Nắng không sắc

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Nắng réo rắt như muốn cong vênh cả mái tôn phòng trọ, những dải nắng xéo hắt chiếu vào tận góc nhà nơi mấy con nhện quên cả nắng mải miết chăng tơ lên những cái nồi, chảo lỏng chỏng trong gầm bếp lâu lắm rồi không được lôi ra. Chiếc quạt ồn ĩ rung cả giường giấu đi sự bất lực trước cảm giác oi nóng. Màn hình điện thoại sáng rực chạy hàng cảnh báo “Trong những ngày tới tia UV toàn vùng đạt từ 7- 9, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống, có thể gây ra ung thư da, ung thư mô tế bào, giảm sức đề kháng”. Đi đâu để thoát khỏi căn phòng 20m2 gồm cả phòng tắm, nhà bếp và đủ các thứ lỉnh kỉnh.

Tiếng chiếc xe wave đi số 3 khi lên dốc kêu điệu rè rè bỗng tắt ngấm, thả “cạch” chân chống xe trên khoảng râm bé tí duy nhất của khu trọ. “Mồng 2 rồi nhá, đóng tiền nhà đi”. Có tiếng kẹt mở cửa. “Lễ mà chúng mày không đi chơi đâu à?”, giọng vừa nói, vừa cười của bà chủ trọ làm những sắc âm càng xoe xóe. “Nếu chúng cháu đi chơi thì bà đang nói chuyện với ai, muốn điên lên mất”. Có thể do nóng quá, bà chủ trọ cố nghểnh cổ lên đợi chút gió từ bầu trời trong veo không sắc lạc qua, thằng Minh quay nhanh vào trong phòng, cả hai quên đi nội dung chính. Đã 4 giờ chiều không khí dãy trọ vẫn như vậy. Ly chẳng dám hé cửa ra vì sợ cái nắng đeo đuổi.

Ly đến đây, một ngày cũng nắng nhưng không gay gắt như hôm nay. Mẹ cô sau khi giúp con gái sắp xếp các thứ, yên tâm nhìn căn phòng trọ bé nhỏ. Có thể bà tin khoảng không gian ấy sẽ giúp bà nhốt chặt cô con gái ưa mơ mộng.

Bốn năm học đại học, hai năm xoay xở với đủ thứ nghề từ dạy kèm cho đến chạy đưa hàng... Trong khoảng thời gian không ngắn không dài ấy, cô cũng đã học thêm được nghề làm đẹp, một dịch vụ đang hot hiện nay. Kể cũng thật lạ, con người đôi khi rất vô tình lại phát hiện ra mình. Ly có thể dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để hoàn thiện cho một bộ móng sao cho ưng ý nhất. Khi cầm chổi cọ họa lên khuôn mặt, Ly luôn cảm thấy như mình vừa mới gặp một con người khác. Khuôn mặt nhu mì thường ngày vẫn có thể quyền lực sau nét vẽ mắt hơi xênh xếch lên. Lúc trước là người vợ mỏi mệt chờ chồng, da xạm đen sau bao đêm mất ngủ vẫn có thể trở nên yểu điệu và quyến rũ sau bờ môi căng mọng màu hồng cánh sen để đi gặp bạn bè, người thân. Dấu hiệu của buồn lo, tuổi tác đều có thể được xóa mờ, cũng như xóa mờ khoảng cách giữa con người với nhau. Những cô bé nhạt nhòa bỗng trở nên tinh nhanh, lý lắc hơn khi được thêm đôi má hồng, để có thể thật lung linh, rạng ngời ghi dấu một thời tuổi trẻ, hay ghim một hình ảnh trong mắt người mình cảm mến vào mỗi dịp chia tay năm học. Ai mà không cần những khoảng trống, ai chẳng có lúc muốn vẫn là mình nhưng không phải là mình. Chỉ cần thế thôi bởi Ly biết chẳng có gì là vĩnh viễn.

“Làm móng tay, trang điểm để lấy một đứa cắt tóc hả con? Bao nhiêu năm mẹ nuôi mày ăn học mày trả ơn cha mẹ thế à?”. Biết bao lần Ly muốn nói “Làm đẹp là một nghề chính đáng. Ở đây Ly rất ổn”. Ly đã có một lượng khách quen để cô không lo thất nghiệp. Ở đây, cô cũng có thể học thêm ngoại ngữ. Thu nhập tốt và một trải nghiệm cuộc sống phong phú hơn vùng đất đầy mùi hương hoa keo, và nồng mùi chua chua của sắn, còn hơn cả ở ngôi trường Đại học mà chắt chiu mơ ước của cả thôn nhỏ Ly mới dành được”. Nhưng mọi lời giải thích đều ướt sũng trong dòng nước mắt không dứt, giọng nói kéo dài và luôn luôn đứt quãng của mẹ. “Số sướng không biết hưởng, mày có cho mẹ ngẩng mặt lên với thiên hạ nữa không con? Trời ơi là trời”. Không phải là mẹ cô không có lý. Người ta không thể chờ cô trải nghiệm cuộc sống, kiếm ít vốn liếng... rồi mới sắp xếp cho ông bác quyền cao chức trọng của cô về hưu được. Cơ hội chỉ có thể đến một lần. “Ổn định để còn lấy một tấm chồng cho đàng hoàng. Tuổi mày người ta con đàn con đống rồi kìa”. Sau vài ba lần dọa tự tử, từ mặt con của mẹ, Ly an bài với mọi sắp xếp. Không liên quan lắm nhưng dạo này Ly hay bị ám ảnh bởi bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Khi còn trẻ người ta có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng, những gì người ta mong muốn nhất và cần nhất chỉ đến một lần trong đời”. Và cô vẫn đau đáu với nó.

Hằng ngày, Ly đi làm. Đến cơ quan bao giờ cô cũng gặp một vài người. Ly cúi mình một cách lễ phép “em chào anh/chị”, “trời hôm nay thật đẹp” cũng có khi cô nói thế. Cô nhận về một nụ cười, tiếng ừ hoặc tiếng gió từ bước chân vội vã nhưng bao giờ Ly cũng giữ cho vẻ mặt hài lòng nhất.“Một ngày bắt đầu từ buổi sáng, một người bắt đầu từ thái độ” thuở trước các cô cũng vẫn hay nói với nhau như thế. Phòng làm việc khá rộng và có cả cửa sổ. Thường thì Ly sẽ mở tấm cửa ấy để không khí oi bức của đêm được đẩy ra, cô quét phòng, bày biện cốc chén. Còn chị cùng phòng lại nói với cô “Em nhìn qua đó đi, cả cơ quan mình chuyển động”. Một vài cuộc nói chuyện trao đổi vắn tắt, chiếc xe nào được đi chuyển ra khỏi khuôn viên, thậm chí là tiếng bước chân nặng hay nhẹ cũng đo được sức khỏe của cả một đơn vị.

Không nhiều kiến thức ở trường được vận dụng. Mỗi buổi sáng cô sẽ nhận được một vài nhiệm vụ kiểu như: chuyển báo cáo, lập danh sách, hoặc có khi là cùng nhà bếp chuẩn bị thức ăn và kiểm soát lượng khách. Ly nhớ, vì những công việc cũng nhỏ nhỏ nên mình chưa từng gây ra sự khó chịu cho một ai, nhưng thỉnh thoảng người ta cứ nói vào tai cô “Ở vị trí của em đang làm, có đến hai người đã từng hợp đồng mười năm trong cơ quan được cho nghỉ việc đấy”, họ nói nhiều đến mức tạo thành một vết hằn để bây giờ cứ lên đến cơ quan là trong đầu Ly lại vang lên câu nói đó. Và có phải vì thế không mà rất nhiều khi cô nhận được yêu cầu phải giao nộp báo cáo mà văn bản chỉ đạo vừa mới được chuyển đến trước lúc Ly đi giao công văn. “Chỉ chết vì thiếu tiền, thiếu bạc, không ai chết vì bị mắng chửi. Phải vào khuôn khổ mới rèn luyện nên con người”. Bố cô, một người có năm vài bận lên gặp cơ quan công quyền đã luôn cho rằng người làm nhà nước họ có mọi quyền hành.

Rồi ngày ngày, Ly vẫn đi làm. Mỗi buổi sáng, cô ngồi trước gương lâu hơn, họa lên khuôn mặt mình những nét tươi tắn nhất. Tươi để dù đối diện với cái nhìn xéo xắt hay thăm dò, dù là cái nhìn ghen tỵ hay sự tiếc nuối thì cô cũng không lộ ra vẻ mệt mỏi, thua cuộc; tươi để khi tiếp nhận ánh mắt khiếm nhã ném đâu đó lên thân hình thanh xuân của cô thì cô cũng không thay đổi sắc mặt; quan trọng nhất là không ai được phép đọc lên suy nghĩ thật luôn hiện hữu trong đầu Ly.

Bản tin dự báo thời tiết nhuộm một màu đỏ rực. Trời vẫn nắng nóng, và chưa biết bao giờ dừng lại. Người ta nói khí hậu trái đất sẽ ngày càng nóng lên vì thiên nhiên đang nổi giận. Chiếc tủ lạnh mi ni được mở hết cánh để xoa dịu cái nóng không có chỗ trú ẩn trong căn nhà trọ 20 m2 trở nên nóng ran. Nhưng cuối cùng Ly cũng không trụ nổi mức giá 3000đ/1KW điện bà chủ đưa ra với lương công chức mới vào nghề chỉ hơn bốn triệu một tháng nên ngậm ngùi đóng lại, Ly cảm giác rất rõ sự hụt hẫng. Một anh chàng sách bút như mẹ nói, hay đại gia như bọn trẻ cùng xóm trọ vẫn hay hỏi thì chưa thấy đâu nhưng cái nắng cái nóng, sự bức bối thì vây hãm. Ly tìm đủ mọi cách ra khỏi nhà. Đêm đêm, Ly cắp tráp ra đường, cô làm móngtay chân, dưỡng da... cho tất cả khách hàng mà cô liên hệ được. Bởi vì nắng nóng, bởi vì dịch bệnh, bởi vì người ta luôn cần một không gian riêng nên công việc của Ly cũng trở nên dễ chịu mặc dù cô vẫn không dám nói với bố mẹ chuyện này.

Căn nhà chị Quỳnh nằm ở cuối dãy “chị thích rộng và yên tĩnh”. Chị nói như thể nhà chị đang ồn ào. Ly lại không thấy thế. Đứa con bao giờ cũng ở trong phòng, bao giờ cũng là tư thế ấy, tai đeo phôn và hai bàn tay gõ. Đến máy điều hòa, chiếc quạt, hay tiếng bước chân của chị Ly cũng chưa từng gây ra tiếng động. Chị Quỳnh có kể chuyện về những khóm hoa ngoài vườn, về cách làm những món đồ ăn vặt, về cách vẽ lên khuôn mặt mặc dù Ly chưa được yêu cầu trang điểm cho chị bao giờ. Không gian ở đây yên tĩnh đến mức, Ly nghĩ nếu nắng có đến nó cũng chỉ chờ đợi trên giàn Lan rồi mải miết với những chiếc lá xanh thẫm, thân dài và căng mọng, để cuối ngày tiếc nuối rời đi, chứ không thể làm gì khác. Ly hay gặp anh Thanh ở dưới cổng, lúc cô ra về. Anh siêng tập thể dục nên có thân hình cường tráng và rắn chắc, có lẽ cũng do tập luyện nhiều, điều chỉnh được nhịp thở nên giọng anh trầm ổn. Anh thường chào Ly rồi quay người lại khóa chiếc cổng sắt cũng dịu dàng đến mức chưa bao giờ Ly phải quay đầu lại. Có hôm Ly nói với chị Quỳnh rằng anh xin số điện thoại của Ly, chị cười bình thản như cách người ta tiếp nhận một liều thuốc an thần.

Bọn trẻ trong xóm trọ nhỏ ngóng Ly như ngóng mẹ đi chợ về, thường Ly sẽ mang về một ít đồ ăn vặt, hay hoa quả mua ở đầu ngõ và kể cho bọn trẻ nghe hôm nay bể cá Koi ăn gì, tấm thảm trải nhà mua từ Ba Tư về có được cất đi trong mùa hè nóng nực, hay đứa con trai nhà đó có bộ đồ chơi game mới không… Hôm nay, Ly về sớm hơn mọi hôm, nhà chị Quỳnh khóa cửa và điện thoại cũng không liên lạc được. Bọn trẻ đứng dựa cả vào cánh cửa bằng tôn thỉnh thoảng vẫn kêu lùng phùng khi có gió mạnh. Dưới sức xô đẩy, cái Hà lao người ra phía trước, dẫm lên chân, cụng vào đầu Ly, nước mắt rơm rớm, có lẽ vì đau. Chúng bắt đầu dãn ra, lẩn tránh rồi lập tức quay lại ngồi chật trên cái giường đã bắt đầu những tiếng kêu cọt kẹt.

“Em nhìn vào đã thấy đây không phải là ảnh thật, ghép thô thế mà mọi người cũng tin. Chị đừng suy nghĩ nhiều chị nhé, tốt nhất là tắt hẳn điện thoại”. Những ngón tay thon dài trượt trên màn hình, nhiều khi che cả mặt Ly. Cô im lặng, mang đống quần áo bẩn từ mấy hôm ra giặt. Dòng nước từ đường ống nhựa chảy xuống bỏng cả đôi tay bầm lên từng vết như máu.

Lại tiếng xe lên dốc kêu điệu rè rè. “Loại con gái đi đêm về hôm mà nói đến chúng mày cứ bênh chằm chặp. Cũng công chức nhà nước, uổng công bố mẹ cho ăn học”. Tiếng nước chảy vào chiếc chậu nhôm hòa lẫn tiếng bà chủ trọ, tiếng bọn trẻ con trong xóm thành một mớ âm thanh ồn ào hỗn tạp.

Điện thoại gầm gừ liên tục, Ly mới tiện tay gạt sang. “Sáng mai, trước khi vào làm, lên phòng gặp anh”. “Đã có đơn thư gửi đến cơ quan đồng thờichị Quỳnh đã gửi đơn ly hôn lên toà án, điều này có nghĩa là việc làm của em gây ra hậu quả nghiêm trọng, là thủ trưởng, anh không thể coi như không biết. Cũng không làm to chuyện làm gì, hoặc là em chuyển sang làm tạp vụ ở cơ quan khác theo sắp xếp, hoặc là em tự đi liên hệ công tác”. Không phải là những bản tường trình dài ngoẵng, không có những buổi ngồi đối chất như Ly tưởng tượng. Cô chỉ biết vâng dạ rồi ra khỏi phòng.Những bước chân nhẹ bẫng. Khuôn mặt có ửng đỏ hay tái đi thì mọi người cũng không biết. Ly đã trang điểm khá cầu kỳ. Một người chị biết chuyện, chỉ nói với Ly, ông bác vừa rời ghế, về chưa đến cửa nhà người ta đã làm như thế. Đời đúng là bạc thật. Cuộc gọi đầu tiên sau khi xảy ra chuyện là cô xin với người sếp sáng nay vừa trao đổi với cô đừng thông báo rộng rãi chuyện này, và sẽ giúp cô giấu kín khi bố mẹ hỏi đến, tự Ly sẽ đi liên hệ công tác.

Gần 30 tuổi, cô thấy may mắn vì mình không còn quá trẻ. Những năm tháng đi làm, trải nghiệm, gặp gỡ đủ người của đất nước phật giáo dạy cho cô biết rằng, thế giới này luôn có đủ đau khổ để chia đều cho tất cả mọi người, và cũng nói với cô ánh mắt còn nhìn thấy cảnh đẹp là cuộc đời còn đáng sống. Lang thang cùng chiếc máy quay, Ly càng thấy rằng có thật nhiều vẻ đẹp chưa được chiêm ngưỡng khám phá, rất nhiều vùng đất mà con người đang lãng quên, những người đã được trải nghiệm cần có trách nhiệm giới thiệu cho người khác. Ly cũng không nhớ từ bao giờ, trong cuộc nói chuyện với bố mẹ cô không nói dối là mình được phân đi công tác nữa, cô còn nói rằng có một nghề tên gọi là youtuber, có thể kiếm ra tiền cho mình và mang rất nhiều khách du lịch đến thăm những vùng đất quê kệnh, xa xôi nơi bố mẹ cô đang sống. Cô kể với mẹ, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, cô không chỉ giới thiệu về cảnh đẹp, đặc trưng văn hóa mà cô còn khuyến khích mọi người nói chuyện. Đi đến đâu, cô cũng cho mọi người xem những gì cô ghi lại được, những cuộc nói chuyện với người dân bản địa đã được lên trên máy tính, điện thoại, tivi. Người xem đã cảm thấy rất vui và chờ đợi. Bởi cô luôn hi vọng những con người nhỏ bé cũng có thể được tự tin lên tiếng, để trong những điều kiện cần thiết họ có thể biện hộ cho mình khỏi những oan uổng. Không biết mẹ cô có hoàn toàn tin không nhưng hẳn mọi người đều dần nhận ra rằng trong thế giới hiện đại này có rất nhiều điều mình chưa thể biết hết.

Cái Hà lại vừa gọi điện cho Ly, giọng lảnh lót, “nơi chị hay lui tới vẫn chẳng có gì thay đổi nhiều ngoài việc bà Quỳnh ra khỏi nhà cùng với một người đàn ông khác. Ai cũng biết ông bà ấy không có tình cảm với nhau từ lâu, chỉ vì sự ổn định và thăng tiến hoặc là thiếu một cái cớ gì đó khả dĩ để giải tán”. “Nhiều vitamin C quá đấy cô ạ”. Hai chị em cùng cười vang như chưa từng có những ngày nắng rát ở xóm trọ.

Ly mở máy tính, bức thư điện tử vẫn luôn được ghim lại: “Anh Thanh là một người đàn ông tốt, tốt đến mức ngoài chị ra anh không chú ý đến một người đàn bà nào khác. Chị đã tìm đến nhiều người, cố để tìm một người anh ấy thích, tìm một cách giải thoát cho mình trong sự tĩnh lặng, bớt day dứt. Chị thật sự đã nghĩ rằng anh ấy có tình cảm với em, em và anh ấy có thể là gì đó sau khi chị rời khỏi, chị đã để lại tất cả để em đến sau cũng bớt thiệt thòi, nhưng đôi khi điều ta tưởng đúng lại chỉ là ảnh của nó. Xin lỗi và chúc em luôn bình yên”.

Trên máy, đang treo hai video clip giới thiệu về phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc đã được viết xong nội dung. Rất nhiều thủ tục, nghi lễ được các các gia đình tỉ mỉ chuẩn bị, trang trọng thực hiện mong xin với đấng bề trên cho hôn nhân hạnh phúc, mọi sự an lành. Nếu thật sự “thế giới này luôn có đủ đau khổ để chia đều cho tất cả mọi người?” thì có lẽ điều chúng ta cần là cách nhìn nhận về nỗi đau đó.

Ly mở cửa sổ, gió và trăng từ sau núi tràn qua ướt rượt.

 

D.T.P

 

Các tin khác:

6-10 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter