Người lính đặc công và o du kích sông Hương

Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương

Sau chiến dịch Quảng Trị, Tiểu đoàn 12 đặc công được lệnh rút về hậu cứ Hướng Hóa huấn luyện. Gọi là “hậu cứ” cho oai, thực ra nó chỉ là một bãi khách nằm sâu giữa rừng già sườn Đông Trường Sơn. Cây cối rậm rạp, um tùm, lại đang là mùa đông, sương phủ dày đặc. Thấp thoáng trong rừng sương là những cây cổ thụ lù xù, đầy rêu bám. Họa hoằn mới có những tia nắng nhợt nhạt chợt lóe lên trên vòm lá đan kín vào nhau dày dịt, rồi lại nhanh chóng tắt lịm. Mỗi khi những cơn gió ào qua, tán lá rung động, những hạt sương lại đua nhau rơi ràn rạt xuống nền đất nâu sẫm, ẩm ướt. Ra ngoài bìa rừng nhìn lên đỉnh núi cũng chỉ thấy ngút ngàn mây phủ.

Gần một tháng trời, ngày ngủ đêm tập. Các khoa mục huấn luyện chính là vận động, tập kích cứ điểm trong địa bàn thành phố. Tập rồi diễn tập, công phu, kỹ lưỡng như đánh thật, song tuyệt nhiên không ai được biết là sẽ đánh ở đâu. Các “tham mưu con” tự xem đầy mình kinh nghiệm cũng bó tay. Một sáng, thấy trời sáng sủa, ấm áp, Hùng chui ra khỏi lán, xách súng đi về cuối bìa rừng. Hy vọng khi nắng lên, sương mù tan có thể nhìn rõ cảnh núi non, sông suối Đông Trường Sơn. Thật may, Hùng vừa đến nơi thì có nắng, sương mù đột ngột tan rất nhanh. Cảnh vật gần, xa dần dần hiện. Những cánh rừng mấy bữa trước còn xác xơ, khô héo vì bom, pháo, chất độc hóa học, sớm nay bỗng biêng biếc một màu xanh non tơ. Phía dưới thung lũng, hai bên bờ suối trải dài một màu vàng dịu của hoa Mai rừng đang bừng nở. Nhìn ra xa, dòng Sê Bănghiêng bắt nguồn từ Tây Trường Sơn như một sợi khói ngoằn ngoèo uốn lượn đang bay lên từ tấm thảm xanh non tơ của đại ngàn. Mùa xuân đến rồi ư! Phải là mùa xuân thì cây cối mới đâm chồi nảy lộc xanh thế chứ. Đúng là bom đạn của kẻ thù dẫu có khốc liệt đến đâu thì cũng không thể ngăn cản, không thể tiêu diệt được sức sống của mùa xuân đang trỗi dậy trên các triền núi. Mùa xuân Trường Sơn chỉ khác mùa xuân Hoàng Liên Sơn quê Hùng là không có hoa Ban và hoa Tớ dẩy. Giờ này chắc là Ban đã nở trắng, còn Tớ zẩy cũng thắm núi Hoàng Liên rồi. Chao ôi, nhớ quá những lần cùng Siêng vào núi hái hoa Ban về làm món nộm ngày Tết...

Đang mê mải ngắm nhìn, chợt có tiếng gọi giật sau lưng, Hùng giật mình, quay lại. Thì ra là Đức Nghĩa Lộ, vừa đồng hương vừa cùng tiểu đội. Chưa đợi Hùng đáp, Đức đã bảo: Ông ra đây lâu chưa? Sắp tết rồi đấy. Cả tháng nay, ngày ngủ, đêm tập, mệt nhoài, chẳng còn biết đến thời gian nữa. Giờ thấy cây cối đâm chồi nảy lộc, mai rừng bừng nở mới biết đã là mùa xuân, là sắp đến tết, tự dưng lại thấy nhớ nhà nôn nao…

Hùng vỗ vai Đức bảo:

- Ừ Tết mà! Tết đến, ai chẳng nghĩ về sự sum họp, chẳng nhớ về gia đình, người thân, quê hương, lính tráng bọn mình nay sống, mai chết lại càng nhớ…

Mắt Đức vẫn không nguôi nhìn về phương Bắc, giọng đầy bồi hồi, ngắt lời Hùng:

- Quê mình từ ngày ông Táo chầu trời là đã nhộn nhịp lắm rồi. Nào sắm quần áo mới cho lũ trẻ, nào vào rừng lấy lá dong, ra bãi dựng cây đu, làm sàn Hạn khuống, chuẩn bị mổ lợn, ngâm gạo gói bánh, làm xôi ngũ sắc… Khi gói bánh chưng, tết nào mẹ cũng gói riêng cho anh em mình mỗi đứa một chiếc bánh con, để bóc ra ăn ngay lúc đón giao thừa. Đang đói, được ăn miếng bánh nóng hôi hổi, thơm phưng phức, úi giời ôi, cứ là lịm hết cả người…

Bỗng có tiếng máy bay vè vè. Một chiếc OV10 trông như cái bồ cào bay ngang qua trên đầu Đức và Hùng. Nó bay thấp đến nỗi nhìn rõ cái đầu thằng giặc lái nghiêng nghiêng, ngó ngó tìm kiếm mục tiêu. Bay ngay sau cái OV10 là một chiếc L19, chõ hẳn cái loa xuống, phát ra cái giọng eo éo nghe đã thấy muốn ọe: “Hỡi các cán binh Việt cộng! Tết sắp đến rồi…!”.  Đức cau có văng tục: “Mẹ cha mày, lại lảm nhảm làm mất cả cái sự nhớ nhà của bố”. Tốp OV10, L19 bay qua được một lúc thì một dàn phản lực gầm rú, hùng hổ lao tới, cắt bom. Cánh rừng trước mặt nhoáng nhoàng chớp đỏ, rồi những đụn khói dựng lên đen kịt cả thảm rừng. Những cành cây bị bom nổ hất tung lên cao rồi lả tả rơi xuống như xác pháo. Hùng bảo:

- Chúng nó định cắt tết bọn mình đây! Thôi về đi, xem C mình chuẩn bị tết thế nào, đỡ anh nuôi một tay.

Hai anh em về gần đến lán, đã nghe thấy tiếng Đại đội trưởng Ứng ồm ồm vang lên:

- Tiêu chuẩn tết mặt trận cấp về theo từng trung đội. Hai người một bao Tam Đảo bao bạc, cộng thêm một bao Rubi chiến lợi phẩm. Anh em cứ là tha hồ mà nhả khói nhé. Lại thêm bốn người một gói trà Thanh Tâm, loại bao hồng đấy. Còn kẹo Hải Châu mỗi người 20 chiếc. Thịt lợn thì mặt trận cấp cho mỗi đại đội một con, nhưng phải lên bản đồng bào Vân Kiều bên sườn Tây bắt về. Nếp tiêu chuẩn và dân các bản dưới chân núi mang đến ủng hộ bộ đội đủ gói mỗi người hai chiếc bánh chưng.-  Dừng lại một chút rồi Đại đội Trưởng Ứng nói tiếp- Nói chung, tết nhất ở chiến trường như thế là tươm lắm rồi. Năm nay trên cho ăn tết to là thưởng công cho anh em mình đấy. Về thời gian, ta cũng được nghỉ tập ba ngày để ăn tết. Để cho không khí đón xuân, vui tết thật xôm, tớ nghĩ ra sáng kiến này: C mình có nhiều tỉnh, mỗi tỉnh lại có món ẩm thực riêng. Vì vậy mỗi nhóm tỉnh, suy nghĩ làm một món ăn gì đó mang đậm hương vị quê mình góp vào cỗ tết chung của đại đội. Ngoài thịt lợn, ta có thể xuống suối bắt cá, hay lên rừng bẫy gà, hái rau, măng. Ý các cậu thế nào?

Cả đại đội vỗ tay rầm rầm thay cho câu trả lời. Tiếp theo, Chính trị Chỉnh lên phát động phong trào sáng tác câu đối đón xuân trong toàn đại đội. Yêu cầu phải nói được thời gian và không khí đón xuân, vui tết của bộ đội. Giải thưởng cho giải nhất là ba chiếc bánh chưng, giải nhì hai chiếc và giải ba là một chiếc.

Ngay buổi chiều, Hùng, Đức và mấy tay Yên Bái chụm đầu họp bàn một hồi, rồi chia thành hai tốp. Một tốp xách dao găm vào rừng chặt mấy cây lồ ô về chẻ nan. Tốp kia thì xuống bờ suối bẻ mấy bó lá cơi ôm về. Thấy mọi người tròn mắt ngó nghiêng, Hùng đầy vẻ hãnh diện bảo: Các ông biết không? Này nhé, lồ ô này bọn tôi chẻ thành nan để đan lắn đơm cá. Vùng này lâu nay chẳng ai mò đến bắt cá nên cá nhiều và dạn lắm. Bữa trước đi tắm suối, cả một đàn cá Sỉnh đến vài chục con, cứ bơi vô tư như chỗ không người, còn rỉa cả vào chân mình. Chỉ cần lấy lá cơi này, bỏ vào mũ sắt giã nát rồi vứt xuống suối khuấy lên cá sẽ bị say đứ đừ. Chọn chỗ lòng suối nhỏ và nông, lấy đá xếp lại thành đập, chỉ để hở vừa đủ đơm cái lắn vào đó. Lúc cá say lấy sào khua nước là cá bơi xuôi chui hết vào lắn. Loại cá Sỉnh này thịt dai chắc, lại thơm ngọt, làm món “pa pỉnh tộp” (cá nướng úp) đặc sản Thái bọn tớ, chỉ có mà ngon hết sảy. Các cụ bản tớ bảo: "Gà tơ tần đem biếu, không bằng pa pỉnh tộp đem cho" đấy.

Nghe Hùng tả về món “pa pỉnh tộp”, nhiều cái miệng đã “chèm chẹp” rồi xung phong đi bắt cá cùng nhóm Yên Bái. Đã 27 tháng Chạp, dù không có lịch nhưng ai cũng nhẩm nhớ từng ngày. Mặc kệ “thằng” OV10 với L19 vẫn rè rè trên đầu không dứt, ngoài bộ phận trực chiến, tuần tra, còn lại cả đại đội đều hăm hở chuẩn bị món ăn quê hương và vắt óc để sáng tác câu đối. Tốp Cao Bằng thì tìm lá lốt để cuốn chả. Tốp Hà Nam đẽo chày để giã giò trong mấy cái mũ sắt dùng làm cối. Nhóm Yên Bái cũng đã tìm được quả “mắc khén” và hạt dổi đem nướng rồi giã nhỏ để ướp cá. Chú “lợn tiêu chuẩn” dễ thường phải ngót nghét một tạ, đã được khiêng về. Lợn Vân Kiều nuôi thả rông, lông dựng ngược, mõm dài như mõm lợn rừng, thở hồng hộc. Trên lán Ban chỉ huy đại đội, mấy hòm đạn B40 ghép lại thành một cái bàn. Một bi đông nước chè cùng mấy cái bát “B52” xếp ngay ngắn. Đầu bàn có một cành mai rừng cắm vào ống lồ ô. Loại mai rừng này hoa có 5 cánh, nhỏ và thưa, không dày bông như mai nhà nhưng tươi rất lâu. Ba câu đối: “Đón Xuân 68 không quên nhiệm vụ/ Vui Tết Mậu Thân quyết thắng quân thù”; “Cả nước đang thi đua sôi nổi đón tết Mậu Thân/ Đại đội ta cũng quyết lập công chào xuân sáu tám”; “Nơi hậu phương em làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt/ Ngoài tiền tuyến anh quyết giết giặc lập công thống nhất non sông”, lọt vào vòng chung khảo được đồng chí liên lạc lấy lõi pin thối giã nhuyễn trộn nước viết lên tấm gỗ vỏ hòm đạn để cả đại đội bình chọn nhất, nhì, ba. Mọi người lục ba lô, chọn bộ quần áo nào tươm tất nhất để dành mặc ăn tết. Ai cũng mong ngóng đến giao thừa, nghe Bác đọc thơ chúc tết.

Không khí đón tết của đại đội đang rộn ràng thì tối 28 tết, Đại đội Trưởng Ứng từ trên Tiểu đoàn bộ về đến nơi đã phát lệnh hành quân ngay. Tất cả đồ ăn đã chuẩn bị được mang theo. Đại đội trưởng bảo để ăn tết như thời vua Quang Trung cho quân sĩ ăn tết dọc đường hành quân ra Bắc Hà tiêu diệt quân Thanh. Đại đội trưởng không nói hành quân về đâu, chỉ bảo sẽ có giao liên dẫn đường. Đi được một chặng chừng 7, 8 cây số thì đổi giao liên. Mỗi chặng có một giao liên. Khi bàn giao xong, người dẫn chặng trước quay lại chứ không đi cùng. Hành quân suốt đêm. Đến sáng được lệnh dừng, bộ đội tản vào các cánh rừng hạ trại nghỉ, ngủ cả ngày. 7 giờ tối lại tiếp tục hành quân. Sáng 30 tết toàn đại đội lại tập kết vào bìa rừng, hạ trại. Bữa chiều 30 âm lịch tức ngày 31/1/1968, đại đội tổ chức cho bộ đội ăn tết dã ngoại nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt mật. 18 giờ, Đại đội Trưởng Ứng tập trung đại đội phổ biến nhiệm vụ: Thông báo cho các đồng chí biết, chúng ta đang ở rất gần thành phố Huế. Đêm nay đại đội ta cùng toàn tiểu đoàn và nhiều cánh quân khác sẽ đồng loạt tấn công giải phóng Huế. Trên cho biết, Huế có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và ngụy quân cần tiêu diệt, gồm: Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy, Trung tâm Huấn luyện Đống Đa, Thiết đoàn 7 Kỵ binh, đồn Mang Cá, sân bay Tây Lộc, khu phái bộ cố vấn Hoa Kỳ… Song Huế còn là một cố đô, có nhiều di tích lịch sử- văn hóa, ta cần phải giữ gìn. Có nhiều lực lượng tham gia chiến dịch. Tiểu đoàn đặc công 12 ta nằm trong đội hình của cánh quân phía Bắc. Đây là hướng tấn công chính, có nhiệm vụ đánh chiếm Thành Nội, đồn Mang Cá, sân bay Tây Lộc, Cột Cờ, tiêu diệt các cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Sau đó phát triển, chiếm lĩnh toàn bộ khu vực tả ngạn thành phố và huyện Hương Trà. Đêm nay, đại đội ta và một đại đội bộ binh sẽ từ cửa An Hòa, tiến vào sườn tây đánh chiếm đồn Mang Cá. Hiệu lệnh tấn công là bài thơ chúc tết Mậu Thân của Bác Hồ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam… Các đồng chí rõ chưa? “Rõ”. Tiếng rõ được đồng thanh cất lên trong lồng ngực những người lính, để giữ bí mật, dù nhỏ nhưng đanh thép và đầy ý chí quyết thắng.

Từ lúc nhận lệnh vào giải phóng Huế, ai cũng náo nức. Cả đại đội chưa ai đến Huế. Song ai cũng bảo Huế đẹp lắm, nhất là con gái Huế đã đẹp, lại còn mộng mơ, yêu kiều, tình cảm. Có anh chàng còn khe khẽ ngâm bằng giọng Nghệ mấy câu thơ của Tố Hữu được học hồi cấp III: “Trên dòng Hương Giang/ Em buông mái chèo/ Trời trong veo/ Nước trong veo…”.

18 giờ 30 phút, một o giao liên tới đại đội. O mặc bộ bà ba, vai khoác khẩu AK, đầu đội mũ tai bèo, khẽ cất tiếng chào các anh giải phóng. Đúng là giọng Huế nghe ngọt ngào như lời ru. Trời nhập nhoạng tối, chẳng ai nhìn rõ mặt o nhưng ai cũng xì xào khen “Đẹp rứa”. Đức còn thì thào: Ước chi được nắm tay o một cái… có sao cũng bõ. Hùng khẽ gắt: Cái thằng… chỉ gở mồm. Giải phóng Huế xong, mày tha hồ mà cầm tay các o đi dạo sông Hương.

Đúng 19 giờ, đại đội bắt đầu rời cửa rừng, hành quân lặng lẽ trong đêm tối. Mưa xuân lâm râm, gió bắc hun hút thổi nhưng không ai cảm thấy lạnh. Hành quân chừng 6 tiếng thì được lệnh dừng nghỉ, kiểm tra lại vũ khí, trang bị, ém quân vào các làng ven đô. Sát nách Huế rồi. Đã nhìn thấy những dòng chữ bằng ánh sáng điện màu chạy loang loáng trên các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Không khí vẫn yên bình. Cả đoàn quân nín thở chờ lệnh. Khoảng nửa tiếng sau, đất trời bỗng như rung chuyển bởi pháo binh của ta từ nhiều hướng đồng loạt bắn dồn dập vào các căn cứ quân sự của địch. Ngay sau loạt pháo mở màn, quân ta từ hai hướng cùng lúc tấn công vào mục tiêu đã được giao.

Được giao liên dẫn đường, các đơn vị tấn công khu đồn Mang Cá nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Đại đội bộ binh dùng hỏa lực uy hiếp địch để các chiến sĩ đặc công tiếp cận cổng đồn. Quân địch sau giây phút hoảng loạn, nhốn nháo, la thét, đã bắt đầu chống trả. Trên nóc nhà tầng các loại hỏa lực bắn xuống như đổ đạn. Chúng còn cho xe tăng tiến ra bịt cổng chính. Bộ binh ta nhanh chóng dùng B40 bắn cháy hai xe, lửa bốc cao thành ngọn ngùn ngụt. Tranh thủ thời cơ xe tăng địch cháy, các chiến sĩ đặc công dũng mãnh vượt cổng lao vào đồn địch, chiếm được dãy nhà đại đội quân y, đại đội chiến tranh tâm lý. Địch co cụm vào khu nhà chỉ huy phản công quyết liệt, bắn xối xả vào đội hình quân ta. Hùng quăng lựu đạn, vừa nhỏm dậy để xông lên, bỗng cảm thấy bắp chân mình mát lẹm, rồi ngã chúi mặt xuống đất. O giao liên thấy thế liền bò tới, đưa tay vuốt dọc người Hùng. Máu Hùng túa ra ướt đẫm bàn tay o. O vội kêu lên: Đồng chí ni bị thương rồi, nặng lắm...

Trung đội Trưởng Hà vội nhoài đến. Kiểm tra thấy Hùng bị đạn bắn xuyên bắp chân, da thịt lùng nhùng, vội nói với o giao liên: Đồng chí Hùng không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. Nhưng không thể để đồng chí ấy nằm lại đây. Nhờ o đưa đồng chí ấy ta ngoài, ga rô cầm máu, rồi xem có chỗ nào để Hùng nghỉ tạm. Chiếm được đồn địch sẽ tính sau.

Hùng cố sức nhoài theo o giao liên ra đến ngoài cổng thì ngất đi. O liền xốc Hùng dậy, cõng vào một ngôi nhà ven đường. Trong nhà, trên bàn thờ cuộn hương vòng vẫn cháy rực, tỏa khói thơm nhưng không thấy có ai. Gọi cũng không có tiếng thưa. O giao liên liền lấy băng ga rô cầm máu, rồi đưa Hùng vào trong gian kho ở phía sau nhà nằm nghỉ.

Hùng thiếp đi, lúc tỉnh dậy, trời đã sáng, nhưng trong kho vẫn tối mò. Bên ngoài, tiếng súng vẫn nổ chát chúa. Không biết mình đang ở đâu. Hùng định nhỏm dậy lết ra ngoài nhưng không nhấc nổi mình. Hồi lâu có hai người phụ nữ mở cửa vào kho. Một người tự giới thiệu là chủ nhà, chị ta nói được o giao liên báo có anh bộ đội giải phóng bị thương nằm trong kho nhưng giờ mới kiếm được y tá về xem vết thương cho anh. Người y tá kiểm tra vết thương nói chỉ bị vào phần mềm nhưng miệng vết thương rất to, thịt bị bóc gần hết, giờ phải nằm yên, không thể đi lại. Trong khi người y tá vệ sinh, băng bó vết thương, tiêm kháng sinh cho Hùng, thiếu phụ chủ nhà ra ngoài canh chừng. Xong việc hai người trao đổi điều gì với nhau khá lâu. Rồi thiếu phụ chủ nhà vào buồng lấy một bộ quần áo lính ngụy thay cho Hùng và dặn nếu bọn lính có đến, phát hiện ra anh thì cứ nói là lính ngụy bị thương. Lát sau chị ta mang vào cho Hùng tô bún bò còn nóng hổi. Lần đầu tiên được ăn bún Huế, hương vị thật lạ, lại đang đói, Hùng ăn một loáng đã hết tô bún. 8 giờ tối, có hai thanh niên đến mang theo xe xích lô, họ dìu Hùng lên xích lô chở đi. Hùng được đưa tới một ngôi nhà lá nhỏ trong ngôi làng ven sông Hương. Một bà má ra đón Hùng. Chuẩn bị xong chỗ nghỉ cho Hùng thì có mấy o du kích khoác súng về, tíu tít bảo má cho ăn cơm. Thì ra o giao liên đã đưa Hùng ra ngoài đồn đêm qua chính là con gái ruột của má, còn mấy o kia là cùng tiểu đội du kích. O giao liên chạy đến bên Hùng, hỏi thăm sức khỏe rồi bảo: Ta đã giải phóng được Huế rồi anh ạ. Cờ Mặt trận đã được treo trên đỉnh Kỳ Đài. Nhưng mấy ảnh chỉ huy bảo cứ để anh ở ngoài điều trị vết thương. Trong ấy vẫn đang phải lo chống địch phản công. O cũng cho Hùng biết chị chủ nhà anh ở đêm qua là cơ sở của ta song anh chồng lại là lính cộng hòa. Sợ anh ta mò về nhà nên phải đưa Hùng về đây để má chăm sóc. O còn động viên Hùng:

- Anh cứ yên tâm ở đây với má dưỡng thương nhé. Giờ em phải ra ngoài đó với các ảnh.

Mọi người sắp sửa đi, Hùng gọi o giao liên lại hỏi tên. O cười, rồi nhí nhảnh bảo:

- Cứ gọi em là Hương, con gái sông Hương mà anh…

Nói rồi o vội khoác súng chạy theo đám bạn. Ở nhà chỉ còn má và Hùng. Má chăm sóc Hùng cẩn thận như chăm con nít vậy. Rồi má rủ rỉ bảo: Con nhỏ tên là Lan, nó vô Tiểu đội nữ du kích sông Hương nên kêu tên Hương để đùa con đó. Má chỉ có mình nó. Ba nó đặt tên cho con từ lúc chưa sinh rồi lên cứ, hy sinh trong một trận địch càn vào cứ. Má ở vậy nuôi cái Lan. Má con nương tựa vào nhau. Cứ nghĩ lúc cái Lan đi lấy chồng thì không biết má sẽ sống thế nào?

Hùng cười, nói với má: Vậy khi chiến thắng, con về đây ở rể, má có ưng không? Hay là má chê con trai miền Bắc vụng?

Má tát yêu vào má Hùng: Cha mi! Mi mà ưng con Lan thì má ký cả hai tay liền. Chỉ thương tụi bay, đang tuổi lớn, tuổi yêu mà suốt ngày, suốt tháng giặc giã. Đến cái tết cũng chẳng được vui chơi, hò hẹn…

Những ngày sau đó, ngày nào Lan cũng đoảng qua nhà tắm giặt, coi vết thương của Hùng rồi lại vội vã đi. Lan bảo bọn địch đang tập trung lực lượng tổ chức tấn công tái chiếm lại Huế. Hôm nay, một chiến đoàn dù và một chi đoàn thiết xa, có máy bay yểm trợ, xuất phát từ cửa Bắc tiến vào Thành Nội. Chúng cũng tấn công cả đồn Mang Cá nhưng bị lực lượng của ta chặn lại, phải rút, song chắc chắn sẽ tổ chức tấn công lại dữ dội hơn.

Tối mùng 5 tết, Lan về cho hay, bọn địch đã tái chiếm được một nửa sân bay Thành Nội và cửa An Hòa. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng căn nhà, góc phố. Quân ta thương vong nhiều lắm…

Một tối Lan về, dẫn theo hai đồng chí du kích nam. Lan bảo, địch đang tổ chức tấn công tái chiếm rất dữ. Cấp trên chủ trương cho thương binh rút ra cứ trước để bảo đảm an toàn. Hai đồng chí du kích này sẽ đưa Hùng ra ngoài thành. Ở đó sẽ có người đón. Hùng nói, muốn ở lại, vết thương lành sẽ tham gia chiến đấu cùng anh em nhưng Lan dứt khoát nói đó là mệnh lệnh của trên, cả Hùng và Lan phải chấp hành. Chỉ đợi Hùng lên đường là Lan phải ra Thành Nội ngay. Tiểu đội du kích của o được giao nhiệm vụ ngày mai phối hợp với bộ đội chốt chặn địch từ hướng sân bay Phú Bài tiến vào nội đô.

Lúc chia tay, Lan nhìn Hùng đăm đắm rồi bỗng nhiên cởi chiếc khăn rằn đang quàng trên cổ mình, quàng lên cổ Hùng, giọng như người bị hụt hơi: Em tặng anh đó, làm kỷ niệm để anh nhớ mãi về Huế. Hẹn gặp lại anh ngày chiến thắng.

Rồi Lan chạy vụt đi. Hùng thẫn thờ nhìn theo, cả khi Lan đã mất hút vào màn đêm. Má cũng đứng lặng nhìn Hùng hồi lâu, rồi nước mắt má cứ trào ra. Má vội lấy tay gạt nước mắt, vào nhà lấy đòn bánh tét, mấy gói mè xửng đưa cho Hùng, bảo: Con cầm lấy, quà tết Huế đấy, mấy anh em cùng ăn. Đi mạnh giỏi nghe con. Nhớ về với má. Má sẽ giữ con Lan cho con. Nhớ là làng Vân Thê, Thuỷ Thanh, con nhé. Thôi! Các con đi đi kẻo muộn.

Hùng gục đầu vào vai má tạ từ. Hai đồng chí du kích cõng Hùng ra bến. Một chiếc ghe đã đợi sẵn. Qua phá Tam Giang, Hùng quay lại nhìn về Thành Nội. Tiếng súng vẫn nổ chát chúa, những luồng đạn lóe lên vun vút đan nhau như cắt vụn màn đêm. Thi thoảng những đụn lửa lại bùng lên. Ở trong đó còn Đức, còn bao nhiêu đồng đội, còn những o du kích như Lan đang phải chống chọi với bom đạn của kẻ thù.

Đêm ấy là đêm 11 tháng Giêng năm Mậu Thân, 1968. Hùng ra cứ điều trị, khi lành vết thương thì quân địch đã tái chiếm được nội đô. Quân giải phóng phải mở đường máu rút quân. Hùng biết ta thương vong nhiều lắm. Càng nhớ, càng lo và thương Lan đến cồn cào gan ruột nhưng không có cách nào liên lạc được. Nỗi niềm ấy cứ day dứt trong Hùng không lúc nào nguôi. Nhưng cũng phải sau 1975, Hùng mới trở lại được Huế.

Hùng về ngay làng Vân Thê. Hồi hộp, hy vọng và lo lắng. Vừa gặp, má đã ôm Hùng nức nở, má dẫn Hùng vào nhà, chỉ lên di ảnh Lan trên ban thờ, mếu máo: Má không giữ được con Lan cho con rồi. Con ơi! Ngay rạng sáng hôm con đi, bọn thủy quân lục chiến có xe tăng yểm trợ, ầm ập tiến vô Huế. Bọn con Lan chỉ có mìn gài với tiểu liên, súng trường, lựu đạn chống trả, dù đã tiêu diệt được nhiều địch song vẫn không lại được. Mấy đứa nó hy sinh hết ngay sáng đó. Con ơi! Cả đời má, má không tiếc cách mạng thứ chi. Má chỉ ân hận, con Lan ra đi còn trẻ quá, má đã không giữ được nó cho con.

Hùng ôm chặt má, cắn môi đến bật máu, không nói lên lời. Người lính đặc công, xông pha bao trận mạc hiểm nguy, chôn cất bao nhiêu đồng đội, thân thể mình cũng đầy thương tích nhưng chưa khi nào lại thấy đau xót đến như thế.

                                                    

 N. H.L

 

 

 

Các tin khác:

16-20 of 276<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter