhận xét đặc biệt: “Cùng là phụ nữ tôi khâm phục nghị lực của chị Cầu trong công tác tuyên truyền vận động hội viên thực hiện nhiệm vụ huyện hội giao. Có những việc rất khó làm ở cơ sở hội khác thì chị Cầu vẫn tìm ra cách để hội phụ nữ xã Túc Đán thực hiện đạt hiệu quả cao. Các danh hiệu khen thưởng cho chị Cầu thì rất nhiều nhưng tôi nghĩ phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu của Đảng, của người dân ở Túc Đán dành cho chị và chị em phụ nữ ở Túc Đán đã sống hạnh phúc hơn.”

Hoa đã nở trên vùng đất khó khăn cằn cỗi và chị Lý Thị Cầu là một bông hoa có sắc hương đẹp nhất trong lòng chị em hội viên phụ nữ xã Túc Đán. Chị Cầu đã giúp chị em phụ nữ xã mình nhận ra giá trị của bản thân, đánh thức khả năng trí tuệ để khẳng định vị thế của mình với gia đình và xã hội, sống hạnh phúc và xây dựng xã Túc Đán hạnh phúc hơn.

 

N.P.T

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter