Nam Cường, một trong hai phường trẻ nhất của thành phố Yên Bái. Tháng 12 năm 2013, theo Nghị quyết 122/NQ-CP của Chính phủ, phường Nam Cường được thành lập trên cơ sở toàn bộ 386,20 ha diện tích tự nhiên và 4.072 nhân khẩu xã Nam Cường. Từ một xã nông thôn chuyển thành phường đô thị, khi mới ra đời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Địa bàn rộng, dân cư không tập trung, chưa có nếp sống đô thị. Hạ tầng đô thị chưa hình thành, các tuyến đường trong phường chủ yếu là đường giao thông nông thôn được bê tông mặt đường từ 3 đến 3,5m, duy nhất tuyến đường Trần Bình Trọng là đường nhựa nhưng đã xuống cấp; kinh tế chưa phát triển cả về cơ cấu, quy mô, tỷ trọng và hiệu quả của kinh tế đô thị; thu ngân sách thấp, chưa có nguồn thu ổn định. Song Nam Cường cũng có những thế mạnh riêng mà các phường khác trong thành phố không có. Đó là 35,9ha hồ có thể cải tạo thành hồ sinh thái, điểm vui chơi; 143ha đất lâm nghiệp có thể phát triển hệ thống cây xanh. Quần thể đình, đền, chùa đã được công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội Đền Mẫu Rằm tháng Giêng được duy trì hàng trăm năm nay, mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của Nam Cường. Nhân dân Nam Cường có truyền thống yêu nước, cách mạng, năm 2002, xã Nam Cường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2015 phường Nam Cường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm nỗ lực khắc phục hạn chế, đưa Nam Cường phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc cả về kinh tế, văn hóa- xã hội, cảnh quan môi trường, xây dựng Nam Cường thành đô thị xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc là vấn đề đặt ra hàng đầu với Đảng ủy, Chính quyền phường Nam Cường. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Bí thư Đảng ủy phường nhiệm kỳ 2020- 2025 cho biết: Nghị quyết các kì Đại hội của Đảng bộ phường Nam Cường từ khi thành lập phường đến nay luôn xác định mục tiêu tổng quát: “Phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống anh hùng cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng phường Nam Cường phát triển bền vững, văn minh, thân thiện, bản sắc”.
10 năm, không phải là thời gian dài với sự phát triển của một đơn vị hành chính cấp phường mới được thành lập. Song 10 năm qua, Nam Cường đã có những bước tiến dài trong tất cả mọi lĩnh vực. Trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Theo lời truyền dạy của cổ nhân “An cư mới lạc nghiệp”, có ổn định về nơi ở, thì mới có cuộc sống ổn định, sự nghiệp mới hanh thông nên Đảng bộ Nam Cường đã tham mưu và tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Nam Cường tập trung vào các công trình trọng điểm. Trụ sở phường, Trụ sở công an, Trạm Y tế, Nhà văn hoá Đa năng được xây dựng mới, khang trang với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Nam Cường được nâng cấp với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Nạo vét, xây kè bờ, lắp đặt lan can và hệ thống điện chiếu sáng 3 hồ nước: Hồ 1 (hồ Tràn Bãi)- 12,46ha, hồ 2 (hồ trung tâm phường)- 4,93ha, hồ 3 (hồ Tràn Đình)- 21,74ha với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng, tạo cho Nam Cường có diện tích hồ sinh thái- du lịch lớn nhất thành phố. Nghĩa trang liệt sỹ phường được nâng cấp với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Lắp đặt 06 trạm biến áp mới trên 3 tỷ đồng, bảo đảm nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất. Các tuyến đường Phạm Khắc Vinh, Lê Chân, Trần Bình Trọng được nâng cấp theo quy chuẩn đường giao thông đô thị. Tổng nguồn vốn đầu tư từ năm 2013 đến nay là 197,8 tỷ đồng, trung bình mỗi năm đầu tư 19 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở.
Không chỉ dựa vào nguồn đầu tư ngân sách nhà nước, Nam Cường đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua: “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,“Dịch rào, hiến đất nâng cấp, mở rộng đường giao thông”, “Thắp sáng đường quê”… huy động sự chung tay của cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nhiều công trình phần việc chỉnh trang cảnh quan không gian đô thị. Chỉ tính từ năm 2020 đến 2023, đã có nhiều công trình, phần việc được hoàn thành bằng nguồn kinh phí xã hội hóa: Công trình lắp đặt 186 cột đèn trang trí trị giá 350 triệu đồng trên tuyến đường Trần Bình Trọng dài 1,2km, trồng 200 chậu hoa, cây cảnh trị giá 60 triệu đồng trên các tuyến đường Trần Bình Trọng, Phạm Khắc Vinh, Láng Tròn, Cường Bắc, Láng Tròn- Đình làng; san gạt tạo mặt bằng, đổ bê tông khu vui chơi đường Vực Giang, làm 03 sân chơi, bãi tập và xây dựng tuyến đường văn minh đô thị sáng- xanh- sạch- đẹp, do Chi bộ các tổ dân phố Đồng Tiến, Nam Thọ, Đồng Phú, Cường Bắc vận động nhân dân thực hiện. Công trình lắp đặt 9 thiết bị thể thao ngoài trời, ghế ngồi, đổ bê thông 60m2 sân chơi, bãi tập, 72m2 hành lang đường tại nhà văn hóa đa năng gần 100 triệu đồng, làm mái che sân thể thao nhà văn hoá tổ dân phố trên 100 triệu đồng, do Chi bộ tổ dân phố Đồng Tiến vận động nhân dân thực hiện. Công trình lắp đặt học cụ rèn luyện thể thao kết hợp với giáo dục Quốc phòng do Trường Tiểu học Nam Cường và Ban Chỉ huy quân sự phường thực hiện. Công trình “Thắp sáng đường quê” do Đoàn Thanh niên phường thực hiện. Đặc biệt là phong trào “Dịch rào hiến đất” đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, 140 hộ thuộc các tổ dân phố Đồng Tiến, Đồng Phú tự nguyện dịch rào hiến đất và cây cối, hoa màu trên đất để mở rộng các tuyến đường Đồng Tiến- Cường Bắc, Đồng Tiến- Láng Tròn, Phú Thịnh với tổng chiều dài 2,5 km. Nhiều hộ thuộc tổ dân phố Cường Bắc, Cầu Đền, hiến hơn 200 m2 đất cùng cây cối, hoa màu trị giá trên 80 triệu đồng để mở rộng tuyến đường Đồng Tiến- Cường Bắc (đoạn Khe Nước) với chiều dài 500m. Cán bộ, công chức phường, chiến sĩ Trung đoàn không quân 921, Tiểu đoàn 3 Cảnh sát cơ động Tây Bắc, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Nam Cường tham gia cùng nhân dân đổ trên 100m3 bê tông, kinh phí đổ bê tông trên 120 triệu đồng, Đoàn Thanh niên phường cùng Thành đoàn vận động nhà tài trợ ủng hộ lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trị giá trên 30 triệu đồng. Hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn phường luôn được trồng mới, trồng bổ sung tạo nên các tuyến đường xanh, mát bóng cây. Hiện có hơn 1.000 cây xanh trên các tuyến đường, khu vui chơi của Nam Cường, trong đó đường Sân bay 300 cây, đường Trần Bình Trọng 290 cây, đường Phạm Khắc Vinh 50 cây. Đất lâm nghiệp mỗi năm 4ha lại được phủ xanh bằng quế, keo, chè, tạo nên một Nam Cường rừng trong phố, phố trong rừng, phường xanh, mát, hài hòa nhất thành phố Yên Bái. Tổng kinh phí các công trình, phần việc do nhân dân thực hiện lên tới nhiều tỷ đồng. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tận tụy hết lòng hi sinh quyền lợi cá nhân làm đẹp, làm giàu quê hương Nam Cường. Tiêu biểu là các đồng chí Ngô Thị Hiếu, Phó Bí thư Chi bộ- Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Phú; Trần Đức Thanh, Bí thư Chi bộ- Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Cường Bắc; Khương Bá Ước, Phó Bí thư chi bộ- Tổ trưởng tổ dân phố Cường Bắc; Nguyễn Thị Lành, Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Tiến; Vũ Hữu Lê- Giám đốc Công ty cơ khí Hồng Hà; Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Doanh nghiệp Thành Chung… Ý Đảng hợp với lòng dân, Đảng- Chính quyền- Nhân dân chung tay, chung sức, chung lòng làm cho diện mạo đô thị của phường ngày càng khang trang, sáng- xanh- sạch- đẹp.
Về phát triển kinh tế, vấn đề đặt ra với Nam Cường là phải nhanh chóng chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn sang nền kinh tế đô thị, đồng bộ về cơ cấu kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Đảng bộ, Chính quyền Nam Cường đã tạo mọi điều kiện, khuyến khích nhân dân trong phường và cả người từ địa bàn khác tới Nam Cường thành lập các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; chỉ đạo Chi bộ Quỹ Tín dụng nhân dân phường tạo nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khởi nghiệp. Chỉ trong 5 năm, trên địa bàn phường đã có 12 công ty, doanh nghiệp, 19 tổ hợp tác ra đời và 180 hộ kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu là Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Hồng Hà, Công ty sản xuất bê tông đúc sẵn Nguyễn Thành, Doanh nghiệp Thành Chung, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ kim loại Kiên Liên, Chiến Thương, Phúc Nhung, cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi Tùng Vui, Trung Hoa. Quỹ Tín dụng nhân dân phường mở rộng địa bàn hoạt động sang cả xã Minh Bảo, với tổng dư nợ 85,814 tỷ đồng. Được tạo điều kiện phát triển, kinh tế kinh doanh dịch vụ của phường từ con số không đã đạt 40,3 tỷ đồng/năm, trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 76,4 tỷ đồng/năm. Kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống người dân và giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng so với năm 2013, khi mới thành lập phường; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, theo chuẩn mới chỉ còn 0,79 %; chính sách với đối tượng có công, an sinh xã hội được bảo đảm tốt. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2013 thu được 1,278 tỷ đồng, đến 2023 đã thu được 5,975 tỷ đồng, tăng hơn 4,6 tỷ đồng so với 2013.
Với quan điểm, chỉ số hạnh phúc của người dân không chỉ dựa vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất mà còn phụ thuộc vào cả đời sống tinh thần, sự hài lòng của người dân nên song song với phát triển kinh tế, Nam Cường chú trọng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhân dân. 07 Câu lạc bộ dân vũ, 08 Câu lạc bộ văn nghệ, gồm nhiều loại hình nghệ thuật: hát nhạc mới, hát ru, hát chèo, dân ca quan họ hoạt động thường xuyên. Cuối năm 2023, Nam Cường còn tổ chức hát dân ca trên thuyền và biểu diễn trống hội. Các chị em Nam Cường cũng áo mớ ba, mớ bảy, nón thúng, quai thao; các anh em Nam Cường cũng áo the, khăn xếp, ô đen ca hát trên thuyền chẳng khác nào Quan họ hội Lim. Về thể thao, 18 câu lạc bộ thể thao, gồm các bộ môn bóng chuyền hơi, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bơi lội thường xuyên luyện tập, thi đấu giao lưu giữa các tổ dân phố; dịp hè còn tổ chức giải bơi cho thanh, thiếu niên. Đặc biệt, giải đua thuyền truyền thống được tổ chức vào dịp lễ hội Rằm tháng Giêng hàng năm tại hồ trung tâm, đã tạo nên đặc sắc riêng của Nam Cường. Vì được rèn luyện thường xuyên nên khi tham gia các hội thi văn nghệ quần chúng do thành phố tổ chức, Nam Cường luôn đoạt giải cao. Trong năm 2023, giải Nhất, hội diễn Nghệ thuật quần chúng; giải Ba, Hội diễn nghệ thuật Người cao tuổi; giải Ba, Hội thi Gia đình hạnh phúc. Trong đời sống tinh thần của người dân Nam Cường, không thể không kể đến các sinh hoạt văn hóa tâm linh tại đình, đền, chùa của phường. Đó cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống riêng có hàng trăm năm nay của Nam Cường. Từ những năm 1890, dân nghèo ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Định đã phiêu bạt lên vùng đất hoang tại xã Cường Nỗ, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa, (nay là xã Cường Thịnh huyện Trấn Yên, Yên Bái) kiếm kế sinh nhai. Khi ấy, Cường Nỗ được coi là nơi “Ma thiêng, nước độc”. Cuộc sống người dân luôn bị dịch bệnh, thú dữ hoành hành, đe dọa; nhiều người nản chí muốn đi tìm vùng đất mới. Trước tình cảnh đó, các cụ cao niên lập đàn tế lễ trời đất, cầu cho dân làng được yên ổn làm ăn. Sau 9 ngày lập đàn tế lễ, đến ngày Rằm tháng Giêng năm ấy, trời đang mưa phùn, gió bấc, u ám, ảm đạm bỗng hửng nắng vàng, gió nhè nhẹ thổi, một đám mây màu xanh dương, hình cánh buồm từ đâu bay tới cứ lửng lơ lượn vòng trên không trung. Dân làng cho là điềm lành nên yên lòng ở lại, thích nghi dần với cuộc sống núi rừng, hăng hái khai khẩn mở đất, chiêu dân, cư dân ngày một thêm đông. Đến năm Bính Thìn- 1916, dưới triều vua Khải Định, vùng đất do người dân Nam Định lên khai phá được lập thành xã, tên xã ghép bởi Nam trong Nam Định và chữ Cường trong Cường Nỗ. Được lập xã, dân làng liền dựng đình làm nơi hội họp cho các vị chức sắc, các bậc cao niên và dân làng. Đình được làm bằng gỗ, lợp cỏ tranh, sau mới chuyển sang lợp cọ. Năm 1923, dân làng thấy khu đất làm lễ cúng tế trước đây, có địa thế long chầu, hổ phục, sơn bao, thủy bọc, liền dựng trên đó một ngôi đền. Các cụ cao niên còn về tận đền Phủ Dầy, rước chân nhang Công chúa Liễu Hạnh và đền Kiếp Bạc, rước chân nhang Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương về thờ tại đền, đặt tên là đền Mẫu, chọn ngày Rằm tháng Giêng làm lễ rước Mẫu. Sau đó, lại cùng nhau dựng ngôi chùa gỗ để thờ Phật. Từ đó cuộc sống dân làng yên ổn, làm ăn phát đạt. Năm 1934, dưới thời vua Bảo Đại, đền được vua cấp sắc phong, lấy hiệu tự là Thánh Mẫu Linh Từ. Các lễ nghi, tuần tiết cúng bái cũng đã được quy định mang màu sắc đặc trưng của người dân miền xuôi lên núi lập nghiệp. Từ đó, đình làng, đền Mẫu và chùa trở thành nơi quy tụ muôn dân trong xã hướng về cội nguồn, cầu cho quốc thái, dân an, mọi người gắn bó, yêu thương, đùm bọc, chung tay xây dựng quê mới ngày càng phát triển. Trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đình, đền, chùa của làng còn là nơi cán bộ Việt Minh phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền, làm trụ sở của chính quyền nhân dân buổi đầu thành lập, làm kho dự trữ lương thực, lớp học bình dân, điểm nghỉ của một số đơn vị bộ đội trên đường hành quân lên giải phóng Điện Biên, cũng là nơi tiễn đưa bao lớp thanh niên Nam Cường lên đường ra trận cứu nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai, địch họa, đình, đền bị xuống cấp, chùa cũng chỉ còn tàn tích ở gò Chùa. Năm 1998, nhân dân Nam Cường cùng nhau đóng góp kinh phí, công sức tôn tạo lại đình, đền, dựng lại chùa, đặt tên là chùa Vạn Thắng. Đến năm 2003, cán bộ, nhân dân Nam Cường lại tiếp tục huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo lại đình, đền, chùa. Đình làng được tạo lập tại Bến Đình vẫn giữ được nét văn hóa và cốt cách của vùng quê Nam Định. Phần mái đình được lập bằng ngói mũi đất nung màu đỏ, bốn góc mái cong, các họa tiết trang trí trên câu đầu, các ô thoáng các gian đều thể hiện triết lý của đạo Phật. Cổng đình có đôi câu đối, bên trái là “Tiền nhân khổ tứ khai lập xã, lưu danh công đức cốt tự tâm”; bên phải là “Hậu thế tu tâm xây nghiệp vững, nhân hòa cốt tự vạn ý dân”. Đền Mẫu cũng được trùng tu vững chãi, đẹp đẽ mà vẫn giữ được nét kiến trúc cổ của đền. Chùa Vạn Thắng cũng được xây ở vị trí mới khang trang. Các hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân tại quần thể đình, đền, chùa cũng được duy trì thường niên. Đặc biệt là Lễ hội Rằm tháng Giêng. Trải qua hàng trăm năm, Nam Cường có nhiều thay đổi về mặt hành chính song Lễ hội đền Mẫu- Rằm tháng Giêng vẫn được duy trì đúng bản sắc văn hóa Nam Cường. Ngày Rằm tháng giêng con cháu Nam Cường muôn nơi lại quy tụ về đền, đình, chùa tổ chức lễ hội. Phần lễ vẫn được thực hiện theo các nghi thức truyền thống. Dâng Mẫu nén hương thơm và các sản vật tự mình làm ra, tiến Phật hương, hoa, trà, quả, thực chay tỏ lòng tôn kính, cầu xin Mẫu, Đức Thánh, Đức Phật cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, che chở cho dân khỏi thiên tai, dịch bệnh, mở mang trí tuệ, học rộng tài cao, muôn đời phúc đức cho con cháu. Tiếp đến là lễ thả chim câu cầu an. Dân làng chọn một gia đình vợ chồng thuận hòa, hạnh phúc, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, con cháu thảo hiền, học hành đỗ đạt thả chim. Gia đình được chọn cùng ông chủ lễ gắn thiệp hồng cầu phúc vào chân 12 con bồ câu mạnh khỏe, tượng trưng cho 12 con giáp, 12 tháng thả lên trời xanh với mong ước 12 tháng trong năm dân làng được bình an hạnh phúc. Lễ hội năm 2023, nhân dân chọn gia đình anh Chung, chị Phương Anh, chồng công tác tại Bệnh viên 103, vợ kinh doanh thời trang, gia đình 5 năm liền đạt gia đình văn hóa tiêu biểu, năm 2022, 2023 đạt gia đình hạnh phúc, thực hiện nghi lễ thả chim. Đến giờ, anh Chung vẫn rất phấn khởi chia sẻ: “Vinh dự cho gia đình tôi được bà con chọn thả chim cầu an trong Lễ hội đền Mẫu xuân Quý Mão- 2023. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bồi hồi. Trong năm qua tôi đã tích cực phấn đấu rèn luyện trong công tác và tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, hòa thuận trong gia đình”. Sau lễ thả chim cầu an là lễ mừng thọ các vị cao niên trong xã và trao phần thưởng cho các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi. Phần hội, tất cả người dân trong phường và du khách, nhất là các nam thanh, nữ tú chơi các trò chơi dân gian kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, ném còn, đu văng, cờ tướng; thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Đặc biệt tổ chức đua thuyền trên hồ giữa các đội thuyền nam, nữ. Buổi tối là chương trình văn nghệ quần chúng với tất cả các lứa tuổi tham gia và lễ thả hoa đăng cầu an trên hồ. Lê hội năm 2023 có thêm phần diễn diễu, nhảy sạp và bắn pháo hoa. Lễ hội Đền Mẫu Nam Cường ngày càng thu hút du khách gần xa, trong và ngoài tỉnh tới tham dự, dần trở thành một điểm du lịch tâm linh của thành phố Yên Bái.
Trao đổi về kinh nghiệm trong xây dựng phường Nam Cường, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Tôi mới được Thành ủy điều động về phường gần một năm nay, tiếp tục phát huy thành quả các thế hệ Bí thư Đảng bộ, lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Nam Cường đạt được trong suốt những năm qua, tạo nên truyền thống Nam Cường. Trước hết, luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là yếu tố then chốt, là tạo nên đầu tàu mạnh của đoàn tàu. Đầu tàu mạnh, đi đúng đường thì mới kéo được cả đoàn tàu đi đúng, đi nhanh, đi tới đích. Vì vậy tổ chức Đảng phải trong sạch, vững mạnh; đảng viên có tư tưởng, đạo đức, lối sống gương mẫu, nêu gương trước nhân dân, nói đi đôi với làm thì mới có sức thu hút nhân dân. Thứ hai, phải xây dựng được khối đại đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Dân, đoàn kết giữa Đảng và Dân, tạo nên sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thì sẽ được như lời Bác dạy:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công“. Ngoài ra cũng phải luôn cập nhật, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của của đô thị văn minh- thông minh, đặc biệt là công tác chuyển đổi số xây dựng xã hội số, chính quyền số, kinh tế số. Hiện 98% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản dịch vụ hành chính công, cài đặt VneID và YenBai S, thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến; phường cũng đã hoàn thành các tiêu chí của phường chuyển đổi số.- Dừng lại mời khách uống nước, rồi Bí thư Hà lại hào hứng chia sẻ: Nam Cường đã được tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến, Huân chương Lao động trong thời kì đổi mới thì với quyết tâm, nỗ lực, cách làm sáng tạo, tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Nam Cường sẽ xây dựng Nam Cường thành phường văn hóa đặc sắc tiêu biểu, đô thị xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định. Khi Đảng và Dân chung một chữ Đồng thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu.
Tôi lật giở, đọc từng trang cuốn Lịch sử Đảng bộ Nam Cường. Kể từ khi Đảng bộ xã Nam Cường được thành lập vào ngày 06 tháng 1 năm 1948, rồi tháng 12 năm 2013 chuyển thành Đảng bộ phường, đến nay đã trải qua 76 năm, đã có 11 đồng chí giữ trọng trách Bí thư Đảng bộ. Các đồng chí: Ngô Triệu Huy, Đỗ Hữu Tiến, Ngô Doãn Nhỡ, Phạm Văn Kết, Nguyễn Văn Toan, Đoàn Xuân Tính, Đỗ Ngọc Lân, Vũ Thị Khả, Đỗ Anh Thơ, Phạm Thị Mơ, Nguyễn Ngọc Hà… người sau kế tục thành quả sự nghiệp của người đi trước, luôn vững vàng tay lái, đưa con tàu Nam Cường vượt qua mọi chông gai thử thách, viết tiếp những trang sử Nam Cường vẻ vang. Tôi tin những tay lái của thế hệ sau phát huy những truyền thống hơn 100 năm của người dân Nam Cường, 76 năm của Đảng bộ Nam Cường, nhất định sẽ đưa con tàu Nam Cường tới bến vinh quang và hạnh phúc.
N.H.L